LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM – TÌM HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, hiện tại đang là thời điểm khó khăn nhất đối với TTCK Việt Nam. Bối cảnh chung của nền kinh tế trong nước và thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, điều đó tất yếu dẫn đến những khó khăn đối với TTCK Việt Nam.

Bức tranh TTCK –Những mảng sáng, tối

Con số thống kê cho thấy, trong những tháng đầu năm 2011, TTCK Việt Nam tiếp tục có xu hướng sụt giảm. Tính đến hết tháng 4, chỉ số VN Index giảm 4,58 điểm, và chỉ riêng tháng 5 đã xuất hiện sự sụt giảm mạnh, giảm tới 58,71 điểm do lo ngại từ vấn đề giải chấp nhằm đáp ứng yêu cầu về giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất của Ngân hàng Nhà nước xuống 22% vào cuối tháng 6 . Trong tháng 6, chỉ số VN Index có sự phục hồi so với tháng 5, VN Index tăng 5,2% do áp lực giải chấp đã được giải tỏa phần nào. Tuy nhiên, tính từ đầu năm cho tới cuối tháng 6 VN Index giảm 10,5% so với cuối năm 2010. Tính trong khoảng 7 tháng đầu năm, chỉ số VN Index tụt giảm khoảng 15,5% và chỉ số HNX Index giảm khoảng 38,5%. Xu hướng suy giảm của TTCK chiếm ưu thế trong 7 tháng đầu năm 2011.

Thanh khoản của thị trường cũng giảm sút mạnh, khối lượng giao dịch cổ phiếu bình quân phiên từ mức 25-30 triệu cổ phiếu trong quí 1 trên mỗi sàn xuống mức 15-18 triệu cổ phiếu trong tháng 7. Gần đây đã xuất hiện những phiên giao dịch tại HSX và HNX mà khối lượng giao dịch nhiều cổ phiếu rớt xuống mức thảm hại - dưới 100 cổ phiếu trong 1 phiên giao dịch.

Xét về mặt bằng giá cổ phiếu, TTCK Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường có giá cổ phiếu rẻ nhất trong các thị trường mới nổi. Tính đến cuối tháng 7/2011 có 200/284 cổ phiếu niêm yết tại HSX và 309/383 cổ phiếu niêm yết tại HNX có thị giá dưới giá trị sổ sách, 107/284 cổ phiếu niêm yết tại HSX và 214/383 cổ phiếu niêm yết tại HNX có giá dưới mệnh giá 10.000 đồng.

Vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu cũng chỉ đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 16% và vốn huy động qua đấu giá cổ phần hóa đạt 0,56 nghìn tỷ đồng, bằng 68% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng sụt giảm. Cho đến cuối tháng 6, có khoảng 46% các công ty niêm yết có giá thị trường thấp hơn mệnh giá và 74% các công ty niêm yết có giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách; có 45% các công ty niêm yết có hệ số P/E thấp hơn 5. Do giá chứng khoán và khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh nên nhiều công ty chứng khoán thua lỗ; hoạt động tự doanh và hoạt động môi giới cũng không hiệu quả do thu không đủ bù chi; hoạt động tư vấn đầu tư, phát hành , niêm yết, bảo lãnh cũng bị thu hẹp.

Tuy nhiên, bên cạnh những diễn biến u ám, vẫn có những điểm sáng tích cực của TTCK. Đó là sự gia tăng của số doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết, số doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn niêm yết và UpCOM, mức huy động vốn qua TTCK và cả số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tính đến đầu tháng 6/2011, Ủy ban Chứng khoán đã đăng ký cho 54 công ty đại chúng chưa niêm yết, nâng tổng số công ty đại chúng chưa niêm yết lên 994; có thêm 26 công ty niêm yết. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, có 1.667 công ty đại chúng, trong đó có 673 công ty đã niêm yết trên hai sở giao dịch chứng khoán, 127 công ty đăng ký giao dịch trên UpCoM. Tổng mức huy động trên TTCK thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần và đấu thầu trái phiếu Chính phủ đạt 27,2 nghìn tỷ đồng, vốn huy động qua phát hành cổ phiếu đã giảm mạnh khoảng trên 80% và thông qua đấu giá cổ phần hóa giảm 100%. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều tiếp tục tăng lên. Tính đến nay, tổng cộng có 1.103.184 tài khoản (tăng trên 47.000 tài khoản so với cuối năm 2010), trong đó nhà đầu tư tổ chức là hơn 4.490 tài khoản và nhà đầu tư cá nhân là 1.098.694 tài khoản. Những kết quả trên đây được nhìn nhận như những điểm tích cực của TTCK trong thời gian qua.

 

Đối mặt để tháo gỡ khó khăn

Đến thời điểm hiện nay, TTCK Việt Nam đã có 11 năm trưởng thành và phát triển sau khi nỗ lực vượt qua nhiều gian khó, qua đó đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Đáng kể nhất là đảm bảo thị trường vận hành an toàn, ổn định ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, điều mà không phải thị trường non trẻ nào cũng đạt được. Đơn cử như TTCK Indonesia đã 2 lần đổ vỡ, Thái Lan 1 lần và phải 10 năm sau mới được khôi phục hoạt động. Kết quả này có được là bởi ngay từ đầu TTCK đã có cơ quan quản lý, có hệ thống luật pháp điều chỉnh tương đối đồng bộ và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của nhà đầu tư, họ đã bền bỉ tham gia thị trường ngay vào những thời điểm khó khăn nhất và điều này được thể hiện rõ qua 7 tháng đầu năm 2011.

Hiện TTCK đối mặt với nhiều thử thách, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ động, tích cực xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách và thể chế cho TTCK; chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đề án quan trọng, nhất là các đề án, dự án nhằm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách để điều chỉnh hoạt động thị trường.

Là cơ quan chịu trách nhiệm  trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã và đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp trước mắt cũng như dài hạn để TTCK phát triển một cách bền vững và minh bạch. Theo đó, UBCKNN đang triển khai các giải pháp để hỗ trợ thị trường, trong đó tập trung chủ yếu vào tháo gỡ khó khăn về thanh khoản và cải thiện tâm lý cho thị trường. Cụ thể, UBCKNN đang khẩn trương hoàn chỉnh các giải pháp kỹ thuật để triển khai Thông tư 74/2011/TT-BTC sao cho hiệu quả, an toàn. UBCKNN đặc biệt coi trọng việc kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch ký quỹ khi nghiệp vụ này được triển khai thời gian tới. Trong bối cảnh TTCK khó khăn hiện tại, UBCKNN khuyến khích các công ty chứng khoán tạm thời thu hẹp hoạt động kinh doanh theo chiều rộng, trong đó tập trung giảm bớt nghiệp vụ, tái cấu trúc nhân sự, thậm chí là chủ động mua bán, sáp nhập.

UBCKNN cũng đang  đẩy nhanh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm tăng cường sự minh bạch và chất lượng hàng hóa để thu hút lòng tin của nhà đầu tư. Cụ thể, Nghị định quy định chi tiết Luật Chứng khoán 2006 và luật sửa đổi bổ sung 2010 sẽ tập trung vào việc nâng cao tiêu chuẩn niêm yết để tăng chất lượng hàng hóa; thay đổi quy định về công bố thông tin theo hướng trách nhiệm công bố thông tin sẽ tăng theo quy mô và tính đại chúng của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các sản phẩm và dịch vụ mới phát triển như sản phẩm phái sinh, quỹ đầu tư bất động sản...

Bên cạnh đó, UBCKNN  tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường và hoạt động của các định chế trung gian. Theo đó, quản lý, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ căn cứ vào chỉ tiêu an toàn tài chính.  Ngoài ra, còn tăng cường giám sát thị trường để kịp thời phát hiện các hành vi giao dịch không công bằng, thao túng giá cả. Tập trung xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm, không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán và TTCK…

Những công việc mà UBCKNN đang triển khai là hết sức cần thiết với những khó khăn mà TTCK đang gặp phải. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để TTCK phát triển một cách bền vững giải pháp quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, vì TTCK là thị trường kỳ vọng vào tương lai. Do đó, kiểm soát lạm phát, hạn chế thâm hụt ngân sách, hạn chế nhập siêu và ổn định giá trị của đồng Việt Nam là những ưu tiên trước mắt mà thị trường đòi hỏi.  Việc thiếu vắng niềm tin ở tương lai kinh tế vĩ mô, triển vọng phát triển ngành hay doanh nghiệp thì không những nhà đầu tư tổ chức mà nhà đầu tư cá nhân cũng không xác định đầu tư dài hạn vào TTCK. Khi không xác định được tương lai thì trào lưu đầu tư ngắn hạn theo kiểu lướt sóng là không tránh khỏi.

Cùng với những hành động này, UBCKNN cần tập trung nỗ lực để hạn chế các hành vi trục lợi, thao túng TTCK. Cần phát triển và nghiêm trị thích đáng các hành vi trục lợi để đảm bảo tính minh bạch và lành mạnh của thị trường. Ngoài ra, cũng cần có các chế tài xử phạt mạnh giúp đảm bảo minh bạch thông tin và doanh nghiệp có những sai lệch vi phạm liên tục phải bị xử phạt nặng.

Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn sắp tới sẽ tăng tính hiệu quả cho thị trường trên cơ sở tái cấu trúc tổ chức TTCK... Để có thể thực hiện tốt chiến lược này không đơn giản. Những công việc mà UBCKNN đang và sẽ triển khai để TTCK phát triển bền vững hơn bao giờ hết cần phải được thực hiện một cách tích cực và nghiêm túc hơn nữa.

                            Lê Hoàng Yến

                             (Bộ Tài chính)

 

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)