KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
NHỮNG HỆ LỤY CỦA CÁC GIẢI PHÁP KÍCH THÍCH KINH TẾ
Các giải pháp kích thích kinh tế, gói kích cầu đã được thực hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2009 với mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.

Quy mô gói kích thích kinh tế khoảng 145,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với trên 8 tỷ USD, gồm:

 1. Hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng khoảng 17 nghìn tỷ đồng (1 tỷ USD);

 2. Vốn đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng;

 3. Thực hiện chính sách miễn giảm thuế khoảng 28 nghìn tỷ đồng;

 4. Các khoản chi khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội khoảng 9,8 nghìn tỷ đồng.

Để đánh giá một cách đầy đủ về gói kích thích kinh tế và tác động của nó cần được xem xét tổng thể trong mối quan hệ:

- Tổng thể các giải pháp của Chính phủ, các biện pháp, chính sách tài chính, tiền tệ cả năm 2009

- Tổng thể các giải pháp và chính sách đã áp dụng từ nhiều năm trước đây, kể cả các chính sách ưu đãi, ưu tiên

- Quan tâm đến độ trễ của các chính sách tài chính, tiền tệ, kể cả độ trễ trong và độ trễ ngoài.

5.Về vốn đầu tư phát triển của Nhà nước

Trong năm 2009, đã bổ sung thêm nguồn vốn của Nhà nước như sau:

(1) Tạm hoãn thu hồi vốn đầu tư XDCB đã ứng trước: Chính phủ đã chỉ đạo tạm hoãn thu hồi các khoản vốn ngân sách nhà nước đã ứng trước kế hoạch năm 2009, trừ các khoản đã được tạm ứng năm 2009 để hoàn thành trong năm 2008, nhằm phục vụ thực hiện mục tiêu kích cầu đầu tư và khắc phục tình trạng tồn đọng vật liệu từ những tháng cuối năm 2008. Tổng số vốn ứng trước được hoãn thu hồi là 3,4 nghìn tỷ đồng (Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 20/02/2009).

(2) Ứng trước vốn ngân sách nhà nước: Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ứng trước vốn ngân sách nhà nước để thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư như sau:

a) Ứng trước vốn ngân sách 2010, 2011 (Năm chưa đến, chưa có ngân sách) cho các chương trình, dự án:

- Vốn ứng trước đến ngày 30/6/2009: 15.492 tỷ đồng, bao gồm vốn ứng trước cho các dự án cấp bách (giao thông, thủy lợi,...) và thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; trong đó: Vốn ứng trước cho các cơ quan Trung ương là 9.467 tỷ đồng, địa phương là 6.025 tỷ đồng.

- Vốn ứng trước theo Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 01/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng trước vốn dự toán NSNN năm 2010, 2011 để bổ sung vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong các năm 2009, 2010: 12.627 tỷ đồng (không kể vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo); trong đó: Vốn ứng trước cho các cơ quan Trung ương là 4.504 tỷ đồng, địa phương là 8.123 tỷ đồng. 

b) Ứng trước vốn cho các nhiệm vụ khác:

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các khoản ứng trước để tăng kinh phí kiên cố hóa kênh mương, đầu tư hạ tầng làng nghề, hạ tầng thuỷ sản 3.000 tỷ đồng; hỗ trợ vốn xây dựng nhà ở cho hộ nghèo 1.000 tỷ đồng; cấp bù chênh lệch lãi suất 2.500 tỷ đồng; bổ sung vốn điều lệ Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương 500 tỷ; hỗ trợ các doanh nghiệp để duy trì lao động, mở rộng sản xuất và xuất khẩu 1.000 tỷ đồng,... Tổng số vốn ứng trước cho các nhiệm vụ nêu trên  khoảng 9.000 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số vốn ứng trước NSNN để thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư khoảng 37,1 nghìn tỷ đồng. Nếu trừ số vốn ứng thông thường như các năm trước thì tổng số vốn ứng trước trong gói kích thích kinh tế khoảng 21,1 nghìn tỷ đồng; ước thực hiện trong năm 2009 khoảng 18,2 nghìn tỷ đồng. 

(3) Chuyển nguồn vốn đầu tư kế hoạch năm 2008 sang năm 2009

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn ngân sách Nhà nước kế hoạch năm 2008 đến hết tháng 6 năm 2009 với số vốn NSNN khoảng 22,5 nghìn tỷ đồng. Ước thực hiện số vốn này trong năm 2009 khoảng 22 nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2008 được phép chuyển nguồn sang năm 2009 khoảng 7,2 nghìn tỷ đồng. Giải ngân nguồn vốn này đến hết tháng 8 năm 2009 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, bằng 63% số vốn được chuyển nguồn.

(4) Phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ

Được phép của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2009/QH12 ngày 19/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1297/QĐ-TTg ngày 20/8/2009 về việc giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009 cho các bộ và địa phương với tổng số vốn là 20.000 tỷ đồng, trong đó bố trí cho ngành giao thông vận tải 8.600 tỷ đồng, ngành thủy lợi 4.400 tỷ đồng, các dự án bệnh viện đa khoa tuyến huyện và các bệnh viện tuyến tỉnh theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội 2.000 tỷ đồng, các dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên 1.500 tỷ đồng, các dự án ký túc xá sinh viên 3.500 tỷ đồng.

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo kế hoạch vốn và danh mục dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009 cho các bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ước thực hiện đến hết năm 2009 sẽ giải ngân được khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

1. Thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế

Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng, Chính phủ đã thực hiện gói kích thích kinh tế thông qua các biện pháp giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT),… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kích thích đầu tư; miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với một số đối tượng trong 6 tháng đầu năm 2009; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất; giảm phí trước bạ,…

Tổng số thu NSNN được miễn, giảm, giãn theo các chính sách đã ban hành khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó: giảm, giãn thuế TNDN khoảng 9.900 tỷ đồng; giảm thuế GTGT khoảng 4.470 tỷ đồng; miễn thuế TNCN khoảng 4.507 tỷ đồng; giảm thu lệ phí trước bạ khoảng 1.140 tỷ đồng. Đồng thời, đã tiếp tục rà soát giảm khoảng 140 tỷ đồng các khoản phí và lệ phí khác. Bên cạnh đó, thực hiện giảm, giãn thời gian nộp thuế GTGT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2009 khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó: giảm thu do giảm thuế 50% tại khâu nhập khẩu ước khoảng 5.000 tỷ đồng; giãn nộp thuế 180 ngày đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng loại trong nước chưa sản xuất được ước khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thuế GTGT có tính chất liên hoàn (số thuế GTGT hàng nhập khẩu là thuế GTGT đầu vào của khâu nội địa, được kê khai, khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra của hàng hóa tiêu thụ trong nước khi xác định số thuế phải nộp) nên việc giảm, giãn thuế này ảnh hưởng không lớn đến số thu NSNN.

2. Các khoản chi khác nhằm góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Chính phủ đã cho phép tăng mua dự trữ quốc gia về gạo và xăng dầu, dự kiến tổng nguồn vốn cho nhiệm vụ này khoảng 2.800 tỷ đồng (trong đó mua gạo là 1.300 tỷ đồng; xăng dầu là 1.500 tỷ đồng). Chính phủ cũng cho phép ứng chi để thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên nhằm đảm bảo an sinh xã hội phát sinh ngoài dự toán như: hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo ăn Tết Kỷ Sửu 2009, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do suy giảm kinh tế (trả lương công nhân, đóng bảo hiểm xã hội,...); hỗ trợ thay thế xe công nông, xe cơ giới 3 bánh; kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh,... khoảng 7.000 tỷ đồng.

Tóm lại, qua quá trình thực hiện và cập nhật tình hình triển khai như báo cáo ở trên, tổng hợp lại các nguồn của gói kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội như sau:

Đơn vị: Tỷ đồng

TT

Danh mục

Tổng số tiền gói kích thích kinh tế

Thực hiện năm 2009

Dự kiến ban đầu

Số thực tế (1)

 

Tổng số

145.600

122.000

100.600

1.              

Hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng

17.000

18.000 (2)

10.000

2.              

Vốn đầu tư phát triển của Nhà nước

90.800

74.200

60.800

 

- Tạm hoãn thu hồi vốn đầu tư XDCB ứng trước năm 2009

 

3.400

3.400

 

- Ứng trước ngân sách để thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư quan trọng, cấp bách

 

21.100

18.200

 

- Chuyển nguồn vốn đầu tư kế hoạch năm 2008 sang năm 2009

 

29.700

29.200

 

   + Vốn đầu tư thuộc NSNN

 

22.500

22.000

 

   + Vốn trái phiếu Chính phủ

 

7.200

7.200

 

- Phát hành thêm trái phiếu Chính phủ

 

20.000

10.000

3.              

Thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế

28.000

20.000

20.000

 

- Giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp

 

9.900

9.900

 

- Giảm thuế giá trị gia tăng

 

4.470

4.470

 

- Miễn thuế thu nhập cá nhân

 

4.507

4.507

 

- Giảm thu lệ phí trước bạ

 

1.140

1.140

4.              

Các khoản chi khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

9.800

9.800

9.800

Ghi chú:

(1)     Sau khi loại trừ các khoản phát sinh như các năm trước

(2)     Do điều chỉnh tỷ giá

Như vậy, trên cơ sở thông tin cập nhật đến nay, quy mô gói kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội khoảng 122 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 6,9 tỷ USD. Ước thực hiện trong năm 2009 đã sử dụng hết khoảng 100,6 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 5,7 tỷ USD. Số còn lại sẽ được sử dụng trong năm 2010 – 2011.

Một số kết quả

 Qua thực tế tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 (trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn) có thể nhận thấy việc thực hiện gói kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Thể hiện cụ thể trên các mặt sau đây:

2.1. Nền kinh tế nước ta chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng thế giới nhưng chỉ bị suy giảm, không rơi vào tình trạng suy thoái như các nước khác. Chúng ta đã thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững. Biểu hiện cụ thể là GDP trong Quý I có tốc độ tăng trưởng 3,14%, sang Quý II tăng 4,46%, Quý III tăng 5,76% và Quý IV tăng 6,8%, cả năm tăng 5,23%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,4%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%.

2.2. Cơ chế hỗ trợ lãi suất được sự đồng tình, ủng hộ, phối hợp triển khai của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất; là giải pháp kích cầu phù hợp và được triển khai kịp thời, nên đã tạo lòng tin và động lực cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ - Cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng một cách thận trọng, việc tổ chức thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ lãi suất đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ sản xuất tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp (4-6%/năm sau khi được hỗ trợ lãi suất) để sản xuất, kinh doanh.

 Theo báo cáo khảo sát tại các địa phương, việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất đã đạt được mục tiêu là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, hạ giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, trong đó: (i) Kết quả khảo sát 180 doanh nghiệp của Cục Thống kê Đà Nẵng, có 63,3% doanh nghiệp được vay vốn ngắn hạn hỗ trợ lãi suất vay vốn, 50,6% doanh nghiệp sử dụng vốn vay để duy trì sản xuất kinh doanh, 36,3% doanh nghiệp dùng vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, 9,7% doanh nghiệp dùng vốn vay để giải quyết tiền lương, 95% doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, 33,3% doanh nghiệp giảm giá bán dưới 10%, 12,5% doanh nghiệp giảm giá bán trên 10%, 83,9% doanh nghiệp đã cải thiện được khả năng cạnh tranh, 90% doanh nghiệp giữ ổn định và tăng sử dụng lao động, 90% doanh nghiệp trả đủ lương cho người lao động; (ii) Theo kết quả khảo sát ở một số địa phương, NHTM cho thấy cơ chế hỗ trợ lãi suất đã có tác động giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp 36,6% ở TP Hồ Chí Minh, 30% ở Thừa Thiên Huế, 36,64% ở 72 doanh nghiệp vay vốn ở NHTM cổ phần Á Châu, giảm 35% đối với các doanh nghiệp chế biến bột cá, vận tải, sản xuất nhựa, cơ khí, chế biến cà phê vay vốn tại Ngân hàng Công thương Việt Nam; hạ giá thành sản phẩm khoảng 4% ở thành phố Hồ Chí Minh và Hưng Yên.

- Theo báo cáo của Bộ Công thương, việc ban hành Quyết định 497/QĐ-TTg đã giúp nhiều doanh nghiệp trong nước duy trì sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, cụ thể là: Trong 7 tháng đầu năm 2009, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam có sản lượng sản xuất và tiêu thụ máy kéo, xe vận chuyển tăng 84,77%, máy phun thuốc trừ sâu tăng 342,23%, máy bơm nước các loại tăng 159%, máy cắt lúa, gặt đập liên hợp tăng 50,74%.

2.3. Trong từng ngành, lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực:

Sản xuất công nghiệp phục hồi khá nhanh nhờ các chính sách hỗ trợ sản xuất như: hỗ trợ lãi suất tín dụng, miễn, giảm thuế, khuyến khích xuất khẩu. Sau khi giảm sâu trong tháng 1 (-4,4%), ngành công nghiệp liên tục có tốc độ tăng trong các tháng tiếp theo và đến tháng 9 đã tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, gần bằng mức tăng của các năm trước (tăng khoảng 15-16%). Đặc biệt, ngành xây dựng, từ mức tăng trưởng âm 0,4% về giá trị tăng thêm trong năm 2008 đã tăng 6,9% trong Quý I, tăng 9,8% trong Quý II, tăng 11,0% trong Quý III và dự kiến cả năm có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 11,3% nhờ các biện pháp hỗ trợ sản xuất, kích cầu đầu tư, bao gồm việc bổ sung thêm vốn đầu tư của Nhà nước (ứng trước vốn NSNN, tăng thêm vốn trái phiếu Chính phủ), khuyến khích huy động các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội như các dự án BOT, BT, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung,...

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định. Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 2,6% so với cùng kỳ năm tr­ước. Sản lượng lương thực vụ đông xuân vượt mức kỷ lục của năm trước (tăng 0,3%). Trà lúa mùa hiện đang phát triển tốt và hứa hẹn tiếp một vụ mùa bội thu. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển; cả nước không còn ổ dịch gia cầm, dịch bệnh gia súc được khống chế. Khai thác thủy sản đạt kết quả tốt do thời tiết thuận lợi và có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng đầu năm tăng 6,8%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2008.

Khu vực dịch vụ nhìn chung vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao, giá trị tăng thêm đạt tốc độ tăng trưởng 5,1% trong Quý I, 5,7% trong Quý II và 6,8% trong Quý III; dự báo cả năm đạt khoảng 6,5%. Nhờ thực hiện tốt các chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hoạt động thương mại, dịch vụ nội địa đạt nhiều kết quả. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2009 tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2008. Các lĩnh vực thông tin, viễn thông tiếp tục phát triển tốt.

2.4. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định; các cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế,... được bảo đảm, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 năm 2009 so với tháng 12 năm 2008 chỉ tăng 4,11%, cùng với việc hỗ trợ lãi suất 4% năm vừa tạo thuận lợi giúp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất, vừa hỗ trợ cho việc phát triển ổn định và an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Thị trường chứng khoán đang có sự phục hồi với giao dịch sôi động hơn. Chỉ số giá chứng khoán (VN-Index) từ mức 235 điểm vào Quý I đã tăng dần lên và hiện đang dao động trong khoảng 580 điểm.

2.5. Việc bổ sung thêm các nguồn vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ cùng với các chính sách hỗ trợ lãi suất, kích cầu đầu tư của Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư, kinh doanh, nhờ đó huy động được nhiều nguồn vốn cho phát triển nền kinh tế trong điều kiện rất khó khăn; góp phần quan trọng để ngăn chặn suy giảm kinh tế; tạo thêm việc làm, thu nhập và chuẩn bị điều kiện để phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những năm sau. Dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2009 sẽ đạt trên 42% GDP, vượt kế hoạch đề ra là 39,5%.

2.6. Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế đã giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi và từng bước đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Việc giãn thời gian thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân đã góp phần kích thích tiêu dùng, nhất là các dịch vụ cao cấp, du lịch nội địa, vui chơi, giải trí đối với những người có thu nhập cao. Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu về du lịch tăng trên 18%, chủ yếu do tăng du lịch trong nước.

2.7. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã góp phần bảo đảm đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa,... trong điều kiện rất khó khăn của nền kinh tế do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Gói kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục hướng vào xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 62 huyện nghèo; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh,... Cùng với quá trình phục hồi nền kinh tế, nhất là trong công nghiệp và xây dựng, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng nhanh, tạo điều kiện thu hút số lao động dôi dư trong suy giảm kinh tế trong thời gian qua. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm ước còn khoảng 11%, vượt kế hoạch đề ra.

3. Tồn tại và hệ lụy

Bên cạnh mặt tích cực, cơ chế hỗ trợ lãi suất có những khó khăn, vướng mắc và tác động không thuận lợi như sau:

3.1- Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 497/QĐ-TTg đạt thấp do có một số vướng mắc:

 - Có sự trùng lắp về đối tượng hỗ trợ lãi suất với quyết định số 131/QĐ-TTg và Quyết định số 443/QĐ-TTg;

- Điều kiện, thủ tục cho vay chặt chẽ hơn so với cho vay theo cơ chế thông thường như chỉ cho vay để mua hàng hóa sản xuất trong nước, thủ tục vay phải có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về đối tượng và mục đích sử dụng vốn vay, mức tiền vay tối đa mua vật tư nông nghiệp 7 triệu đồng/ha là quá thấp,…

3.2- Cơ chế hỗ trợ lãi suất được ban hành gấp trong bối cảnh kinh tế suy giảm, nên chưa được nghiên cứu thật kỹ lưỡng,  có nhiều quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất do nhiều cơ quan khác nhau đề xuất, điều này dẫn đến tình trạng chưa thật nhất quán về đối tượng, mức hỗ trợ lãi suất cho vay trong một số chính sách và phần nào tạo ra một số khó khăn, vướng mắc trong hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm soát được tác động của chính sách đối với nền kinh tế;

3.3- Việc triển khai đồng thời nhiều cơ chế hỗ trợ lãi suất cùng với việc thực thi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng làm cho tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng ở mức cao gây sức ép tăng lãi suất thị trường và lạm phát trong thời gian tới. Mức tăng tín dung năm 2009 đã là 37,85%.

3.4- Do lãi suất cho vay VND sau khi được hỗ trợ khá thấp, tương đương lãi suất cho vay bằng USD, nhưng do lo ngại rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp nhập khẩu chuyển sang vay VND để mua ngoại tệ, gây sức ép tăng tỷ giá và căng thẳng thanh khoản trên thị trường ngoại hối; doanh nghiệp có vốn tự có gửi vào NHTM để hưởng lãi suất cao (từ 7-10%/năm), nhưng vẫn vay vốn VND để hưởng hỗ trợ lãi suất 4%/năm, hoặc có hiện tượng vay vốn VND chuyển sang tiền gửi để hưởng chênh lệch lãi suất; doanh nghiệp lập phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư với thời hạn trả nợ kéo dài hơn so với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn hoàn vốn để được hưởng nhiều hỗ trợ lãi suất.

3.5- Phát sinh tình trạng không công bằng giữa các doanh nghiệp được vay và doanh nghiệp không được vay vốn hỗ trợ lãi suất. Mặt khác với mức hỗ trợ lãi suất tiền vay 4%/năm là khá lớn, đối tượng thụ hưởng thuộc nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, nếu kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, giảm khả năng của doanh nghiệp.

3.6- Trị giá các gói kích thích bằng gần 9% GDP được đưa vào nền kinh tế trong một thời gian không quá dài dễ tạo ra lạm phát, nhất là khi những đồng vốn này không được sử dụng đúng chỗ, không được kiểm soát chặt chẽ và không hiệu quả. CPI cả năm 2009 tăng 7.00%,

Vốn kích cầu lên tới 8 tỷ USD, nếu được sử dụng hiệu quả sẽ kích thích sản xuất - kinh doanh trong nước, tạo nguồn hàng phong phú, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân… Nhưng trong điều kiện NSNN hạn hẹp, năm 2009 thâm hụt ở mức 6,9% GDP, khi lượng tiền cung ứng lớn, nếu chi tiêu Chính phủ kém hiệu quả thì không những không thúc đẩy sản xuất, mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra lạm phát, kéo theo nhiều hậu quả khác như tăng bội chi ngân sách, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội...

Chính phủ rất quan tâm đến tính an toàn và hiệu quả cung cấp gói kích cầu , nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về 2 mặt là tính chặt chẽ, nghiêm khắc của các điều kiện và  mức độ công khai về thông tin. Điều này có thể khiến các giải pháp kích thích kinh tế bị chệch mục đích, bị lạm dụng, lợi dụng. Thực tế thực hiện “gói” hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 17 nghìn tỷ đồng đã bộc lộ những vấn đề có những biện pháp xử lý. Tổng số tín dụng được hỗ trợ bù lãi suất của gói kích cầu 17.000 tỷ đồng là 450.000 tỷ đồng nếu tính theo 12 tháng, thể hiện một tỷ lệ tăng dư nợ rất cao. Khi ngân hàng giải ngân thì số tiền cho vay được chuyển đến tài khoản của DN, nhưng DN không cần ngay một lúc toàn bộ số tiền vay ấy. Có rất nhiều khả năng để doanh nghiệp sử dụng số vốn vay được:

      - Chuyên qua tài khoản “tiết kiệm có thời hạn” hoặc tiền gửi qua đêm để được hưởng lãi suất huy động, khoảng từ 7% đến 10%

       - Dùng để trả những khoản nợ cũ đã vay với lãi suất cao, có khoản nợ chịu lãi suất cao tới trên 20%. Thực chất là đảo nợ; Doanh nghiệp giảm tiền trả lãi , ngân hàng giảm được nợ xấu về mặt hình thức

       - Có thể đem đầu tư tài chính ngắn hạn, như đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK), hay thị trường bất động sản (BĐS);

       - Có thể dùng vào những dự án khác hoặc cho doanh nghiệp không đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất vay lại. Nói chung là dùng vào những việc ngoài những mục đích của chính sách hỗ trợ lãi suất.

        Cách sử dụng số vốn vay như trên sẽ có những tác động xấu đối với thị trường tài chính và nền kinh tế. Những dòng tiền vừa ra khỏi ngân hàng đã sớm quay trở lại ngân hàng để lấy lãi hoặc thu lợi ích không những đã gây thiệt hại cho NSNN mà còn làm lệch hướng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm . Trong trường hợp đảo nợ thì về mạt hình thức, tạm thời làm giảm tổng dư nợ và giảm một phần nợ xấu hay khó đòi trong hệ thống ngân hàng, nhưng không phải là sự giảm thực chất và trong tương lai lại có khả năng phát sinh thêm các khoản nợ xấu hơn. Nếu số lượng tiền sử dụng không đúng mục đích lên đến hàng trăm nghìn tỷ thì sẽ gây ra nguy cơ rất bất lợi cho hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ.

            3.7- Lạm phát có thể quay trở lại. Rủi ro về lạm phát ở nước ta đang rình rập, với việc Chính phủ đẩy mạnh các giải pháp kích cầu và liên tục tăng giá các mặt hàng nhạy cảm trong những tháng đầu năm 2010.Do chính sách có độ trễ lớn nên lượng tiền tung ra cho nền kinh tế ngay trong năm 2010 sẽ lớn hơn. Chủ trương kìm giữ tốc độ tăng trưởng tin dung ở mức 25%, CPI ở mức 7% là  vô cùng khó khăn và không thực tế . Việc tăng quá nhanh và quá mạnh tín dụng cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ lạm phát. Kinh nghiệm cho thấy, nếu như tăng trưởng tín dụng tăng đột biến, thì chỉ sau 2-3 tháng nó sẽ tác động tới việc tăng giá.

3.8 - Bội chi ngân sách tăng, năm 2009 là 6,9%/GDP, năm 2010 kế hoạch là 6,2%. Đó là chưa kể tới nhiều khoản chi từ các nguồn ngoài Ngân sách. Ngay đầu năm 2010 các mức lương tối thiểu của doanh nghiệp ở 4 khu vực đã tăng, Lương tối thiểu của Khu vực hành chính sự nghiệp cũng sẽ được điều chỉnh tăng, giá điện, xăng dầu, than đã và sẽ tăng  gây những ảnh hưởng đáng kể đến  giá cả. Mặt khác, những  nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát cao tại Việt Nam trong năm 2008 vẫn còn. Đó chính là những trục trặc mang tính cơ cấu, trong đó sự thiếu kỷ luật tài chính trong đầu tư công và trong hoạt động của các DNNN và tập đoàn lớn là đáng kể nhất. Vì vậy, kích cầu đầu tư thông qua việc nới lỏng tín dụng  nếu thiếu sự thẩm định, thiếu  giám sát và thiếu đạo đức thì kết quả rất có thể là nền kinh tế vẫn tiếp tục đình trệ, trong khi lạm phát bị kích hoạt trở lại./.

 

 

PGS, TS. Đặng Văn Thanh

Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)