Tăng đầu tư để đảm bảo tăng trưởng

Theo báo cáo
đánh giá công tác năm 2009 mà Thứ tưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp trình
bày tại hội nghị, năm 2009 là năm khó khăn trong việc triển khai thực hiện
nhiệm vụ tài chính ngân sách. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn
cầu đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế nước ta. Tuy nhiên, việc điều hành,
chỉ đạo của Chính phủ đã có sự chuyển hướng từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang
ưu tiên ngăn chặn suy giảm kinh tế. Ngành tài chính đã có sự phối hợp với các
ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải
pháp từ đó hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế và dự toán ngân sách Nhà nước
năm 2009.
Về thu ngân
sách, ước tính thu ngân sách cả năm đạt 390.650 tỷ đồng, vượt dự toán 750 tỷ
đồng, bằng 23,3% GDP. Thu nội địa đạt 102,9% dự toán, vượt 6.650 tỷ đồng. Thu
từ dầu thô ước đạt 91,1% dự toán, giảm 5.700 tỷ đồng.
Tổng chi NSNN
năm 2009 ước đạt 533.005 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự toán. Trong đó, chi đầu
tư phát triển tăng 20,1%, chiếm 25,4%; chi trả nợ và viện trợ tăng 10,2%; chi
thường xuyên ước đạt 332.605 tỷ đồng. Việc thực hiện chi Ngân sách đã đáp ứng
đầy đủ các nhiệm vụ, theo đúng tiến độ và dự toán được duyệt, thực hiện tốt các
chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Về cân đối ngân
sách, số bội chi NSNN năm 2009 là 115.900 tỉ đồng, bằng 6,9% GDP, tăng 28.600
tỉ đồng so với dự toán. Với mức bội chi như trên, đến 31/12/2009, dư nợ Chính
phủ, bao gồm cả nợ Trái phiếu Chính phủ khoảng 40% GDP. Dư nợ nước ngoài của
quốc gia khoảng 30,5% GDP, trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và
ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Phát biểu tại
hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những kết quả
ngành Tài chính đạt được trong ngân sách năm 2009. Đồng thời, Phó Thủ tướng
cũng khẳng định, nhiệm vụ năm 2010 của ngành Tài chính còn nhiều khó khăn hơn. Bởi
năm 2010 là năm cuối triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm
(2001-2010) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010). Do đó,
năm bản lề 2010 là tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế,
xã hội giai đoạn tới.
Chính vì vậy,
ngành tài chính phải phấn đấu cùng với cả nước đưa nền kinh tế đạt được mức
tăng trưởng năm 2010 từ 6,5 đến 7%, cố gắng ở mức xấp xỉ 7%. Mọi nỗ lực và hoạt
động của ngành phải nhằm vào thực hiện cho được mục tiêu này. Tổng đầu tư toàn
xã hội năm 2010 được dự kiến tăng cao hơn 2009 để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm
bảo an sinh xã hội.
3 nhiệm vụ và 9 nhóm giải pháp
Kinh tế thế giới
năm 2010 được dự báo là có cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi chưa thể
mạnh mẽ và chứa đựng nhiều rủi ro, khó lường. Ở trong nước, kinh tế mặc dù
có xu hướng phục hồi nhưng những yếu kém
vốn có của nền kinh tế như hạ tầng, công nghệ, lao động chất lượng cao… vẫn
chậm khắc phục, thiên tai, dịch bệnh dự báo còn diễn biến phức tạp sẽ là những
nhân tố tác động bất lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ phục hồi tăng trưởng kinh
tế trong năm 2010 từ đó ảnh hưởng đến khả năng thu và gây áp lực tăng chi NSNN.
Trước mắt, có thể dự báo một số khó khăn nền
kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải trong năm 2010. Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu năm
2010 có thể cao hơn năm 2009, song do sự phục hồi của kinh tế thế giới vẫn còn
chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên xuất khẩu khó có mức tăng cao. Hơn nữa, xuất
khẩu của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, gia công, sản phảm thô,
giá trị chế biến thấp nên khó tăng mạnh về kim ngạch; lạm phát ở các nước có
khả năng cao cũng là những trở ngại cho xuất khẩu và cuối cùng là do cầu tiêu
dùng thế giới còn thấp.
Thứ hai, đầu tư
nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng dần, tuy nhiên việc thu hút vốn đầu tư trực
tiếp nước ngoài (FDI) cũng vẫn còn hạn chế do các công ty lớn đang trong thời
kỳ hồi phục, cần nhiều vốn cho phát triển.
Thứ ba, do thực
hiện gói kích thích kinh tế ở các nước, một lượng tiền lớn được đổ vào nền kinh
tế, thâm hụt ngân sách tăng làm cho nguy cơ tăng lạm phát, giá cả sản phẩm,
nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao sẽ tác động lớn tới những ngành sản xuất của
Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu, thành phẩm nhập khẩu ở nước ngoài.
Thứ tư là khu
vực tiền tệ chưa bền vững, rủi ro cao. Các thị trường chứng khoán, thị trường
tiền tệ, thị trường ngoại hối đã có dấu hiệu phục hồi, song còn chứa đựng nhiều
rủi ro, chưa ổn định; thị trường vàng còn biến động nhiều cũng tác không nhỏ
tới ổn định tiền tệ và các cân đối vĩ mô của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng
Nguyễn Công Nghiệp, năm 2010, toàn ngành Tài chính phấn đấu tập trung huy động
các nguồn lực tài chính, sử dụng có hiệu quả để góp phần đẩy nhanh tốc độ phục
hồi tăng trưởng kinh tế, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững vào năm 2011 và
những năm tiếp theo; giữ ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội; giữ
vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn lạm phát ở mức cao,
phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm
2006 – 2010.
Để đạt mục tiêu
này, Bộ Tài chính đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Một là phấn đấu thực hiện hoàn thành
vượt mức dự toán thu NSNN năm 2010.
Hai là, thực hiện đồng bộ các chính
sách nhằm khai thác mọi tiềm năng, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy nhanh
tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững vào
năm 2010 và những năm tiếp theo. Đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế; cân đối, bố trí
đủ nguồn ngân sách thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội và phúc
lợi xã hội.
Ba là tạo bước tiến mới trong việc cải
cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hiện đại hóa và nâng cao
hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của ngành Tài chính.
Để thực hiện các
mục tiêu, nhiệm vụ này, ngành đã đưa ra 9 nhóm với 33 giải pháp thực hiện trong
năm tới.
Trong năm tới, ngành
tài chính thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa, tiền tệ để góp phần ổn định và
lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô. Điều hành chính sách theo hướng tiết kiệm trong cả
chi đầu tư và chi thường xuyên, giảm tỉ lệ bội chi NSNN.
Chính sách thu
sẽ được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, tăng cường quản lí
thu và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Năm 2010 sẽ dừng thực hiện
chính sách miễn, giảm thuế đã áp dụng trong năm 2009. Tuy nhiên để giúp doanh
nghiệp bớt khó khăn, Bộ Tài chính sẽ giãn thời hạn nộp thuế một quí đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh
nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất, gia công dệt may, da, giầy…
Đồng thời tập
trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tiếp tục chuyển đổi
cơ cấu kinh tế, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Trong năm tới, cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp sẽ được tiếp tục thực
hiện song sẽ có sự thu hẹp đối tượng và giảm mức hỗ trợ.
Ngoài ra, Bộ Tài
chính sẽ thực hiện một số nhóm giải pháp như: phát triển đồng bộ các thị
trường, xã hội hóa các dịch vụ công, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, cải cách
hành chính, tăng cường công tác chống tham nhũng và đẩy mạnh công tác tuyên
truyền chính sách, pháp luật về tài chính.
Trong năm 2010, ngành
tài chính phấn đấu đạt dự toán thu NSNN là 461.500 tỉ đồng, đạt tỉ lệ động viên
23,9% GDP, trong đó từ thuế và phí là 22,5% GDP. Dự toán chi NSNN là 582.200 tỉ
đồng, tăng 90.900 tỉ đồng (18,5%) so với dự toán 2009. Như vậy, mức bội chi
NSNN năm 2010 dự kiến là 119.700 tỉ đồng, tương ứng 6,2% GDP |
.
Nguyễn
Bích Thủy