LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
KHOẢNG CÁCH KỲ VỌNG TRONG KIỂM TOÁN: SỰ TỒN TẠI KHÁCH QUAN?
Khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán (Audit Expectation Gap) đã được tranh luận gay gắt trên toàn thế giới trong nhiều năm qua.

. Giữa kỳ vọng của kiểm toán viên và Công ty kiểm toán với kỳ vọng của những người sử dụng kết quả kiểm toán luôn tồn tại một khoảng cách. Khoảng cách này nhỏ hay lớn tùy thuộc vào sự phát triển của ngành kiểm toán và sự nhận thức của những người sử dụng kết quả kiểm toán của từng quốc gia. Trong khuôn khổ bài viết này, các tác giả xin giới thiệu bản chất của khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán và đặc biệt tập trung vào tổng hợp các công trình nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng kiểm toán trên toàn thế giới.

 

1. Giới thiệu về khoảng cách kỳ vọng kiểm toán

 

Báo cáo tài chính (BCTC) là hệ thống báo cáo được lập theo chuẩn mực và chế độ tài chính kế toán hiện hành, phản ánh các thông tin kinh tế tài chính tổng hợp của đơn vị. Trên thực tế, luôn có khoảng cách giữa các nhà quản lý doanh nghiệp và những người sử dụng BCTC liên quan đến tính đúng đắn và tin cậy của BCTC. Sự gắn kết giữa cổ đông và các nhà tín dụng, và các nhà quản lý doanh nghiệp được thiết lập thông qua BCTC mà các báo cáo này cần được kiểm toán để khẳng định độ tin cậy, tính trung thực và hợp lý của các chỉ tiêu trên BCTC. Trong trường hợp này, hoạt động kiểm toán giữ vai trò trung tâm, đem lại niềm tin cho những người sử dụng BCTC của doanh nghiệp.

 

Chức năng cơ bản của kiểm toán tài chính là xác minh tính trung thực và hợp lý của các thông tin trên BCTC và BCTC được những người sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Sự khác biệt của việc sử dụng thông tin tài chính giữa những người sử dụng và các nhà quản lý doanh nghiệp có sự mâu thuẫn, dẫn đến mâu thuẫn trong việc trình bày BCTC. Xã hội yêu cầu kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải giải quyết mâu thuẫn này để hướng đến lợi ích của những người sử dụng BCTC. Nhiều sự tranh luận xảy ra về chất lượng và tính hữu ích của cuộc kiểm toán hay độ tin cậy của BCTC được kiểm toán.

 

BCTC có độ tin cậy nên trình bày các vấn đề (i) báo cáo này có phản ánh tình hình tài chính và kết quả kinh doanh mà người đọc có thể tin cậy không?; (ii) báo cáo có đầy đủ, đúng đắn và tin cậy về đơn vị được kiểm toán không? Tuy nhiên, những người sử dụng BCTC chưa thể tin cậy vào chất lượng của BCTC mà đơn vị lập. Vậy thì những người quan tâm có thể tin cậy vào các thông tin trên báo cáo đã được kiểm toán để đưa ra các quyết định kinh tế đúng đắn hay không?

 

Tuy nhiên, do một số vụ bê bối trên phạm vi quốc gia và quốc tế, độ tin cậy của kết quả kiểm toán đã trở nên bị hoài nghi như qua các vụ bê bối kiểm toán liên quan đến sự phá sản của World Com, Enron … Theo đó, sự hoài nghi và không tin tưởng vào hoạt động kiểm toán đã xuất hiện trong nhận thức của những người sử dụng BCTC. Đã đến lúc hoạt động kiểm toán cần thay đổi để lấy lại niềm tin từ phía công chúng.

 

Nhiều người sử dụng BCTC hiểu sai về bản chất cuộc kiểm toán cũng như ý kiến mà kiểm toán viên đưa ra. Một số người quá chú trọng đến BCTC đã được kiểm toán đính kèm báo cáo kiểm toán mà quên mất ý kiến quan trọng của kiểm toán viên. Một số lại cho rằng ý kiến chấp nhận toàn phần có nghĩa là BCTC được kiểm toán là hoàn hảo, chính xác và đơn vị được kiểm toán đã tuân thủ đúng chuẩn mực và chế độ kế toán … Một số khác lại cho rằng BCTC cần trình bày tất cả các thông tin về mọi khía cạnh của đơn vị được kiểm toán … Sự khác biệt trong cách nhìn nhận và hiểu biết giữa những người sử dụng BCTC và kiểm toán viên đã nảy sinh rất nhiều rắc rối và sự hiểu lầm không đáng xảy ra. Sự khác biệt này được cho là có khoảng cách kỳ vọng giữa những người sử dụng BCTC và kiểm toán viên và công ty kiểm toán.

 

2. Khái niệm khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán

 

Chủ đề “khoảng cách kỳ vọng kiểm toán” nổi lên trong những năm 1970. Hơn 40 năm qua, đề tài này đã được quan tâm rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Humphrey và các cộng sự (1993) điều này hoàn toàn bình thường vì đề tài này đã xuất hiện hàng trăm năm qua.

 

Theo Liggio (1974), khoảng cách kỳ vọng kiểm toán là sự khác biệt giữa mức độ dự định thực hiện theo nhận thức của kiểm toán viên và của những người sử dụng BCTC. Ủy ban Cohen (1978) về trách nhiệm của kiểm toán viên mở rộng khái niệm này bằng việc xem xét xem có khoảng cách nào tồn tại giữa những gì mà công chúng kỳ vọng và những gì mà kiểm toán viên có thể và nên dự định thực hiện.

 

Theo Guy và Sullivan (1988), có sự khác biệt giữa những gì mà công chúng và những người sử dụng BCTC tin tưởng kiểm toán viên chịu trách nhiệm và những gì mà kiểm toán viên tin tưởng họ chịu trách nhiệm. Godsel (1992) mô tả khoảng cách kỳ vọng là khoảng cách mà công chúng tin tưởng về nhiệm vụ và trách nhiệm của kiểm toán viên và thông điệp thể hiện trong Báo cáo kiểm toán.

 

Monroe và Woodliff (1993) cho rằng khoảng cách kỳ vọng kiểm toán là sự khác biệt về niềm tin giữa kiểm toán viên và công chúng về nhiệm vụ và trách nhiệm mà kiểm toán viên đảm nhận và thông điệp trình bày trong báo cáo kiểm toán. Theo Viện Kế toán viên Công chứng Hoa Kỳ (1993), khoảng cách kỳ vọng đề cập đến sự khác biệt giữa những gì mà công chúng và người sử dụng BCTC tin rằng trách nhiệm của kiểm toán viên phải làm và những gì mà kiểm toán viên tin rằng trách nhiệm họ phải làm. Viện Kế toán viên Công chứng Úc (1994) cho rằng khoảng cách kỳ vọng là sự khác biệt về kỳ vọng của người sử dụng BCTC và chất lượng lập BCTC & chất lượng dịch vụ kiểm toán.

 

Như vậy, có thể nhận thấy rằng mặc dù các khái niệm với các từ ngữ khác nhau nhưng các khái niệm trên đều đề cập đến sự khác biệt nhận thức của những người sử dụng kết quả kiểm toán về hoạt động kiểm toán và sự nhận thức của kiểm toán viên khi thực hiện hoạt động này.

 

3. Các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán

 

Các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán đề cập về bản chất của khoảng cách kỳ vọng kiểm toán ở các nước khác nhau trên thế giới. Các nghiên cứu này chỉ ra sự khác biệt trong nhận thức về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán. Cơ sở cho các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng kiểm toán nằm trong các công trình chuyên đề của Lee (1970) và Beck (1974), những người đã nghiên cứu các công việc mà kiểm toán viên dự kiến ​​sẽ thực hiện. Hầu hết các nghiên cứu khẳng định rằng kiểm toán viên và quan điểm của công chúng về vai trò và trách nhiệm của kiểm toán viên có thể thu được thông qua bảng câu hỏi. Liggio (1974a) đã hình dung được sự thay đổi trong vai trò của kiểm toán viên ở giai đoạn đầu. Sau đó, ông là người đầu tiên đưa ra khái niệm về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán (Liggio, 1974 b).

 

Ở Mỹ, Baron và các cộng sự (1977) đã kiểm tra mức độ trách nhiệm phát hiện của kiểm toán viên đối với các sai sót trọng yếu, gian lận và các hành vi bất hợp pháp. Họ cố gắng xác định xem liệu có bất kỳ sự khác biệt nào trong nhận thức liên quan đến việc phát hiện và trách nhiệm công bố giữa kiểm toán viên và những người sử dụng BCTC. Họ phát hiện ra rằng kiểm toán viên và những người sử dụng BCTC có niềm tin khác nhau về việc phát hiện và trình bày các sai phạm và các hành vi bất hợp pháp. Đặc biệt, những người sử dụng BCTC yêu cầu kiểm toán viên có trách nhiệm nhiều hơn trong việc phát hiện và báo cáo gian lận và các hành vi không tuân thủ pháp luật hơn là những gì mà kiểm toán viên cho rằng mình phải làm.

 

Low (1980) đã kiểm tra khoảng cách kỳ vọng trên tại Úc. Mức độ phát hiện và trách nhiệm công bố sai sót, gian lận và các hành vi bất hợp pháp theo nhận thức của kiểm toán viên và những người sử dụng BCTC được nghiên cứu. Kết quả là cả hai nhóm có nhận thức hoàn toàn khác nhau. Nghiên cứu này cũng nhất quán với nghiên cứu của Beck (1974) và Beck cho rằng những bên liên quan có kỳ vọng cao hơn về hoạt động kiểm toán hơn là những gì mà kiểm toán viên đang thực hiện.

 

Low và các cộng sự (1988) đã kiểm tra mức độ của khoảng cách kỳ vọng giữa kiểm toán viên và các nhà phân tích tài chính về mục tiêu kiểm toán trong môi trường Công ty khách hàng tại Singapore. Kết quả chỉ ra rằng mục tiêu cơ bản của cuộc kiểm toán là đưa ra ý kiến về BCTC. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cuộc kiểm toán như là sự bảo đảm về tính chính xác về BCTC của một đơn vị. Hơn nữa, nhận thức của các nhà phân tích trong việc ngăn chặn và phát hiện sai phạm trọng yếu từ phía kiểm toán viên khắt khe hơn là những gì mà kiểm toán viên phải thực hiện.

 

Humphrey và các cộng sự (1992) thực hiện cuộc điều tra để thu thập bằng chứng về ý kiến và nhận thức về kiểm toán từ nhiều nhóm người khác nhau. Kết quả chỉ ra không có sự khác biệt đáng kể về nhận thức rằng BCTC phải tuân thủ theo luật định và chuẩn mực, nhưng có sự khác biệt đáng kể về vai trò của kiểm toán viên. Nói chung, kiểm toán viên cho rằng họ có trách nhiệm và vai trò ít hơn so với những người sử dụng BCTC kỳ vọng về họ. Một điều thú vị là 71% kiểm toán viên không cho rằng Bảng cân đối kế toán trình bày trung thực về tình hình tài chính, trong khi đó 51% Giám đốc tài chính và 81% những người sử dụng kết quả kiểm toán lại có ý kiến ngược lại.

 

Gloeck và De Jager (1993) đo lường khoảng cách kỳ vọng kiểm toán tại Cộng hòa Nam Phi. Kết quả chỉ ra rằng có khoảng cách kỳ vọng kiểm toán và có 3 vấn đề chính cần quan tâm (i) thiếu tính độc lập của kiểm toán viên; (ii) vai trò không rõ ràng của kiểm toán viên, đặc biệt liên quan đến gian lận và tính liên tục hoạt động; (iii) sự không thỏa mãn về kiểm toán bắt buộc đối với các công ty có quy mô nhỏ. Hơn 60% người trả lời cho rằng kiểm toán viên bị ảnh hưởng đáng kể từ phía các nhà quản lý của công ty khách hàng.

 

Epstein và Geiger (1995) nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng kiểm toán giữa các nhà đầu tư và kiểm toán viên, và kết luận rằng (i) các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn về mức độ bảo đảm liên quan đến gian lận và sai sót; (ii) thiếu sự hiểu biết liên quan đến sự khác biệt về khả năng của kiểm toán viên phát hiện sai phạm do gian lận và sai sót gây ra; (iii) các nhà đầu tư không hiểu được sự khó khăn trong việc phát hiện các sai phạm trọng yếu do gian lận và sai sót như kiểm toán báo cáo tài chính.

 

Dựa trên các phát hiện này, Epstein và Geiger cho rằng kiểm toán viên cần thông báo cho công chúng về những khó khăn trong việc phát hiện gian lận và kiểm toán viên cần tăng cả về chất lượng và số lượng các dịch vụ kiểm toán để cung cấp cho các nhà đầu tư mức độ bảo đảm cao hơn.

 

Best và các cộng sự (2001) thu thập bằng chứng về khoảng cách kỳ vọng kiểm toán tại Singapore. Nghiên cứu này cung cấp chi tiết hơn về bản chất và phạm vi của khoảng cách kỳ vọng kiểm toán. Có sự khác biệt đáng kể về trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc phát hiện tất cả các gian lận và sai sót; trong khi đó kiểm toán viên lại cho rằng không có trách nhiệm trong việc phát hiện và ngăn chặn gian lận và sai sót. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn cho rằng kiểm toán viên có trách nhiệm về hoạt động hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại công ty khách hàng.

 

Còn rất nhiều các nghiên cứu khác về khoảng cách kỳ vọng kiểm toán tại các nước khác nhau như nghiên cứu của Vinten (2005) tại Anh và New Zealand; nghiên cứu của Swamy (2007) tại Ấn Độ … Các nghiên cứu này cũng chỉ ra có sự khác biệt trong cách nhìn nhận và hiểu biết giữa những người sử dụng kết quả kiểm toán và kiểm toán viên thực hiện cuộc kiểm toán về các khía cạnh khác nhau như mục tiêu kiểm toán, vai trò của kiểm toán viên, ý kiến kiểm toán, trách nhiệm phát hiện và báo cáo gian lận và sai sót, công bố và trình bày thông tin …

 

 

4. Kết luận

 

Hoạt động kiểm toán không chỉ đơn thuần đưa ra ý kiến mà còn xác minh các thông tin tài liệu tài chính kế toán và tính tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực khi lập BCTC do các nhà quản lý trong doanh nghiệp áp dụng. Tổng hợp các nghiên cứu về kỳ vọng kiểm toán chỉ ra có sự tồn tại “khoảng cách/gap”. Khoảng cách kỳ vọng này tồn tại dựa trên sự khác biệt về nhận thức của kiểm toán viên và những người sử dụng kết quả kiểm toán. Một khi kiểm toán ngày càng giữ vai trò quan trọng thì những người sử dụng BCTC ngày càng trở nên thông minh hơn và họ kỳ vọng kiểm toán viên sẽ bảo vệ lợi ích cho họ và BCTC được kiểm toán sẽ giúp họ đưa ra các quyết định kinh tế đúng đắn.

 

Để giảm khoảng cách kỳ vọng này, theo Titard và các cộng sự (2004) thì việc đào tạo kiểm toán trong các trường đại học là rất cần thiết và cũng cần giảm các vụ bê bối tại các doanh nghiệp mà nó đang lan tràn trên toàn thế giới. Xu thế giảm khoảng cách kỳ vọng kiểm toán là xu thế được báo trước của thời kỳ khi mà công tác quản trị doanh nghiệp và hoạt động dựa trên đạo đức nghề nghiệp rất được coi trọng.

 

Về tổng thể, nghiên cứu về nhận thức khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán chỉ ra rằng có sự khác biệt về nhận thức luôn tồn tại giữa kiểm toán viên và những người sử dụng BCTC liên quan đến nghề nghiệp kiểm toán. Khoảng cách này cần được rút ngắn bởi chính kiểm toán viên thông qua việc nâng cao trách nhiệm kiểm toán, nâng cao nhận thức của những người sử dụng BCTC qua giáo dục, đào tạo và tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp.

 

Tại Việt Nam, ngành kiểm toán độc lập được hình thành hơn 20 năm qua. Trong thời gian đầu, hiểu biết về kiểm toán cũng như cách nghĩ cách làm còn rất nhiều lúng túng từ chính các kiểm toán viên và công ty kiểm toán. Công chúng hầu như chưa hiểu rõ về hoạt động kiểm toán cũng như ý kiến mà các kiểm toán viên đưa ra. Cho nên, trong thời kỳ này khoảng cách kỳ vọng giữa những người sử dụng kết quả kiểm toán và kiểm toán viên có sự chênh lệch lớn. Tuy nhiên, dần theo năm tháng, có sự nâng cao hiểu biết cả từ phía kiểm toán viên và công ty kiểm toán, và những người sử dụng BCTC thì khoảng cách kỳ vọng kiểm toán giữa hai đối tượng này có xu hướng thu hẹp lại.

 

Cũng phải thừa nhận rằng những người sử dụng kết quả kiểm toán rất đa dạng. Họ có thể là các nhà quản lý doanh nghiệp, cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan thuế … và cũng không phải những người sử dụng này đều có thể hiểu rõ về bản chất của BCTC cũng như hoạt động kiểm toán mà kiểm toán viên thực hiện. Do vậy, phải chăng khoảng cách kỳ vọng kiểm toán tồn tại một cách khách quan cho dù chính kiểm toán viên và những người sử dụng BCTC đang nâng cao trình độ nhận thức và thuyết phục giữa hai bên. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng khoảng cách kỳ vọng kiểm toán có quan hệ tỷ lệ thuận với sự phát triển của nghề nghiệp kiểm toán và nhận thức của những người sử dụng kết quả kiểm toán tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 

TS. Trần Mạnh Dũng (CPA)                       ThS. Lại Thị Thu Thủy

    Trường Đại học Kinh tế Quốc dân           Trường Đại học Thương Mại

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)