TTCK đã lập những kỷ
lục mới trong nhiều phiên gần đây, từ mức 230 điểm vào tháng 2, VN-Index
đã lên đến 351,32 điểm vào phiên giao dịch hôm 5/5, tăng khoảng 50%. Tính thanh khoản được cải thiện rõ rệt, với điểm nổi
bật của đợt phục hồi lần này là giá trị giao dịch tiến những bước nhảy vọt.
Chỉ tính riêng trong tuần từ 13/4 – 17/4 khối lượng giao dịch đã đạt mức kỉ lục
khi đạt con số 249 triệu đơn vị, tương đương giá trị 6.175 tỉ VND. Sàn TPHCM
khớp lệnh 30, 40, thậm chí́ 50 triệu cổ phiếu/ngày không còn là chuyện hiếm,
đặc biệt có ngày đã đạt ngưỡng 100 triệu/ngày. Ngay cả thời hoàng kim tháng
3-2007 khi VN-Index luôn nằm trên ngưỡng 1.000 điểm, sàn TPHCM cũng không
thể có được những kỷ lục như thế. Chưa bao giờ, thanh khoản
lại lập kỷ lục và liên tục phá kỷ lục như vậy, điều đó cho thấy hiện có
một lượng tiền lớn đã đổ vào TTCK.
Sự thăng hoa của TTCK Việt Nam trong thời gian qua đã
lập nên một kỳ tích ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với
nhiều thách thức. Câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là đâu là vì sao
chứng khoán lại tăng nóng đến như vậy? Nhân tố nào đã tạo nên những kỷ lục
cho chứng khoán? Liệu chứng khoán đã bước vào chu kỳ tăng trưởng bền vững? Và
các NĐT cần chú ý gì trong bối cảnh hiện nay?
Nhận định về sự bùng nổ của TTCK Việt Nam, nhiều
chuyên gia cho rằng những gì đang diễn ra trong một vài tuần qua chính là sự
kết thúc của một thị trường đã đi xuống trong 2 năm qua. Trong
khoảng 2 năm vừa qua, TTCK Việt Nam đã mất gần 80% so với đỉnh điểm
và mức sụt giảm này dường như đã đủ.Việc NĐT trong nước và nước ngoài liên tục
bán ra đã không còn nữa. Ở mức đáy của thị trường, khi NĐT không còn bán ra nữa
thì đó là dấu hiệu thị trường bắt đầu đi lên trở lại. Cho đến hiện tại, thị trường
đã phục hồi được khoảng 50% và điều này có thể coi là ấn tượng trong bối cảnh
kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều khó khăn như hiện nay.
Lý giải về những phiên thanh khoản kỷ
lục thời gian qua, cũng như nhận định về luồng tiền đổ vào chứng khoán, các
chuyên gia cho rằng, TTCK có thời điểm xuống rất thấp do những tác động của suy
giảm kinh tế dẫn đến khó khăn của DN. Nhiều DN thua lỗ nặng nề. Tuy nhiên, nay
đứng trước những tín hiệu tốt về nền kinh tế, NĐT bình tâm hơn và mua cổ phiếu.
Sự vào cuộc của các quỹ nước ngoài theo chu kỳ giải ngân cũng được xem là một
tác động. Nhưng quan trọng hơn là
thị trường đã được nhiều thông tin hỗ trợ. Trong đó là hàng loạt các gói kích
cầu mới đang được Chính phủ công bố dần. Việc điều chỉnh lương tối thiểu - nằm
trong gói chương trình an sinh xã hội - cũng đã được công bố. Và mới đây nhất
là gói kích cầu cho nông thôn. Bên cạnh đó, các thông tin kinh tế đến từ các
nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế Mỹ cũng đã hỗ trợ tốt cho TTCK Việt Nam.
Vậy luồng tiền đổ vào chứng khoán đến
từ đâu? Nhiều chuyên gia cho rằng: đó chính là lớp NĐT mới. Các công ty chứng khoán cho biết tài khoản của các
NĐT mới được kích hoạt mạnh với lượng tiền lớn, hàng tỉ đồng. Nếu trong cả
tháng 3 NĐT bỏ ra có 7.600 tỉ đồng để mua chứng khoán tại sàn TP.HCM (chưa kể
giao dịch thỏa thuận), thì chỉ riêng bốn phiên giao dịch của những ngày đầu
tháng 4-2009 con số này đã là 2.781 tỉ đồng. Trong đó, phiên ngày 7/4 đạt 1.255
tỉ đồng. Theo một số chuyên gia chứng khoán, sức cầu về chứng khoán đã tăng
mạnh khi giá chứng khoán đã “thấy đáy” với VN-Index về 235 điểm và sau đó rời
khá xa đáy. Và khi thị trường “xanh” nhiều hơn, các NĐT đã bắt đầu “giải ngân”,
dòng tiền này từ nhiều tháng qua đã nằm trên tài khoản tiết kiệm do lãi suất
quá thấp. Thị trường đã bật lên mạnh mẽ với tiềm lực của lớp NĐT mới. Vai trò
của lớp NĐT mới đang được khẳng định và họ “đổ” vốn vào thị trường với cường độ mạnh, tốc độ giải ngân
nhanh. Đặc biệt, một lượng lớn tiền từ vàng đã chạy sang chứng khoán. Một
chuyên gia cho rằng trong hàng tỉ USD xuất khẩu vàng của ba tháng đầu năm nay,
trong đó có nhiều vàng do dân bán ra. Khi giá vàng lên, nhiều người bán ra để
chốt lời và một phần nguồn tiền này bắt đầu đổ vào chứng khoán...
Thị trường nhiều tín hiệu lạc quan,
VN- Index sẽ lên đến ngưỡng nào? Một số chuyên gia nhận định: Không loại trừ sẽ
có những phiên tăng mạnh nhưng nhiều khả năng đó là bẫy phục hồi
(blluetrap), sau đó sẽ là đợt giảm mạnh về dưới ngưỡng 300 điểm. Một số ý kiến
khác dự đoán cho rằng cuối năm VN-Index sẽ trên mức 400 điểm nhưng cũng có quan
điểm cho rằng VN Index chỉ dao động từ 300-360 điểm. Trước những diễn biến này,
nhiều chuyên gia khuyên NĐT nên thận trọng để cân bằng giữa triển vọng tăng
trưởng với rủi ro giảm giá của thị trường, do thị trường thế giới không ổn, tâm
lý NĐT có thể chuyển dịch từ tích cực sang tiêu cực.
NĐT hiện đang đứng trước rất nhiều luồng thông tin
khác nhau. Ngay bản thân TTCK Mỹ cũng xuất hiện các tin tức trái ngược, mặc dù
TTCK tăng điểm song các nhận định, các chỉ số về nền kinh tế và thị trường tín
dụng vẫn chưa thực sự đưa ra một cái nhìn sắc nét về việc khủng hoảng đã thực
sự qua hay chưa. Theo đánh giá của một số chuyên gia, nền kinh tế Mỹ và thế
giới đang còn diễn biến phức tạp và chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để ngăn chặn
đà suy giảm cũng như hồi phục nền kinh tế. Với nền kinh tế Việt Nam, do độ trễ
nên chính sách tiền tệ sẽ phát huy tác dụng kể từ quý 3/2009, thị trường bất
động sản cho thấy tiềm năng tăng trưởng tốt; sức mua của nền kinh tế tăng
trưởng tốt. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ giảm trong cả năm, các DN
sẽ gặp khó khăn trong quý 2, chỉ có thể kỳ vọng quý 3 sẽ bớt khó khăn hơn để có
thể bắt đầu hồi phục. Trong quý 2, các công ty niêm yết sẽ phải lập dự phòng
tài chính, tồn kho... Kết quả sản xuất kinh doanh của DN sẽ đi vào bản chất nên
khó có động lực thúc đẩy chỉ số VN - Index tăng. Trong khi đó trên thị trường
Việt Nam, sau đợt tăng nóng vừa qua trên cả hai sàn, động thái chốt lời mạnh mẽ
của các NĐT lướt sóng đã khiến thị trường trong một số phiên vừa qua tràn ngập
lệnh bán sàn. Một số chuyên gia cho rằng TTCK cứ tăng liên tục dựa vào tâm lý
của NĐT "lướt sóng" là chủ yếu. NĐT này có lãi kéo theo sự tham gia
của NĐT khác là không ổn. Việc có CP tăng giá đến 100% là điều mà NĐT cần phải
xem lại. Việc tăng thẳng đứng thì khi xuống cũng dễ thẳng đứng, bởi hoàn cảnh
chung (cả trong nước và thế giới) chưa cho phép VN-Index "bốc" lên.
Cần nhớ là nửa đầu năm 2006, sau một thời gian tăng từ 304 điểm lên 632 điểm,
thì ngày 6/8/2006 đã rơi xuống dưới 400 điểm.
Sự đi lên hăng
hái của TTCK cùng lượng cầu rất lớn trong những phiên vừa qua đã có những tác
động mạnh tới một bộ phận lớn NĐT, tạo cho họ một tâm lý phấn chấn, lạc quan
vào những diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, sự tăng điểm liên tục của TTCK cũng
là nỗi băn khoăn của các NĐT về việc thị trường đã thực sự đã hồi phục và đứng
vững trong bối cảnh nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Những
nhân tố này ảnh hưởng đến sự phục hồi bền vững của TTCK. Có thể nói đây chính
là thời điểm cần cân nhắc trong chiến lược đầu tư đối với những NĐT dài hạn
cũng như những nhà đầu cơ, cần phải sáng suốt theo dõi các dấu hiệu, diễn biến
của thị trường để có quyết định đầu tư chính xác.
Lê Ngọc Minh