Bên cạnh đó, việc thực hiện CSTT nới lỏng với trọng
tâm là giảm lãi suất và hỗ trợ lãi suất 4% trong năm 2009 cũng được xem là một
trong những giải pháp quan trọng góp phần kích cầu chứng khoán. Năm 2009 - trong bối cảnh nền kinh tế đất nước
phải gồng mình nỗ lực vật lộn để vượt qua suy thoái, nhiều ngành, nhiều lĩnh
vực sản xuất - kinh doanh phải chống chọi với khó khăn để duy trì đà tăng
trưởng, thì TTCK Việt Nam đã có một năm về đích ngoạn mục, với nhiều kỷ lục
được tạo lập sau hơn 9 năm phát triển TTCK. Không ít những kỷ lục đó đã vượt xa
mong đợi của các NĐT cũng như dự báo của các chuyên gia. Bên cạnh những ấn
tượng cũng có cả những thăng trầm khi TTCK đảo chiều xuống dốc vào cuối năm gây
ngờ ngàng cho không ít NĐT. Một trong
những nguyên nhân tạo nên những ấn tượng và thăng trầm của TTCK năm 2009 và cả
trong thời gian tới xuất phát từ tác động của chính sách vĩ mô và tiền tệ với
TTCK.
Kết thúc năm 2009, chỉ số VN-Index đạt ngưỡng 497,77
điểm (31/12/2009), tăng mạnh so với mức 315,62 điểm (31/12/2008) cuối năm 2008
(157%). Diễn biến TTCK trong năm 2009 có hai giai đoạn quan trọng nhất, đó là tăng
trưởng, bao gồm: từ 25/2 đến 10/6 khi chỉ số VN-Index tăng khoảng 118%; Từ 22/7đến
22/10 TTCK bùng nổ mạnh mẽ khi có thêm
sự hỗ trợ mạnh bởi các dấu hiệu hồi phục kinh tế trong nước và quốc tế, đặc
biệt là việc sử dụng đòn bẩy tài chính từ các công ty chứng khoán.
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, từ tháng 11 đến nay
TTCK bước vào giai đoạn thoái lui và
thận trọng. Sau thời kỳ doanh số giao dịch lớn kỷ lục, thị trường đi vào chu kỳ
điều chỉnh bởi sự tác động từ chính sách vĩ mô và tiền tệ. Bên cạnh nguyên nhân
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), sự căng thẳng
thanh khoản của hệ thống ngân hàng và diễn biến bất thường của giá vàng, ngoại
tệ cũng có những tác động lớn đến TTCK.
Lý giải như thế nào về sự đảo chiều của chính sách vĩ
mô và tiền tệ với TTCK, cũng như phân tích và dự báo ra sao về diễn biến của
TTCK trong giai đoạn tới? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Những cung bậc thăng trầm trên TTCK chịu tác động rất lớn từ chính sách vĩ mô
và CSTT. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ nỗ lực vượt
qua khủng hoảng, các chính sách tài chính, tài khoá kích cầu, giải cứu nền kinh
tế đã được Chính phủ cân nhắc và đưa ra một cách hợp lý, tránh cho nền kinh tế
Việt Nam rơi sâu vào suy thoái. Sau khoảng 2/3 chặng đường của năm 2009, các
chính sách này đã có những thành công và hiệu quả rõ rệt. Điển hình là việc
thông qua gói kích cầu với hình thức bù 4% lãi suất khi các DN vay vốn tại các ngân
hàng thương mại. Lãi suất cơ bản cũng được điều chỉnh giảm từ 8,5% xuống 7% -
bằng một nửa so với mức đỉnh của năm 2008 - và duy trì liên tục tới cuối tháng
11/2009. Tuy nhiên, chính sách kích thích kinh tế mặc dù đã phát huy được tác
dụng chính là ngăn chặn đà suy giảm, nhưng cũng tạo ra tác dụng phụ và tiềm ẩn những
nguy cơ. Cơ chế hỗ trợ lãi suất tác động làm cho tăng trưởng tín dụng diễn ra khá nhanh (tăng trưởng tín dụng trong 10
tháng đầu năm 2009 đạt trên 33%) đã gây sức ép tăng lãi suất, dẫn đến hệ quả là
tăng chi phí vốn, làm tăng giá thành sản xuất, đồng thời làm cho việc huy động
vốn trái phiếu Chính phủ gặp nhiều khó khăn (nhiệm vụ huy động vốn thông qua
phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2009 là 126.000 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm mới
thực hiện huy động được 20.870 tỷ đồng). Thực tế thời gian qua cho thấy, cơ chế hỗ trợ lãi
suất tác động làm cho tín dụng VND tăng trưởng ở mức cao, lãi suất cho vay thấp
hơn lãi suất tiền gửi, làm “méo mó” khối lượng vốn huy động và lãi suất thị
trường, ảnh hưởng không thuận lợi đến việc kiểm soát tổng phương tiện thanh
toán và ổn định lãi suất và tỷ giá, trong đó biểu hiện đáng chú ý là: Lãi suất VND sau khi được
giảm trừ 4% và lãi suất cho vay ngoại tệ gần tương đương nhau, dẫn đến nhu cầu
vay VND tăng, làm mất cân đối cung cầu trên thị trường tiền tệ (VND), gây sức
ép tăng lãi suất VND và tăng tổng phương tiện thanh toán, gây mất cân đối trên
thị trường ngoại hối, tạo sức ép tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp thị trường nhằm ổn định tỷ giá làm dự trữ
ngoại tệ giảm. Cán cân thanh toán tổng thể thâm
hụt 1,9 tỷ đô la, dự trữ ngoại hối giảm, thị trường ngoại hối có biểu hiện căng
thẳng về cung cầu ngoại tệ, gây sức ép lên tỷ giá.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đã bắt đầu ra khoải suy
thoái và hồi phục trở lại, những dấu hiệu của lạm phát đã xuất hiện, thị trường
tiền tệ có những biểu hiện bất ổn với sự căng thẳng thanh khoản của hệ thống
ngân hàng và diễn biến bất thường của giá vàng, ngoại tệ, NHNN đã bất ngờ thắt
chặt CSTT, đồng thời chính sách vĩ mô cũng có những thay đổi. Vào cuối tháng 11/2009 NHNN đã bất ngờ thực
hiện nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% sau khi đã cam kết ổn định CSTT đến hết
năm 2009, đồng thời chấp nhận phá giá VND ở mức thấp. Sự điều chỉnh này thể
hiện sự thay đổi trong chính sách vĩ mô từ hỗ trợ tăng trưởng sang hướng ổn
định vĩ mô (kèm theo là hạn chế nới lỏng tín dụng) sau khi kỳ họp Quốc hội kết
thúc. Mặc dù các chính sách của NHNN có tác động tích cực cho nền kinh tế trong
trung và dài hạn, nhưng điều này đã gây sốc cho cả DN và NĐT trên TTCK, những
mầm mống khó khăn trong thanh khoản của ngân hàng xuất hiện, quan ngại về việc DN
khó vay vốn với lãi suất cao. Sự đảo chiều của chính sách đã tạo ra những tác
động thực đến luồng tiền vào TTCK cũng như những tác động tâm lý thái quá khiến
cho các chỉ số chứng khoán rơi vào chu kỳ giảm điểm từ tháng 11. Tính từ đỉnh
cao xác lập trong năm, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng (tháng 11 và 12/2009),
chứng khoán mất trên 30% giá trị thì VN-Index đã mất khoảng 30% về điểm số đến
cuối năm. NĐT lao vào xả hàng, bán gấp bán rút vì sợ "lịch sử lặp
lại", chứng khoán có thể sẽ lập đáy như thời điểm đầu năm.
Có thể nói, gói kích thích kinh tế năm
2009 đã thành công, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách về duy trì
tốc độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh chịu tác động sâu
sắc của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng cũng đặt ra cho nhiều bài toán khó
cần giải quyết, đặc biệt là các bài toán cân đối kinh tế vĩ mô để đảm bảo điều
kiện cho tăng trưởng cao và bền vững trong giai đoạn tới. Đối với TTCK Việt Nam, điểm qua
những thăng trầm của TTCK trong năm qua để thấy sức mạnh của CSTT đối với TTCK
và tâm lý NĐT là rất lớn. Tác động của CSTT có thể còn mạnh hơn do liên quan
đến mức tăng trưởng tín dụng nói chung và dòng tín dụng chảy vào TTCK nói
riêng, vì CSTT của NHNN Việt Nam còn tác động trực tiếp lên điều kiện chặt chẽ
hoặc dễ dãi trong hoạt động cho vay của NHTM.
Năm 2010 được dự báo có tốc độ tăng trưởng kinh tế
6,5%, chỉ tiêu lạm phát khoảng 7%, tổng phương tiện thanh toán cũng như tăng
trưởng tín dụng ở mức khoảng 25%, thâm hụt NSNN khoảng 6,2% GDP... Đây là những
con số đưa ra rất tích cực nhưng vấn đề đặt ra là các chỉ tiêu này có thực sự
giúp Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt trong điều hành chính sách tài
khóa và CSTT, giúp nền kinh tế phục hồi bền vững, giúp nâng cao được sức cạnh
tranh của nền kinh tế hay không?… Bên cạnh đó, để đạt được các chỉ tiêu này thì
các vấn đề lạm phát, tỷ giá, lãi suất, CSTT, chính sách tài khóa cần được xử lý
như thế nào?
Một số yếu tố vĩ mô trong năm 2009 sẽ tiếp tục tác động
sang năm 2010 như chính sách kích thích kinh tế, tăng trưởng tín dụng cao, cung
tiền ra lưu thông lớn, nhập siêu cao và đặc biệt là sự kỳ vọng vào sự mất giá
của đồng Việt Nam được thể hiện qua giá vàng, tỷ giá hối đoái, giá vốn (lãi
suất) và giá cả một số mặt hàng. Hơn nữa nguy cơ tái lạm phát cao vẫn đang là vấn
đề đáng lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp cho vấn đề này không chỉ đơn
thuần là việc điều hành CSTT của NHNN bởi CSTT của Việt Nam hiện chỉ
góp phần kiểm soát lạm phát chứ không thể giải quyết triệt để bài toán lạm
phát. Vì vậy, để chủ động kiểm soát được lạm phát ở mức độ cho phép, chúng ta
cần phải huy động tổng lực của nhiều bộ/ngành và các thành phần kinh tế. Chỉ
khi thị trường tiền tệ liên ngân hàng được ổn định, NHNN mới có điều kiện điều
hành CSTT linh hoạt theo tín hiệu thị trường.
CSTT cần phối hợp với chính sách tài khoá trong việc thúc đẩy sự
phát triển của TTCK Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng của CSTT là ổn định tiền tệ,
còn mục tiêu của CSTK là đạt đến một chính sách ngân sách minh bạch, tạo sự ổn
định sản lượng, cải thiện phân bổ nguồn lực và kiểm soát ảnh hưởng của phân
phối. Hai chính sách này có mối quan hệ mật thiết, ràng buộc lẫn nhau và tác
đông đến nền kinh tế và hệ thống thị trường tài chính. Nếu quản lý tài khoá yếu
kém, sẽ tăng kỳ vọng lạm phát, có thể làm tăng lãi suất và cung tiền, điều này
ảnh hưởng lớn đến việc vay nợ của Chính phủ trên TTCK. Ngược lại, lạm phát và
lãi suất tăng cao, không những làm giảm nguồn thu cho Chính phủ mà còn làm cho
giá chứng khoán biến động mạnh theo xu hướng giảm, làm nản lòng nhà đầu tư trên
thị trường do tính thanh khoản của thị trường bị ảnh hưởng. Vì vậy, rất cần một
sự nhận thức đúng và đầy đủ về mối quan hệ giữa hai chính sách, nhằm tăng cường
sự kết nối và giảm xung đột giữa chúng để cùng đạt được mục tiêu đặt ra.
Chính phủ cũng như một số bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ
KH&ĐT) cần lưu tấm đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, không để xảy
ra tình trạng GDP tăng và tỷ lệ lạm phát rất cao như năm 2007 (bởi tăng trưởng
trong trường hợp này cũng không còn nhiều ý nghĩa). Vì vậy, trong việc điều
hành chính sách tài khóa, trong việc đẩy mạnh đầu tư công, hiệu quả của đồng
vốn phải được đặt lên hàng đầu. Ngay từ năm 2010, chúng ta cần đưa ra lộ trình
để giảm bội chi ngân sách, để có thể cân bằng được thu chi ngân sách đến năm
2015. Mặt khác, một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát là niềm tin của
người dân vào các chính sách vĩ mô. Nếu người dân còn quan ngại về những bất ổn
trong chính sách, luôn kỳ vọng vào sự mất giá của đồng tiền thì lạm phát cũng
bị đẩy lên cao. Vì thế, việc khắc phục vấn đề này cần một sự nhất quán và minh
bạch trong điều hành chính sách, tránh tạo ra các cú sốc, đồng thời thông tin
kịp thời việc thay đổi chính sách đến người dân, chú ý đến định hướng dư luận xã
hội, ngăn chặn kịp thời các tin đồn trên thị trường tiền tệ. Đây là những việc
làm rất cần thiết để tạo niềm tin cho từng DN và cho các tầng lớp dân cư trong
điều kiện hiện nay
TS. Bùi Thu Hương
Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia