LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN TỔ CHỨC BỘ MÁY KIỂM SOÁT NỘI BỘ TRONG CÁC BỆNH VIỆN ĐA KHOA TUYẾN TỈNH HIỆN NAY
Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì vậy Đảng ta luôn khẳng định con người là nhân tố hàng đầu, là nguồn tài nguyên quý báu nhất quyết định sự phát triển của đất nước

Sức khoẻ là các gốc để con người phát triển vì vậy đầu tư cho sức khoẻ và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe là đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới y tế, trong đó có các bệnh viên đa khoa. Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học - kỹ thuật tiên tiến, sự gia tăng chuyên môn hoá ngành y tế với việc triển khai các kỹ thuật y tế tinh vi như chụp vi tính cắt lớp, cộng hưởng từ, chụp mạch, các trị liệu về gen, phẫu thuật ghép phủ tạng… đã chuyển bệnh viện thành một tổ chức hoạt động khá phức tạp, đòi hỏi phải có cơ chế và phương pháp tổ chức quản lý phù hợp, hiệu quả. Hiện nay môi trường và cơ chế hoạt động của bệnh viện đã thay đổi, cơ chế thị trường đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của bệnh viện vì vậy hầu hết các quốc gia đều phải chú trọng vào kỹ thuật quản lý bệnh viện, đảm bảo quản lý có chất lượng mọi mặt hoạt động của bệnh viên, trong đó quản lý hoạt động tài chính là một nội dung hết sức quan trọng.

 

             Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động tài chính trong các bệnh viện, Bộ máy Kiểm soát nội bộ đã được hình thành và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của các bệnh viện bởi lẽ Kiểm soát nội bộ là những phương pháp và chính sách được thiết kế để ngăn chặn gian lận, giảm thiểu sai sót, khuyến khích hiệu quả hoạt động, và nhằm đạt được sự tuân thủ các chính sách và quy trình đã được thiết lập. Một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh sẽ giúp bệnh viện đảm bảo tính chính xác của các số liệu kế toán và báo cáo tài chính của đơn vị; giảm bớt rủi ro, gian lận hoặc thất thoát kinh phí đối với bệnh viện do bên thứ ba hoặc nhân viên bệnh viện gây ra. Kiểm soát nội bộ giúp các nhà lãnh đạo quản lý hữu hiệu và hiệu quả hơn các nguồn lực kinh tế của bệnh viên như con người, tài sản, nguồn vốn, góp phần hạn chế tối đa những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao. Với vai trò là công cụ quản lý của các nhà lãnh đạo, kiểm soát nội bộ (KSNB) không chỉ là hoạt động kiểm tra, rà soát, đánh giá một cách độc lập, khách quan đối với hoạt động của bệnh viện trong việc tuân thủ các chính sách, thủ tục quy trình đã được thiết lập trong tổ chức mà còn đưa ra các kiến nghị, tư vấn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các hệ thống góp phần đảm bảo cho bệnh viện hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

             Hiện nay, hoạt động KSNB đã được triển khai khá rộng trong các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Một số bệnh viện đã thực hiện tốt công tác KSNB, đáp ứng được yêu cầu quản lý bệnh viện, tuy nhiên cũng chỉ là hoạt động tự phát, tự vận dụng trong quản lý lãnh đạo, hoạt động của KSNB tại nhiều đơn vị vẫn chưa thực sự hiệu quả do nhận thức của các nhà quản lý về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của KSNB còn chưa đúng đắn, dẫn đến hiệu quả KSNB còn rất nhiều hạn chế, mang nặng tính hình thức, thiếu tính chuyên nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chính bộ máy KSNB tại các đơn vị này. Tính hiệu quả của việc tổ chức công tác KSNB phụ thuộc phần lớn vào hai yếu tố là tổ chức bộ máy và trình độ cán bộ. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy kiểm soát nội bộ trong các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

         Một số giải pháp:

                Mô hình tổ chức bộ máy và chức năng của bộ phận kiểm soát nội bộ

                Để đảm bảo cho công tác KSNB hoạt động hiệu quả, yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo tính độc lập của bộ phận kiểm soát, phải có các chế tài cho hoạt động của bộ máy KSNB. Vì vậy, cần thực hiện ngay việc hoàn thiện bộ phận kiểm toán nội bộ tại các Bệnh viện, thành lập bộ phận KSNB hay Phòng KTNB với chức năng và quyền hạn tương đương với các Phòng, Ban khác trong đơn vị. Ban giám đốc có trách nhiệm thành lập, điều hành và kiểm soát hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với mục tiêu của tổ chức. Để hệ thống này vận hành tốt, cần tuân thủ một số nguyên tắc như: Xây dựng một môi trường văn hóa chú trọng đến sự liêm chính, đạo đức nghề nghiệp cùng với những quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi.

                Các quy trình hoạt động và kiểm soát nội bộ được văn bản hóa rõ ràng và được truyền đạt rộng rãi trong nội bộ tổ chức. Xác định rõ các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Mọi hoạt động quan trọng phải được ghi lại bằng văn bản. Bất kỳ thành viên nào của tổ chức cũng phải tuân thủ hệ thống kiểm soát nội bộ. Quy định rõ ràng trách nhiệm kiểm tra và giám sát. Tiến hành định kỳ các biện pháp kiểm tra độc lập. Định kỳ kiểm tra và nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiêm soát nội bộ. Phòng KTNB nên tổ chức theo mô hình tập trung để đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời và thống nhất của công tác KSNB. Theo mô hình này, Phòng KTNB tại bệnh viện là đầu mối thực hiện các công việc liên quan đến KSNB, trực thuộc trực tiếp Giám đốc bệnh viện. Cụ thể, chức năng, nhiệm vụ của Phòng và bộ phận KTNB trong bệnh viện được xác định như sau:

                1. Tổ chức thực hiện công tác KTNB, chỉ đạo hướng dẫn các Khoa, Phòng, cá nhân trong bệnh viện thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế tổ chức, hoạt động KTNB và các văn bản pháp quy của Nhà nước.

                2. Quản lý, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác KTNB của các bộ phận, Khoa, Phòng, phối hợp trợ giúp cho kiểm toán độc lập trong trường hợp cần thiết.

                3. Xây dựng kế hoạch, lập chương trình kiểm soát hàng năm của bệnh viện, trình Giám đốc phê duyệt.

                4. Phối hợp với các Khoa, Phòng chức năng trong bệnh viện giải quyết những nội dung liên quan đến các kiến nghị của các đơn vị cơ sở trong các báo

                5. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các kiểm toán viên nội bộ để cập nhật kịp thời kiến thức phục vụ nhiệm vụ được giao.

                6. Tổ chức lưu trữ hồ sơ, tài liệu kiểm toán của bệnh viện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và của đơn vị.

                Trình độ cán bộ

                Về trình độ cán bộ lãnh đạo bệnh viện

                 Trong sự phát triển của xã hội hiện nay bệnh viện cần phải chuyển từ mô hình quản lý thuần tuý chuyên môn sang mô hình quản lý đơn vị kinh tế dịch vụ. Tổ chức định mức kinh tế kỹ thuật hợp lý; quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào, chi phí thu nhập; chuyển trọng tâm từ "Bác sĩ" sang trọng tâm là "người yêu cầu dịch vụ". Người đứng đầu bệnh viện đòi hỏi phải có kiến thức tổ chức quản lý và điều khiển đơn vị giống như một doanh nghiệp, nhiều bệnh viện nước ngoài đứng đầu bệnh viện là một nhà quản lý chứ không phải là nhà chuyên môn. Bệnh viện cũng cần thực hiện đa dạng hoá các hình thức dịch vụ và đồng bộ hoá dịch vụ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của người bệnh và xã hội; phải thay đổi quan niệm ngồi đợi bệnh nhân đến sang chủ động đến với bệnh nhân, thâm nhập vào cộng đồng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu xã hội. Bệnh viện cần xác định một trong những mục tiêu hoạt động của mình đảm bảo lợi ích kinh tế vì vậy phải cạnh tranh lành mạnh, tạo uy tín đối với người bệnh và xã hội.

                Vai trò của Giám đốc bệnh viện là hết sức quan trọng và là yếu tố quyết định sự thành bại của bệnh viện bởi lẽ  "Tướng tài thì nước thịnh, Tướng hèn thì nước nhu" Giám đốc bệnh viện phải thiết kế được bộ máy quản lý, một hệ thống quản lý phù hợp với điều kiện của đơn vị mình, phải đủ khả năng để sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, thời gian và thông tin với cơ chế thích hợp để giải quyết các "Mâu thuẫn" trong sự phát triển của bệnh viện, xây dựng được các chiến lược phát triển và điều hành vận hành bộ máy hoạt động hiệu quả. Như vậy, cán bộ lãnh đạo bệnh viện cần có trình độ chuyên môn vững vàng và kiến thức về quản lý kinh tế tốt.

                Về trình độ cán bộ chuyên môn.

                Có thể nói KTV nội bộ là nhân vật chính trong việc tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ và kế toán viên là nòng cốt của bộ máy kế toán. Chất lượng KTV nội bộ, kế toán viên hiện nay đòi hỏi cần phải hoàn thiện các kỹ năng và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tại các bệnh viện hiện nay, để hoàn thiện chất lượng các kiểm toán viên, kế toán viên cần thực hiện một số giải pháp sau:

                Đối với cán bộ kiểm toán viên

                1. Xây dựng tiêu chuẩn cho các chức danh trưởng phòng KTNV, Trưởng bộ phận KTNB: Với chức danh trưởng phòng KTNB, tiêu chuẩn bắt buộc nên phải có là Chứng chỉ KTV. Với chức danh Trưởng bộ phận KTNB, tiêu chuẩn là cử nhân chuyên ngành kinh tế.Cùng với việc xây dựng tiêu chuẩn KTV nội bộ thì quyền lợi của các chức danh cũng phải được xây dựng rõ ràng theo đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của họ.

                2. Tổ chức các khoá huấn luyện chính thức cho các KTV do các chuyên gia thuộc Công ty kiểm toán độc lập và các Trường đại học đảm nhiệm theo các chủ đề: Huấn luyện phương pháp lập kế hoạch kiểm toán theo quy trình chuẩn, quy trình kiểm toán dự án đầu tư, cxác chuẩn mực kiểm toán, kỹ thuật chuyên môn, kỹ thuật phỏng vấn, thu thập bằng chứng, kỹ năng viết báo cáo kiểm toán…

                3. Khuyến khích các KTV tham gia các khoá học chuyên sâu về kiểm toán bằng các biện pháp cụ thể như tài trợ hoàn toàn hoặc một phần học phí, có chế độ khen thưởng cho những kiểm toán viên có thành tích học tập xuất sắc.

                4. Kiểm toán nội bộ là nhu cầu tự thân của mỗi đơn vị tổ chức nói chung. Tuy nhiên, nếu chỉ xây dựng bộ máy kiểm toán nội bộ một cách hình thức, hoạt động không hiệu quả sẽ chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho cơ cấu tổ chức của đơn vị tổ chức đó. Vì vậy, việc lựa chọn chất lượng đội ngũ kiểm toán viên nội bộ hợp lý, có năng lực là những yếu tố căn bản làm nên một bộ máy kiểm toán nội bộ hiệu quả vốn được gọi là cánh tay đắc lực của Ban giám đốc ./.

                Đối với cán bộ kế toán viên

                Từ thực tế tổ chức bộ máy kế toán hiện nay, với  trình độ nghiệp vụ và tin học của các cán bộ kế toán không đồng đều, một số cán bộ kế toán có nghiệp vụ chuyên môn không phù hợp và một số cán bộ kế toán chưa thành thạo nghiệp vụ hạch toán; giải pháp để khắc phục những tồn tại:

                1. Công tác tuyển dụng cần có thông báo công khai rộng rãi để có thật nhiều cán bộ tham dự tuyển chọn.

                2. Cần có hình thức thử việc, kiểm tra tay nghề để đánh giá khả năng của cán bộ kế toán khi tuyển dụng.

                3. Cần tuyển dụng đúng chuyên ngành kế toán theo thực tế của đơn vị.

o     

                Kiểm soát nội bộ xuất phát từ nhu cầu quản lý, là hoạt động không thể thiếu của mỗi bệnh viện. Để nâng cáo hiệu quả hoạt động KSNB phải hình thành được tổ chức bộ máy làm công tác KSNB hợp lý với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác KSNB có chất lượng. Công tác KSNB có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các bệnh viện, làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước./.

                                                                                                          Bùi Thị Ánh Tuyết

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Victor Z.Brink & Herbert Witt. Kiểm toán nội bộ hiện đại – Đánh giá các hoạt động và hệ thống kiểm soát. NXB Tài chính. 2000.

2. Văn kiện Đại hội của một số Tỉnh, Đảng bộ 2010.

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)