KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
CHÍNH SÁCH GIỮ THĂNG BẰNG GIỮA CÁC SỨC ÉP
Năm 2009 khép lại với dòng chữ nổi bật: Năm của “Kích cầu đầu tư và tiêu dùng” chung trên phạm vi quốc gia và thế giới

Chính phủ nhiều nước đã thực hiện các gói giải pháp để ngăn chặn suy thoái kinh tế với tổng trị giá trên 10.000 tỉ USD, chiếm gần 20% GDP toàn cầu năm 2008; chỉ với riêng nước Mỹ đã có trên 200 ngân hàng lớn nhỏ bị phá sản…Trong bối đó, Việt Nam đã chủ động vượt qua khó khăn, sớm ngăn chặn được đà suy giảm, từng bước bảo đảm ổn định và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời, đây cũng là năm có nhiều vất vả và đóng góp vào thành công chung của ngành ngân hàng Việt Nam

I/. Linh hoạt chính sách giữ thăng bằng giữa các sức ép ngược chiều nhau…

Năm 2009, các ngân hàng Việt Nam phải cùng lúc chịu đựng nhiều sức ép và các bài toán “nghiệm kép”hóc búa, mà trong đó lời giải cho một loạt vấn đề nhiều khi đối chọi, thậm chí triệt tiêu tác dụng của nhau gay gắt cả về tính chất, cách thức và xu hướng, cũng như mức độ tác động của chúng.

1- Trước hết, một mặt, vừa phải gia tăng cho vay tín dụng kích cầu đầu tư và tiêu dùng, mặt khác, vừa phải đề phòng nguy cơ tái lạm phát cao, gia tăng nợ khê đọng, khó đòi, dễ dẫn đến vỡ nợ và mất an toàn hệ thống.

2- Hơn nữa, vừa phải tăng cường đáp ứng nhu cầu về ngoại hối nói riêng và nguồn vốn cho doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh suy giảm nguồn tiền huy động và nguồn thu ngân sách trong nước, nguồn thu tài chính từ nước ngoài, nhất là thu từ xuất khẩu, FDI; đồng thời, vừa phải chịu áp lực giữ vững nguồn dự trữ ngoại hối và những giới hạn khó vượt qua về mức tăng lãi suất, cũng như hạn mức tín dụng trong nước;

3- Đặc biệt, vừa phải thích ứng với các yêu cầu tự do hoá và cạnh tranh bình đẳng thị trường,  bảo đảm tính kịp thời và linh hoạt trong phản ứng chính sách trước các biến động mau lẹ, bất lường của bối cảnh trong nước và quốc tế, nhất là phải chịu áp lực cao về tăng điều chỉnh linh hoạt tỷ giá và lãi suất; trong khi vừa phải tăng yêu cầu hỗ trợ và giám sát vĩ mô nghiêm ngặt từ phía nhà nước, đảm bảo ổn định hoá môi trường đầu tư-kinh doanh và sự cân bằng giữa các lợi ích và mục tiêu chính sách;

4- Trong khi đó, hoạt động chỉ đạo, điều hành của NHNN vừa phải bảo đảm các yêu cầu hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành, lại vừa vừa phải  tuân thủ những mục tiêu và cơ chế vận hành chung, vĩ mô của Chính phủ…

Trong bối cảnh đó, hoạt động điều hành của ngành ngân hàng Việt Nam năm 2009 có những điểm nhấn nổi bật sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về ngân hàng phù hợp với chiến lược phát triển của ngành và lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng…

Thứ hai, điều hành khá đồng bộ, hài hòa, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là kết hợp giữa điều hành tỷ giá và lãi suất; kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ngày càng tập trung vốn cho sản xuất, xuất khẩu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở rộng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Trong các thời điểm khác nhau trong năm 2009, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh giảm và tăng các mức lãi suất chủ đạo, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu phù hợp mục tiêu điều tiết lượng vốn huy động và cho vay tín dụng theo hướng nới lỏng một cách thận trọng.

Thứ ba, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để bảo đảm nhất quán giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Nâng cao hiệu quả công tác thống kê, dự báo, phản ứng kịp thời trước những diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa các tin đồn. Thực tế cho thấy, chỉ bằng một tuyên bố kịp thời, ngắn gọn và rõ ràng của Thống đốc NHNN  Nguyễn Văn Giàu hôm 11/9/2009  về việc NHNN sẽ cấp phép cho nhập khẩu vàng theo nhu cầu thị trường cũng có sức mạnh tức thì “cắt sốt”, làm đảo chiều giá vàng  trên toàn quốc…

Năm 2009, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra là ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối tài chính- tiền tệ cơ bản được bảo đảm, vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao, tới 42,6% GDP.

Việt Nam đã vượt qua thời kỳ lạm phát cao khá tốt, với mức  lạm phát cả năm được kiềm chế dưới 7%, trong đó  nhiều mặt hàng đang có sự giảm giá đáng kể; Dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng trong phạm vi cho phép, nợ xấu thấp và tiền mặt trong thực tế ngày càng giảm.

Theo số liệu của NHNN, tính đến thời điểm cuối năm 2009, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống khoảng 2,46%, trong đó tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 3% so với thời điểm đầu năm là gần 4%, của Eximbank là trên 2% so với mức 4,71% cuối năm 2008 và 6% thời điểm đầu năm 2009. Các ngân hàng khác như ACB, Sacombank có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Đặc biệt, tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, giảm các chi phí vốn cho doanh nghiệp và cung ứng kịp thời các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của đất nước.

II/. Những bài toán mới cho năm 2010

Trong năm 2010  hoạt động của ngành ngân hàngViệt Nam cần chú ý hơn đến các vấn đề sau:

2.1. Đảm bảo an toàn vốn, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tái cơ cấu

Năm 2010, khu vực ngân hàng Việt Nam có thể gặp nhiều áp lực hơn về nhu cầu vốn hoạt động, tính thanh khoản, nợ tín dụng, tiêu chuẩn vốn, dự phòng tài chính, yêu cầu sáp nhập, hợp nhất, mở rộng mạng lưới…

Các ngân hàng của Việt Nam trong thời gian tới cần bảo đảm thúc đẩy sự phát triển dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả đáp ứng cả thị trường trong nước và nước ngoài.

2.2. Điều hành tỷ giá linh hoạt hơn

Thực tế cho thấy, sự căng thẳng ngoại tệ trên thị trường tiền tệ trong nước thường tỷ lệ thuận với độ chênh biệt cao và kéo dài của tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do trong những thời điểm tương ứng. Cần nhấn mạnh rằng, càng kéo dài lâu hơn sự chênh biệt và mất cân bằng này thì càng tích tụ nhiều hơn  những hệ quả tiêu cực cộng dồn từ các thiệt hại do VND bị định giá cao và do “sốc tỷ giá” trong tương lai.

Vì vậy, chính sách tỷ giá trong thời gian tới cần linh hoạt hơn để cố gắng thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do, từ đó góp phần cân bằng cung-cầu và giảm bớt các hoạt động găm giữ và đầu cơ ngoai tệ trong nền kinh tế.

Sự linh hoạt của chính sách tỷ giá còn được thể hiện ở sự linh hoạt trong lựa chọn mục tiêu của chính sách tỷ giá. Không thể thoả mãn cùng lúc nhiều mục tiêu trong cùng một thời điểm, nhưng cũng không thể kéo dài mãi một chính sách tỷ giá chỉ phục vụ cho một mục tiêu nhất định. Chẳng hạn, mục tiêu giảm nghĩa vụ nợ nhờ duy trì chính sách tỷ giá thấp, có thể là cần thiết trong thời điểm đến hạn thanh toán nợ, nhưng nếu kéo dài quá lâu sẽ gây hại cho mục tiêu dài hạn hơn là sự cân bằng cán cân thương mại và xuất khẩu.

Linh hoạt tỷ giá còn bảo đảm phải có sự đồng bộ giữa tỷ giá với lãi suất và cả biên độ tỷ giá, cũng như với các chính sách tài chính khác (theo nghĩa rộng)

2.3. Ngăn chặn những cơn sốt và tình trạng lũng đoạn trên thị trường tài chính-tiền tệ

Năm 2009 đã chứng kiến sự bùng phát các cơn sốt giá và các động thái thăng trầm khác nhau đủ loại trên nhiều thị trường về nhà đất, chứng khoán, vàng, USD... với nguyên nhân chủ yếu chung là kẽ hở trong cơ chế quản lý thị trường, công tác thông tin, yếu tố tâm lý và những tin đồn…

Để ngăn chặn các cơn sốt nóng lạnh tương tự, cần đảm bảo hoàn thiện và tuân thủ các nguyên tắc quản lý kinh tế và cạnh tranh thị trường. Đặc biệt, cần đảm bảo các biến động chính sách phải minh bạch và có thể dự báo.

 Đồng thời, thể chế hoá các phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức của các cơ quan và đại diện nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan. Bên cạnh đó, cần chủ động phát hiện và trừng phạt kịp thời, nghiêm khắc các cá nhân và tổ chức tung tin đồn thất thiệt hoặc đưa tin kiểu “gây sốc” nhằm mục tiêu phá hoại chính sách, đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh.

2.4. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ các giải pháp và hoạt động quản lý

Trong thời gian tới, NHNN cần phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan thực hiện tốt việc chấm dứt hỗ trợ lãi suất ngắn hạn và tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay trung hạn, dài hạn hiệu quả.

Ngăn chặn và xử lý tiêu cực trong thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước (năm 2009, Thanh tra NHNN phát hiện gần 4.000 trường hợp vi phạm cho vay kích cầu với tổng cộng 5.916 tỷ đồng).

Đồng thời, tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích dự trữ ngoại hối nhà nước, ổn định giá trị đồng tiền VND, ổn định thị trường vàng, kiểm soát chặt chẽ nợ quá hạn, nhất là nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan dự báo với giám sát để cảnh báo sớm rủi ro và xử lý một cách hiệu quả những vấn đề mới phát sinh.

 

 

Hoàng Ngọc Anh Cương (Ngân hàng Nhà nước)

TS.Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)