SỰ KIỆN
TÔI SẼ CÔNG TÂM, KHÁCH QUAN VÀ QUYẾT LIỆT TRONG CÔNG VIỆC!
(khoahockiemtoan.vn) - Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, ông Đinh Tiến Dũng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Tổng KTNN với số phiếu cao.

Nhân dịp này, ông đã dành cho phóng viên TC NCKHKT buổi trao đổi ngắn xung quanh những suy nghĩ của ông về công việc mới tại KTNN. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.

* Được biết, ông từng có nhiều năm làm công tác quản lý tài chính tại các tổng công ty, sau đó kinh qua nhiều chức vụ như thứ trưởng, chủ tịch, bí thư tỉnh ủy. Những kinh nghiệm đã qua sẽ là lợi thế như thế nào trong cương vị mới tại KTNN?

- Trong quá trình công tác của mình tôi đã có thời gian dài làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; trực tiếp từ nhân viên, tới Phó phòng, Trưởng phòng, Kế toán trưởng công ty và Tổng công ty, và lên Vụ trưởng phụ trách công tác này. Khi đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng tôi cũng được giao phụ trách lĩnh vực tài chính kế toán, đổi mới doanh nghiệp, kinh tế xây dựng, thanh tra xây dựng... Tôi nghĩ, trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau là điều hết sức thuận lợi khi đảm nhận vị trí Tổng KTNN.

Theo tôi, ngoài việc căn cứ vào các chuẩn mực, quy trình kiểm toán, các quy định của pháp luật, bằng chứng kiểm toán thu thập được, khi nhận xét, đánh giá vấn đề, KTNN phải nhìn nhận một cách tổng thể, khách quan và nhiều chiều. Có như vậy, kết luận và kiến nghị kiểm toán mới có tính khả thi, thuyết phục được đơn vị được kiểm toán. Điều này có nghĩa là việc tuân thủ pháp luật phải đặt lên hàng đầu nhưng trong thực tiễn, nếu phát hiện quy định của pháp luật không phù hợp, khi thực hiện kém hiệu quả, KTNN phải thu thập bằng chứng để kiến nghị với các cơ quan chức năng có liên quan sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh việc kiến nghị sửa đổi hạn chế, khắc phục sai sót, nếu các đơn vị được kiểm toán quản lý tốt ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, KTNN cần phải “khen” để chứng tỏ sự công tâm và toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ. Với suy nghĩ này việc trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, với kinh nghiệm có được sẽ giúp tôi thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu và hy vọng KTNN sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.

* Kể từ khi Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực, mối quan hệ phối hợp giữa KTNN với HĐND, UBND trong hoạt động kiểm toán ngày càng khăng khít và đi vào thực chất. Vậy, từng là lãnh đạo một số tỉnh thành và giờ đây khi đảm nhận vai trò là Tổng KTNN, ông có biện pháp gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa KTNN với HĐND và UBND các cấp trong hoạt động kiểm toán?

- Việc phối hợp với các địa phương trong hoạt động kiểm toán trong thời gian qua là khá tốt, KTNN cũng đã ký Quy chế phối hợp trong hoạt động kiểm toán với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiều địa phương. Vị trí, vai trò của KTNN ngày càng nâng cao trong hỗ trợ việc quản lý, giám sát, điều hành, quyết định các vấn đề về ngân sách, về kinh tế xã hội của địa phương, thực tế ngày càng có nhiều địa phương muốn KTNN thực hiện kiểm toán ngân sách hàng năm, hoạt động kiểm toán có thể coi là nhu cầu thường xuyên, giúp các địa phương trong vấn đề quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Thực tiễn lãnh đạo ở địa phương cho thấy, ở địa phương vai trò cấp uỷ rất quan trọng. Khi cấp uỷ nhận thức đúng vấn đề thì lãnh đạo HĐND, UBND phải thực hiện triệt để, đặc biệt là việc phối hợp trong hoạt động kiểm toán, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm tốt, nhiều kết luận và kiến nghị kiểm toán đã đi vào cuộc sống, được các địa phương thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên cũng có vài nơi thực hiện chưa tốt. Vì vậy, ngoài việc tăng cường quan hệ với HĐND, UBND các cấp theo như Quy chế KTNN đã ký kết với một số tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, chúng ta cần làm thêm một bước nữa là phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cấp uỷ các địa phương trong việc cung cấp thông tin, kết quả kiểm toán phục vụ nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện các hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương, điều này cũng là bước tiếp theo làm cho kết luận và kiến nghị kiểm toán đi vào cuộc sống và nâng cao hiệu lực của hoạt động kiểm toán.

* Theo đánh giá của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, đồng chí Vương Đình Huệ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua. Đó sẽ là áp lực hay ông sẽ biến nó thành lợi thế khi đảm nhận nhiệm vụ mới tại KTNN?

- Trong suy nghĩ của tôi thì nguyên Tổng KTNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thành tích to lớn này thuộc về cá nhân đồng chí Vương Đình Huệ và gắn liền với cả một tập thể lãnh đạo, toàn ngành KTNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ hơn 5 năm qua. Đây chính là nền tảng tốt, là tiền đề tốt để khi nhận nhiệm vụ mới này, tôi kế thừa và phát triển những thành tựu đó. KTNN đã hoạt động tương đối chuyên nghiệp, việc ban hành và thực hiện các quy trình, chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp đã đi vào nề nếp; đội ngũ kiểm toán viên nhiều kinh nghiệm, khá tinh nhuệ, đạo đức tương đối tốt. Với tôi đó là lợi thế lớn, không phải là áp lực. Tôi chỉ mong muốn là thời gian tới, cá nhân tôi cùng với Ban cán sự Đảng, Đảng uỷ, lãnh đạo, tập thể cán bộ công chức KTNN sẽ kế thừa và phát huy tối đa những thành tựu mà người tiền nhiệm đã đạt được.

* Theo Tổng KTNN, điều gì quan trọng nhất đối với người lãnh đạo cao nhất của KTNN, cơ quan luôn nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân?

- Tôi nghĩ rằng, trước hết, bản thân tôi phải là người công tâm, khách quan. Thứ hai cũng phải sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Cùng với các đồng chí lãnh đạo KTNN, các tổ chức đảng, đoàn thể giữ được sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng trong toàn ngành, KTNN sẽ ngày càng khẳng định được vị thế trong xã hội, đáp ứng niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân.

* Những kỳ vọng và nhắn nhủ của ông đối với cán bộ, kiểm toán viên và người lao động của KTNN?

- Với trách nhiệm là người đứng đầu, tôi rất hy vọng các đồng chí trong Ban lãnh đạo, Ban cán sự Đảng cùng với đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên và người lao động của KTNN cùng đề cao tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống yêu ngành, yêu nghề, trong đó đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, thống nhất trong  toàn Đảng bộ, trong toàn thể cán bộ, đảng viên.

Tôi cũng hy vọng và tin tưởng đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên của KTNN đề cao việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, tính chuyên nghiệp trong thực hiện trách nhiệm công vụ, nhất là công vụ kiểm toán để đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội đối với ngành. Hiện nay mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động không nhỏ vào đội ngũ cán bộ nói chung và kiểm toán viên nói riêng, do đó chúng ta cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, khắc phục khó khăn để trong quá trình thực thi nhiệm vụ, giữ vững được phương châm nghề nghiệp “nghệ tinh tâm sáng, công minh chính trực”.

Ngoài sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong đại gia đình KTNN, tôi nghĩ rằng KTNN luôn cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ và đặc biệt là sự phối kết hợp của các Bộ, ngành ở Trung ương cũng như các địa phương và của tất cả các đơn vị được kiểm toán để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao./.

V.P (thực hiện)

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)