KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
CẨN TRỌNG VỚI SỨC NÓNG CỦA VÀNG...
Vàng liên tục lập kỷ lục mới trong tuần cuối của tháng 9/2010, nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia ngành vàng. Tuy nhiên trong cơn cuồng phong của giá vàng, cũng có không ít điều mà các nhà đầu tư (NĐT) vàng cần cân nhắc.

Giá vàng "bốc hỏa"

Theo các nhà phân tích, khả năng vàng tăng giá vẫn còn vì sự hồi phục của kinh tế Mỹ còn khá chậm. Giá vàng trong nước đã tăng liên tục trong nhiều năm trở lại đây và có thể chạm ngưỡng 32,5-33 triệu đồng/lượng vào cuối năm. Trong 10 năm qua, giá vàng đã tăng gấp 6 lần - đó là chia sẻ của khá nhiều chuyên gia về vàng khi trao đổi về biến động của giá vàng trong thời gian tới.

Theo các nhà phân tích thị trường thì có những nguyên nhân chủ yếu đẩy giá vàng leo cao. Nguyên nhân thứ nhất là việc các ngân hàng trung ương nhiều nước tăng cường mua vàng để đa dạng hóa kho dự trữ quốc gia, thay vì bán vàng như nhiều năm trước đây. Riêng Trung Quốc năm 2009 đã tăng gấp đôi dự trữ vàng lên 1.054 tấn và trở thành quốc gia giữ vàng nhiều thứ 5 thế giới, so với 8.134 tấn của Mỹ và 2.452 tấn của Italia. Ngoài ra, nhiều nước khác như Ấn Độ, Nga, Saudi Arabia, Philippine gần đây cũng tăng tích trữ vàng.

Một nguyên nhân khác đó là do người dân Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước châu Á vẫn có thói quen tích trữ vàng làm của để dành hay làm của hồi môn. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, lạm phát và thị trường tài chính thế giới nhiều biến động, người dân càng có xu hướng tích trữ thêm vàng và điều này cũng góp phần đẩy giá vàng lên cao. Một lý do nữa là thị trường vàng vật chất thực ra có giá trị vốn hóa không lớn nên nhiều khi cũng bị các nhà buôn lớn thao túng. Trong khi đó, rất ít khi Mỹ hay các định chế tài chính lớn can thiệp để ổn định giá vàng.

Hiện tại, theo dự báo của một số chuyên gia ngành vàng, tiềm năng tăng giá của vàng vẫn rất lớn, do sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ còn chậm. Các nhà đầu cơ trên thế giới vẫn tiếp tục tìm đến vàng làm nơi trú ẩn. Mặt khác, theo thường lệ, nhu cầu vàng sẽ tăng vào quý IV/2010. Mãi lực vàng lớn sẽ kéo giá tăng. Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Cấp cao Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng, khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa tăng lãi suất cơ bản USD, vàng sẽ còn tiếp tục tăng giá. Điều này có nghĩa là nếu nền kinh tế Mỹ chưa phục hồi trở lại, giá vàng sẽ còn có thể leo thang và việc lập kỷ lục mới trong thời gian từ nay đến cuối năm là hoàn toàn có thể xảy ra. Mặt khác, mối lo ngại rằng vấn đề nợ công của các nước châu Âu sẽ khó giải quyết được trong một sớm một chiều cũng ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Những điều này sẽ tiếp tục đẩy giá vàng lên cao, bởi vàng luôn được xem là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Trong bối cảnh các kênh chứng khoán, bất động sản đang ảm đạm, lãi suất tiết kiệm tiền đồng không mấy hấp dẫn, vàng đang trở nên hấp dẫn đối với NĐT. Đáng chú ý là trước sự biến động của thị trường vàng hiện nay, nếu tính toán kỹ, NĐT sẽ kiếm được không ít lợi nhuận.

 

Đối mặt với rủi ro

Mặc dù giá vàng hiện đã ở mức “cao ngất ngưởng”, nhưng không một ai có thể dám chắc là giá vàng sẽ không tiếp tục leo thang hơn nữa. Chính vì vậy mà các NĐT đang có tiền nhàn rỗi, nhất là giới đầu cơ đang háo hức muốn tiếp tục thử sức với vàng.  Vì thế, không ít NĐT muốn kinh doanh vàng vật chất, nhưng do không đủ tài chính, đã cầm cố tài sản vay vàng ngân hàng để kinh doanh với kỳ vọng kiếm được lợi nhuận cao trước sự biến động mạnh của thị trường. Sau đó, họ chờ vàng xuống giá để mua lại trả nợ cho ngân hàng. Chính điều này đã đẩy lãi suất huy động vàng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Các con số thống kê cho thấy, nhu cầu vốn bằng vàng của các NĐT có dấu hiệu tăng trở lại sau một thời gian dài trầm lắng kể từ khi sàn giao dịch vàng đóng cửa vào cuối tháng 3/2010. Để đáp ứng nhu cầu, các ngân hàng đã nhanh chóng điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn bằng vàng từ mức thấp nhất 0,005%/năm trong tháng 8.2010 lên 1,5%/năm vào cuối tháng 9. Thế nhưng, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản trong nước không còn và các ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài cũng phải chấm dứt hoạt động này kể từ cuối tháng 7.2010. Vì thế, rủi ro kinh doanh vàng vật chất là điều khó tránh, đặc biệt đối với các NĐT kinh doanh bằng vàng vay của ngân hàng. Bởi lẽ, khi vay vàng ngân hàng, NĐT sẽ kinh doanh theo xu hướng dự báo giá giảm để mua lại trả nợ cho ngân hàng. Nếu giá vàng diễn biến theo chiều hướng này, NĐT sẽ kiếm được lợi nhuận cao. Ngược lại, nếu giá tăng, NĐT sẽ phải mua với giá cao và do đó khả năng thua lỗ là rất lớn.

Hiện tượng vay vàng ngân hàng rồi bán, chờ giá xuống mua lại đã có từ lâu, nhưng nay lại rộ lên khi các sàn vàng đã chính thức đóng cửa. Rủi ro cho NĐT cá nhân đối với hình thức này đã rõ, đó là khi giá vàng liên tục tăng như hiện nay thì chắc chắn NĐT sẽ không thể mua vàng với giá thấp hơn, trả cho ngân hàng để ăn chênh lệch, mà ngược lại, sẽ phải mua vàng với giá cao hơn để tất toán các khoản vay đối với ngân hàng, như vậy việc lỗ là tất nhiên. Thực tế, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều người vay tiền đồng để mua vàng, chờ giá cao rồi bán, những người này sẽ kiếm được lợi nhuận khi giá tăng liên tục như hiện nay.

Theo các chuyên gia, đây là hình thức đầu tư bình thường, NĐT cũng đã đoán biết được lợi nhuận và rủi ro khi tham gia hình thức đầu tư này. Thế nhưng việc đáng lưu tâm là nhiều ngân hàng hiện nay cho các doanh nghiệp vay vàng để bán lấy tiền đồng kinh doanh, vì lãi suất cho vay vàng khá thấp. Số vàng vay lớn hơn nhiều so với vốn pháp định của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp lỗ trong quá trình kinh doanh, trong khi giá vàng liên tục tăng mạnh thì việc phá sản của doanh nghiệp là có thể xảy ra. Điều này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

ThS. Phan Minh Tân

Học viện Chính trị quốc gia

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)