Nhưng, trong thời
gian qua hoạt động này còn nhiều hạn chế do các văn bản pháp luật liên quan vẫn
còn chưa đầy đủ, các đơn vị, tổ chức tiến hành XĐGTDN theo các phương pháp,
thông tin khác nhau, thiếu sự thống nhất trong quy trình xác định giá trị doanh
nghiệp. Vấn đề này dẫn đến một số hạn chế như: một số doanh nghiệp được đánh
giá giá trị quá cao gây ra khó bán cổ phần, bất lợi trong việc chia cổ phần ưu
đãi trong nội bộ, trong khi đó một số doanh nghiệp lại bị đánh giá giá trị quá
thấp dẫn tới Nhà nước bị thất thoát tài sản, ngân sách. Chính điều này đã dẫn
tới hoạt động XĐGTDN còn chưa sát với thực tế, các kết quả không thống nhất và
làm tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước hiện nay bị chậm trễ cũng
như gây khó khăn cho việc chia tách, sát nhập, giải thể doanh nghiệp. Thêm vào
đó, các hạn chế này làm cho các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư, những người
mua cổ phiếu, những người đóng góp vốn thiếu các thông tin tin cậy về giá trị
của doanh nghiệp để làm căn cứ ra quyết định. Vì vậy, một yêu cầu đặt ra là cần
phải có hoạt động kiểm toán làm trung gian để xác nhận tính trung thực của việc
XĐGTDN. Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán XĐGTDN cần phải xác định rõ những đặc
trưng và mục tiêu cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất.
Kiểm toán XĐGTDN là
một trường hợp của kiểm toán tài chính song nó có nhiều đặc điểm khác
biệt so với kiểm toán các lĩnh vực
khác. Bên cạnh đó, những đặc điểm của hoạt động XĐGTDN cũng có ảnh hưởng
nhiều đến đặc điểm của kiểm toán XĐGTDN. Đặc điểm kiểm toán XĐGTDN
có một số khác biệt so với các lĩnh vực kiểm toán khác như:
Thứ
nhất, Kiểm toán XĐGTDN là một sự kết hợp chặt chẽ giữa ba loại kiểm toán
tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ trong cùng một cuộc kiểm
toán.
Trong hoạt động kiểm toán nói chung, kiểm toán tài chính và
kiểm toán hoạt động là hai lĩnh vực cơ bản nhất và trong đó gắn chặt với kiểm
toán tuân thủ. Trong kiểm toán XĐGTDN, kiểm toán tài chính thể hiện ở việc xác
định tính trung thực, hợp lý của các thông tin về giá trị của tài sản, vốn, các
khoản công nợ. Còn kiểm toán hoạt động thể hiện ở việc xác định tính hiệu quả,
hiệu năng và hiệu lực của quá trình XĐGTDN phục vụ cho các đối tượng quan tâm. Với
những đặc điểm riêng của hoạt động thẩm định giá nói chung và của XĐGTDN nói riêng thì quá trình
thực hiện được quy định một cách chặt chẽ về trình tự thực hiện, về phương pháp
định giá, về căn cứ thực hiện, về biểu mẫu báo cáo... Ngoài ra, hoạt động XĐGTDN còn có sự quy định cụ
thể về các chuẩn mực thẩm định giá, các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể đã được xác
định trước khi tiến hành. Vì vậy, kiểm toán XĐGTDN là một sự kết hợp chặt
chẽ giữa các loại kiểm toán trên là một tất yếu.
Thứ hai, Kiểm toán XĐGTDN có đặc điểm nổi bật là
kiểm toán tuân thủ.
Trong hoạt động thẩm định giá nói chung, hoạt động XĐGTDN nói riêng có những đặc
điểm khác biệt với các lĩnh vực khác như để tiến hành hoạt động xác định giá
trị phải tiến hành theo các bước công việc đã được quy định chặt chẽ từ khâu
khảo sát ban đầu đến việc lập và trình bày báo cáo kết quả XĐGTDN. Quá trình tiến hành
định giá luôn phải tuân thủ theo các chuẩn mực thẩm định giá đã được Bộ Tài
chính ban hành để đảm bảo chất lượng của hoạt động. Chính vì vậy, kiểm toán
viên khi thực hiện cần phải nắm bắt được các quy định của lĩnh vực này để làm
căn cứ đánh giá hoạt động XĐGTDN.
Thứ ba, nội dung kiểm toán XĐGTDN có những điểm khác với
nội dung kiểm toán tài chính.
Nội dung của kiểm toán báo cáo tài chính tập trung chủ yếu
vào các yếu tố cấu thành báo cáo tài chính là các khoản mục hoặc các chu trình
tài chính trong doanh nghiệp, còn nội dung kiểm toán XĐGTDN lại tập trung vào việc
xác định tính trung thực hợp lý của thông tin về giá trị doanh nghiệp được xác
định phù hợp với Pháp lệnh về giá. Đồng thời kiểm toán tiến hành xem xét việc
tuân thủ các chuẩn mực về thẩm định giá đã được ban hành.
Thứ tư, Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp có một đặc
trưng riêng là không có khái niệm “cuộc kiểm toán năm sau” và “ hoạt động liên
tục”.
Hoạt động XĐGTDN có đặc điểm nổi bật là chỉ tiến hành một lần
đối với một doanh nghiệp và gắn với từng thời điểm hoạt động của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, chu kỳ thực hiện không lặp lại như đối với hoạt động sản xuất
kinh doanh và kiểm toán XĐGTDN cũng chỉ diễn ra trong một năm tài chính duy
nhất. Điều này đặt ra vấn đề là kiểm toán viên luôn phải nắm bắt sự thay đổi
trong hệ thống văn bản pháp lý, và các vấn đề mới trong hoạt động thẩm định giá
để có khả năng giải quyết các công việc cho phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình
kiểm toán XĐGTDN cũng không đánh giá về
khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp vì nếu không tiến hành sáp nhập,
mua bán hoặc cổ phần hóa thì doanh nghiệp vẫn hoạt động theo loại hình doanh
nghiệp cũ. Còn nếu có tiến hành hoạt động sáp nhập, mua bán hoặc cổ phần hóa
sau khi XĐGTDN thì doanh nghiệp sẽ lại
hoạt động theo loại hình doanh nghiệp mới.
Thứ năm, trong Kiểm toán XĐGTDN không chỉ tiến hành tìm
hiểu và đánh giá hệ thống KSNB của đơn vị định giá mà còn đánh giá hoạt động
kiểm soát chất lượng định giá.
Do
hoạt động XĐGTDN
được tiến hành chủ yếu bởi các tổ chức thẩm định giá hoặc các công ty kiểm toán
vì vậy việc đánh giá về hệ thống KSNB đối với các đơn vị này cần kết hợp với việc
đánh giá hoạt động kiểm soát chất lượng định giá. Lý do là các đơn vị này phải
xây dựng một hệ thống KSNB chặt chẽ và phải tuân thủ đúng các quy định trong
đăng ký hành nghề định giá. Ngoài ra, việc tiến hành XĐGTDN chủ yếu là xem xét
việc chấp hành các quy định của chuẩn mực, của chế độ hiện hành, cũng như quy
trình XĐGTDN và cả căn cứ để tiến hành định giá. Do đó, KTV cần quan tâm nhiều
hơn đến việc kiểm soát chất lượng hoạt động định giá của chính đơn vị tiến hành
XĐGTDN thay vì đánh giá hệ thống KSNB của đơn vị định giá.
Thứ sáu, Quá trình đánh giá trọng yếu trong kiểm toán XĐGTDN cũng có những điểm khác
biệt với kiểm toán tài chính.
Hoạt động XĐGTDN cũng chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn trong
quá trình thực hiện như áp dụng phương pháp định giá không phù hợp, xác định
căn cứ định giá không đúng... làm cho sai lệch giá trị doanh nghiệp. Bên cạch
đó, do đặc thù của hoạt động XĐGTDN tại mỗi đơn vị, mỗi thời điểm khác nhau làm
cho việc đánh giá tính trọng yếu cho từng cuộc kiểm toán cũng khác nhau. Ngoài
ra, kết quả của hoạt động XĐGTDN cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ
việc ra quyết định mua bán, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp của những người
quan tâm. Chính vì vậy, việc đánh giá tính trọng yếu cần thận trọng hơn đối với
kiểm toán tài chính.
Thứ bảy, việc vận dụng các phương pháp, kỹ thuật thu thập
bằng chứng trong Kiểm toán XĐGTDN có những điểm đặc thù riêng.
Trong kiểm toán XĐGTDN, liên quan nhiều đến kiểm toán tuân thủ và
kiểm toán tài chính, đồng thời hoạt động này chứa đựng rủi ro tiềm tàng cao vì
vậy kiểm toán viên chủ yếu tiến hành kiểm toán toàn diện mà không áp dụng kỹ
thuật chọn mẫu. Ngoài ra, khi thực hiện XĐGTDN thì việc tuân thủ trình tự, các chuẩn mực
thẩm định giá cũng như các văn bản pháp luật hiện hành luôn được đặt ra. Do đó,
việc vận dụng các phương pháp kỹ thuật trong từng giai đoạn kiểm toán cũng có
những điểm khác nhau. Trong quá trình kiểm toán thì việc sử dụng thử nghiệm
tuân thủ thường xuyên hơn so với thử nghiệm cơ bản vì chủ yếu tập trung đánh giá
hoạt động XĐGTDN có trung thực hợp lý
với phương pháp đang áp dụng hay không. Thử nghiệm cơ bản được dùng để thu thập
các bằng chứng nhằm đánh giá giá trị của doanh nghiệp sau khi được đánh giá có
sát với thực tế hay không. Như vậy có thể thấy việc vận dụng các phương pháp kỹ
thuật có những đặc điểm nổi bật :
-
Sử dụng phương pháp tuân thủ là chủ yếu trong
tất cả các giai đoạn của cuộc kiểm toán.
-
Thử nghiệm cơ bản chủ yếu được sử dụng là kỹ
thuật kiểm tra tài liệu, phân tích, đánh giá, tính toán, phỏng vấn, xác nhận
còn các kỹ thuật kiểm kê, quan sát ít được áp dụng để thu thập bằng chứng.
-
Kiểm toán XĐGTDN luôn là kiểm toán toàn
diện mà không tiến hành chọn mẫu.
Thứ tám, các bằng chứng kiểm toán trong Kiểm toán XĐGTDN có những điểm khác biệt
với kiểm toán tài chính.
Trong kiểm toán, bằng chứng
phải đảm bảo sức thuyết phục thì ý kiến mà kiểm toán viên đưa ra mới đáng tin
cậy được. Tuy nhiên, trong kiểm toán XĐGTDN có một đặc điểm là việc XĐGTDN dựa rất nhiều vào việc xác định
thông tin của từng yếu tố cấu thành giá trị doanh nghiệp như giá trị TSCĐ, hàng
tồn kho, các khoản công nợ… Các yếu tố này cần được xác định dựa vào quy định của
chuẩn mực và chế độ tài chính, kế toán hiện hành đồng thời dựa vào giá thị trường
để đánh giá. Chính vì vậy, các bằng chứng mà kiểm toán viên thu thập được trong
việc kiểm tra, đánh giá lại công việc mà các thẩm định viên đã tiến hành đó là:
các bằng chứng càng được đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đúng theo chuẩn mực, chế độ
và càng sát với giá thị trường thì càng đáng tin cậy.
Thứ
chín, trong Kiểm toán XĐGTDN có đặc điểm nổi bật là tính phức tạp trong
việc định giá.
Tính
phức tạp thể hiện trên khía cạnh xác định giá làm căn cứ đánh giá và các tài
liệu trong đơn vị được định giá có được phản ánh trung thực về giá trị của doanh
nghiệp hay không? Trước hết, căn cứ đầu tiên để kiểm toán chính là xem xét các
cơ sở được dùng để tiến hành XĐGTDN, tuy nhiên trong việc XĐGTDN lại có nhiều văn bản quy định
và tại mỗi thời kỳ lại có những nét đặc thù, do đó, việc xác định các cơ sở đó có
phù hợp với thời điểm và với đơn vị được XĐGTDN hay không? Thứ hai là việc
xác định giá thị trường làm căn cứ đánh giá cũng gặp nhiều khó khăn vì hiện nay
tại Việt Nam chưa có một ngân hàng lưu trữ đầy đủ các thông tin về giá trị các
loại tài sản, hàng hóa hiện có trên thị trường. Chính vì vậy, để xác định được
một giá trị hợp lý cho doanh nghiệp là một vấn đề phức tạp cần phải xem xét
trên nhiều khía cạnh.
Từ các đặc điểm trên
cho thấy, kiểm toán XĐGTDN là sự kết hợp chặt chẽ giữa kiểm toán tài
chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ trong cùng một cuộc kiểm toán,
trong đó đặc biệt là mối quan hệ giữa kiểm toán tài chính với kiểm toán tuân
thủ. Do đó, mục tiêu của kiểm toán XĐGTDN được thể hiện trên các
khía cạnh sau đây:
-
Xem xét Báo cáo kết quả XĐGTDN (Chứng thư) có phản ánh trung thực, hợp lý
trên cơ sở thực tế của đơn vị hay không. Tính trung thực, hợp lý được thể hiện
trên các mặt như xác định về giá trị các tài sản hiện có trong đơn vị, thời
gian sử dụng hữu dụng của các tài sản, xác định giá trị thực tế của các khoản
phải thu, các khoản nợ vay của đơn vị.
-
Xem xét quá trình XĐGTDN tuân thủ đúng các quy định hay không.
-
Xem xét việc sử dụng các phương pháp đánh giá có hợp lý, phù hợp với tình hình
hoạt động và thực trạng của doanh nghiệp được xác định giá trị hay không.
Để
đạt được các mục đích nêu trên, ta cần phải đi sâu vào từng mục tiêu cụ thể
sau:
- Thứ nhất, Xem xét tính tuân thủ trong việc
thực hiện quy trình xác định giá trị có tuân theo các Chuẩn mực về thẩm định
giá và kế hoạch xác định giá trị đã xây dựng hay không.
- Thứ hai, xem xét sự tuân thủ, tính hợp lý,
hợp pháp của phương pháp định giá được áp dụng trong việc XĐGTDN.
- Thứ ba, xem xét các công việc trong quá
trình định giá về xác định giá trị TSCĐ, vốn, các khoản công nợ, các khoản vay,
định giá thương hiệu... có hợp lý với thực tế tại đơn vị hay không.
- Thứ tư, xem xét tính đúng đắn trong việc
phê chuẩn trong hoạt động định giá như: giá cơ sở để làm căn cứ đánh giá, kế
hoạch XĐGTDN, báo cáo kết quả XĐGTDN...
- Thứ năm, đánh giá tính hiệu lực trong việc
kiểm soát quá trình xác định giá trị theo đúng kế hoạch đã thiết lập.
Như vậy, có thể thấy
kiểm toán XĐGTDN nổi bật với kiểm toán
tuân thủ, vì tất cả quá trình XĐGTDN đều phải tuân thủ các Chuẩn mực thẩm định
giá, các quy định liên quan tới việc định giá. Ngoài các mục đích kiểm toán nói
trên, riêng đối với kiểm toán nhà nước còn phải tiến hành các mục tiêu sau:
-
Phát hiện các gian lận, vi phạm chính sách chế độ về giá trong quá trình xác
định giá trị, các hiện tượng tiêu cực làm thất thoát tài sản của nhà nước khi
tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
-
Đánh giá tính hiệu quả, hiệu năng của hoạt động XĐGTDN đối với nhà nước nói
chung, với các doanh nghiệp nhà nước nói riêng trong tiến trình cổ phần hóa
doanh nghiệp nhà nước.
- Thông
qua kiểm toán nhằm đánh giá về trách nhiệm, sự chấp hành và chất lượng hoạt
động XĐGTDN để qua đó kiến nghị với
các cấp, các cơ quan chức năng để xử lý hạn chế và kiến nghị đề xuất các biện
pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động XĐGTDN nói riêng, hoạt động thẩm định giá nói
chung.
Tài liệu tham khảo
1.
Bộ Tài chính (2007), Thông tư số 146/2007/TT – BTC, ngày 12 tháng 07 năm 2007 của Bộ Tài
chính, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của
Chính phủ về chuyển DNNN thành công ty cổ phần.
2.
Bộ Tài chính (2004), Hệ thống văn bản pháp luật về
kiểm toán Việt Nam, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
3.
Bộ Tài chính, Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
(quyển 1, 2, 3, 4, 5, 6), Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
4.
Bộ Tài chính, Hệ thống Tiêu chuân thẩm định giá Việt Nam,
Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
5.
Bộ Tài chính (2005), Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá (quyển 1 v à
2).
6.
Chính phủ (2004), Nghị
định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp
100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
7.
Chính phủ (2007), Nghị
định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ về chuyển DNNN thành công
ty cổ phần.
8.
Trần Văn Dũng (2005), “Để hoàn thiện công tác định giá doanh nghiệp trong cổ phần hoá DNNN”,
Tạp chí kế toán , số 55.
9.
Tham J., Velez-Pareja I
(2004), Principles of Cash flow
valuation, ELSEVIER.
10.
Tom Copeland, Tim Koller, Jack Murring (2000), Valuation measuring and Managing the Value
of companies, Mc Kinsey & Company. Inc.
11.
William T. Thornhill (1981), Complete Handbook of Operational and Management Auditing, Prentice
– Hall Inc.
12.
Z.Benninga S., H.
Sarig O.(2001), Corporate finance: a
valuation approach, The McGraw-Hill Companies,INC.