SỰ KIỆN
ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TỔ CHỨC SAU 15 NĂM HOẠT ĐỘNG
(khoahockiemtoan.vn) - Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ (TTKH) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có chức năng giúp Tổng KTNN quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khoa học - công nghệ trong toàn ngành;

tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức KTNN; tổ chức dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn về kế toán, kiểm toán và quản lý tài chính cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu. Sau 15 năm hoạt động, bên cạnh những thành tựu được đông đảo đồng nghiệp ghi nhận thì mô hình tổ chức hoạt động của Trung tâm đang dần bộc lộ những tồn tại khách quan đòi hỏi một sự thay đổi mang tính cách mạng. Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm, PGS.TS Ngô Trí Tuệ đã dành cho Tạp chí NCKHKT buổi trao đổi xung quanh vấn đề này.

               * Thưa ông, được biết ông đã có nhiều cơ hội được học tập và nghiên cứu về các mô hình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại một số cơ quan KTNN các nước. Mong ông chia sẻ một vài kinh nghiệm tốt của các cơ quan kiểm toán trên thế giới về mô hình tổ chức của các đơn vị đào tạo và nghiên cứu mà ông được biết tới cũng như mô hình của TTKH, đơn vị thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu ở KTNN Việt Nam?

                - Trên thế giới, Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã phân công Tổ chức IDI (đóng tại Na-uy) làm cơ quan chuyên trách về đào tạo của INTOSAI, hoạt động đào tạo tại 7 khu vực (với trên 180 quốc gia thành viên) thông qua 5 ngôn ngữ chính.

                Ở các quốc gia, các cơ quan kiểm toán tối cao (Kiểm toán Nhà nước) thành lập các Trường đào tạo kiểm toán, Học viện kiểm toán để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho mình và cho xã hội (Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc...). Trong các nhà trường, học viện kiểm toán đều thành lập các khoa, bộ môn chuyên sâu đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng của kiểm toán viên về kiểm toán và các lĩnh vực liên quan. Ở một số nước, cơ quan kiểm toán đã đầu tư tăng cường hệ thống học liệu mô phỏng thực tế giúp kiểm toán viên học tập, nâng cao trình độ về các lĩnh vực xây dựng, cầu đường hay các ngành kỹ thuật khác (Nhật Bản). Một điểm đáng chú ý là ở phạm vi quốc tế (INTOSAI) hay ở các cơ quan kiểm toán trong từng quốc gia, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động khoa học do các cơ quan chuyên trách khác nhau thực hiện để đảm bảo tính chuyên môn hóa.

                Ở Việt Nam, TTKH trực thuộc KTNN được thành lập năm 1997 với mô hình một cơ quan chuyên trách thực hiện cả 2 chức năng khoa học và bồi dưỡng cán bộ. Mô hình trên phù hợp với một cơ quan kiểm toán mới thành lập có qui mô kiểm toán viên nhỏ và đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong quá trình phát triển KTNN.         

                Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo KTNN, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài ngành KTNN, TTKH đã vượt qua những khó khăn từ ngày đầu thành lập, từng bước trưởng thành và đóng góp tích cực vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước và có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu phục vụ công tác chuyên môn của ngành. Sự trưởng thành và kết quả hoạt động của Trung tâm và các cán bộ trong đơn vị đã được ghi nhận bằng các danh hiệu và hình thức Khen thưởng bậc cao của Nhà nước, của KTNN trong suốt quá trình hình thành và phát triển.

 

                * Rõ ràng rằng, trong thời gian đầu KTNN mới thành lập với quy mô còn nhỏ thì việc duy trì mô hình tổ chức của TTKH như ông đã đề cập ở trên là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cùng với sự phát triển vượt bậc như hiện nay của KTNN, thì mô hình tổ chức của TTKH đang bộc lộ nhiều bất cập. Vậy, với tư cách là Giám đốc của TTKH ông có thể chia sẻ một vài nét về thực trạng hoạt động theo mô hình của Trung tâm như hiện nay, đâu còn là những khó khăn và thách thức?

                - Theo Quy định về vị trí và chức năng của TTKH thì một trong những nhiệm vụ chính là giúp Tổng KTNN quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khoa học - công nghệ và đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong toàn ngành.              Về lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: hàng năm, tương tự như các trường đào tạo BDCB ở các Bộ, ngành Trung ương, Trung tâm được giao thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của KTNN cho trên một nghìn lượt cán bộ, kiểm toán viên tại các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn các ngạch kiểm toán viên, các lớp quản lý nhà nước, phổ biến qui trình, chuẩn mực kiểm toán, bồi dưỡng cập nhật kỹ năng lãnh đạo quản lý, tuyên truyền phổ biến pháp luật, văn hóa nghề nghiệp, ngoại ngữ ...

                Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho số lượng công chức của KTNN đang gia tăng theo sự phát triển của ngành (nay đã gấp 10 lần so với thời điểm thành lập Trung tâm vào năm 1997) và yêu cầu bồi dưỡng công chức KTNN theo tiêu chuẩn từng ngạch kiểm toán viên nhà nước từ khi áp dụng Luật Kiểm toán nhà nước đang tạo ra sức ép lớn về khối lượng công việc hàng năm cho phòng Đào tạo của Trung tâm. Từ năm 2011, Trung tâm được giao thêm nhiệm vụ bồi dưỡng hàng năm cho các đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân và phóng viên các cơ quan báo chí theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

                Về lĩnh vực khoa học, tương tự như chức năng, nhiệm vụ của các viện nghiên cứu ở các Bộ, ngành khác, Trung tâm được giao nhiệm vụ giúp Tổng KTNN quản lý nhà nước về khoa học công nghệ trong ngành, tham gia nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học theo Kế hoạch khoa học công nghệ của KTNN. Hàng năm Trung tâm còn tham mưu lãnh đạo KTNN và phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các hội thảo cấp bộ và hội thảo quốc tế phục vụ công tác chuyên môn của KTNN (kiểm toán nợ công, kiểm toán thuế, kiểm toán thu sử dụng đất với việc tăng cường quản lý đất đai ...).

                Trong nhiều năm gần đây, TTKH đã được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo KTNN tin tưởng giao bổ sung một số chức năng và nhiệm vụ nhằm đáp ứng sự phát triển của ngành và phù hợp với qui định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán được thành lập từ năm 2007, đang từng bước khẳng định được vị trí là một diễn đàn khoa học có uy tín về kế toán, kiểm toán, kinh tế vĩ mô… trong làng báo Việt Nam; Phòng Dịch vụ đào tạo và Tư vấn được thành lập năm 2010 đã triển khai được các hội thảo, hội nghị tập huấn chuyên môn đáp ứng nhu cầu của xã hội và tạo nguồn thu cho đơn vị. Chi nhánh đào tạo Cửa Lò được khánh thành năm 2011 đã triển khai phục vụ các lớp bồi dưỡng kiểm toán viên (bao gồm KTV nước bạn Lào) theo kế hoạch và phục vụ các Hội nghị tập huấn của Đảng ủy khối, Hội nghị thi đua của khối các cơ quan nội chính Trung ương .

                Có thể nhận định rằng, đội ngũ cán bộ viên chức hiện có theo mô hình tổ chức của Trung tâm với các phòng chức năng được thành lập từ 15 năm trước phải hết sức nỗ lực mới hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giai đoạn hiện nay. Để thu hút được cán bộ giảng dạy và nghiên cứu có kinh nghiệm thực tiễn kiểm toán và khả năng sư phạm từ các đơn vị trong và ngoài ngành KTNN, thiết nghĩ cần phải đổi mới mô hình tổ chức theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp về chức năng và cơ chế hoạt động phù hợp.

                Với mô hình tổ chức bộ máy vừa làm công tác bồi dưỡng, vừa làm công tác nghiên cứu, thông tin như hiện nay thì độ chuyên sâu, nghệ tinh chưa thể đạt được. Rõ ràng rằng, cùng một lúc trong hoạt động của mình, Trung tâm phải tuân thủ luật pháp và các qui định của nhiều Bộ, ngành khác nhau (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông ...). Những Qui định bị chồng chéo phần nào đã trói buộc về cơ chế hoạt động của Trung tâm, đặc biệt là những hoạt động nhằm tăng thu nhập cho viên chức và người lao động, đồng thời khó thu hút cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về công tác. Cơ chế hoạt động sẽ được tách bạch khi chuyển đổi mô hình trung tâm hiện nay sang mô hình Trường bồi dưỡng cán bộ và Viện nghiên cứu trong Học viện Kiểm toán sau này.

 

                * Như ông vừa chia sẻ, có thể hiểu rằng TTKH hiện nay đang cần một hướng đi mới để phù hợp hơn với những nhu cầu về hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động thông tin và đào đạo bồi dưỡng cán bộ của xã hội nói chung và KTNN nói riêng. Vậy đâu là cơ sở pháp lý cho việc đổi mới mô hình tổ chức của Trung tâm theo hướng thành lập Học viện Kiểm toán như ông vừa đề cập?

                - Có thể khẳng định rằng, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng ở tất cả các ngành nghề trong xã hội. Đối với nghề kiểm toán, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt xét cả về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán phụ thuộc vào quá trình tuyển dụng, quản lý và sử dụng kiểm toán viên mà trong đó hoạt động đào tạo, bồi dưỡng luôn được chú trọng. Chất lượng của chương trình đào tạo và chất lượng của giảng viên là những nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Một khóa học khó có thể thành công nếu thiếu người thầy giỏi và thiếu chương trình được thiết kế phù hợp. Bên cạnh 2 nhân tố trên, người ta cũng hay nói tới mô hình tổ chức (và kèm theo nó là cơ chế hoạt động) của cơ sở đào tạo như là nhân tố gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thực tế cho thấy mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động được thiết kế phù hợp sẽ góp phần thu hút đội ngũ giảng viên và các chuyên gia có kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.        

                Việc thành lập học viện, trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 125/2011/ND-CP, việc  thành lập các viện nghiên cứu được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 115/2005/ND-CP và Nghị định 96/2010/ND-CP.  Chúng tôi cho rằng cơ sở pháp lý của việc chuyển đổi mô hình tổ chức đã được qui định rất cụ thể.

                Thực tế cho thấy, đại đa số các bộ, ngành Trung ương đã chuyển đổi thành công mô hình trung tâm đào tạo và trung tâm nghiên cứu khoa học sang mô hình các Viện, Trường và Học viện. Trong đó có thể kể đến Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, các cơ quan khối kinh tế tổng hợp như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan khối nội chính như Thanh tra chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Các bộ quản lý đa ngành còn thành lập nhiều trường bồi dưỡng và nhiệu viện nghiên cứu.

                Từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam và yêu cầu nhiệm vụ đối với TTKH, chúng tôi nhận định rằng việc chuyển đổi mô hình tổ chức của Trung tâm đã chín muồi và cần được triển khai sớm hơn lộ trình dự kiến trong chiến lược phát triển KTNN.

                * Xin trân trng cm ơn ông!

 

PGS.TS Ngô Trí Tuệ, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)