Dù giai đoạn tồi tệ nhất của
cuộc khủng hoảng kinh tế đã trôi qua nhưng ảnh hưởng của nó vẫn khá nghiêm
trọng, khiến nền kinh tế toàn cầu năm qua phải trải qua nhiều biến cố. Trong
năm 2010, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm chạp. Năm 2010 cũng đánh dấu những
diễn biến khác thường về tỷ giá của USD, ơro, yên Nhật – những đồng tiền quan
trọng trên thế giới. Khu vực đồng euro lâm vào cuộc khủng hoảng nợ nần. Thế
giới đã làm được những gì và còn phải đối mặt với những thách thức nào để thúc
đẩy đà phục hồi kinh tế? Trong bức tranh có nhiều khởi sắc của kinh tế thế giới
vẫn tồn tại đâu đó những “điểm tối” có sức lan tỏa rộng rãi. Có thể điểm lại
những nét nổi bật của bức tranh kinh tế thế giới năm 2010 qua những phác thảo
chủ yếu sau.
1. Kinh tế hồi phục, thương
mại toàn cầu khởi sắc
Năm 2010 khép lại với một loạt nền kinh tế
đạt mức tăng trưởng ấn tượng và các nhà quan sát liên tục nâng dự báo tăng
trưởng của năm. Giữa năm 2009, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, trong năm
2010 kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng 1,9%, trong đó các nước phát triển hầu như
dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, tổ chức này ước tính sản
lượng nền kinh tế toàn cầu tăng tới 4,8%, cao hơn trung bình mấy năm gần đây.
Tăng trưởng GDP của nhóm các nước phát triển ước đạt hơn 2,7% và của nhóm các
nước đang phát triển đạt 7,1%. Kinh tế tại nhiều quốc gia đạt mức tăng trưởng
khả quan, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thế giới. Mặc dù bị tác
động từ cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp nhưng nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn trong tiến
trình phục hồi kể từ cuối năm 2009 với mức tăng tưởng GDP trong quý III/2010
đạt 2,5%. Mức tăng trưởng này có được là nhờ xuất khẩu và chi tiêu dùng tăng
khá (chi tiêu tiêu dùng tăng 2,8%, mức tốt nhất kể từ năm 2006. Xuất khẩu cũng
tăng mạnh 6,3%). Mức phục hồi trung bình của Mỹ trong hơn 30 năm qua là 3,6% và
tăng trưởng cần phải cao hơn mức này để có thể giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp.
Cùng với tốc độ tăng GDP
nhanh hơn dự đoán, nền kinh tế toàn cầu trong năm qua cũng lấy lại được nhiều
tài sản đã mất trong cuộc khủng hoảng “cả đời người mới gặp một lần”. Điểm nổi
bật là giá trị thương mại toàn cầu đã trở lại mức đỉnh cao đạt được hồi giữa
năm 2008, lĩnh vực thương mại sau khi đã giảm tới 12% trong năm 2009, mức giảm
cao nhất trong lịch sử, thương mại toàn cầu đã dần hồi phục trở lại sau khi suy
giảm mạnh trong năm 2009. Theo WTO, thương mại toàn cầu năm 2010 đạt mức tăng
trưởng 13,5% thay cho mức 9,5% đưa ra hồi tháng 4/2010. Theo WTO, đây là đà đi
lên nhanh nhất trong lịch sử thương mại toàn thế giới và là bước nhảy vọt so
với năm 2009. Theo Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), thương mại toàn
cầu sẽ tiếp tục tăng 8,3% trong năm tới, nhất là ở các nước châu Á và Braxin.
Điều này cho thấy cuộc suy thoái đã không làm sống lại những “thây ma chủ nghĩa
bảo hộ thương mại” như nhiều người từng lo sợ.
2. Sự trỗi dậy của các thị trường đang nổi
Năm 2010 được coi là năm của
các thị trường đang nổi: Ấn Độ, Trung Quốc cùng các nước khổng lồ đang nổi lên
khác đã khẳng định được sự hiện diện của họ trong G-20, nhóm hiện được coi là
câu lạc bộ đưa ra các quyết định toàn cầu. Châu Á là khu vực có tốc độ tăng
trưởng mạnh và được đánh giá là động lực phục hồi kinh tế thế giới, trong đó
các quốc gia Đông á phục hồi mạnh mẽ nhất (tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
đạt 11%, của Xin-ga-po đạt tới 18% trong những tháng đầu năm). Điều này chứng tỏ các nền kinh tế đang phát
triển không còn hoàn toàn lệ thuộc vào người tiêu dùng ở các nước phát triển
như trước nữa. Ngoài ra, thực tế trên còn phản ánh một sự thay đổi lớn về vai
trò và vị trí tương quan giữa các nền kinh tế trên thế giới. Nhóm các cường
quốc G7 đã không thể hiện được vai trò dẫn dắt trong việc xử lý những vấn đề
mang tính toàn cầu như trước. Thay vào đó họ cần tới các thành viên còn lại
trong Nhóm G20 – tập hợp các nền kinh tế phát triển và mới nổi – để cùng bàn
bạc, trao đổi và phối hợp trong các chính sách đối phó với khủng hoảng. Đặc
biệt trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển ghi nhận sự ảnh hưởng lớn lao
của khối BRIC (bao gồm các nước đang trỗi dậy mạnh mẽ là Braxin, Nga, Ấn Độ và
Trung Quốc) và tiếp đến là khối CIVET (bao gồm các ngôi sao đang lên là
Côlômbia, Inđônêxia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi).
Trung Quốc và Ấn Độ được coi
là những đầu tàu của các nền kinh tế đang nổi. Cách đây 1 năm, các quốc gia
công nghiệp phát triển (G8) đã lãnh đạo cả thế giới, trong đó phải kể đến vai
trò của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ngày nay, trọng tâm của thế giới dường
như lại nghiêng sang châu Á và năm 2010 càng có nhiều cơ sở để chứng minh điều
này. Mặc dù còn nhiều nguy cơ ở phía trước, nhưng giới quan sát cho rằng hai
nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ dường như có khả năng “định
nghĩa” những thập kỷ sắp tới, sau Thế kỷ Mỹ và Thế kỷ Anh trước đây.
3. Thị trường tài chính -
tiền tệ hồi phục sau “bão tố”
Hệ thống tài chính - ngân
hàng thế giới từng bước phục hồi, đa số các ngân hàng châu Âu đã vượt qua đợt
kiểm tra của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Kết quả kiểm tra các ngân hàng
châu Âu khá tích cực (84 trên tổng số 91 ngân hàng châu Âu đã vượt qua đợt kiểm
tra này) cho thấy hệ thống ngân hàng châu Âu trước khủng hoảng nợ công vẫn được
duy trì khá ổn định. Đạo luật kiểm soát hệ thống tài chính lịch sử cũng đã được
Quốc hội Mỹ thông qua mở ra cơ chế mới cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt
động của các ngân hàng, nhằm tránh các cuộc khủng hoảng tương tự có thể xảy ra.
Nhiều ngân hàng đạt mức lợi nhuận tích cực trong những tháng đầu năm 2010 và đang
trong quá trình trả lại tiền cứu trợ của chính phủ. Hệ thống tài chính tại các
nền kinh tế lớn vẫn khá ổn định, làm động lực cho sự tăng trưởng trở lại của
kinh tế thế giới. Thị trường chứng khoán cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ (các
chỉ số chứng khoán của Mỹ, EU, Nhật Bản đều tăng 30% - 60% so với mức thấp nhất
khi khủng hoảng nổ ra, trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là nhóm các cổ phiếu
ngành ngân hàng - tài chính).
Tuy nhiên, theo đánh giá của
các chuyên gia, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới vẫn biến động phức tạp,
khó lường. Thị trường tài chính - tiền tệ thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất
ổn. Trong 7 tháng đầu năm có khoảng 40 ngân hàng tại Mỹ đã phá sản, có những
ngày có tới 4 ngân hàng đồng loạt phá sản. Tỷ giá giữa một số ngoại tệ mạnh
trên thế giới biến động mạnh (đồng euro giảm giá tới gần 20% trong vòng 2
tháng, đồng yên Nhật lại tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua so với
đồng USD) đã tác động tới cán cân thanh toán quốc tế, dòng chảy vốn và thương
mại quốc tế, đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Trong khi đó,
nguy cơ lạm phát đang tăng tại một số nước chủ yếu do việc tăng giá năng lượng
(chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc tháng 7-2010 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm
trước, mức cao nhất kể từ tháng 10-2008; bên cạnh đó bong bóng thị trường bất
động sản tại một số nước, như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin cũng đang đe dọa sự ổn
định và phục hồi kinh tế của các nước này nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói
chung.
4. Cuộc khủng hoảng nợ công
tạm lắng dịu
Vấn đề cấp bách nhất hậu
khủng hoảng với nhiều quốc gia là tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công tăng
cao do những gói kích thích kinh tế khổng lồ. Mức nợ công của Hy Lạp, thành
viên EU, đã lên tới 300 tỉ euro (113% GDP) và thâm hụt ngân sách dự báo là 13%
GDP (cao gấp bốn lần so với quy định của EU) khiến nước này đã buộc phải kêu
gọi sự giúp đỡ của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhiều quốc gia châu Âu khác
cũng đang lâm vào tình trạng báo động cao khi mức nợ đều chiếm khoảng 90% -
100% GDP như I-ta-li-a, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... Nợ công của Mỹ lên tới 12,5
ngàn tỉ USD (hơn 90% GDP) và Chính phủ nước này phải đề nghị Quốc hội nâng nợ
trần quốc gia lên 14,3 ngàn tỉ USD (thêm 1,9 ngàn tỉ USD).
Sau nhiều tháng chống chọi
với “cơn bão” nợ, những chính sách kinh tế táo bạo với nhiều gói kích thích
khổng lồ từ các nền kinh tế mạnh do Đức làm “đầu tàu” đã giúp châu Âu dần trở
lại quỹ đạo ổn định. Tình trạng thâm hụt ngân sách tại các quốc gia có nguy cơ
vỡ nợ cao đã giảm sau khi nhận được hỗ trợ từ bên ngoài (thâm hụt ngân sách 6 tháng
đầu năm 2010 của Hy Lạp giảm 42%). Niềm tin của các nhà đầu tư với khu vực này
đang lạc quan trở lại, thể hiện qua việc trái phiếu chính phủ của các quốc gia
châu Âu (kể cả những nước vừa mới thoát khỏi tình trạng báo động về khủng hoảng
nợ) đều được đấu thầu thành công và đồng ơ-rô đã lên giá mạnh kể từ đầu quý III
năm 2010 đến nay, sau khi giảm kỷ lục trong quý II/2010./.