Trong phiên giao dịch sáng 31/03 - phiên giao dịch
cuối cùng của tháng 3, VN-Index đã rơi khỏi mốc 500 điểm - mức thấp nhất sau 20 phiên cầm cự (ngày 01/03
Vn-Index tăng từ 496 điểm lên 503 điểm). Mặc dù nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận
định về khả năng giảm của thị trường, nhưng đây vẫn là cú sốc lớn đối với NĐT
trong phiên giao dịch kết thúc một tháng đầy biến động của TTCK Việt Nam.
Thực tế, đã có không ít ý kiến nhận định
rằng - tháng 3 sẽ là quãng thời gian lạc quan của TTCK Việt Nam. Cơ sở của
những nhận định này là sự xoay vòng của dòng tiền nhằm
tái cơ cấu danh mục đầu tư sẽ phát huy mạnh hơn trong tháng 3 khi thị trường
đón nhận thêm các thông tin tích cực hỗ trợ như thông tin về kết quả kinh doanh
quý 1 của các DN niêm yết, thông tin về trả cổ tức, kế hoạch kinh doanh năm
2010 tại đại hội cổ đông thường niên lần lượt được công bố...hầu như suốt cả
tháng 3. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như mong đợi. Thị trường liên tục dao động lình xình như muốn thử thách
sự kiên nhẫn của giới đầu tư. Nhiều người đã chọn giải pháp bán cổ phiếu thay
cho việc tiếp tục nắm giữ và sức cầu ngày càng yếu dần cho dù TTCK thế giới
tăng điểm mạnh mẽ. Hầu hết nhóm cổ phiếu bluechips giai đoạn này không đóng vai
trò nâng đỡ thị trường, các cổ phiếu tăng trần hầu hết là các penny stocks mang
tính đầu cơ cao.
TTCK sẽ
đi theo hướng nào trong tháng 4? Có
thể nói, bài học từ tháng 3 sẽ luôn khiến cho giới đầu tư thận trọng và có xu
hướng chốt lời nhanh. Những gì xảy ra trong tháng 3 cho thấy, chính sách tiền tệ sẽ vẫn là vấn
đề NĐT đặc biệt quan tâm. Vì vậy, giới đầu tư vẫn sẽ rất nhạy
cảm với bất kỳ tín hiệu nào cho thấy sự xấu đi của lạm phát hay cán cân thương
mại.
Hiện tại đang có không ít những thông tin bất lợi về
phía kinh tế vĩ mô cũng như tình hình thị trường tài chính - tiền tệ: CPI tháng
3/2010 tăng bất thường ngoài thông lệ; nợ công tăng cao; tăng trưởng dư nợ tín
dụng quá thấp, tình hình tín dụng đang gây nhiều bất cập cho nền kinh tế; Lãi suất huy động có chiều hướng tăng để chống lạm
phát dẫn đến lãi suất cho vay tăng làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng... Theo
công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: tổng dư nợ tín dụng tháng 3/2010 tăng 1.49%
so với tháng 2/2010 và tăng 2.95% so với tháng 12/2009. Trong đó, trong đó chủ
yếu là tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ. Dư nợ tín dụng bằng VND chỉ tăng
0,91% so với tháng trước và tăng 0,57% so với tháng 12/2009; dư nợ tín dụng
bằng ngoại tệ tăng 3,98% so với tháng trước và tăng 14,07% so với tháng
12/2009. Như vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2010 là 25% vẫn còn hơn 23% từ
đây đến cuối năm. Tăng trưởng chậm đối với dư nợ tín dụng bằng VND đã thể hiện
rõ những khó khăn trong huy động vốn đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng.
Có thể nói, thị trường đang thực sự đói thông tin,
nhất là những thông tin tốt về chính sách tiền tệ. Trong khi những thông tin
chính thống chưa được cung cấp kịp thời thì những tin đồn lại đang xuất hiện
nhan nhản trên TTCK làm cho nhiều NĐT càng hoang mang. Những ngày qua thị
trường xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất dự trữ bắt buộc từ 3%
xuống 2%. Mặc dù tin đồn này là không có cơ sở vì tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức
3% đã là mức rất thấp đối chiếu với những năm qua (duy trì ở mức 10% cho giai
đoạn 2006-2008).
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong
tháng 4 - TTCK Việt Nam cũng sẽ được đón nhận nhiều thông tin tích cực. Trước
hết, cần khẳng định ngay rằng hiện tại giá cổ phiếu đang ở mức khá rẻ và là một
mức giá hấp dẫn để đầu tư. Con số thống kê cho thấy mức P/E dự kiến 2010 của
sàn HoSE đang ở mức 10,79 lần và P/E dự kiến 2010 của sàn Hà Nội chỉ là 9,79
lần. Thị
trường Việt Nam đang đi ngược với xu thế tăng của TTCK thế giới
và có định giá P/E thấp nhất trong các nước đang phát triển. Điều
này sẽ hấp dẫn các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị
trường Việt Nam. Thời gian qua chúng ta đã
chứng kiến khối ngoại liên tục mua ròng những khi thị trường giảm
điểm.
Một điều đáng quan tâm nữa là đến thời điểm hiện nay,
những quan ngại vĩ mô như vấn đề lạm phát tháng 3 và lãi suất cơ bản tháng 4
đang lắng dịu. Đầu tháng tư này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị
quyết về tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát và đảm bảo tăng trưởng kinh
tế vĩ mô, Chính phủ chỉ đạo việc hàng đầu trong kiềm chế lạm phát là ngành ngân
hàng phải “kéo” lãi suất xuống để thông đầu ra tín dụng. Trong bối cảnh hiện tại việc Chính phủ tiếp
tục ưu tiên kìm lạm phát để ổn định vĩ mô đang phát huy tác dụng. Tăng trưởng
tín dụng ước đạt 2.9% trong quý I, là một mức khá thấp, trong khi mục tiêu tăng
trưởng tín dụng năm nay là khoảng 25% (để đảm bảo tăng trưởng GDP 6,5%). Do đó,
trước mắt việc CPI tháng 4 nằm trong tầm kiểm soát sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có
những chính sách phù hợp để khai thông thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tạo
niềm tin cho NĐT về khả năng nguồn vốn huy động qua ngân hàng sẽ sớm
được cải thiện, từ đó hỗ trợ sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Nhìn
rộng hơn, các giải pháp chính sách vĩ mô của Chính phủ đang trở nên linh hoạt
hơn sẽ có tác dụng giảm trừ dư chấn của chính sách kích cầu và nới lỏng tiền tệ
năm 2009. Do đó, rủi ro lạm phát, tỷ giá nợ xấu và thâm hụt thương mại cũng sẽ
dịu bớt và thanh khoản ngân hàng toàn bộ nền kinh tế cũng như thanh khoản của
các kênh đầu tư và TTCK hứa hẹn được cải thiện mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, xu hướng tích cực của TTCK thế giới
càng củng cố hơn khả năng tăng điểm của VN-Index trong quý 2/2010. Đó
là TTCK Mỹ đã có tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp, theo đó chỉ số S&P 500
tăng 0,7% lên mức 1.178,1 điểm tại thị trường New York. Chỉ số này hoàn thành
tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp – chuỗi thời gian tăng điểm dài nhất trong 1
năm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 70,44 điểm tương đương 0,7% lên mức
10.927,07 điểm. Sản xuất châu Á đã hồi phục lên mức trước khủng hoảng tài
chính, khiến người ta lạc quan vào khả năng đà phục hồi của kinh tế toàn cầu
đang vững chắc hơn. TTCK
Châu Á trong những phiên giao dịch gần đây cũng tăng điểm mạnh mẽ.
Những hy vọng lạc quan về TTCK trong tháng 4 là có cơ
sở khi trong hai phiên giao dịch đầu tháng 4/2010, TTCK đã có sự vùng lên ngoạn
mục và phát tín hiệu tích cực chứng tỏ
ngưỡng hỗ trợ mạnh ở 500 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vẫn còn khá sớm để có
thể kỳ vọng vào một sự hồi phục bền vững cho thị trường. Các NĐT nên tiếp tục
thận trọng trước những tin đồn và tích cực quan sát diễn biến thị trường trong
những phiên giao dịch sắp tới. NĐT nên hạn chế sử dụng đòn bẩy và duy trì một
tỷ lệ tiền mặt nhất định để chủ động hơn trong mọi tình huống.
Ngọc Minh (Bộ Tài chính)