KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
KINH TẾ VIỆT NAM VÀ 3 THÁCH THỨC
(khoahockiemtoan.vn) - Nhìn lại những thành tựu của đất nước trong năm 2010 vừa qua, có thể khẳng định rằng đây là thành tựu hết sức ấn tượng

Bạn bè quốc tế đã đánh giá cao thành tựu của Việt Nam (VN) trong bối cảnh chịu tác động của khủng hoảng kinh tế- tài chính toàn cầu vẫn duy trì đà tăng trưởng mà biểu hiện sinh động và cụ thể nhất là việc cộng đồng các nhà tài trợ tiếp tục dành ODA cao (7,88 tỷ USD) cho VN mặc dù VN đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Mừng là vậy, nhưng thẳng thắn nhìn nhận lại, kinh tế VN vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Nền kinh tế năm qua vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Cùng với các nguyên nhân khách quan, nhất là sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới, thiên tai lũ lụt lớn, vẫn còn có các yếu tố chủ quan trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp chưa đồng bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế vừa phục hồi sau khủng hoảng, điểm xuất phát thấp, những hạn chế, bất cập đó là khó tránh khỏi, có tính tạm thời, không cơ bản và không ảnh hưởng lớn đến những kết quả và khởi sắc của nền kinh tế cả nước. Bốn thách thức chính của nền kinh tế có thể kể ra đây:

Thách thức đầu tiên: Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2010 tăng 11,75% so với năm 2009, không đạt kế hoạch đề ra (7%) và cao hơn năm 2009 (6,52%). Các nhóm hàng CPI tăng cao nhất là lương thực 17,96%, thực phẩm 16,69%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 15,74%, giáo dục tăng 19,38%, ăn uống ngoài gia đình tăng 12,45%... với tốc độ tăng giá này VN là nước có tốc độ tăng giá cao nhất so với các nước trong khu vực (Trung Quốc tăng 4,8%, Ma-lai-xi-a tăng 4%, In-đô-nê-xi-a dưới 5%, Phi-lip-pin tăng 5,1%, Thái Lan 4%). Giá vàng tăng 30%, giá USD tăng 9,68%, là những mức tăng cao nhất trong các năm gần đây.

Có nhiều nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Nguyên nhân sâu xa đó là những yếu kém bất cập của nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư nhưng kém hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao (tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố so sánh tĩnh, trong đó yếu tố vốn chiếm khoảng 52%-53%). Đẩy mạnh tăng trưởng dựa vào đầu tư, nhưng vì đầu tư kém hiệu quả nên phải đầu tư nhiều, kéo theo chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đáp ứng theo... Cộng thêm những bất cập khác kéo dài nhiều năm dồn tích lại đã dẫn đến hệ quả lạm phát. Nguyên nhân trực tiếp đó là  sự chỉ đạo của các ngành chức năng trong quản lý điều hành nền kinh tế, thị trường, giá cả... còn nhiều bất cập. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như tình trạng nhập siêu, hiệu quả sử dụng vốn, tình trạng thiếu điện cho sản xuất, tác động theo độ trễ của việc tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng ở mức cao của năm 2009... cũng tác động đến thị trường giá cả. Về khách quan, biến động tăng mạnh của giá thế giới, việc thực hiện lộ trình chuyển sang cơ chế giá thị trường một số mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý, thiên tai, nhất là lũ lụt lớn ở miền Trung... đã làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ cung- cầu và tạo áp lực tăng giá.

Thách thức thứ hai: Hiệu quả đầu tư của khối DNNN chưa được cải thiện.

Hiệu quả đầu tư của khối DNNN, thuộc khu vực kinh tế Nhà nước - được xác định là yếu tố chủ đạo của nền kinh tế - lại chưa được cải thiện. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh Đặng Đức Đạm, đầu tư của khu vực DNNN có hiệu quả thấp hơn đáng kể so với đầu tư của khu vực tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chẳng hạn, năm 2001, hệ số ICOR của khối DN tư nhân là 2,63%, khối FDI là 6,29%, trong khi khối DNNN tới 7,42%. Năm 2008, chỉ số ICOR của khối DN tư nhân tăng lên 3,74%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khối FDI là 4,99 và khối DNNN là 8,28%. Điều đó cho thấy, hiệu quả hoạt động của khối DNNN hiện ở mức thấp. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh Đặng Đức Đạm viện dẫn, theo báo cáo kết quả giám sát tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Ủy ban thường vụ Quốc hội (tháng 11.2009), năm 2008, trong 91 (trên tổng số 99) tập đoàn, tổng công ty có báo cáo thì 35 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 15%; 15 đơn vị có ROE từ 10 - 15%; 20 đơn vị có ROE từ 5 - 10%; 18 đơn vị có ROE dưới 5% và 3 đơn vị có ROE âm. Như vậy, có tới 56/91 tập đoàn, tổng công ty có ROE dưới 15%, tức là thậm chí thấp hơn mặt bằng lãi suất. Điều này có nghĩa, nếu áp dụng các phương pháp kế toán đúng đắn thì hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ thua lỗ.

Nhìn chung, năng suất lao động của khối DNNN còn thấp, năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa có nhiều thương hiệu mang tầm khu vực và quốc tế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế; chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, liên kết các DN thuộc thành phần kinh tế khác. Một số DN còn thua lỗ, trình độ công nghệ còn thấp kém, nhiều DN đầu tư dàn trải, đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính; buông lỏng quản lý vốn, tài sản, gây lãng phí, thất thoát lớn, gây dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của khu vực DNNN. Tiến độ cổ phần hóa của nhiều DN còn chậm; tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý diễn ra ở không ít DN.

Thách thức thứ ba: Lãi suất, tỷ giá  chưa hết căng thẳng

Mặt bằng lãi suất, được coi là giá vốn vẫn còn ở mức khá cao, cho dù Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực nhất định trong việc điều hành lãi suất. Tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm và tăng nhanh vào những tháng cuối năm: 7 tháng đầu năm tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 12,96%, dư nợ tín dụng: 12,97%, nhưng tiếp 4 tháng sau và tính chung trong 11 tháng đã tăng tương ứng là : 22,54% và 26,31%. Đặc biệt, việc điều chỉnh tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 5/11/2010 đã đẩy lãi suất trên tất cả các thị trường tăng mạnh, đặc biệt là lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn đến cực ngắn. Trên thị trường liên ngân hàng, các NHTM giảm tối đa và thậm chí tạm ngừng đưa vốn ra thị trường khiến các NHTM nhỏ lao đao lo thanh khoản cuối năm. Bức tranh "lãi suất khủng năm 2008" lại đang được vẽ lại vào tháng cuối cùng của năm 2010 khi lãi suất huy động được đẩy lên mức đỉnh điểm là 18%/năm. Đến thời điểm cuối tháng 12/2010, tình hình đã có phần dịu lại song mức lãi suất huy động của các ngân hàng trong tháng 12/2010 vẫn ở mức 14-15%, tức là cao hơn hẳn so với mức 150% lãi suất cơ bản (13,5%) và phần cao hơn đó được các NHTM xử lý bằng "lãi suất thưởng" - mức lãi suất không được ghi chính thức nhưng lại là "một phần không thể tách rời" của cuốn sổ tiết kiệm.

Tình hình tỷ giá năm 2010 là vấn đề nóng hổi. Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do cách xa mức trần là 19.500 VND/1USD do Ngân hàng Nhà nước công bố và tăng liên tiếp trong những tháng cuối năm. Người dân đổ xô đi mua USD để tích trữ, còn DN không mua được ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá tăng vọt ảnh hưởng tới giá vàng, giá hàng nhập khẩu tăng lên. Thị trường đang bị mất cân đối cung cầu ngoại tệ cục bộ, nguyên nhân là do sự méo mó trong chính sách tiền tệ, lãi suất.

Thách thức thứ tư: Nhập siêu ở mức đáng báo động.

 Năm 2010 tỷ lệ nhập siêu 17,32%, tuy nhiên, về số tuyệt đối cả năm vẫn lên tới 12,4 tỉ USD, là mức khá cao so với năm 2009 (12,8 tỉ USD). Nguyên nhân là do kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước: Dầu thô giảm 20,2% (lượng giảm 44,3%); cà phê giảm 1,6%; sắn và sản phẩm của sắn giảm 3,1% (lượng giảm 49%). Nhập khẩu tăng cao, trong đó có yếu tố nhập khẩu vàng. Theo số liệu của hải quan và Ngân hàng Nhà nước, từ năm 1998 đến tháng 9-2010 VN nhập khẩu 339,8 tấn vàng, xuất khẩu 268,8 tấn. Như vậy, trong 12 năm qua, VN đã nhập siêu 71 tấn vàng, riêng năm 2010 đã nhập số lượng lớn để hạ nhiệt giá vàng trong nước.Câu chuyện càng xuất khẩu nhiều - chúng ta càng phải nhập khẩu lắm, cùng căn bệnh sính ngoại vẫn tồn tại từ cơ quan, DNNN, cho tới tâm lý tiêu dùng của người dân khiến cho nhập siêu càng trở nên khó giải quyết. Với sự phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài, nhập siêu càng lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát càng cao.

Nhìn lại bức tranh kinh tế 2010, chúng ta thấy được những điều mừng để phát huy hiệu quả những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, cũng như nhận diện được những mối lo để tìm ra giải pháp căn cơ, chữa trị một loạt căn bệnh kinh niên của nền kinh tế, thực hiện mục tiêu quan trọng là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô đã được Quốc hội đề ra./.

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)