Các quy định về chế tài có ý
nghĩa thực tiễn rất quan trọng để tăng cường pháp chế trong hoạt động
kiểm toán đảm bảo hoạt động kiểm toán diễn ra theo đúng pháp luật. Tuy nhiên,
trong hệ thống pháp luật hiện hành về kiểm toán nhà nước hầu như chưa có các quy định về chế tài
trong các trường
hợp vi phạm của đơn vị được
kiểm toán, của Kiểm toán viên, đoàn kiểm toán, cơ quan kiểm toán, các tổ chức
và cá nhân có liên quan, trừ một loại quy định rất chung như: “ chịu trách
nhiệm trước pháp
luật, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật... ”. Thực tế, qua hơn 3 năm thực hiện
Luật Kiểm toán nhà nước,
nhiều trường
hợp vi phạm về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân
có liên quan như:
không cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu; không thực hiện đầy
đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; cản trở việc kiểm toán; che dấu
các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách..., song chưa có quy định cụ thể nào về xử lý
vi phạm. Chính do chưa có các quy
định về chế tài một cách cụ thể và đầy
đủ cho nên việc chấp hành pháp luật về kiểm toán chưa nghiêm, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu
lực của hoạt động kiểm toán.
và tính nghiêm minh của pháp luật.
Ngày 18/8/2008, Chính phủ đã ban
hành Nghị định số 91/2008/NĐ-CP về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực
hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Tại Điều 15 của Nghị định đó quy định rằng các hành vi vi
phạm quy định về công khai kết quả kiểm toán; đồng thời quy định các hình thức
xử lý vi phạm: cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về
công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính
chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về xử lý
kỷ luật; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước hoặc bị truy cứu trách nhiệm
hình sự theo quy định của pháp luật. Như vậy, để tạo cơ sở
pháp lý cho việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước,
Chính phủ sẽ có một Nghị định quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính
trong hoạt động kiểm toán nhà nước, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử
phạt và thủ tục xử phạt. Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm chủ trì xây dựng và
trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt
động kiểm toán, trong đó có hành vi vi phạm về công khai kết quả kiểm toán của
Kiểm toán Nhà nước.
Để có cơ sở cho việc đề xuất áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính,
trước hết cần làm rõ khái niệm vi phạm hành chính và vi phạm hành chính trong
lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Khái niệm vi phạm hành chính lần đầu tiên được nêu
ra trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30/11/1989. Điều 1 của Pháp
lệnh này đã chỉ rõ: “Vi phạm hành chính
là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm các
quy tắc quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của
pháp luật phải bị xử phạt hành chính”. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính
năm 2002 không trực tiếp đưa ra khái niệm về vi phạm hành chính nhưng khoản 2
Điều 1 của Pháp lệnh này đã đưa ra khái niệm vi phạm hành chính một cách gián
tiếp, theo đó “Xử phạt vi phạm hành chính
được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân,
tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản
lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử
phạt hành chính”.
Tuy có sự khác nhau về cách diễn đạt, quan niệm về vi phạm hành chính
trong các văn bản pháp luật nêu trên đều thống nhất với về những dấu hiệu, bản
chất của loại vi phạm pháp luật này. Trên cơ sở những nội dung được nêu ra
trong hai văn bản pháp luật nêu trên, có thể đưa ra khái niệm về vi phạm hành chính như sau: “Vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân, tổ
chức thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về
quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và phải bị xử phạt hành chính theo quy
định của pháp luật”.
Khi một tổ chức hay cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, về
nguyên tắc, Nhà nước sẽ buộc họ phải gánh chịu những hậu quả bất lợi nhất định.
Việc làm này nhằm mục đích khôi phục lại trật tự pháp luật đã bị xâm phạm, đồng
thời giáo dục tổ chức, cá nhân vi phạm cũng như toàn thể cộng đồng ý thức tuân
thủ pháp luật. Hậu quả pháp lý bất lợi mà tổ chức, cá nhân vi phạm phải gánh
chịu thể hiện ở việc họ bị buộc phải thực hiện các biện pháp chế tài đã được
quy định trong pháp luật. Tương ứng với mỗi loại vi phạm pháp luật là một hình
thức trách nhiệm pháp lý nhất định. Trách nhiệm hành chính được đặt ra đối với
tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm hành chính.
Đối với lĩnh vực hoạt động kiểm toán nhà nước, mặc dù đã có quá trình ra
đời và phát triển gần 15 năm, hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước không
ngừng hoàn thiện, đặc biệt là việc ban hành Luật Kiểm toán nhà nước (có hiệu
lực từ ngày 01/01/2006). Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước hiện hành chưa có các quy định
cụ thể về chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán nhà nước. Hệ
thống pháp luật về vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính của nước ta
mặc dù liên tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp thực tiễn quản lý
nhà nước, song cũng chưa có quy định nào đề cập đến các hành vi vi phạm pháp
luật kiểm toán nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm đó. Trong khi đó hầu hết các lĩnh vực của quản lý nhà nước, trong đó có
những lĩnh vực rất mới như chứng khoán và thị trường chứng khoán, hoặc có những
lĩnh vực đặc thù như toà án nhân dân, thi hành án dân sự... đều đã có nghị định
của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực đó.
Với
vị thế là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành
lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước có chức
năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối
với mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà
nước. Mục đích của hoạt động kiểm toán nhà nước là nhằm phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong
quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết
kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn các hành
vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà
nước. Với bản chất là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước, hoạt động kiểm toán
của Kiểm toán Nhà nước là một trong những nội dung của quản lý nhà nước về lĩnh
vực kiểm toán nhà nước. Trong quá trình KTNN thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đã
làm phát sinh các mối quan hệ giữa KTNN với các đơn vị được kiểm toán, giữa
KTNN với các tổ chức, cá nhân có liên quan mà nội dung của các quan hệ này là
quyền và nghĩa vụ của các bên. Tất cả các quan hệ đó đều được điều chỉnh bởi
các quy phạm pháp luật được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật
khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau điều chỉnh các quan hệ xã hội
trong lĩnh vực hoạt động kiểm toán nhà nước. Tổng thể các quy phạm đó tạo thành
hệ thống pháp luật về KTNN. Các quy phạm pháp luật về KTNN quy định cho các bên
tham gia quan hệ pháp luật về KTNN có các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định;
đồng thời quy định trách nhiệm pháp lý của các bên nếu không thực hiện đúng quy
định của pháp luật hoặc vi phạm quyền của bên kia trong quan hệ. Do các quy
phạm pháp luật về KTNN được Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã
hôi phát sinh trong hoạt động kiểm toán nhà nước nên có tính bắt buộc chung và
được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
Trong
thực tế hoạt động kiểm toán luôn có những hành vi cố ý hay vô ý vi phạm các quy
định của Nhà nước về hoạt động KTNN. Các hành vi đó chính là các hành vi vi
phạm pháp luật kiểm toán nhà nước xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước về hoạt
động KTNN. Các hành vi vi phạm pháp luật này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm
đều phải bị xử lý, có những hành vi bị xử lý hình sự khi gây nguy hiểm lớn cho
xã hội và có đủ yếu tố cấu thành tội phạm như các hành vi tham nhũng. Tuy
nhiên, đa số các hành vi vi phạm pháp luật KTNN không phải là tội phạm mà là vi
phạm hành chính và cần phải bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi
phạm hành chính.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN là
hành vi do cá nhân, tổ chức (bao gồm, đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân
thuộc đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan) thực hiện với lỗi
cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động KTNN mà không phải là tội phạm và phải bị xử
phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Vi
phạm hành chính trong hoạt động KTNN có thể khái quát theo 03 nhóm hành vi sau
đây:
-
Hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan vi
phạm các điều cấm, vi phạm các nghĩa vụ pháp lý theo quy định của Luật Kiểm
toán nhà nước;
-
Hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan về
thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN;
-
Hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan về
công khai kết quả kiểm toán của KTNN.
Như
vậy, để nâng cao hiệu lực của hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp
luật, việc áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá
nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước là một đòi hỏi cấp
bách. Đòi hỏi này xuất phát từ các yêu cầu khách quan của bảo đảm pháp chế XHCN
trong hoạt động của KTNN ở nước ta hiện nay, cụ thể là:
Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu của việc hoàn thiện pháp
luật về kiểm toán nhà nước
Để
đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới cũng như đòi hỏi khách
quan của sự tiếp tục phát triển KTNN, KTNN cần tiếp tục được phát triển toàn
diện mà điều kiện cho sự phát triển đó là phải tạo lập được môi trường pháp
lý thích hợp. Pháp luật về Kiểm
toán Nhà nước là tổng hợp các quy phạm
pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình
hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Pháp luật về Kiểm toán Nhà nước xác
định địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước cũng như quyền và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước và các bên có liên
quan trong quá trình hoạt động của Kiểm
toán Nhà nước. Như vậy, pháp luật về kiểm toán nhà nước là cơ sở cho sự tồn tại và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, cần phải được hoàn
thiện, bảo đảm tính toàn diện của hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước. Tính
toàn diện của hệ thống pháp luật được biểu hiện ở hai yêu cầu: yêu cầu chung
và yêu cầu cụ thể.
+
Yêu cầu chung của tính toàn diện của hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước
thể hiện ở sự đầy đủ của các luật có liên quan có cơ cấu nội dung lôgic khách
quan. Các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động bao giờ cũng nằm trong một
chỉnh thể thống nhất, không được coi trọng loại quan hệ này mà coi nhẹ loại
quan hệ khác.
Yêu
cầu chung của tính toàn diện của hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước
không chỉ đòi hỏi ở sự đầy đủ của các luật liên quan, mà còn đòi hỏi ở sự phát
triển đồng bộ giữa các ngành luật, tức là các ngành luật phải cùng nằm chung
trên một mặt bằng phát triển.
+
Yêu cầu cụ thể của tính toàn diện của hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước
thể hiện ở sự đầy đủ các chế định pháp luật, trong đó có các quy định về xử lý
các hành vi vi phạm pháp luật KTNN; các khía cạnh pháp lý và quy phạm pháp luật
ngay trong bản thân nội dung Luật Kiểm toán nhà nước.
Thứ hai, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về kiểm
toán nhà nước
Pháp
luật về kiểm toán nhà nước là
tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh
các mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Pháp luật về kiểm toán nhà nước xác định địa vị
pháp lý, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Kiểm
toán Nhà nước cũng như quyền và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước và các bên có liên
quan trong quá trình hoạt động của Kiểm
toán Nhà nước. Pháp chế XHCN trong hoạt động KTNN là sự đòi hỏi các cơ
quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội, cán bộ công chức nhà
nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải triệt để tuân theo và chấp hành
thường xuyên, nghiêm chỉnh pháp luật về kiểm toán nhà nước. Đòi hỏi này của
pháp chế là cơ sở để khẳng định rằng: xây dựng và hoàn chỉnh pháp luật là rất
quan trọng, nhưng cũng chỉ là bước đầu, khó khăn lớn nhất là việc tổ chức thực
hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, biến pháp luật thành hoạt động
thực tiễn của xã hội. Vì vậy, sau khi nhà nước ban hành pháp luật, việc tổ chức
thực hiện pháp luật giữ vai trò quan trọng trong quá trình củng cố tăng cường
pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tình trạng của pháp chế tuỳ thuộc vào tình trạng
hiện hành của pháp luật, nghĩa là pháp luật phải được tuân theo và chấp hành
thường xuyên nghiêm chỉnh trong cuộc sống.
Thứ ba, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành
vi vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước
Pháp
chế xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm kỷ cương, duy trì trật tự pháp luật và trật
tự xã hội. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm
pháp luật là vấn đề có tính nguyên tắc. Để đấu tranh chống và phòng ngừa những
vi phạm pháp luật và tội phạm có hiệu quả, phải giải quyết kịp thời từ những vụ
việc vi phạm pháp luật không lớn cho đến những vụ việc lớn nguy hiểm cho xã
hội. Cũng như các lĩnh vực khác của quản lý nhà nước, trong hoạt động kiểm toán
nhà nước, trách nhiệm pháp lý là bắt buộc đối với tất cả những ai đã vi phạm
pháp luật kiểm toán nhà nước. Những người vi phạm pháp luật nhất thiết phải bị
xử lý. Không một người nào có thể biện bạch cho những hành vi vi phạm pháp luật
của mình, dù người đó ở cương vị gì trong xã hội, hoặc do bất kỳ lý do nào gây
nên. Ở đây, điều quan trọng là phải làm cho mọi hành vi vi phạm pháp luật đều
được phát hiện và xử lý công minh theo pháp luật. Kiên quyết đấu tranh chống
những biểu hiện lợi dụng chức quyền để vi phạm pháp luật, hoặc dung túng bao
che cho những hành vi phạm pháp. Nếu những hành vi phạm pháp không bị xử lý,
thì sự buông lỏng đó sẽ là tiền đề gây ra những hành vi phạm pháp tiếp theo.
Hơn nữa nó còn gây nên tâm lý coi thường pháp luật, gây tổn hại cho pháp chế và
trật tự pháp luật.
Do vậy, trong định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp
luật về kiểm toán nhà nước, cần thiết phải xác định trách nhiệm pháp lý của
Kiểm toán Nhà nước, của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật về kiểm
toán nhà nước để có cơ sở pháp lý xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm. Điều
này thể hiện ở những nội dung chủ yếu như sau:
-
Kiểm toán Nhà nước phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm toán của mình và có trách nhiệm bồi
thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán;
-
Đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm
trước pháp luật khi có hành vi vi phạm các điều cấm của Luật KTNN; không thực
hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định
của Luật KTNNN;
-
Kiểm toán viên nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng
KTNN về kết quả kiểm toán của mình và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong
trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán; trong quá trình thực hiện
kiểm toán nếu có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp
luật.
Nguyên
tắc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể nêu trên là: tuỳ theo tính
chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định
của pháp luật. Đây là những nội dung chế tài cần thiết phải được nghiên cứu để
quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước, tạo cơ sở pháp
lý cho việc xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, góp phần bảo đảm
hiệu lực hoạt động của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật./.
Đặng Văn Hải
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNNTài
liệu tham khảo:
-
Luật Kiểm toán nhà nước;
-
Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thanh tra;
-
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
(đó
được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007 và
năm 2008);
-
Nghị định của Chính phủ số 91/2008/NĐ-CP ngày 18/8/2008
quy
định về công khai kết quả kiểm toán của KTNN;
-
Giáo trình Luật hành chính Việt Nam.
Trường Đại học luật
Hà nội (2005), NXB CAND