1- Chính sách tài khóa (CSTK)
và chính sách tiền tệ (CSTT) là hai công cụ quản lý kinh tế vĩ mô quan trọng;
mỗi chính sách có mục tiêu riêng, nhưng đều cùng theo đuổi mục tiêu chung là
tăng trưởng kinh tế bền vững và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nội dung cơ bản
của CSTK là kiểm soát thu, chi ngân sách mà những khoản thu, chi này có tác
động trực tiếp đến tăng trưởng, lạm phát và nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Vì
thế, CSTK được coi là một trong những chính sách quan trọng đối với việc ổn
định và thực thi chính sách kinh tế vĩ mô; một CSTK vững mạnh sẽ thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế và làm cơ sở để các doanh nghiệp đưa ra các quyết định đầu tư
lớn. Trong mối quan hệ với giá cả, CSTK là một trong những nguyên nhân cơ bản
của lạm phát, một sự nới lỏng CSTK đều gây áp lực làm tăng giá cả hàng hóa dịch
vụ trên các khía cạnh thúc đẩy tăng tổng cầu và tài trợ thâm hụt.
CSTT là công cụ của Ngân hàng Trung
ương để điều tiết quá trình cung ứng tiền, lãi suất và tín dụng, kết quả là chi
phối dòng tiền chu chuyển và khối lượng tiền để đạt mục tiêu chính sách đề ra.
Một CSTT nới lỏng sẽ làm tăng cung tiền, giảm lãi suất, qua đó thúc đẩy tăng
tổng cầu và gây áp lực lạm phát nếu cung tiền tăng quá mức so với sản lượng
tiềm năng.
CSTK tác động đến CSTT trước hết
qua kênh tài trợ thâm hụt ngân sách: Nếu thâm hụt ngân sách được tài trợ từ vay
nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến cán cân thanh toán; nếu tài trợ bằng cách vay từ
Ngân hàng Trung ương thì sẽ làm tăng lượng tiền cung ứng và mặt bằng giá cả;
nếu thâm hụt ngân sách được bù đắp bằng cách vay từ các NHTM thì nguồn vốn cho
vay các khu vực kinh tế sẽ giảm, hạn chế năng lực đầu tư của các khu vực kinh
tế này và ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, CSTK còn ảnh
hưởng đến dòng vốn quốc tế và khả năng của Ngân hàng Trung ương trong việc kiểm
soát luồng ngoại tệ, nếu chính sách thu, chi ngân sách không hợp lý thì sẽ tác
động tiêu cực đến hiệu quả phân bổ nguồn lực và làm tăng rủi ro liên quan đến
dòng vốn quốc tế…
CSTT tác động đến CSTK tùy theo mức
độ điều chỉnh các công cụ CSTT, một CSTT thắt chặt sẽ làm giảm đầu tư, khả năng
thu thuế và nguồn thu ngân sách, một sự giảm giá nội tệ sẽ làm gia tăng khoản
nợ Chính phủ bằng ngoại tệ qui đổi, nếu Ngân hàng Trung ương điều chỉnh tăng
lãi suất thì giá trái phiếu Chính phủ sẽ giảm và ảnh hưởng đến khả năng cân đối
ngân sách.
2- Từ cuối năm 2007, kinh tế
thế giới biến động mạnh và bước vào thời kỳ suy thoái, gây ra những bất ổn khó
lường đối với nền kinh tế Việt Nam, thị trường tài chính trong nước chao đảo
mạnh, đe dọa tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, lãi suất và tỉ giá biến
động mạnh, lạm phát liên tục leo thang. Để ổn định thị trường, Chính phủ, NHNN,
Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp can thiệp quyết liệt, kịp
thời và có hiệu quả, từng bước giải quyết các vấn đề phát sinh. Từ tháng 6/2007
đến tháng 9/2008, NHNN đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm
phát, nhưng CSTK vẫn duy trì mức bội chi như thường lệ, vì thế nỗ lực chống lạm
phát không đạt được hiệu quả như mong đợi, mặc dù nguy cơ khủng hoảng bị đẩy
lùi. Nói đúng hơn, trong khi CSTT thắt chặt thì CSTK lại nới lỏng, khiến áp lực
lạm phát và lãi suất tăng, sau đó CSTK mới bắt đầu điều chỉnh theo hướng giảm
tỉ lệ thâm hụt xuống dưới 3% GDP, cắt giảm 10% chi thường xuyên, vv… Từ tháng
10/2008 đến nay, Chính phủ chủ trương nới lỏng CSTT và CSTK để hỗ trợ phục hồi
kinh tế sau khủng hoảng. Đối với CSTT, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản
để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đồng thời tăng cường nguồn vốn huy động, đáp
ứng nhu cầu mở rộng tín dụng trong nền kinh tế. Đối với CSTK, Chính phủ đã ban
hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm
ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm 5 nhóm giải pháp cơ
bản, trong đó kích cầu kinh tế là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh khoản 36.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ và hàng loạt chính sách an
sinh xã hội và phát triển hạ tầng nông thôn, miễn giảm một số loại thuế, hoãn
thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản ứng trước năm 2009, phát hành trái phiếu
Chính phủ bổ sung, ….
3- Kiểm toán chuyên đề là việc
lựa chọn một lĩnh vực, một nội dung để thực hiện kiểm toán. Thực chất kiểm toán
chuyên đề là kiểm toán chuyên sâu một chủ đề chính, mang tính điển hình. Vì vậy,
việc lựa chọn chủ đề kiểm toán thường mang tính chất xuyên suốt, có tính chất
điển hình của hệ thống các cơ quan quản lý, các đơn vị có mô hình hoạt động
giống nhau và thường có cùng chức năng, nhiệm
vụ. Các cuộc kiểm toán chuyên đề thường
đi sâu vào một lĩnh vực để kiểm toán, nó có tính chuyên sâu cao; các vấn đề
được kiểm toán luôn được xem xét một cách khá kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh,
cho nên: ngoài việc kiểm toán tính tuân thủ, tính đúng đắn, hợp pháp của báo
cáo tài chính như các cuộc kiểm toán thông thường thì khi kiểm toán chuyên đề
cần phải xem xét, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả của hoạt
động - lĩnh vực lựa chọn kiểm toán, tức là: khi thực hiện kiểm toán
chuyên đề cần áp dụng cả 3 loại hình kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài
chính và kiểm toán hoạt động. Mặt khác, các cuộc kiểm toán chuyên đề thường
không gắn với một năm ngân sách mà gắn với một quá trình dài, liên quan đến
nhiều năm ngân sách. Vì vậy, những kết luận, kiến nghị kiểm toán thường bao
trùm toàn bộ nội dung kiểm toán và mang tính tổng thể, không gắn với các trường
hợp đơn lẻ. Chỉ có kiểm toán chuyên đề mới có kết quả sâu rộng về một lĩnh vực
và giải đáp được những vấn đề mang tính chuyên môn cao của nội dung được kiểm
toán, đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
4- Một trong những mục tiêu kiểm toán chung,
quan trọng của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2010 là: Xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán, báo
cáo tài chính và báo cáo quyết toán vốn đầu tư thực hiện; đánh giá việc tuân thủ
pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách,
tiền và tài sản nhà nước, trong đó đi sâu đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của việc triển khai thực
hiện Nghị quyết số 23/2008/QH12 ngày 06/11/2008 của Quốc hội về Kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội năm 2009 và Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008
của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo
đảm an sinh xã hội.
Nội dung kiểm toán áp dụng cho tất cả các lĩnh vực kiểm toán là: Kiểm toán việc thực hiện 5
nhóm giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của
Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì
tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất
khẩu; Thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; Thực hiện chính
sách tài chính, tiền tệ; Bảo đảm an sinh xã hội; Tăng cường công tác điều hành,
tổ chức thực hiện chính sách.
Nội dung kiểm toán áp dụng cho lĩnh vực Ngân sách
Nhà nước (NSNN) là: Tình hình triển khai và kết quả
thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị
quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ, trong đó tập trung đánh
giá kết quả thực hiện các chính sách về miễn, giảm, giãn thuế, hỗ trợ lãi suất
theo Quyết định số 131/QĐ-TTg, Quyết định 443/QĐ-TTg và Quyết định số
497/QĐ-TTg đối với các doanh nghiệp; các giải pháp về vốn đầu tư phát triển (tăng cường huy động các nguồn vốn, tạm hoãn
thu hồi các khoản ứng trước kế hoạch thuộc nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ
năm 2008; ứng trước vốn ngân sách năm sau để thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư
quan trọng, cấp bách; bổ sung kế hoạch trái phiếu Chính phủ năm 2009; hỗ trợ
lãi suất tín dụng; điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn
trái phiếu Chính phủ đã có trong danh mục được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ
tướng Chính phủ giao). Nội dung trong kiểm toán chấp hành ngân sách là: Tập trung đánh giá thực tế thực hiện
các gói kích cầu, chống suy giảm kinh tế của Chính phủ thông qua một số cuộc
kiểm toán chuyên đề: Kiểm toán việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để
sản xuất - kinh doanh; Kiểm toán công tác quản lý thu thuế (tập trung vào công
tác hoàn, miễn, giảm, giãn thuế) trong 2 năm 2008-2009 tại Tổng cục Thuế và
Tổng cục Hải Quan; Kiểm toán việc phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu
Chính phủ giai đoạn 2006-2009.
Trong
phạm vi Hội thảo này, chúng tôi xin nêu một số ý kiến về Phương hướng, nhiệm vụ
của Kiểm toán Nhà nước năm 2010 trong việc tổ chức kiểm toán chuyên đề đối với
việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất và chính sách miễn, giãn, giảm thuế
của Chính phủ.
Việc kiểm toán đối với 2 chuyên đề
này phát sinh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong một thời gian tương đối
dài, gắn với các hoạt động, các nghiệp vụ kinh tế - tài chính thường xuyên, đối
tượng rộng và phức tạp… vì vậy, cần tập trung nguồn lực và sự chỉ đạo tập
trung, thống nhất mới có thể đạt được chất lượng và hiệu quả cao; Trong quá
trình tổ chức thực hiện kiểm toán cần chú trọng ngay từ khâu khảo sát, lập Kế
hoạch kiểm toán. Việc khảo sát, thu thập thông tin, tìm hiểu kỹ càng các hoạt động
nghiệp vụ rất quan trọng trong quá trình lập Kế hoạch kiểm toán; việc phân công
công việc phải phù hợp với khả năng, trình độ và nguồn nhân lực của các đơn vị
thuộc KTNN; Mỗi kiểm toán viên tham gia cuộc kiểm toán chuyên đề đều phải am
hiểu về chuyên đề được lựa chọn kiểm toán và nội dung kiểm toán được phân công.
Kế hoạch kiểm toán phải cụ thể các mục tiêu kiểm toán, những mục tiêu này phải
thể hiện được đặc thù của cuộc kiểm toán, bao quát hết lĩnh vực được kiểm toán
và chi tiết theo từng nội dung kiểm toán.
1. Về mục tiêu kiểm toán: Ngoài việc quán triệt mục tiêu kiểm toán chung của KTNN trong năm
2010, mỗi cuộc kiểm toán chuyên đề cần xác định rõ những mục tiêu cụ thể, theo
chúng tôi đó là:
- Với
chuyên đề Hỗ trợ lãi suất là: Xác nhận tính đúng đắn, trung thực số dư nợ tín
dụng cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM và số kinh phí hỗ trợ lãi suất
năm 2009 của NHNN và các NHTM; đánh giá tính
hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách cho vay
hỗ trợ lãi suất của Chính phủ;
- Với chuyên đề quản lý thu thuế là: Xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các
số liệu về miễn, giảm, giãn và hoàn thuế đối với các sắc thuế; đánh giá tính
hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách tài chính thuộc nhóm các giải
pháp cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát,
ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã
hội.
2. Về nội dung kiểm toán:
- Với chuyên đề Hỗ trợ lãi suất:
+ Kiểm toán số liệu dư nợ tín dụng
cho vay hỗ trợ lãi suất và kinh phí hỗ trợ lãi suất năm 2009 của các NHTM đề
nghị Nhà nước hỗ trợ;
+ Kiểm toán
việc chấp hành pháp luật trong việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ lãi
suất của Chính phủ;
+ Kiểm toán, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất của Chính
phủ;
+ Kiểm toán việc quản lý, sử dụng
nguồn kinh phí cấp bù lãi suất tại Ngân hàng Nhà nước;
Ngành ngân hàng đã triển khai thực
hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ lãi suất như: Cơ chế thứ nhất hỗ trợ 4% cho
các khoản vay vốn lưu động của các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh
tế với thời gian hỗ trợ không quá 8 tháng và trước 31/12/2009 (Quyết định
131/QĐ-TTg); Cơ chế thứ 2 là hỗ trợ lãi suất với mức 4% cho các khoản vay vốn
trung và dài hạn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh với thời hạn hỗ trợ
không quá 24 tháng và trước 31/12/2011 bao gồm 9 ngành, lĩnh vực thuộc nông
nghiệp và công nghiệp (Quyết định 443/QĐ-TTg); Cơ chế thứ 3 thực hiện hỗ trợ
lãi suất các khoản vay mua máy móc thiết bị tối đa là 24 tháng; vật tư phục vụ
sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn (tối đa là 12
tháng), áp dụng đối với những khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết,
giải ngân trong khoảng thời gian từ 1/5 đến 31/12/2009 (Quyết định 447/QĐ-TTg).
Đây là lần đầu tiên Chính phủ công
bố dành riêng một ngân khoản lớn dành cho việc kích cầu. Việc thiết lập một
ngân khoản từ ngân sách quốc gia đặt ra vấn đề sử dụng hợp lý gói kích cầu này
vào những ngành nào có hiệu quả nhất trong nỗ lực của Chính phủ ngăn chặn suy
giảm kinh tế, duy trì tình trạng sử dụng nhân lực và một nhịp độ tăng trưởng
dương. Phần lớn tiền hỗ trợ không được
chi trực tiếp, mà được hỗ trợ gián tiếp thông qua hỗ trợ lãi suất. Bằng cách
này, chúng ta đã kích thích tăng trưởng mạnh tín dụng, giúp các doanh nghiệp có
được nguồn vốn giá rẻ nên giảm được giá thành sản phảm, duy trì ổn định sản
xuất, kích thích được nhu cầu trong nước. Các doanh nghiệp có toàn quyền quyết
định vay để làm gì mà họ thấy có hiệu quả nhất cho họ (tức là cũng có lợi cho nền kinh tế), Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất
cho các khoản vay nằm trong danh mục được hỗ trợ (nằm ngoài danh mục thì không được hỗ trợ) giúp cho các doanh
nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, với mục tiêu khuyến khích tiếp tục
duy trì sản xuất kinh doanh. Mục tiêu và hướng đến của các gói kích thích kinh
tế của Chính phủ là rất rõ ràng và phù hợp. Cụ thể các gói này hướng vào khu
vực sản xuất vật chất và việc kích cầu nhằm vào bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ
người nghèo, cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa... ; NHNN cũng đã cố gắng chỉ đạo
nắn dòng tiền tệ chảy đúng vào khu vực sản xuất, khu vực tạo ra sự tăng trưởng
thực chất, tạo ra giá trị thực sự; đảm bảo thị trường phát triển bền vững, hạn chế
tình trạng bong bóng (Chỉ thị 01/CT-NHNN
ngày 22/5/2009 của Thống đốc NHNN).... Qua kiểm toán cần xác định và có kết
luận về dòng tiền chảy đến các điểm cần đến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ (đối tượng và điều kiện áp dụng…);
Luật pháp nghiêm cấm triệt để hành vi đảo nợ trong bất luận trường hợp nào (bởi vì, một nền kinh tế chấp nhận cho vay
đảo nợ, tức là chấp nhận cách làm ăn không mang lại hiệu quả, đồng thời dễ gây
thất thoát tài sản, chưa kể gây rối ren trong công tác quản lý)… vì vậy,
qua kiểm
toán cần có ý kiến kết luận về vấn đề này. Mặt khác, trên phương
diện kinh tế, hiệu quả thực sự của kích thích kinh tế là giá trị sản xuất phải
tăng cùng với giá trị mới được tạo ra tăng (GDP), tạo ra được việc làm (hoặc
giảm tình trạng thất nghiệp)... qua kiểm toán cũng cần được phân tích và có ý
kiến về hiệu quả của gói kích cầu.
- Với
chuyên đề quản lý thu thuế:
+ Kiểm toán và đánh giá công tác quản lý, thực hiện miễn, giảm, giãn các
sắc thuế; ngoài việc đánh giá theo quy định tại các Luật thuế và các văn bản
hướng dẫn thi hành: cần chú ý về việc miễn, giảm, giãn thuế thuộc các giải pháp cấp bách nhằm
ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
để xác định tính đúng đắn về đối tượng,
đầy đủ về hồ sơ thủ tục và chính xác về số thuế miễn, giảm, giãn; kiểm tra việc
chấp hành các quy định giãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.
+ Về hoàn thuế, chủ yếu tập trung
kiểm toán công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu thông qua các hồ
sơ hoàn thuế được lưu trữ tại cơ quan Thuế và Hải quan, đối chiếu với các quy
định tại Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các
văn bản hướng dẫn thi hành.
Khi đánh giá công tác quản lý nợ đọng, miễn, giảm và hoàn thuế cần phân
tích và xác định rõ:
+ Thu nội địa: Các khoản nợ đọng thuế
xác định tăng thêm; phân tích từng nguyên nhân nợ đọng (nợ có khả năng thu và nợ
không có khả năng thu), thời điểm xác định nợ đọng so với báo cáo nợ đọng của
cơ quan thuế các cấp (phải có xác nhận của các đơn vị); nợ đọng thu đấu giá quyền
sử dụng đất, thu cấp quyền sử dụng đất...
+ Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu:
Phân tích và xác định rõ tình hình xử lý các khoản nợ thuế chuyên thu (nợ trong
hạn và nợ quá hạn), nợ tạm thu...; các khoản nợ đọng thuế xác định tăng thêm so
với báo cáo nợ đọng của cơ quan Hải quan các cấp.
+ Các khoản còn tồn đọng trên tài khoản
tạm thu, tạm giữ: Phân tích, xác định rõ nguyên nhân chưa xử lý, nộp NSNN theo
quy định.
3. Một số nội dung khác:
- Trong kế
hoạch kiểm toán phải xác định rõ những vấn đề mang tính trọng yếu; đánh giá và
ước lượng đúng rủi ro kiểm toán để áp dụng phương pháp kiểm toán phù hợp.
- Kế hoạch kiểm toán phải xây dựng được phương
pháp, cách thức thu thập bằng chứng kiểm toán phù hợp với từng mục tiêu, nội
dung kiểm toán, nhất là các bằng chứng kiểm toán đối với các vấn đề cần đánh
giá tính kinh tế, tính hiệu lực, hiệu quả cần phải được xây dựng kỹ lưỡng, công
phu vì đây là loại hình kiểm toán đòi hỏi trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao,
trong khi kinh nghiệm kiểm toán của kiểm toán viên nhà nước chưa nhiều. Phương
pháp, cách thức thu thập bằng chứng kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán phải chỉ
rõ các tài liệu, số liệu cần thu thập; cách thức đối chiếu, đánh giá số liệu…(Ví dụ: Chính sách hỗ trợ lãi suất được
thực hiện tại các đối tượng được hưởng, NHNN và các NHTM với các khoảng thời
gian khác nhau…).
- Phải xây dựng được hệ thống mẫu
biểu phù hợp để thu thập đầy đủ các thông tin, tài liệu, số liệu phục vụ hoạt
động kiểm toán. Thiết kế mẫu biên bản kiểm toán và báo cáo kiểm toán phù hợp
với mẫu biểu do ngành qui định và bổ sung thêm mẫu biểu, kết cấu mẫu biểu phù
hợp với yêu cầu của cuộc kiểm toán. Nhất là các chỉ tiêu, mẫu biểu liên quan
đến việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý sử dụng các
nguồn lực kinh tế, tài chính.
- Phải xây dựng được tiêu chuẩn,
thước đo để đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả. Đây là điều kiện quyết định
đến việc thực hiện thành công các mục tiêu, nội dung liên quan đến kiểm toán
hoạt động trong kế hoạch kiểm toán được xây dựng. Việc xây dựng tiêu chuẩn,
thước đo để đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả có thể dựa vào hệ thống văn
bản, qui định có sẵn (do Chính phủ, Bộ
Tài chính, NHNN… ban hành và các đơn vị xây dựng để tổ chức thực hiện), có
thể đoàn KTNN phải tự xây dựng căn cứ vào qui trình hoạt động, so sánh giữa các
đơn vị có qui mô hoạt động và nhiệm vụ tương đồng. Tiêu chuẩn, thước đo cần
phải được xây dựng ngay khi lập kế hoạch kiểm toán, có sự điều chỉnh kịp thời
trong quá trình thực hiện kiểm toán và phải được áp dụng thống nhất trong Đoàn
KTNN.
- Chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện,
nhân lực cho cuộc kiểm toán. Phải tổ chức tập huấn để tất cả kiểm toán viên
hiểu rõ về đơn vị được kiểm toán, nhận thức rõ nhiệm vụ phải thực hiện; nắm bắt
và hiểu rõ cách thức tiến hành kiểm toán cũng như hướng xử lý các sai sót, vi
phạm của đơn vị… để thực hiện một cách thống nhất giữa các kiểm toán viên cũng
như các tổ kiểm toán. Chú ý đến việc bố
trí, sắp xếp nhân lực phải hợp lý và đồng đều giữa các tổ kiểm toán. Xuất phát
từ mục tiêu, nội dung kiểm toán đã xác định cần lựa chọn các kiểm toán viên phù
hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm tính chuyên sâu cho hoạt động
kiểm toán. Việc bố trí nhân lực phải đồng đều giữa các tổ kiểm toán để có cùng
một cách nhìn, cùng một cách đánh giá, nhận xét đối với những sai sót, tồn tại
của các đơn vị khác nhau.
- Tổ chức, quản lý chặt chẽ hoạt
động của đoàn kiểm toán và các tổ kiểm toán, thường xuyên thực hiện tốt việc
quản lý thông qua hình thức báo cáo, kiểm tra, soát xét. Luôn duy trì tốt mối
quan hệ trao đổi thông tin, báo cáo giữa Tổ trưởng với Trưởng đoàn, giữa Tổ
trưởng với các kiểm toán viên và giữa các Tổ kiểm toán để bảo đảm thống nhất
trong hoạt động kiểm toán; cần phổ biến kịp thời những thay đổi về nội dung
kiểm toán, cách thức tiến hành kiểm toán, cũng như kinh nghiệm kiểm toán mà các
kiểm toán viên thu thập được trong quá trình kiểm toán./.
Ths. Trần Nhật
Thành
Vụ Tổng hợp
KTNN