KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
NGÂN HÀNG "KHÁT" NHÂN SỰ CẤP CAO
Trước chỉ tiêu lợi nhuận được giao trong năm nay, không ít lãnh đạo ngân hàng tỏ ra lo ngại, vì diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm kém thuận lợi, khiến dư nợ tín dụng không như mong muốn.

Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ không những khó tăng, ngược lại còn có dấu hiệu giảm so với năm trước, vì mảng kinh doanh ngoại hối và vàng không còn thuận lợi như trước. Đồng thời, các dự báo nửa cuối năm nay còn nhiều khó khăn, do chi phí đầu vào khó giảm. Áp lực lợi nhuận từ đó tăng, trong khi không ít ngân hàng "khát" nhân sự cấp cao, do một số cán bộ nộp đơn xin thôi việc.

Theo một nguồn tin, trong tháng 8, tổng giám đốc (CEO) của một ngân hàng có trụ sở tại TP. HCM sẽ chính thức chấm dứt hợp đồng, sau khi làm việc ở ngân hàng này được gần 2 năm. Nguyên nhân nghỉ việc không ngoài lý do áp lực về chỉ tiêu lợi nhuận HĐQT giao cho trong năm 2010.

Tương tự, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần khác ở TP. HCM cũng đã đệ trình đơn xin nghỉ việc, với lý do chỉ tiêu lợi nhuận mà ban điều hành giao quá cao, trong bối cảnh thị trường năm 2010 được đánh giá là không dễ thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra. Áp lực về cổ tức gia tăng theo lộ trình tăng vốn điều lệ đang khiến không ít ngân hàng "chóng mặt" khi khả năng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra là điều chưa thể khẳng định.

6 tháng đầu năm, một ngân hàng quy mô lớn tại TP. HCM đã thu về phân nửa lợi nhuận so với chỉ tiêu đưa ra cho cả năm. Thế nhưng, trước tình hình hiện nay, với chỉ tiêu giao cho trụ sở chính là 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, một cán bộ cấp cao của ngân hàng cũng đành từ chối, vì cho rằng, áp lực là không nhỏ.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2010 của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OCB) vừa diễn ra, ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc OCB cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng đạt 10.791 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế đạt 174 tỷ đồng, bằng 43,5% kế hoạch năm; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,34%; dư nợ tín dụng đạt 9.816 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2009.

Về phương hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm, ông Vĩnh cho rằng, nền kinh tế đang từng bước phục hồi, tạo nhiều cơ hội kinh doanh thuận lợi với ngành tài chính - ngân hàng, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ đặt ra đối với OCB trong nửa cuối năm 2010 là hết sức nặng nề. Theo đó, kế hoạch đưa ra của OCB là phấn đấu đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, nhưng tăng dư nợ tín dụng bình quân chỉ lên 20%, tăng huy động vốn bình quân 53%.

Thực tế, trong các năm qua, các ngân hàng đã từng bước giảm dần tỷ trọng thu tín dụng, tăng thu dịch vụ. Vì trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng, việc đẩy mạnh phát trển các dịch vụ tài chính được các ngân hàng chú trọng, nhằm tăng nguồn thu (từ thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, thẻ, thu chi hộ…) đóng góp vào lợi nhuận, hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Song 6 tháng đầu năm nay, hoạt động dịch vụ của một số ngân hàng có dấu hiệu giảm. Chẳng hạn, tại Sacombank, trong quý I/2010, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ giảm 43%.

Trong 6 tháng hoạt động đầu năm 2010, Sacombank đạt 1.313 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, so với mục tiêu đề ra cả năm là 2.600 tỷ đồng thì đích đến không còn quá xa. Song, với mức vốn điều lệ hiện nay là 6.700 tỷ đồng và đang hoàn tất kế hoạch tăng lên trên 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận Ngân hàng kỳ vọng đạt được là 2.800 tỷ đồng. Với thực tế hiện nay cũng như dự báo diễn biến thị trường từ nay đến cuối năm vẫn khó khăn, Sacombank cho biết, chưa thể khẳng định được điều gì.

Áp lực lợi nhuận gia tăng, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần, nhưng ngân hàng vẫn khó kích thích được dư nợ như ý muốn, khiến cán bộ lãnh đạo của nhiều ngân hàng tỏ ra ngán ngẩm. Bộ máy lãnh đạo của một số ngân hàng đang có dấu hiệu xáo trộn, nhất là ở các ngân hàng nhỏ./.

Theo Đầu tư Chứng khoán

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)