KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM VẪN CẠNH TRANH QUYẾT LIỆT
Trái với lo ngại hồi đầu năm về sự ám ảnh của khủng hoảng và suy thoái, các DN bảo hiểm của Việt Nam (VN) đã có một năm về đích ấn tượng với mức tăng trưởng doanh thu khai thác mới đạt tới 35% trong một năm. Đây là kết quả vượt qua mọi dự đoán trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như năm 2009. Các nhà kinh tế cho rằng thị trường bảo hiểm VN sẽ tăng trưởng khoảng 25%/năm cho tới năm 2013. Như vậy đây là lĩnh vực hứa hẹn nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Tăng trưởng mạnh

Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, tốc độ tăng trưởng của thị trường đã khiến nhiều chuyên gia bất ngờ. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2009, mức tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ giữ mức tăng từ 8 đến 10%. Phí bảo hiểm định kỳ năm đầu trong 9 tháng đầu năm 2009 đạt 1.961 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, phí bảo hiểm đóng một lần là 48,29 tỷ đồng, tăng 101%. Trong khi đó, tổng phí khai thác mới trong 9 tháng đầu năm đạt 2.009 tỷ đồng, tăng tới 33% so với cùng kỳ. Tổng phí bảo hiểm toàn thị trường là 8.485 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức trách nhiệm mà các doanh nghiệp bảo hiểm (DN BH) nhân thọ đang nắm giữ là 263,96 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, mức trách nhiệm của các sản phẩm chính đạt 175,35 nghìn tỷ đồng tăng 16%, mức trách nhiệm của các sản phẩm phụ đạt 88,61 nghìn tỷ đồng, tăng 18%. Số lượng hợp đồng khai thác mới trong 9 tháng đầu năm 2009 đạt 464.707 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, số lượng hợp đồng khôi phục hiệu lực (sản phẩm chính) trong 9 tháng đầu năm là 53.719 hợp đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê, các DN bảo hiểm nước ngoài đầu tư vào VN đang chiếm thế thượng phong trên thị trường này. Năm 2007, Prudential đứng đầu với doanh thu 3.958 tỷ đồng; Bảo Việt nhân thọ đạt 3.250 tỷ đồng; AIA đạt doanh thu 547 tỷ đồng; Ace Life giữ vị trí tăng trưởng nhanh nhất gần 200 tỷ đồng... Đến năm 2008, Prudential chiếm 4.270 tỷ đồng, Bảo Việt đứng thứ hai với 3.425 tỷ đồng. Các DN bảo hiểm nước ngoài cũng chính là người có số lượng hợp đồng khôi phục cao, như Prudential với 46.674 hợp đồng, Dai-ichi Life VN với 3.616 hợp đồng. Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ là 3.955.900 hợp đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2008.

Trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, dự báo của Bộ Tài chính mới đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thị trường phi nhân thọ có thể gấp 2 lần mức tăng của năm 2008 và đạt khoảng 15-18% và bảo hiểm. Con số thống kê tính trong 9 tháng đầu năm 2009, doanh thu toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 9.857 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, toàn thị trường đã giải quyết bồi thường 3.540 tỷ đồng, chiếm 35,9% doanh thu. Có những doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường khá cao như AIG với 70,4%, Bảo Minh với 57,8% hay QBE với 49%. Trong các nghiệp vụ bảo hiểm, bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục dẫn đầu về doanh thu với 3.246 tỷ đồng, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Bảo hiểm VN (AVI), trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, 4 DN là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI và PJICO chiếm hơn hơn 72% thị phần. 28% còn lại dành cho 27 DN khác chia nhau. Thị trường tiềm năng này ngày càng cạnh tranh quyết liệt.

 

Cạnh tranh quyết liệt

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, thị trường bảo hiểm VN vẫn được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng. Với việc mở của ngành bảo hiểm theo lộ trình WTO, thị trường bảo hiểm sẽ phát triển mạnh, có nhiều thay đổi. Tuy nhiên với việc gia tăng mạnh số lượng DN bảo hiểm trong thời gian qua, nhất là kể từ khi các DN BH  trong và ngoài nước được kinh doanh bình đẳng trên hầu hết các lĩnh vực bảo hiểm theo lộ trình WTO từ đầu 2009 đến nay, thị trường bảo hiểm đang được các DN vẽ lại bản đồ về thị phần. Khi mà số lượng công ty bảo hiểm ngày càng tăng cao, bao gồm các công ty bảo hiểm nước ngoài mở rộng hoạt động và được phép triển khai các sản phẩm trước đây là thế mạnh của các công ty trong nước thì làm sao để phát triển bền vững trong thị trường này thực sự là một thách thức lớn mà DN BH VN phải đối mặt.

Thực tế cho thấy không ít DN đang mất đi lợi thế và buộc phải chia sẻ với các DN khác. Hiện VN có 11 DN BH nhân thọ, 27 DN BH phi nhân thọ, 1 DN tái BH và 10 DN môi giới, do đó tình hình cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn. Theo dự báo, số lượng cũng như quy mô của các DN bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm VN sẽ còn tiếp tục tăng do hiện tại chỉ có 5% người dân có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Trên thế giới doanh thu từ bảo hiểm luôn chiếm tỷ trọng rất cao. Tại các nước phát triển, doanh thu này chiếm 8-15% GDP trong khi tại VN mới là 2%.

Thực tế, thị trường bảo hiểm VN có lộ trình mở cửa khá nhanh: 16/30 doanh nghiệp có vốn nước ngoài, trong đó, 9/22 DN BH phi nhân thọ và 7/8 DN BH nhân thọ. DN BH có vốn nước ngoài tại VN góp phần gián tiếp phát triển FDI, cung cấp thêm nhiều sản phẩm bảo hiểm mới, tăng sự lựa chọn cho khách hàng và tăng doanh thu bảo hiểm toàn thị trường. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất, là các DN BH nước ngoài không cần thành lập DN BH tại VN cũng có thể vươn cánh tay của mình vào khai thác thị trường bảo hiểm VN theo cam kết WTO. Trong khi, năng lực bảo hiểm của VN vẫn còn một khoảng cách nhất định với nhiều nước trên thế giới, nhất là về tài chính, công nghệ, con người và chất lượng dịch vụ. Đây quả là điều đáng lo! Chỉ đơn cử dịch vụ bảo hiểm tàu thủy dù đã lỗ đến 6 năm nhưng nhiều DN BH trong nước vẫn lao vào hạ phí bảo hiểm xuống thấp và tiêu diệt lẫn nhau!

Cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cũng đã bắt đầu nóng lên, nhất là mới đây  Cục Cảnh sát giao thông đường bộ thông báo sẽ kiểm tra gắt gao việc mua bảo hiểm bắt buộc, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã nhanh chóng đưa ra thị trường sản phẩm "Phúc vạn dặm bảo hiểm vật chất cho xe ôtô". Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) thì cho ra mắt Bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm cấu trúc ngôi nhà (trang thiết bị gắn liền với ngôi nhà), tài sản bên trong ngôi nhà (vật gia dụng, tài sản cá nhân) nếu bị cháy, nổ, sét đánh, động đất, trộm cướp, hành động cố ý phá hoại hay hành động ác ý đều được bồi thường. Một động thái đáng chú ý trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là việc trên thị trường đang hình thành xu hướng một số DN hùn nhau lập DN để tự bảo hiểm cho mình. Xu hướng này khiến các DN bảo hiểm trước đây mất đi một phần doanh thu và cũng có nhiều ý kiến khác nhau về cái gọi là rủi ro trong việc "tự mình bảo hiểm mình". Ví dụ Ngân hàng SHB cùng Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) và vài cổ đông khác thành lập Cty bảo hiểm phi nhân thọ SHB - Vinacomin (SVIC) để khai thác bán bảo hiểm cho hơn 40 DN thuộc TKV. Trước đó mảng than - khoáng sản là khách hàng của Cty bảo hiểm Bảo Minh. Đối với trường hợp bảo hiểm cho hàng không, năm nay Bảo Minh cũng bị mất về tay công ty bảo hiểm phi nhân thọ Hàng không do Vietnam Airlines cùng bốn cổ đông khác lập ra vào năm ngoái. Mặc dù năm 2007, Bảo Minh là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu cho Vietnam Airlines với tổng giá trị bảo hiểm trên bốn tỷ USD. Năm 2008 Bảo Minh nhận bảo hiểm toàn bộ chín triệu lượt hành khách và đội bay của Vietnam Airlines. Tình trạng trên sẽ không phải chỉ riêng với Bảo Minh mà nhiều DN bảo hiểm khác cũng sẽ gặp phải trong thời gian tới. Thị trường bảo hiểm đang được vẽ lại bản đồ, một chuyên gia phân tích ngành bảo hiểm nhận định.

 

Ngọc Duy

(Bộ Tài chính)

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)