Hoạt động kế toán, kiểm toán cũng đã bắt nhịp kịp thời với
yêu cầu đổi mới theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây
dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ năm 1994 hệ thống kế toán
bắt đầu được cải cách toàn diện và triệt để, hệ thống kiểm toán cũng được phát
triển mạnh mẽ. Cho đến nay trải qua chặng đường gần 20 năm cải cách, hệ thống kế
toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể, từng bước phù hợp với
yêu cầu của nền kinh tế thị trường, tiếp cận và hội nhập với kế toán khu vực và
thế giới. Thành tựu lớn nhất đạt được là đã có hệ thống pháp lý về kế toán và
kiểm toán thống nhất: Luật Kế toán có hiệu lực từ 01/01/2004, tiếp theo đó đã
ban hành và công bố Luật Kiểm toán nhà nước, các Nghị định hướng dẫn Luật Kế toán,
Nghị định về Kiểm toán độc lập, xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán
doanh nghiệp, hệ thống chuẩn mực kiểm toán. Có thể nói hệ thống văn bản pháp luật
về kế toán, kiểm toán đã được cải cách căn bản đã và đang đi vào cuộc sống và
phát huy tác dụng tốt. Mặt khác, qua hoạt động kế toán và kiểm toán đã tạo ra sự
đổi mới tư duy cho cán bộ quản lý kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, những
người làm kế toán nhận biết rõ ràng ở Việt Nam về hệ thống kế toán có hệ thống
kế toán doanh nghiệp và hệ thống kế toán nhà nước, về hệ thống kiểm toán có hệ
thống kiểm toán nhà nước, hệ thống kiểm toán độc lập và hệ thống kiểm toán nội bộ.
Đặc biệt, các nhà quản lý đã nhận thức rõ hơn tác dụng của kế toán không chỉ là
ghi chép tổng hợp số liệu để báo cáo với cơ quan nhà nước mà còn là công cụ giúp
các nhà quản lý điều hành hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị, tác dụng của
kiểm toán không chỉ phát hiện sai phạm mà là công cụ để “kiểm tra sức khỏe” của
các đơn vị, giúp đơn vị, có giải pháp củng cố phát triển đúng hướng. Đồng thời kế
toán, kiểm toán được xác định là một hoạt động nghề nghiệp độc lập, người làm kế
toán, kiểm toán, làm kế toán trưởng, làm trợ lý kiểm toán được ràng buộc bởi các tiêu chuẩn điều kiện, đạo
đức nghề nghiệp, có trách nhiệm, nghĩa vụ với xã hội và được hưởng quyền lợi tương
xứng. Người làm kế toán, kiểm toán được pháp lý thừa nhận, được quyền tham gia trong
các tổ chức nghề nghiệp, được bảo vệ quyền lợi phẩm giá chính đáng theo qui định
của pháp luật. Thành công cuối cùng là đội ngũ người làm kế toán càng lớn mạnh
về qui mô và chất lượng nghề nghiệp, được đào tạo thông qua nhiều hình thức khác
nhau. Bước đầu xuất hiện và hình thành chức danh chuyên gia kế toán. Tính đến hết
năm 2007 có khoảng 1.300 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên và nhiều người
khác được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán. Đây là những chuyên gia kế toán, kiểm
toán giỏi, đủ sức hành nghề độc lập, là hạt nhân để tạo lập đội ngũ người làm kế
toán đông đảo và có chất lượng. Họ chính là người mang lại niềm tin cho các nhà
quản lý, đảm bảo sự minh bạch và nâng cao độ tin cậy thông tin số liệu kế toán,
tạo nên sự phát triển và hội nhập của hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam với
khu vực và thế giới.
Có thể nói,
quá trình đổi mới và cải cách hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đã có nhiều
thành tựu. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu tạo dựng cho quá trình phát
triển và hội nhập, chúng ta còn nhiều tồn tại trong hoạch định chính sách về kế
toán, kiểm toán. Các chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ, thậm chí còn bị chia cắt
manh mún, cần được sửa đổi bổ sung kịp thời. Trong tổ chức triển khai và kiểm
tra thực hiện các văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán, trong việc phát triển
hoạt động nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nghề nghiệp chưa thực hiện đồng bộ
và thường xuyên. Việc đánh giá, kiểm soát chất lượng công việc của người làm kế
toán kiểm toán, người hành nghề kế toán chưa được coi trọng, những tiêu cực,
sai sót thậm chí còn có các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho tham ô,
lãng phí, tham nhũng. Để hoàn thiện và phát triển hệ thống kế toán và kiểm toán,
tạo dựng những điều kiện để hội nhập về kế toán, kiểm toán với khu vực và thế giới
cần xem xét quan tâm một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ
nhất: Cần tổng kết đánh giá sau sáu năm thực hiện Luật Kế toán, nghiên
cứu xem xét sửa đổi bổ sung các nội dung của Luật, trong đó đặc biệt chú ý qui định
thêm các điều khoản hành nghề kế toán, phân biệt rõ chức năng quản lý nhà nước
của cơ quan nhà nước và chức năng của tổ chức nghề nghiệp trong hoạt động kế toán,
qui định thêm công việc kế toán trong điều kiện hiện đại hóa, cơ giới hóa kế toán
(chứng từ điện tử, giao diện điện tử, quản lý sử dụng phần mềm kế toán). Cần
xem xét loại bỏ một số các qui định các công việc kế toán mang tính thủ công (xử
lý sai sót khi ghi sổ kế toán, thực hiện một số các công việc kế toán khi bàn
giao sáp nhập, hợp nhất đơn vị kế toán). Hệ thống chuẩn mực kế toán áp dụng cho
các doanh nghiệp phải xem xét cập nhật đảm bảo các nội dung thay đổi của chuẩn
mực kế toán quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán công cần phải xem xét công bố
ban hành theo lộ trình, theo nguyên tắc chuẩn mực nào phù hợp với đặc điểm Việt
Nam thì công bố trước, chuẩn mực nào còn có khác biệt thì nghiên cứu xây dựng
chuẩn mực của Việt Nam để áp dụng phù hợp. Lĩnh vực kiểm toán cần xây dựng ngay
Luật kiểm toán độc lập thay thế Nghị định về kiểm toán độc lập hiện hành và các
văn bản hướng dẫn thực hiện. Xây dựng ban hành Nghị định về kiểm toán nội bộ
cho các đơn vị sử dụng tài sản, vốn của nhà nước và cho các doanh nghiệp. Ngoài
ra, cần nghiên cứu ban hành các qui trình nghiệp vụ về kế toán kiểm toán thay
thế các chế độ kế toán đặc thù (chế độ kế toán doanh nghiệp xây lắp, kế toán hợp
tác xã, kế toán các quĩ tài chính, kế toán tài chính và ngân sách xã) đảm bảo chế
độ kế toán thống nhất không bị chia cắt. Xu hướng lâu dài về chế độ kế toán chỉ
còn chế độ kế toán nhà nước và chế độ kế toán doanh nghiệp.
Thứ hai: Tăng cường hơn nữa cả về qui mô và lực lượng kiểm tra,
giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán kiểm toán thông qua hệ thống thanh tra,
kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập. Thu thập kịp thời các kiến nghị, đề xuất
của các đơn vị kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để hoàn thiện hệ thống pháp luật
về kế toán kiểm toán, đảm bảo các văn bản pháp luật kế toán, kiểm toán ban hành
có tính khả thi và đi vào thực tiễn cơ sở. Mặt khác, thông qua các tổ chức nghề
nghiệp tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng hành nghề kế toán, hành nghề kiểm
toán, người không đủ năng lực hành nghề phải được thu hồi đăng ký kinh doanh và
thu hồi chứng chỉ hành nghề có như vậy mới đảm bảo chất lượng hoạt động kế toán,
kiểm toán trên thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Thứ ba: Thời đại hiện nay là thời đại của tin học hóa, hoạt động
kế toán kiểm toán cũng dần được cơ giới hóa và hiện đại hóa. Các giao dịch
thanh toán và kế toán không dừng lại ở một quốc gia mà là giao dịch qua biên giới.
Dịch vụ kế toán cũng thực hiện qua biên giới. Do đó, bên cạnh hội nhập theo các
thông lệ nguyên tắc kế toán, kiểm toán thì các hoạt động dịch vụ cũng được xem
xét chuẩn bị cho hội nhập. Mặt khác, các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực kiểm toán
quốc gia cũng phải xem xét lại đảm bảo ngày càng hòa nhập với các chuẩn mực quốc
tế. Trong hoạt động tin học nhiều nước trên thế giới đã thực hiện xây dựng và sử
dụng phần mềm chuẩn. Việt Nam đã và đang hướng tới sử dụng các phần mềm chuẩn.
Các tập đoàn kinh tế Việt Nam đã mua sử dụng phần mềm chuẩn Oracol. Trong hoạt động
thu chi ngân sách, Bộ Tài chính cũng đã triển khai áp dụng dự án TABMS theo phần
mềm chuẩn do nhà thầu IBM triển khai thực hiện. Như vậy việc hoàn thiện hệ thống
kế toán, kiểm toán, ban hành các văn bản pháp luật, biên soạn qui trình nghiệp
vụ, tổ chức bộ máy kế toán phải hướng tới kế toán trên máy vi tính, kế toán sử
dụng thống nhất các phần mềm chuẩn để mang lại lợi ích cao nhất cho điều hành
quản lý kế toán và kiểm toán.
Thứ tư: Vấn đề con người hoạch định chính sách và triển khai thực
hiện công việc kế toán, kiểm toán là yếu tố quan trọng nhất. Để đảm bảo chất lượng,
hiệu quả của hệ thống kế toán, kiểm toán được vận hành thông suốt phải có đội
ngũ kế toán, kiểm toán có trình độ chuyên môn cao phù hợp với từng lĩnh vực, từng
khâu công việc. Trước tiên phải chú trọng đào tạo chuyên gia kế toán, đây là những
cán bộ nòng cốt để hoạch định chính sách kế toán và đầu tầu trong vận hành bộ máy
kiểm tra, kiểm toán cũng như tổ chức thực hiện công tác kế toán tại cơ sở. Bên
cạnh đào tạo theo chương trình chuẩn, chính quy thì cũng phải có chương trình đạo
tạo bổ sung cập nhật kiến thức, thông tin mới về kế toán, kiểm toán cho họ. Vấn
đề đào tạo cần chú ý đến đặc thù của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, đó là đạo đức
nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn nhưng phải trung thực, vô tư, khách quan. Như vậy
đòi hỏi phải thường xuyên trau dồi nghiệp vụ kế toán, kiểm toán và đạo đức nghề
nghiệp trong sáng.
Ngoài ra
cần có văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục đào tạo có qui trình đào tạo thực hành
kế toán cho học sinh, sinh viên, phải có phòng học thực hành các công việc kế
toán, kiểm toán và thực hành thành thạo máy vi tính. Cán bộ tốt nghiệp chuyên
ngành kế toán, kiểm toán khi ra công tác ở các đơn vị cơ sở phải thực hiện thành
thạo ngay các công việc của kế toán, kiểm toán.