KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
SÔI ĐỘNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
Nằm im trước ảnh hưởng của khủng hoảng, nay trái phiếu doanh nghiệp dần tìm lại không khí sôi động. Nhiều chuyên gia ngân hàng nhận định rằng, năm tiềm năng cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ "bùng nổ" trong năm 2010.

Khoảng 2 – 3 năm gần đây, thị trường vốn Việt Nam bắt đầu đón nhận sự nhập cuộc của trái phiếu doanh nghiệp (bài viết không đề cập đến trái phiếu chuyển đổi). Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã diễn ra rất mạnh mẽ trong hai năm 2006 - 2007 và đa số trái phiếu DN lưu hành trên thị trường hiện nay đều được phát hành trong hai năm này. Năm 2008, tình hình lãi suất tăng cao trong bối cảnh lạm phát đã khiến việc phát hành trái phiếu phải chịu lãi suất rất cao. Đây chính là lý do khiến cho trong phần lớn thời gian của năm 2008 hầu như không có đợt phát hành TPDN nào được tiến hành. Một đặc điểm chung của hầu hết đợt phát hành này là sự rơi rớt, bất thành trong thực hiện kế hoạch đề ra. Năm 2009, lãi suất thị trường ổn định đã phần nào "hâm nóng" thị trường, tạo điều kiện cho các DN phát hành trái phiếu. Sự đi lên của thị trường bất động sản trong năm 2009 cũng phần nào đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các công ty bất động sản huy động vốn từ kênh trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn lại các đợt phát hành nêu trên, đối tượng mua trái phiếu chủ yếu là các tổ chức tài chính, trong đó các ngân hàng đóng vai trò chủ lực. Thậm chí, với đợt phát hành của Vinpearl, ngân hàng bảo lãnh phát hành đã "ôm" phần lớn. Cũng là dễ hiểu khi mức lợi suất đã vượt khá xa mức 10%/năm cố định trong vòng 5 năm.

Phải nhắc lại rằng, phát hành TPDN là cuộc chơi mà hai bên đều có lợi. Với các ngân hàng, việc mua trái TPDN về bản chất cũng là cho DN vay vốn trung hạn (5 năm), nhưng mức lợi suất nhận được hàng năm đều cao hơn lãi suất trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, do lợi suất trái phiếu không bị chặn bởi trần lãi suất. Về phía DN, phát hành trái phiếu cũng là một hình thức vay vốn, nhưng họ vay được dài hạn (thường là 5 năm), đồng thời có thể chủ động sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành mà không phải chịu sự giám sát chặt chẽ trong mục đích sử dụng như đối với nguồn vốn đi vay ngân hàng. Bên cạnh đó, DN phát hành trái phiếu thường có những lợi thế như không phải chịu sức ép về cổ tức chi phối từ cổ đông mới như phát hành cổ phiếu, được hưởng lợi từ chính sách thuế đối với khoản lãi trả trái phiếu.

Nhiều chuyên gia ngân hàng nhận định rằng, năm 2010 sẽ là năm tiềm năng cho việc phát hành TPDN và sẽ có nhiều DN phát hành trong năm nay. Mặc dù được biết đến và sử dụng từ khá lâu, nhưng các chuyên gia kinh tế lại cho rằng phải đến năm 2010, kênh huy động tiền qua phát hành TPDN mới thực sự được quan tâm đúng mức. Sau những thảo luận về phương án tăng lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước gần đây đã chính thức giữ nguyên mức lãi suất cơ bản ở mức 8%/năm, điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ càng phải thắt chặt tín dụng.

 

Có thể nói hiện đang có những tiền đề thuận lợi cho việc đẩy mạnh phát hành TPDN năm 2010 này. Không ít Công ty chứng khoán cho biết đã xác định trong cơ cấu dịch vụ tư vấn năm nay sẽ đặc biệt quan tâm đến dịch vụ tư vấn phát hành TPDN, bởi đây sẽ là mảnh đất tiềm năng. Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, so với năm 2009, năm 2010 nền kinh tế đã thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế vĩ mô sáng sủa hơn. Kinh tế phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án khởi động. Các kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu sẽ có tính khả thi cao hơn. Chẳng hạn, sự đi lên của thị trường bất động sản trong năm 2009 đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các công ty bất động sản huy động vốn từ kênh TPDN. Một yếu tố nữa hỗ trợ cho hoạt động phát hành trái phiếu phát triển, theo các chuyên gia, là do thị trường chứng khoán phục hồi khiến cho việc phát hành trái phiếu chuyển đổi dễ dàng hơn nhiều. Hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi (với lãi suất cố định và khả năng thu được lợi lớn sau khi chuyển đổi sang cổ phiếu) là hấp dẫn với nhà đầu tư lớn.

Không chỉ riêng các chuyên gia nhìn nhận những yếu tố thuận lợi đối với việc phát hành trái phiếu DN năm 2010, mà ngay bản thân DN cũng coi đây là một kênh huy động vốn ưu tiên hàng đầu. Theo các DN này thì từ tháng 4 đến tháng 7/2010 việc phát hành TPDN sẽ diễn ra rất sôi động, bởi lúc đó hoạt động của hầu hết DN vào “guồng”, nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư tăng lên. Mặt khác, DN cũng chọn thời điểm này để phát hành TPDN vì trông đợi vào luồng tiền giải ngân của các tổ chức tài chính, ngân hàng… 

Bên cạnh những tiền đề thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu, DN vẫn cần cẩn trọng khi thực hiện. Theo đánh giá của các chuyên gia, đối với DN, dù ưu tiên và mong muốn được phát hành trái phiếu thay vì vay ngân hàng và phát hành cổ phiếu thì vẫn còn không ít khó khăn. Hạn chế lớn nhất khi các DN Việt Nam phát hành trái phiếu là việc tuân thủ các chuẩn mực về kế toán và có một tổ chức định mức tín nhiệm đo lường hệ số tín nhiệm của DN, làm cơ sở cho các phương án phát hành. Chỉ có một số ít DN được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức quốc tế (một số ngân hàng hàng đầu) và nếu được xếp hạng thì ở mức rất thấp.

Một vấn đề khác cũng được nhắc đến là khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản và thắt chặt tiền tệ trong năm 2010 nhằm mục đích đối phó với lạm phát trong năm nay. Lãi suất tăng cao khiến cho DN phải trả mức lãi suất cao hơn mới hấp dẫn được nhà đầu tư và phải thả nổi lãi suất trong thời hạn dài. Ngoài ra, các tổ chức nếu mua trái phiếu sẽ nhìn vào giá trị thực của trái phiếu trên thị trường giao dịch, chứ không phải chỉ là lãi suất. Khi lãi suất tăng, giá trị thực của trái phiếu đã phát hành (với lãi suất cố định) sẽ giảm xuống. Có thể nói, những khó khăn trên đã lý giải vì sao cho tới nay nhà đầu tư mua trái phiếu DN chủ yếu vẫn là các tổ chức, DN có quan hệ làm ăn với nhau hoặc ngân hàng, vừa tư vấn phát hành vừa là nhà đầu tư.

Để giải quyết những khó khăn trên, các chuyên gia lưu ý DN cần phải có sự nghiên cứu thị trường, đưa ra cơ cấu và khối lượng phát hành phù hợp để thị trường có thể hấp thụ được, đồng thời duy trì một cơ cấu vốn hợp lý.

Một vấn đề quan trọng khác là DN cần hết sức lưu ý tới việc ựa chọn thời điểm phát hành cũng như cách thức phát hành cũng là các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến mức độ của thành công. Để làm được điều này, các DN là cần tìm một nhà phát hành có uy tín có thể tư vấn cho DN về việc định giá trái phiếu, thời hạn trái phiếu. Nhà phát hành uy tín cũng sẽ giúp DN tiếp cận nhà đầu tư rộng hơn.

 

Trần Thanh Hùng

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)