TTCK
đã tụt dốc không phanh
Thông tin vụ phó
giám đốc Công ty Bảo việt Nhân thọ Hải Phòng - một đại gia về chứng khoán (CK)
ở Hải Phòng treo cổ tự sát vì có liên quan đến thua lỗ CK đã liên tục là đề tài
hot trên các sàn giao dịch trong khoảng
cuối tháng 8, đầu tháng 9. Giới đầu cơ còn rỉ tai nhau: Thị trường u ám kéo dài
thêm vài tuần nữa sẽ có thêm khoảng chục đại gia CK không đến nỗi phải tự sát
nhưng sẽ trắng tay, “đóng cửa đi ăn mày” vì CK.
Có thể nói,
tháng 8 là quãng thời gian đầy u ám và “chết chóc” đối với các NĐT CK. Kể từ
cuối tháng 5 đến hết tháng 7-2010, TTCK hầu như không biến động. Các chỉ số CK
tăng hay giảm chỉ trong biên độ hẹp, VN-Index quanh quẩn ngưỡng 500 điểm, còn
HNX-Index "trồi sụt" ở 160 điểm. Nhưng, từ đầu tháng 8, NĐT trong
nước đã không còn kiên nhẫn chờ những tín hiệu lạc quan mới của thị trường nên đã
thi nhau "bán tháo" cổ phiếu, kéo các chỉ số CK liên tục giảm sâu. TTCK
đã thực sự biến thành “chảo lửa” khi chỉ
trong hai phiên giao dịch ngày 9 và 10-8, VN-Index đã mất hơn 20 điểm, đóng cửa
ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009, đạt 461,67 điểm (phiên 10-8). TTCK ngập trong hoảng loạn
khi chỉ số giá giảm liên tục trên 2% mỗi ngày. Hàng trăm mã CK trên cả hai sàn
giảm xuống mức sàn là biểu hiện rõ ràng nhất của sự hốt hoảng và chán nản.
Một điều trái
ngược là thời điểm hiện tại, các tín hiệu của nền kinh tế thế giới và Việt Nam không
xấu đi so với cuối năm 2009, nếu không muốn nói là tích cực hơn. Các chuyên gia
kinh tế đều nhận định mặc dù có khó khăn nhưng châu Á và các nền kinh tế mới
nổi đang là điểm sáng của thế giới, trong đó điểm sáng nhất là các nền kinh tế của
các nước Châu Á tiếp tục tăng trưởng mạnh. Với môi trường lãi suất tích cực, xu
thế này có thể sẽ còn tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Kinh tế
Việt Nam qua các chỉ số kinh tế vĩ mô 7 tháng đầu năm cũng có những chuyển biến
khả quan: Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; cán cân thanh toán quốc tế mặc
dù thâm hụt thương mại và thâm hụt vãng lai vẫn lớn nhưng 6 tháng đầu năm nay
Việt Nam đạt thặng dư cán cân thanh toán tổng thể là 3,4 tỷ USD; Lạm phát cũng
giảm dần theo từng tháng… Vậy thì vì sao mà CK lại hoảng loạn như vậy?
“Băng dày một
thước không phải vì cái lạnh của một ngày”. Điều đó có lẽ phù hợp với trạng
thái của TTCK hiện nay. Theo các chuyên gia - sự tục dốc liên tục của thị
trường không hẳn vì thị trường bị tác động bởi các tin tức vĩ mô mà chủ yếu từ
yếu tố tâm lý khi NĐT không chịu đựng nổi sự “tra tấn” mỗi ngày bởi giá CK liên
tục sụt giảm và dòng tiền vận động yếu ớt. Sau những cú “ngã đau” liên tiếp, NĐT
mang nặng tâm trạng thất vọng, niềm tin vào thị trường thì đã bị lung lay mạnh.
Đặc biệt là trường hợp của những người trót dùng đòn bẩy tài chính vay tiền của
các công ty CK để chơi, đến khi cổ phiếu giảm quá mức cho phép, công ty CK bán
ra cắt lỗ, khiến họ thiệt hại nặng nề. Hiện tượng giải chấp xuất hiện
khiến cho lượng cung bị “xả” ra khá mạnh, làm cho sức cầu trên thị trường
hoàn toàn bị nhấn chìm.
Theo một số
chuyên gia, NĐT đang trong thời điểm tâm lý bất ổn về nhiều mặt, nên thông tin
không tốt như tăng giá xăng vừa qua cũng tác động mạnh đến họ. Ngoài
ra, có hàng loạt thông tin khác mà điển hình là việc Vinashin làm ăn thua
lỗ khiến tiền Nhà nước bị cuốn trôi gần 80 tỷ đồng khiến NĐT hoài nghi về “sức
khỏe” của nhiều doanh nghiệp. "Nói chung, NĐT đang gặp rất nhiều khó khăn,
trong khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại chưa có biện pháp gì hỗ trợ thị
trường như đã hứa”, một số NĐT than phiền.
Chứng
khoán sẽ
"xanh" bao lâu?
TTCK tháng 8 sụt
giảm sau giai đoạn lình xình kéo dài nhưng sang tháng 9 thị trường phục hồi khá bất ngờ. Nhiều NĐT
đang hưng phấn, nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại về diễn biến xấu trở lại của
thị trường trong tháng 9. Tâm điểm của quá trình phục hồi từ mức 423,89 điểm là
dòng tiền được tập trung vào các cổ phiếu lớn (blue-chip), mà từ đầu năm đến nay
vốn có sức ì rất cao. Đây là sự thay đổi về chất trong quá trình tái định giá
lại mặt bằng cổ phiếu sau giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua, cũng như hệ quả
của quá trình đi ngang (sideway) của thị trường trong suốt 8 tháng đầu năm (mặt
bằng giá cổ phiếu lớn giảm dài và mạnh, thấp hơn tương đối so với nhóm cổ phiếu
nhỏ). Chính điểm nhấn trở lại của khối cổ phiếu lớn khiến thị trường có tính
lan toả cao.
Tháng 9 và quý
IV/2010 được kỳ vọng vào sự chuyển biến tích cực hơn trên thị trường tiền tệ,
thể hiện ở những động thái của khối ngân hàng về tăng trưởng tín dụng, với mặt
bằng lãi suất cho vay thấp dần, phù hợp với nhu cầu và năng lực kinh doanh của
các DN. Các chỉ tiêu vĩ mô lớn như tăng trưởng GDP, CPI, về cơ bản đạt và vượt
kỳ vọng, sẽ là nền tảng cho chu kỳ tăng trưởng trung hạn của TTCK.
Tuy nhiên, theo các
chuyên gia, TTCK sẽ khó bật lên cao vì nhiều yếu tố: vốn nước ngoài đang chững
lại; lượng cổ phiếu (CP) phát hành thêm, niêm yết mới nhiều; tăng trưởng lợi
nhuận trên mỗi CP chưa có cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là dòng tiền vào
hạn chế do tín dụng tăng thấp, khả năng nguồn tiền mới được đưa vào nền kinh tế
thông qua các chính sách tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Khi dòng vốn vào nền kinh tế chưa được khai thông
thì dòng tiền đổ vào TTCK vẫn còn khiêm tốn. Trước mắt chưa thấy có gì
làm cho toàn TTCK có một vụ bigbang cả, mà nếu có bùng nổ chỉ cục bộ, cho từng
mã, cho từng thời điểm ngắn hạn nhất định khi hội đủ yếu tố thuận lợi. Thị trường trong thời gian
tới vẫn sẽ khó có những đột phá, chính vì vậy mà các NĐT cá
nhân nên tập trung tìm kiếm các cổ phiếu giá còn rẻ so với tình hình làm ăn của
doanh nghiệp, đầu tư lâu dài vào doanh nghiệp đó... như vậy sẽ hạn chế được
những rủi ro kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn. Việc cố gắng chạy theo những diễn
biến khó lường của thị trường trong ngắn hạn sẽ làm tăng rủi ro thua lỗ của các
NĐT nhỏ.
Mặc dù thị
trường đã có vài phiên giao dịch tích cực, nhưng vẫn cần thời gian để khẳng
định thêm sức mạnh. Tuy nhiên, về cơ bản, thị trường đang có cơ hội khi đã
xuống rất thấp và thiên về xu thế diễn biến tích cực đến cuối năm. Xét 3 đối
tượng chính tham gia thị trường: một là khối NĐT nước ngoài, họ vẫn đánh giá
TTCK Việt Nam là hấp dẫn, nên mua ròng đều đặn; hai là NĐT tổ chức trong nước,
động thái hiện nay là chờ sự rõ ràng hơn về biến chuyển chính sách; ba là NĐT
cá nhân trong nước, niềm tin của họ vào thị trường đã xuống rất thấp trong giai
đoạn qua.
ThS. Trần Quang Hải