KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
BẮT ĐẦU ÁP LỰC VỐN CUỐI NĂM
Thị trường tiền tệ bắt đầu nóng hơn khi mùa cao điểm nhu cầu vốn của các doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn chưa giảm được bao nhiêu. Vào “mùa cao điểm” cuối năm, không chỉ nguồn cung VND mà cả ngoại tệ cũng sẽ khó khăn hơn

Trong 9 tháng tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng không thực sự khả quan. Tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 phục vụ phiên họp trên cho rằng, thị trường tín dụng từ đầu năm 2010 diễn biến thiếu ổn định. Sự thiếu ổn định đó được báo cáo dẫn ở mức tăng thấp, chỉ 5,58% trong 4 tháng đầu năm so với tháng 12/2009, bình quân 1,4%/tháng; và trong 5 tháng tiếp theo, tín dụng tăng 13,92%, bình quân 2,78%/tháng, riêng tháng 9 tăng khoảng 4,5%. Mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 9 cũng là cao nhất kể từ đầu năm. Tính chung tăng trưởng 9 tháng đạt khoảng 19,5%.

Điểm lại trong 9 tháng qua, theo dữ liệu mà Ủy ban Kinh tế đưa ra, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm ở mức thấp, cả ở mức tăng bình quân qua các tháng. Điều này một phần được giải thích từ thay đổi lớn trong lãi suất cho vay. Bước sang năm 2010, khi không còn chính sách hỗ trợ kích cầu như trong năm 2009, doanh nghiệp vay vốn phải đối diện với lãi suất cho vay thực tế của thị trường. Bên cạnh đó, diễn biến những năm qua cho thấy tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm thường ở mức thấp, do ảnh hưởng từ các kỳ nghỉ lễ và tính thời vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mấu chốt của tín dụng tăng trưởng thấp trong thời gian nói trên vẫn là lãi suất cao. Ngày 7/5/2010, Chính phủ đã có nghị quyết, trong đó đưa ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay xuống 12%. Theo Ủy ban Kinh tế, đến nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường.

Sau chỉ đạo của Chính phủ, đầu tháng 7/2010, thị trường đón đợt hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại (lãi suất huy động VND từ khoảng 11,5% - 12%/năm được rút về tối đa 11,2%/năm; lãi suất cho vay có từ 12,5% - 15%/năm theo các đối tượng doanh nghiệp và chính sách ưu đãi cụ thể). Và từ 15/10/2010, các ngân hàng dự kiến hạ lãi suất huy động VND từ mức cao nhất 11,2%/năm xuống tối đa 11%/năm. Tuy nhiên, những điều chỉnh trên là chưa đủ mạnh và lãi suất thực tế theo đánh giá của Chính phủ vẫn ở mức cao so với khả năng tiếp cận của doanh nghiệp. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những nỗ lực nhất định trong việc điều hành lãi suất, song mặt bằng lãi suất hiện vẫn đang ở mức khá cao so với mục tiêu đặt ra. Nhiều khả năng, thời điểm cuối năm, khi nhu cầu vay vốn của DN lớn hơn, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay ở mức cao hơn để cân đối tín dụng. Đây chính là một trong những trở ngại lớn đối với nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của DN.

Lãnh đạo một số DN cho biết, với mức lãi suất 14-15,5%/năm, nếu hợp đồng đã ký diễn ra thuận lợi, sản xuất thuận lợi, giá thành không có biến động… thì cũng có một chút lời. Nhưng nếu có một trong những yếu tố trên có biến động thì khả năng lỗ rất cao. Để chắc chắn có lãi, DN phải vay được mức lãi suất 12% trở xuống. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm lại đang chính là thời điểm mà các DN phải tìm cách tăng vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm. Nhiều DN băn khoăn với lãi suất cao như hiện nay thì hoạt động kinh doanh có thu được lãi? Có thể nói, lãi suất vẫn đang là rào cản DN trong việc mở rộng và phát triển sản xuất.

Đáng nói là việc huy động vốn của hệ thống ngân hàng cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Mặc dù, theo số liệu thống kê của NHNN, huy động vốn vẫn tăng cao hơn cho vay, nhưng tốc độ tăng số dư tiền gửi vào ngân hàng đang có chiều hướng chậm lại, cạnh tranh trong huy động vốn gay gắt hơn. Theo phân tích của một số chuyên gia, định hướng mặt bằng lãi suất “vào 10 ra 12” của Chính phủ đang gặp một số khó khăn trong ngắn hạn khi mức lãi suất huy động 11% của các ngân hàng dường như chưa được thị trường chấp nhận”. Thực tế là, những câu chuyện như Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) chỉ trong một tuần đã bị giảm 1.000 tỉ đồng tiền huy động vào không là chuyện hiếm. Hàng ngày, nhân viên nhiều ngân hàng vẫn phải chứng kiến cảnh khách hàng thân thiết rút tiền đem gửi sang ngân hàng khác với lãi suất cao hơn, chương trình khuyến mãi hấp dẫn hơn… Theo lãnh đạo một NHTMCP, căng thẳng huy động vốn trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi vẫn có một số ngân hàng hút nguồn huy động vốn bằng cách tăng lãi suất huy động, khuyến mãi tăng lãi suất… Chính những chiêu thức hút vốn đó đã khiến một số ngân hàng muốn giảm lãi suất huy động cũng khó. Đó là chưa kể đến thói quen hiện nay của người dân, DN là không gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn dài. Những kỳ hạn trên 12 tháng rất ít người gửi tiền. Vì vậy, muốn giữ được tốc độ huy động vốn, giữ được nguồn vốn đã huy động được, không ít ngân hàng nhỏ đã phải tăng thêm các hình thức khuyến mãi, áp dụng lãi suất cao cho những kỳ hạn thấp để tăng huy động vốn và giữ được khách hàng.

Thực tế cho thấy, những mong muốn chủ quan trong việc hạ lãi suất khó thành công, vì đây là quan hệ thị trường. Hài hòa lãi suất trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, các ngân hàng cạnh tranh nhau rồi sẽ kéo dần lãi suất xuống nhưng thực tế cho thấy đó là nhiệm vụ không hề dễ dàng của Chính phủ.

 

Nguyễn Thanh Thuỷ

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)