Trong một thời gian dài
vừa qua, sự phát triển của các sàn giao dịch vàng là tương đối nóng. Mặc dù
mang rất nhiều yếu tố rủi ro, nhưng đây là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận
khá cao, thu hút được khá nhiều nhà đầu tư lớn. Trong bối cảnh nền kinh tế thế
giới và trong nước vẫn còn những dấu hiệu bất thường thì quyết định tạm dừng
hoạt động của các sàn giao dịch vàng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong
việc ổn định hệ thống tài chính tiền tệ và nền kinh tế vĩ mô. Vấn đề cần bàn ở
đây là các sàn giao dịch vàng, các nhà đầu tư sẽ như thế nào khi quyết định của
Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực. Việc tìm kiếm các kênh đầu tư mới đang là bài
toán đối với nhiều nhà đầu tư. Lượng vốn mà các nhà đầu tư trên các sàn giao
dịch vàng là tương đối lớn và sự luân chuyển của luồng vốn này sẽ có ảnh hưởng
tới các lĩnh vực kinh tế khác như chứng khoán hay bất động sản. Tiến sỹ Nguyễn
Đức Thành, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học
kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội trả lời phỏng vấn xung quanh vấn đề này.
*Ông đánh giá như thế nào về Quyết định
dừng các hoạt động của sàn vàng vào thời điểm 30/3/2010?
- Các sàn vàng bản thân nó là kinh
doanh trên thị trường tài sản và đòn bẩy rất lớn, đặc thù của sàn vàng là như
vậy, cho nên ý nghĩa kinh tế mang tính chất sản xuất không nhiều, việc có sàn
vàng một cách nhiều và ồ ạt tôi nghĩ là cũng không cần thiết.
Việc quyết định đóng cửa toàn bộ các
sàn vàng, tôi cho rằng đó là quyết định khá mạnh mẽ. Với số lượng lên tới 20
sàn giao dịch vàng mà chưa có một khung pháp lý hoạt động rõ ràng thì biện pháp
của chính phủ đưa ra là rất hợp lý. Tuy nhiên có thể duy trì 1 đến 2 sàn vàng
một cách hạn chế về số lượng ở các trung tâm kinh tế lớn, theo tôi là vẫn có ý
nghĩa, vì nó liên quan đến vấn đề thông tin và là hoạt động sinh hoạt kinh tế
bình thường của xã hội, mặc dù xét theo ý nghĩa nào đó, sự hoạt động tràn lan
mang tính chất rủi ro.
*
Nhiều người cho rằng lý do để Chính phủ
đưa ra quyết định ngừng các giao dịch sàn vàng đó là do những bất ổn của thị
trường tài chính tiền tệ. Vậy đánh giá của ông về ý kiến này như thế nào?
Việc giá vàng thay đổi, biến thiên
theo giá thế giới, bản thân nó không có ý nghĩa nhiều lắm trong việc quyết định
tỷ giá, bởi vì tỷ giá quyết định thực chất phải nằm trên cung và cầu về ngoại
tệ trong nước. Yếu tố về mặt sàn vàng là yếu tố thông tin là nhiều, vì nó biến
thiên nhanh so với giá vàng thế giới. Nếu không có các sàn vàng này nữa thì nó
vẫn còn những yếu tố thông tin khác từ những nguồn thông tin khác không phải
qua sàn vàng, cũng là về vấn đề vàng hay ngoại tệ, đó là một yếu tố. Yếu tố thứ
hai nếu có thể thảo luận là luồng vốn chu chuyển đi qua sàn vàng hay đi tới sàn
vàng làm cho biến động về tỷ giá. Tôi cho rằng nó không phải là lý do chính vì
bản thân luồng tiền ở sàn vàng nhìn về danh nghĩa rất lớn nhưng bản thân tính
đòn bẩy rất cao, lên đến gần 20 lần vì vậy nó chỉ mang tính danh nghĩa, còn
thực chất phải là vàng vật lý, lượng vàng thực sự đi qua biên giới nhập hay
xuất tạo ra luồng ngoại hối, điều đó mới có thể làm đảo lộn thị trường ngoại
hối.
*
Nếu như dừng giao dịch các sàn vàng,
lượng vốn luân chuyển trên các sàn giao dịch vàng sẽ đổ về đâu?
Về nguyên tắc khi chúng ta đóng cửa
một thị trường mà đây là thị trường vàng thì nguồn vốn sẽ chuyển sang các thị
trường khác. Và có hai nhóm thị trường lớn là thị trường liên quan đến sản xuất
vật chất và công nghiệp và một thị trường khác là thị trường liên quan đến tài
sản. Luồng tiền từ trong thị trường vàng luân chuyển đi chủ yếu đi vào trong
các thị trường tài sản khác, tôi không cho rằng nó sẽ đi vào thị trường sản
xuất hay công nghiệp. Sẽ chuyển hướng sang các thị trường như thị trường ngoại
hối, thị trường chứng khoán, thậm chí là thị trường bất động sản
*
Ở các nền kinh tế phát triển trên thế
giới, hoạt động giao dịch vàng trên các sàn giao dịch là hoạt động bình thường.
Vậy theo ông trong thời gian tới hoạt động này sẽ được mở lại như thế nào?
Việc đóng cửa sàn vàng trong thời gian
tới không có tác động nhiều tới việc bình ổn thị trường tiền tệ và thị trường
ngoại hối và khi nền kinh tế càng phát triển theo theo hướng thị trường mạnh mẽ
hơn thì các hoạt động kinh doanh hay hoạt động giao dịch vàng nó cũng là một trong số rất nhiều hoạt động khác. Tôi
nghĩ là sớm hay muộn, khi chúng ta có những trải nghiệm, những suy ngẫm từ cả
thế giới kinh doanh sàn vàng cũng như những người tham gia sàn vàng và giới
hoạch định quản lý chính sách, chúng ta có độ lùi nhất định, tôi nghĩ chúng ta
sẽ lại tiếp tục cho hoạt động nhưng dưới
một hình thức khác, một cách quản lý chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn.
Box
* Việc xây dựng hệ thống pháp lý cho hoạt động các sàn vàng
được các cơ quan chức năng thực hiện từ tháng 10/2008. Tính tới nay đã có tới
11 dự thảo đưa ra các quy định, các điều khoản để quán lý sàn vàng.
* Hiện nay cả nước có khoảng 20 sàn vàng được tổ chức dưới 4
dạng: Thứ nhất là do ngân hàng thương mại thành lập và nhà đầu tư mở tài
khoản tại ngân hàng như Trung tâm giao dịch Vàng Á Châu, Phương Nam, Sacombank,
Việt Á...; Thứ hai là do các tổ chức, cá nhân hình thành và nhà đầu tư tham gia
đóng tiền vào một tài khoản đứng tên công ty thành lập sàn, như Trung tâm giao
dịch vàng Phố Wall, Châu Á, 24K...; Thứ ba là do các tổ chức cùng với ngân hàng
tham gia góp vốn thành lập qua hình thức công ty và nhà đầu tư mở tài khoản
giao dịch tại ngân hàng, như Trung tâm giao dịch Vàng Việt Nam...; Và thứ tư là
do các công ty tổ chức, nhà đầu tư kinh doanh trực tiếp vàng bằng USD ra nước
ngoài, như Kim Thiệu, Kim Minh Ðạt... và doanh số giao dịch tại các sàn này mỗi
ngày lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
* Tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới
thì giao dịch vàng qua các sàn giao dịch là điều bình thường đã có từ lâu. Vàng
là một mặt hàng được mua bán như các mặt hàng khác như dầu lửa, bạc, đồng,
planium… thông qua các sàn giao dịch hàng hóa. Ví dụ ở Mỹ là sàn Nymex, ở Nhật
Bản là sàn Topcom, còn ở Trung Quốc là Sở giao dịch hàng hóa Thượng Hải, do Bộ
Công Thương Trung Quốc quản lý...
Đức Vân (thực hiện)