LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
ĐIỂM MỚI TRONG NGHỊ ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, BỘ MÁY CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ ...
Điểm mới trong Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy của tổ chức pháp chế và yêu cầu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước

Sau 6 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/05/2004 của Chính phủ mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng nỗ lực của các tổ chức, cán bộ làm công tác pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước, công tác pháp chế đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường pháp chế và thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức pháp chế vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao với vai trò là cơ quan tham mưu thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và tổ chức thực hiện công tác pháp chế trong ngành, lĩnh vực. Do đó, việc đưa ra cơ chế pháp lý mới cho hoạt động của các tổ chức pháp chế là yêu cầu vô cùng cần thiết. Ngày 04/07/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Nghị định này được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác pháp chế, nhất là trong điều kiện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI. Nghị định số 55/2011/NĐ-CP gồm 4 chương với 18 điều, quy định cụ thể, rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước và quản lý nhà nước về công tác pháp chế.

Trên cơ sở kế thừa các quy định trước đây, về cơ bản, các nội dung của Nghị định này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế giống như Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/05/2004 của Chính phủ trước đây: ngoài công tác xây dựng pháp luật; công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật... Nghị định đã bổ sung nhiều điểm mới cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn

Nghị định quy định cụ thể, rõ ràng hơn về vị trí, chức năng của các tổ chức pháp chế, theo đó tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và tổ chức thực hiện công tác pháp chế trong ngành, lĩnh vực được giao; tổ chức pháp chế ở các doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn và giúp lãnh đạo doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghị định tiếp tục quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trên các mặt công tác pháp chế từ xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát, hệ thống hóa; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật… Về công tác xây dựng pháp luật, Nghị định đã quy định rõ các nhiệm vụ theo hướng bám sát các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Trên cơ sở những văn bản mới ban hành như Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Nghị định 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 về công tác theo dõi thi hành pháp luật, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Nghị định bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn mới giao cho tổ chức pháp chế như: Các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; nhiệm vụ, quyền hạn về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong việc tham gia giải quyết các vụ việc hành chính theo Luật tố tụng hành chính và thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Thứ hai, về mặt tổ chức

- Một trong những điểm mới của Nghị định 55/2011/NĐ-CP là quy định cơ quan thuộc Chính phủ có Ban Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng. Còn theo quy định cũ tại Nghị định 122/2004/NĐ-CP thì các cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực có Vụ Pháp chế. Trong trường hợp cần thiết, đối với một số cơ quan thuộc Chính phủ có đặc thù riêng, mô hình tổ chức pháp chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ngoài điểm mới trên, cũng giống như quy định cũ, Nghị định 55/2011/NĐ-CP nêu rõ, Bộ, cơ quan ngang Bộ có Vụ Pháp chế, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Phòng Pháp chế.

- Nghị định quy mang tính tùy nghi về việc thành lập tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương: Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các Cục trực thuộc.

- Nghị định quy định cứng về việc thành lập phòng pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trừ Sở Tư pháp, Thanh tra, Văn phòng. Các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn khác thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách.

- Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyết định tổ chức pháp chế hoặc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách. 

- Bên cạnh đó, Nghị định đã bổ sung các quy định mới về công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ và cơ chế phối hợp trong công tác pháp chế giữa các tổ chức pháp chế với nhau và giữa các tổ chức pháp chế với Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp. Riêng trong lực lượng quân đội và công an nhân dân, Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể.

Thứ ba, về người làm công tác pháp chế và tiêu chuẩn, chế độ cho người làm công tác pháp chế

Nghị định tiếp tục kế thừa tiêu chuẩn của công chức pháp chế tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, Nghị định bổ sung những quy định mới theo hướng xác định rõ những người làm công tác pháp chế và tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế, cụ thể:

 - Người làm công tác pháp chế gồm công chức pháp chế ở tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh; cán bộ pháp chế ở các đơn vị quân đội, công an nhân dân; viên chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; và nhân viên pháp chế ở tổ chức pháp chế thuộc doanh nghiệp nhà nước.

- Quy định rõ các tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế. Theo đó, công chức pháp chế phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên; viên chức pháp chế phải là viên chức có chức danh nghề nghiệp, có trình độ cử nhân luật trở lên. Riêng đối với người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác pháp luật.

Đặc biệt, để giải quyết vấn đề thực tế, Nghị định quy định đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế mà chưa có trình độ cử nhân luật thì phải tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức. Sau năm năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật.

Một trong những điểm mới cơ bản của Nghị định mới là đã quy định về chế độ, chính sách cho người làm công tác pháp chế. Theo đó, xác định công chức, viên chức pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Đồng thời, quy định giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của cán bộ, công chức, viên chức pháp chế để lựa chọn, bố trí sử dụng và quyết định chế độ đối với nhân viên pháp chế.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2011 và thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước.

Trước đây, trên cơ sở Luật Kiểm toán nhà nước và Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định số 594/QĐ-KTNN ngày 02/8/2006 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ Pháp chế. Để phù hợp với quy định mới của Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ, theo tác giả cần nhanh chóng rà soát, đối chiếu các quy định để đề xuất, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung Quyết định trên như sau:

                - Về vị trí và chức năng của Vụ Pháp chế:

Căn cứ Điều 2 Nghị định 55/2011/NĐ-CP cần sửa lại Điều 1 Quyết định số 594/QĐ-KTNN theo hướng quy định mang tính khái quát: “Vụ Pháp chế là đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, có chức năng tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và tổ chức thực hiện công tác pháp chế trong phạm vi quản lý của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật”.

                - Về nhiệm vụ và quyền hạn:

+ Trong công tác xây dựng pháp luật:

Bổ sung nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình Tổng Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội để lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ trình Tổng toán Nhà nước gửi Chính phủ để lập dự kiến chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ; tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình tiến độ thực hiện các chương trình khi được phê duyệt;

Bổ sung nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế trong phạm vi quản lý của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật.

+ Trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật:

Để công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đi vào nề nếp và thực hiện có hiệu quả, cần quy định cứng nhiệm vụ lập kế hoạch rà soát, hệ thống hoá trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt, tổ chức thực hiện thường xuyên định kỳ 6 tháng, hàng năm  theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 55/2011/NĐ-CP.

+ Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: đề nghị bổ sung nhiệm vụ lập chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, hàng năm trình Tổng Kiểm toán Nhà nước và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.

+ Đề nghị bổ sung các nhiệm vụ về: công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; tham mưu trong công tác bồi thường của Nhà nước trong phạm vi quản lý của Kiểm toán Nhà nước; công tác tham mưu về các vấn đề pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Kiểm toán Nhà nước; tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước về các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật; chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế; chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chương trình kế hoạch, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật theo sự phân công của Tổng Kiểm toán Nhà nước và theo quy định của pháp luật.

- Về tổ chức pháp chế:

Đề nghị sửa khoản 2 Điều 3 thành “Vụ Pháp chế có phòng” cho phù hợp với quy định tại Quyết định số 1569/QĐ-KTNN ngày 30/12/2008 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc thành lập các phòng trực thuộc Vụ Pháp chế./.

Tài liệu tham khảo:

-   Luật Kiểm toán nhà nước;

-   Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

-   Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước;

-   Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ;

-   Nghị định 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ;

-   Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ;

-   Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/05/2004 của Chính phủ;

-   Quyết định số 594/QĐ-KTNN ngày 02/8/2006;

-   Quyết định số 1569/QĐ-KTNN ngày 30/12/2008;

-                                                                                                                                         Đỗ Thị Lan Hương

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)