KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH CHO HÀNG VIỆT – CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN
Sau gần 25 năm mở cửa hướng ra xuất khẩu, lại một lần nữa tinh thần dân tộc được đặt lên hàng đầu với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
  Có thể khẳng định, sự cổ vũ từ  Bộ Chính trị là thời cơ lớn cho DN Việt tìm về thị trường Việt. Đến nay, đến nay sau hơn 6 tháng triển khai cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt đã bước đầu cho tín hiệu lạc quan. Hàng Việt đã xuất hiện với mật độ nhiều hơn, người tiêu dùng đã chú trọng đến hàng Việt nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để biến cuộc vận động này thành hiện thực rất cần có một chiến lược bài bản và tầm nhìn chiến lược nhằm thúc đẩy thị trường nội địa.

 

Động lực từ chính sách

Trước hết cần khẳng định rằng, từ khi đổi mới đến nay, các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước đã tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn cho sự phát triển của DN và các ngành sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Chúng ta cũng đã gặt hái được nhiều thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng tạo nên những sản phẩm “made in Vietnam” phong phú, đa dạng, chất lượng tốt hơn cung cấp cho các thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế thì trong từng lĩnh vực cụ thể, từng thời điểm nhất định, không ít chính sách đã nặng về ưu ái các nhà đầu tư nước ngoài, gây bất bình đẳng đối với đông đảo DN nhỏ và vừa trong nước, khiến cho sự phát triển của DN trong nước và các thương hiệu Việt Nam bị hạn chế phần nào.

Trên thực tế ở nước ta nhiều năm qua, những chính sách cũng như hành động thiết thực về kích cầu phát triển thị trường nội địa, bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước mới chỉ là những hoạt động mang tính đơn giản, nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Không hiếm cơ quan nhà nước có sự thiên vị rõ ràng cả trong việc dành nguồn lực, tạo cơ hội làm ăn, lẫn trong tiêu thụ sản phẩm cho các DN nước ngoài hơn là cho DN Việt và hàng Việt. Khi thiếu một chiến lược dài hơi như thế, thì các chương trình đầu tư phát triển thị trường nội địa khó mang lại hiệu quả cao. Mặc dù những lợi thế nhìn thấy được như: nhân công trong nước, nguyên liệu vật tư trong nước, chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, chính sách thuế...để phát triển thị trường nội địa là rất lớn, rất thuận lợi.

Có một thực tế khi đề cập đến tình hình kinh tế một địa phương, thậm chí cả nước, những thông số nổi bật nhất luôn tính bằng đơn vị USD: GDP, kim ngạch xuất khẩu và tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài. Với xuất phát điểm của Việt Nam, đó là những ưu tiên đúng đắn. Nhưng dường như quá chuyên chú việc làm thế nào để tăng thêm “đơn vị ngoại tệ”, các nhà làm chính sách đã vô tình bỏ trống nội thương cho các DN nước ngoài.  Điều này thể hiện rất rõ trong nhiều quy hoạch ngành cũng như các điều kiện ưu đãi của Nhà nước cũng tập trung cho xuất khẩu, khi luôn đề ra mục tiêu nổi bật là xuất khẩu được bao nhiêu, làm thế nào để có khách hàng mới.

 Trong khi các nhà hoạch định chính sách tìm mọi cách xúc tiến thị trường xuất khẩu thì dưới mắt các DN nước ngoài, Việt Nam luôn dẫn đầu danh sách thị trường bán lẻ được “thèm muốn” nhất thế giới. Bởi cạnh sự hấp dẫn của 86 triệu người tiêu dùng, trẻ, tiêu xài 70% thu nhập vào mua sắm còn có sức hút không nhỏ từ ưu đãi trong cấp phép đầu tư của các địa phương cho nhà đầu tư ngoại. Thị trường bán lẻ là điển hình. Đã có không ít nhà bán lẻ Việt Nam không giấu giếm sự ghen tỵ với DN ngoại như Metro, Big C…trong việc được hưởng những ưu đãi về chính sách dành cho các DN FDI. Chính sách kinh doanh cũng vậy. Theo giám đốc một trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị của Metro được ưu đãi về thuế thu nhập DN, còn nhà bán lẻ trong nước thì không.

Có thể đưa ra một dẫn chứng về sự xem nhẹ của cơ chế, chính sách trong việc phát triển thị trường nội địa, đó là lâu nay có rất ít chương trình xúc tiến thương mại cho thị trường nội địa mà chỉ có xúc tiến thương mại hỗ trợ xuất khẩu. Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có hiệu lực từ cuối năm 2005 theo Quyết định 279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu đã khẳng định “được xây dựng theo định hướng về thị trường, ngành hàng xuất khẩu của chiến lược xuất khẩu thời kỳ 2006-2010”. Mỗi năm, Nhà nước đầu tư cho chương trình này từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng (ví dụ, năm 2009, kinh phí là 172 tỉ đồng) nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Hệ quả là việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đã bị mất cân đối nghiêm trọng, thay vì hài hòa cho cả ba chân trụ thì lại chỉ tập trung cho thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Một số chuyên gia kinh tế bình luận rằng những bất cập trong cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển thị trường như trên đã gây ra những tác hại đối với nền kinh tế. Một mặt, vì được sự hỗ trợ tối đa để xuất khẩu từ lãi vay, tỷ giá hối đoái, vốn tín dụng đến thuế, mặt bằng... nên trong suốt một thời gian dài DN chỉ lo xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa. Nhưng tai hại hơn nằm ở chỗ DN thường chọn hình thức dễ làm nhất là gia công hàng hóa - một công đoạn ít tạo ra giá trị gia tăng nhất trong chuỗi hàng hóa toàn cầu và chính điều này đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của DN ngay tại thị trường nội địa.

 

Chiến lược dài hơi

Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, thị trường nội địa ngày càng mở cửa, người tiêu dùng trong nước có quyền chọn lựa rộng hơn, đòi hỏi cao hơn ở các DN. Điều quan trọng nhất để chinh phục người tiêu dùng trên thị trường nội địa là các DN Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của họ, chứ không phải là đòi hỏi tinh thần yêu nước chung chung và sự hy sinh lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực cao độ của các DN, các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền rất cần điều chỉnh các chính sách và cách xử lý cụ thể để hỗ trợ nhiều hơn cho phát triển sản xuất và thị trường trong nước theo tinh thần cuộc vận động lần này.

Nhiều chuyên gia khi được hỏi về vấn đề phát triển thị trường nội địa đã nhấn mạnh rằng để chiếm lĩnh thị trường nội địa, cần có sự kết hợp giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Các bộ ngành chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ KHĐT... cần khẩn trương nghiên cứu việc cấu trúc lại thị trường để có sự đồng nhất giữa thị trường xuất khẩu và nội địa, không còn phân biệt hàng hóa sản xuất cho xuất khẩu và cho thị trường nội địa; đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, chính sách kích cầu, hỗ trợ tài chính cho DN đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng này. Đồng thời có chính sách người tiêu dùng khu vực nông thôn và người có thu nhập thấp mua tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng của nội địa.  Thậm chí trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì những ưu đãi có thể còn phải hơn nhiều, như tiếp tục thực hiện chính sách giảm, giãn nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo quỹ đất để phục vụ sản xuất, kinh doanh, thậm chí Nhà nước sẽ có quỹ thường xuyên hỗ trợ DN tổ chức triển lãm, giới thiệu sản phẩm...Có thể nói việc đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa tổng cầu của thị trường nội địa với định hướng sản xuất, phân phối... rất quan trọng cho chiến lược phát triển thị trường của từng DN. Nếu thiếu sự gắn kết linh hoạt giữa hai yếu tố này, tức là thiếu đi một “đường ray” khiến con tàu dễ dàng bị “trật bánh”.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, Nhà nước cần khẩn trương có ngay chính sách khuyến khích phát triển thị trường nội địa để thúc đẩy sản xuất trong nước; đồng thời cần bãi bỏ những chính sách hỗ trợ xuất khẩu có tính chất làm méo mó thị trường. Ví dụ việc hỗ trợ thông qua tỷ giá hối đoái như hiện nay thực chất chỉ khuyến khích nhập khẩu hàng hóa, hoàn toàn không có lợi gì cho xuất khẩu cũng như sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tập trung nguồn lực cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống luật pháp, giáo dục, môi trường đầu tư kinh doanh, vì tất cả những yếu tố này sẽ giúp cho DN nâng cao hơn lực năng cạnh tranh của mình. Ở một góc độ khác, cần nhấn mạnh thêm rằng muốn phát triển thị trường nội địa mang tầm chiến lược, phải có “kịch bản” cụ thể. Một kịch bản mang tính khả thi cao, đó là các cơ quan quản lý cần tổ chức điều tra, nghiên cứu nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường nội địa. Cần sớm tiến hành các hoạt động, điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, để lường được tổng cầu của thị trường trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Một biện pháp khác có thể thực hiện ngay là tăng cường hoạt động quản lý thị trường, đặc biệt kiểm tra chặt chẽ đầu vào (hóa đơn mua hàng và nhãn mác) đối với hàng nhập khẩu, nhất là hàng nhập qua đường tiểu ngạch. Nếu làm nghiêm sẽ ngăn được cơn lũ hàng nhập lậu từ nước ngoài đổ về.

Phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy hoạt động thương mại và bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước cần một tầm nhìn chiến lược dài hơi và là một quá trình đổi mới từ tư duy, nhận thức đến thiết kế chính sách, luật pháp, giải pháp phát triển cũng như nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước. Quá trình này cần phải nhận được sự đồng thuận của mọi cấp, ngành, DN và toàn xã hội. Có như vậy chúng ta mới có quyền hy vọng có được một thị trường  nội địa xứng tầm với vai trò, vị trí của nó trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

                                                    Hoàng Hải

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)