KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
DOANH NGHIỆP TỰ IN HÓA ĐƠN - CẢI CÁCH ĐỘT PHÁ
Từ 1/1/2011, DN sẽ chính thức được tự in, quản lý và sử dụng hóa đơn. Đây là cải cách mang tính đột phá của ngành Thuế và hứa hẹn mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp (DN). Thời gian thực hiện đang đến rất gần, bên cạnh sự vào cuộc khẩn trương từ phía các cơ quan chức năng, ngay từ bây giờ bản thân các DN cần nhanh chóng có lộ trình và kế hoạch để tự in hoá đơn cho DN mình.

Nghị định 51 của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thay thế cho Nghị định 89 (ban hành năm 2002)  có hiệu lực vào ngày 1/1/2011. Điểm quan trọng nhất của Nghị định này là trao quyền tự chủ cho DN trong việc sử dụng hóa đơn khi cơ quan thuế không còn bán hóa đơn và không chịu trách nhiệm về hóa đơn phát hành. Theo đó, những thắc mắc của DN về thủ tục mua hóa đơn, tình trạng xếp hàng chờ mua hóa đơn tại cơ quan thuế cũng sẽ được xóa bỏ.

Với việc thực hiện Nghị định này, từ  1/1/2011 tình trạng DN phải xếp hàng tại các cơ quan thuế để mua hoá đơn sẽ chấm dứt kể từ đầu năm tới khi Thông tư hướng dẫn Nghị định 51/2010/NĐ-CP (NĐ 51) quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có hiệu lực cho phép DN được tự in, quản lý và sử dụng hóa đơn từ 1/1/2011. Đây thực sự là một tin vui đối với các DN và là cải cách mang tính đột phá và mang lại hiệu quả thiết thực của ngành Thuế

Quy định mới sẽ giúp cộng đồng DN tiết kiệm được thời gian, chi phí và hạn chế nhiều tiêu cực nảy sinh. Thực tế cho thấy, việc mua hóa đơn và quy trình quản lý ấn chỉ của cơ quan quản lý thuế hiện nay là khâu làm mất rất nhiều thời gian cho các DN và cũng là nơi phát sinh không ít tiêu cực. Hơn nữa, dù quy trình quản lý hóa đơn hiện hành khá chặt chẽ và phức tạp nhưng hiện tượng mua, bán hóa đơn, gây thất thu thuế vẫn xảy ra như một thách thức đối với cơ quan quản lý.

Theo lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) trên thực tế, việc quản lý hóa đơn vẫn còn nhiều phức tạp, chẳng hạn DN bán một giá, ghi hóa đơn một giá hoặc thành lập DN chỉ để mua, bán hóa đơn... Vì thế, khi DN tự in hóa đơn, tự in logo của mình trên hóa đơn và khi hóa đơn được phát hành thì trước hết, bản thân các cơ sở kinh doanh phải tự bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này sẽ giảm được tình trạng thành lập DN “ma” để mua, bán hóa đơn. Thống kê cho thấy, trong số hơn 500 nghìn DN và hơn 1,5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay, có trà trộn không ít DN "ma" được thành lập để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, làm thất thu một khoản tiền thuế lớn của Nhà nước.

Lợi ích của việc trao quyền tự in hóa đơn cho các DN là điều không cần phải bàn. Hiện tại Bộ Tài chính đã hoàn tất xong dự thảo về việc hướng dẫn in hoá đơn (kể cả hoá đơn đỏ) và đang tổ chức  lấy ý kiến đóng góp. Hiện nay, nhiều cục thuế địa phương cũng đã, đang tiếp nhận và hướng dẫn DN  làm các thủ tục để đến đầu năm 2011 có thể tự in hóa đơn tài chính, kể cả hóa đơn đỏ.

Tuy nhiên qua khảo sát một trong những ý kiến lo ngại DN tự in, phát hành hóa đơn dễ sinh ra tiêu cực, đặc biệt là những hiện tượng mua bán, giả mạo hóa đơn... cơ quan nhà nước khó quản lý. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng việc in hoá đơn, trong đó có hoá đơn đỏ là lĩnh vực in ấn rất đặc thù. Nếu DN không chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là khâu in ấn thì rất có thể sẽ bị lợi dụng in thừa, in gian lận hoá đơn mà DN không thể kiểm soát được…Thực tế cho thấy hiện cũng đã có một số quan ngại rằng khi triển khai NĐ 51 có thể xảy ra tiêu cực, song theo các chuyên gia thì DN không vì thế mà nản chí. Khi chuyển sang cơ chế cho DN được chủ động hơn trong kinh doanh, song hành với DN, Nhà nước cũng sẽ có sự cải cách đồng bộ các cơ chế chính sách xã hội khác, ví dụ như cải cách thanh toán qua ngân hàng, góp phần hạn chế và ngăn chặn tiêu cực. Đặc biệt, Nhà nước sẽ xử lý nghiêm vi phạm để làm gương cho các trường hợp khác.

Theo một số chuyên gia ngành Thuế, NÐ 51 quy định rất chặt chẽ trách nhiệm, nghĩa vụ của DN trong việc in, phát hành, quản lý hóa đơn, trong đó có cơ chế hợp đồng, thanh lý hợp đồng in, xử lý khuôn in, phế phẩm, công tác bảo mật, gửi thông báo phát hành hóa đơn... Mặt khác, theo quy định, DN phải rất quan tâm bảo vệ hóa đơn do mình in, phát hành, bởi đó là quyền lợi, nghĩa vụ, uy tín, thương hiệu của bản thân DN. Trước đây, DN sử dụng hóa đơn do Bộ Tài chính in, phát hành, việc quản lý hóa đơn cũng như trách nhiệm phần lớn thuộc cơ quan thuế và cơ quan nhà nước liên quan, nên công tác quản lý khó khăn, hiện tượng vi phạm diễn ra trên diện rộng, cả nước, đa dạng, phức tạp. Nay theo NÐ 51, trách nhiệm và quyền lợi về in, sử dụng hóa đơn thuộc DN, do đó sẽ hạn chế tận gốc những động cơ, mục đích lợi dụng hóa đơn để trục lợi, trốn thuế, làm ăn phi pháp... Như vậy không còn phải quá lo ngại xảy ra tiêu cực, phức tạp hơn khi DN tự in, phát hành hóa đơn, mà ngược lại sẽ giảm nhiều tình trạng vi phạm pháp luật, tạo thuận lợi nhiều hơn cho DN.

Thời gian  thực hiện NÐ 51 đang đến rất gần, bên cạnh sự vào cuộc khẩn trương từ phía các cơ quan chức năng, ngay từ bây giờ bản thân các DN cần nhanh chóng có lộ trình và kế hoạch để tự in hoá đơn cho DN mình.  Trong đó, cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, liên hệ trao đổi với cơ quan thuế để chuẩn bị tốt cho việc in, đặt in, phát hành hóa đơn. Thành lập tổ chức chỉ đạo, trực tiếp triển khai, xác định nhu cầu, nguồn lực, khả năng thực hiện về hóa đơn. Thiết lập chương trình tự in hóa đơn trên máy tính, thiết bị tính tiền theo quy định, tìm đối tác đặt vẽ mẫu, đặt in hóa đơn, quán triệt, tập huấn việc phát hành, nâng cao ý thức trách nhiệm trong khâu in, sử dụng, quản lý hóa đơn, đăng ký hóa đơn mẫu... Với việc tự in, phát hành, DN cần có kế hoạch, phương án bảo vệ hóa đơn, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong phát hành hóa đơn.

 

Hải Yến (Bộ Tài chính)

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)