KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
VƯỢT RÀO CẢN TRONG QUAN HỆ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Năm 2010, được xem là năm khởi sắc cho xuất khẩu Việt Nam khi kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, một vấn đề thời sự đối với nền kinh tế nói chung và các DN Việt Nam nói riêng hiện nay là hàng xuất khẩu của Việt Nam đi thị trường các nước ngày một khó hơn do vướng các rào cản kỹ thuật được nhiều nước dựng lên.

Thực tế cho thấy  đã và đang có không ít DN Việt Nam luôn bị lép vế và thua thiệt trong các vụ tranh chấp thương mại và kiện chống bán phá giá khi tham gia hội nhập. Nguyên nhân căn bản của sự thua thiệt này là do các DN còn rất mơ hồ về pháp lý thương mại và tinh thần đoàn kết để ứng phó với các rào cản thương mại còn yếu…

Ra ngõ gặp rào cản

Trung bình mỗi năm Việt Nam xảy ra gần 100 vụ kiện chống bán phá giá và tranh chấp thương mại, đa số các vụ kiện này phần thiệt thòi luôn thuộc về DN nước ta. Đây là nguy cơ cần báo động bởi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Theo GS.,TS Võ Thanh Thu - Thành viên Hội đồng trọng tài quốc tế Việt Nam:  “Mỗi năm VN xảy ra gần 100 vụ kiện chống phá giá và tranh chấp thương mại, tỷ lệ thua kiện gần chiếm đến 70%, và là nước đứng thứ 7 trong 100 nước bị kiện nhiều nhất thế giới”.

Trong năm 2010, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã gặp thêm nhiều rào cản mới từ các thị trường nhập khẩu. Đơn cử như thị trường EU, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, hải sản… đang chịu áp lực lớn từ các hàng rào kỹ thuật của thị trường này. Trong đó, điển hình là mặt hàng giày mũ da, với mức áp thuế chống bán phá giá lên đến 10% của Ủy ban châu Âu từ đầu năm 2010, vì thế kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường châu Âu đã sụt giảm đáng kể. Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam: Hiện sản phẩm giày mũ da xuất sang châu Âu chiếm khoảng 20-25%. Các rào cản về mặt môi trường, trách nhiệm xã hội luôn biến động, tức là khi DN Việt Nam đáp ứng được thì người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn ở mức độ cao hơn, nếu DN không quan tâm vượt rào cản thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường phát triển bền vững, từ đó tác động đến người lao động và xã hội nói chung. Nhìn chung, DN lớn có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn, còn những DN nhỏ thì đòi hỏi phải nỗ lực mới vượt qua được.

Hoa Kỳ và EU là hai thị trường xuất khẩu trọng điểm. Trong khi những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trước đây đối với cá, tôm, túi nhựa, giày dép, xe đạp, đèn compact… sang các thị trường này chưa có dấu hiệu kết thúc, nay đã xuất hiện thêm nhiều cảnh báo về các nguy cơ, diễn biến mới có ảnh hưởng đối với các mặt hàng thuỷ sản, đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ liên tục phải đối mặt với rào cản TBT, tức là các vụ kiện chống bán phá giá. Từ năm 2005 trở lại đây thường xuyên có thông tin Mỹ chuẩn bị kiện Việt Nam bán phá giá, làm cho các DN không yên tâm sản xuất và xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN Việt Nam cũng đang phải đối mặt với Luật Lecey của Mỹ, theo đó từ năm 2011 ngoài khai vào bản form của nhà nhập khẩu thì các DN phải kèm những bộ chứng chỉ để chứng minh bản khai là đúng, và phải có cơ quan hợp pháp chứng minh nguồn gỗ xuất khẩu là hợp pháp.

Trong thời kỳ suy giảm kinh tế, nhiều nước coi rào cản thương mại chính là công cụ để chặn hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, đã phát sinh nhiều tiêu chuẩn khác mà DN xuất khẩu của Việt Nam phải vượt qua như: tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật an toàn vệ sinh thực phẩm SPS, đóng gói, duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, chỉ thị REACH - quy định hoá chất không được sử dụng trong sản phẩm thực phẩm, hàng dệt may có khả năng gây ung thư; tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu của các loại đồ chơi đảm bảo sức khoẻ cho trẻ em... Đặc biệt, những sản phẩm dệt may, giày dép phải đáp ứng tiêu chuẩn sinh thái, an toàn về sức khoẻ đối với người sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất... Những rào cản này khiến cho các nước xuất khẩu ở châu Á, trong đó có Việt Nam phải lao đao.  Các DN Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức từ rào cản thương mại, trong khi đó, các DN hiện rất “lơ mơ” về vấn đề này. Rất nhiều DN bỡ ngỡ trong việc tiếp cận thông tin pháp luật thương mại của các nước mà Việt Nam tham gia ký kết. Việc làm rõ khái niệm rào cản thương mại và các tiêu chuẩn kỹ thuật mà phía đối tác đưa ra, và việc minh bạch trong việc công bố xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vẫn là một thách thức không nhỏ đối với DN Việt Nam. Đó có thể coi là bài học "nằm lòng" dành cho tất cả các DN Việt Nam trước khi đưa hàng ra nước ngoài.

 

Vượt rào cách nào?

Khó khăn và thách thức mà các rào cản thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá nhiều khi là rất bất công và gây nên những tổn thất mà DN Việt Nam phải gánh chịu. Làm thế nào để DN có thể giảm thiểu được những thiệt hại do rào cản thương mại gây ra: muốn vậy, các DN phải thường xuyên thu thập thông tin về thị trường, đối phó với khó khăn và tăng cường liên kết với các đối tác cùng với sự hỗ trợ của các hiệp hội sản xuất kinh doanh và cơ quan Nhà nước.

Rào cản thương mại là những rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu thiết lập nên nhằm bảo vệ sản xuất trong nước;  trong đó qui định các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì và các quy định về hóa chất bị cấm trong các sản phẩm thực phẩm. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà các rào cản thương mại lại càng gia tăng do các nước đều muốn đưa ra các giải pháp để ngăn chặn hàng hoá nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước. Vì thế, các DN và hiệp hội của nước ta nên nắm bắt những thay đổi và biến động về rào cản thương mại nhằm bảo vệ sản xuất của mình. Ví dụ, thuế suất nhập khẩu thực ra sẽ thấp nếu không có luật chống bán phá giá nhưng các DN sẽ phải chịu một mức thuế suất nhập khẩu cao hơn nhiều nếu thuế chống bán phá giá được áp đặt. Để đối phó với rào cản thương mại, DN Việt Nam cần nắm rõ các qui định của pháp luật cũng như các tiêu chuẩn và quy định về thị trường ở các nước xuất khẩu và sử dụng dịch vụ pháp lý (nếu cần) nhằm bảo vệ mình. Trong thực tế, nhiều DN Việt Nam chưa quen với luật pháp quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại đa phương và song phương để từ đó biết “tận dụng” những “ưu thế” của rào cản thương mại.

Để ứng phó với những thách thức này, các chuyên gia nhấn mạnh, khi định triển khai hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, các DN nên tập trung nghiên cứu kỹ các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương. Đặc biệt, tránh trường hợp như trước đây để đến khi có sự vụ xảy ra mới cần tư vấn của luật sư, các DN phải nhạy bén hơn, phải sử dụng tư vấn pháp lý ngay từ khâu chuẩn bị đàm phán, trong đàm phán, cho đến khâu ký kết hợp đồng, kể cả khi có tranh chấp thương mại. Ngoài ra, nên tận dụng tối đa, kịp thời những cơ hội, lợi thế và hạn chế những thách thức tiềm ẩn, ví dụ như rủi ro thay đổi chính sách, các biện pháp bảo hộ của nước có đối tác. DN Việt Nam cần thiết phải xây dựng tính cộng đồng cao hơn nữa, biết bảo vệ nhau để tự bảo vệ lợi ích của mình khi tham gia xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Thực tế cho thấy, mặc dù đã tham gia hội nhập sâu rộng nhưng các DN Việt Nam vẫn giữ đặc điểm không mấy thiện cảm đó là “mạnh ai nấy làm” thiếu tinh thần đoàn kết để tạo sức mạnh. Khi tự canh tranh với nhau để xuất khẩu vào thị trường nào đấy thì rất nhiều DN cùng chen nhau bằng mọi cách phải vào bằng được thị trường đó.

Cơ quan nhà nước ở nước ngoài cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các DN Việt Nam. Ông Trần Hữu Huỳnh, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, để giảm thiểu rủi ro xảy ra trong giao dịch thương mại quốc tế cần có hệ thống cảnh báo sớm cho các bên liên quan. Điều này sẽ giúp DN và hiệp hội tiếp cận thông tin thị trường; mở rộng thị trường của họ ở nước ngoài. Thị trường mà DN có khả năng phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá cũng cần được vận động.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng và kinh nghiệm đối phó với rào cản thương mại của một số nước trên thế giới, nhiều chuyên gia đã rút ra 8 bài học quan trọng giúp các DN Việt Nam đối phó với các vụ kiện bán phá giá:

- Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong điều tiết xuất khẩu thông qua các công cụ thuế xuất khẩu; hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu… để tạo cơ cấu xuất khẩu hợp lý, giảm thiểu các vụ kiện chống bán phá giá ở nước nhập khẩu.

- Nhà nước xuất khẩu (nước bị kiện) không can thiệp trực tiếp vào các vụ kiện mà chỉ gián tiếp cung cấp thông tin về thị trường, về nguy cơ bị kiện chống bán phá giá hoặc thông tin qua con đường ngoại giao để gây sức ép với nước nhập khẩu.

- Nâng cao vai trò của hiệp hội ngành hàng xuất khẩu trong điều tiết xuất khẩu ngành hàng, trong tập hợp các DN đoàn kết tham gia tích cực vào các vụ kiện, phổ biến kinh nghiệm và tổ chức huấn luyện đào tạo các DN đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá.

- Cần khởi kiện (đóng vai trò là nguyên đơn) khi có hiện tượng bán phá giá vừa để bảo hộ thị trường nội địa, vừa trả đũa, tự vệ, đảm bảo sự công bằng trong thương mại quốc tế.

- Khi bị khởi kiện, DN phải tích cực ngay từ đầu tham gia “hầu kiện” để bảo vệ quyền lợi của mình.

- Minh bạch hồ sơ, thu thập đầy đủ các chứng từ hạch toán chi phí kinh doanh của mình phù hợp với chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế.

- Kích thích phát triển các công ty luật có khả năng bảo vệ các DN trước các vụ kiện bán phá giá; khuyến khích sử dụng dịch vụ tư vấn luật.

- Nâng cao trình độ của các luật sư, của những nhà quản trị xuất khẩu về kiến thức đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá (cả khi DN là bị đơn, lẫn khi là nguyên đơn).

 

ThS. Nguyễn Hải Thanh

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)