LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
KIỂM TOÁN HOẠT ĐỘNG - CÔNG CỤ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ CÔNG
Đầu tư công là một phạm trù tài chính gắn liền với chức năng quản lý của Nhà nước và có liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Hiệu quả quản lý đầu tư công được đặt ra trong bối cảnh là nguồn lực tài chính của mỗi quốc gia có sự giới hạn nhất định, nhưng vẫn thỏa mãn tốt những nhu cầu cần thiết nhằm đạt các mục tiêu quản lý kinh tế, chính trị, xã hội của Nhà nước.
Kiểm toán hoạt động - Công cụ nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công

Đánh giá hiệu quả quản lý chi tiêu công của Việt Nam trong thời gian qua

Giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo sự lan tỏa trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng trong thời gian qua, đầu tư công tại các địa phương lại đang diễn ra rất dàn trải, phân bổ vốn chậm và còn một số nội dung sai. Mặc dù đầu tư với tỷ lệ rất cao là từ 40 – 41%, nhưng tăng trưởng lại chỉ khoảng 7%, nếu cố đẩy mức tăng trưởng lên thì ngay lập tức sẽ lâm vào tình trạng tăng trưởng nóng. Hậu quả là khi gặp khó khăn, nền kinh tế sẽ sinh tính trì trệ.

Trong quá trình soạn lập ngân sách, kiểm soát các yếu tố đầu vào được coi trọng hơn là sự cải thiện kết quả hoạt động của ngành thông qua thực thi các mục tiêu và nhiệm vụ của ngành. Các thông số về đầu ra cũng như về kết quả thường ít được quan tâm, nên ngân sách thiếu thực tế dễ bị điều chỉnh và có thể tạo ra một kết quả ngoại ý. Ngân sách được lập hàng năm vừa tốn thời gian, nhân lực và tiền bạc, vừa không dự liệu hết mọi biến cố trung hạn có thể ảnh hưởng đến dự toán. Ngân sách chi thường xuyên và ngân sách chi đầu tư phát triển được soạn lập một cách riêng rẽ làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực công. Nói cách khác, nguồn tài trợ cho những kế hoạch nói trên không được quan tâm đúng mức dẫn đến sự hụt hẫng về tài chính nên nhiều công trình, dự án đầu tư phải chờ kinh phí hoặc bỏ dở. Kinh phí đầu tư dàn trải cho nhiều dự án khiến những ưu tiên của Chính phủ không được tài trợ tương xứng với tầm quan trọng của chúng.

Những nguyên nhân chính

Thực tế cho thấy, số lượng các dự án đầu tư dàn trải, dự án duyệt chờ ngân sách cấp vốn có xu hướng tăng đang là áp lực lớn đối với ngân sách nhà nước trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp như hiện nay.

Thêm vào đó, trong quá trình xây dựng quy hoạch vẫn còn xảy ra tình trạng quy hoạch sai, thiếu đồng bộ, quy hoạch phải điều chỉnh nhiều, quy hoạch chưa rõ ràng, minh bạch và công khai. Nhiều dự án quy hoạch thiếu hẳn các căn cứ kinh tế, xã hội; thiếu các phân tích kinh tế toàn diện và khoa học. Một số nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp có thể kể ra như sau:

Cơ chế quản lý chất lượng, hiệu quả đầu tư công còn lỏng lẻo

Để xảy ra thiếu sót, sai phạm trong đầu tư công trước hết phải nói đến công tác giám sát đầu tư của các bộ, ngành, địa phương chưa thật nghiêm túc. Bằng chứng là Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện chỉ có hơn 51% số dự án được thực hiện giám sát, nhưng chất lượng báo cáo giám sát của nhiều dự án trong số này cũng chưa đạt yêu cầu, nội dung sơ sài, nặng tính hình thức, thành tích.

- Chất lượng đầu tư công cũng là vấn đề rất đáng chú ý. Đây chính là yếu tố đang bị buông lỏng nhiều nhất kéo theo sự lãng phí và không hiệu quả.

- Yếu tố thứ hai là giá thành, các chi phí, đặc biệt là chi phí duy trì, duy tu. Đã từng có cái cầu xây xong phải tốn rất nhiều chi phí để duy tu, duy trì mà vẫn không thành, thậm chí nếu phá đi làm lại còn rẻ hơn.

- Thứ ba là giá trị sử dụng trực tiếp và gián tiếp hoặc liên ngành của dự án đầu tư. Giá trị này bao gồm, tác động đến tăng trưởng GDP, phát triển những ngành khác có liên quan, tác động đến lợi ích xã hội, phát triển văn minh xã hội, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo về công bằng đối với việc phát triển giữa vùng núi và vùng xuôi, đấy cũng là một lợi ích cần tính đến trong thời kỳ đầu phát triển của chúng ta hiện nay.

Thiếu mối liên kết chặt chẽ

Quy trình phân bổ nguồn lực tài chính nhà nước thiếu mối liên kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn (3- 5 năm) với nguồn lực trong một khuôn khổ kinh tế vĩ mô được dự báo.

Nói cách khác, nguồn tài trợ cho những kế hoạch nói trên không được quan tâm đúng mức, dẫn đến sự hụt hẫng về tài chính nên nhiều công trình, dự án đầu tư phải chờ kinh phí hoặc bỏ dở. Thêm vào đó, kinh phí đầu tư dàn trải cho nhiều dự án khiến những ưu tiên của Chính phủ không được tài trợ tương xứng với tầm quan trọng của chúng.

Kiểm toán hoạt động- công cụ nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đã có nhiều giải pháp về tầm vĩ mô được đưa ra. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết, tác giả cũng muốn đưa ra một giải pháp, định hướng có thể triển khai được ngay trong ngắn hạn. Đó chính là đẩy mạnh công tác kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công. Theo Luật Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán kiểm tra đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của nhà nước. Đây là công cụ rất đắc lực trong quản lý kinh tế cả về vi mô và vĩ mô thông qua việc tổ chức kiểm toán đối với các lĩnh vực, ngành, các loại hình đơn vị kinh tế mà ở đó phát sinh hoạt động đầu tư công. Cụ thể như sau:

Đối với công tác quản lý kinh tế vi mô

-       Đánh giá một cách khách quan hiệu năng, hiệu lực của bộ máy quản lý cùng với mức độ thực hiện các mục tiêu trong hoạt động của đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động đầu tư công;

-       Đánh giá tính tiết kiệm, hiệu quả trong quản lý và sử dụng các nguồn lực kinh tế của đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động đầu tư công;

-       Đánh giá sự tuân thủ pháp luật và những quy định tại đơn vị trong việc thực hiện các quy trình hoạt động, quản lý, sử dụng các nguồn lực kinh tế tại đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động đầu tư công.

Đối với công tác quản lý kinh tế vĩ mô

-       Góp phần đánh giá toàn diện (bao gồm cả yếu tố đầu vào, đầu ra và các yếu tố có liên quan), trên cơ sở đó thúc đẩy, nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, hiệu lực các nguồn lực kinh tế của Nhà nước trong đầu tư công tại các ngành, địa phương cũng như trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân;

-       Trên cơ sở góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực kinh tế của Nhà nước, tạo cơ sở cho việc khai thác các nguồn lực kinh tế của xã hội phục vụ cho những mục tiêu chung của nền kinh tế; qua đó góp phần tham gia vào việc phân bổ hợp lý các nguồn lực kinh tế Nhà nước ở từng lĩnh vực, ngành, địa phương, Kiểm toán hoạt động của Kiểm toán Nhà nước có thể tư vấn cho Nhà nước những giải pháp để hoàn thiện quy trình phân bổ ngân sách cụ thể cũng như hoàn thiền cơ chế, chính sách quản lý kinh tế;

-        Trên cơ sở công khai kết quả kiểm toán phản ánh một cách toàn diện hoạt động quản lý, sử dụng các nguồn lực kinh tế Nhà nước, Kiểm toán hoạt động của Kiểm toán Nhà nước góp phần phát huy dân chủ xã hội, trên cơ sở đó trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Kết luận

Việc đầu tư công không được kiểm soát chặt chẽ trong suốt một thời gian dài dẫn đến tình trạng sử dụng lãng phí nguồn lực về vốn, tài sản ở khu vực Nhà nước. Trong lúc nền kinh tế đang trải qua những biến cố như hiện nay, hơn lúc nào hết, kiểm toán hoạt động càng cần được triển khai và áp dụng và phát triển như một công cụ sắc bén để “một đồng vốn của Nhà nước bỏ ra, hiệu quả thu được bao nhiêu đều phải được cân đong hợp lý, dựa trên những nguyên tắc, nguyên lý khoa học và vì lợi ích toàn dân”- như lời của Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ.

Nguyễn Đăng Hưng

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)