LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI
(Phần I : Từ chương I đến chương VI của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi )

Tác giả : Hồng Dương

Đất đai là tài sản Quốc gia, là tài nguyên không tái tạo, có liên quan đến toàn bộ đời sống , kinh tế - xã hội. Từ bao đời nay các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia cũng chỉ vì tranh chấp đất đai. Vì vậy để nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mọi tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ và sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, đưa việc quản lý và sử dụng đất đai vào quy chế chặt chẽ, khai thác tiềm năng của đất đai một cách hợp lý và hiệu quả, triệt để tiết kiệm đất, góp phần vào công cuộc cải cách đất nước, đảm bảo công bằng xã hội, từng bước đưa nông nghiệp, lâm nghiệp lên sản xuất lớn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chính vì vậy mà ngày 29 tháng 12 năm 1987, Luật Đất đai của nước ta chính thức được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 2 thông qua. Luật này gồm có 6 chương với 57 Điều khoản, là căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý , giám sát chế độ quản lý đất đai; chế độ sử dụng các loại đất; Nghĩa vụ và quyền lợi của người sử dụng đất; Những quy định về sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức Quốc tế, tổ chức liên doanh, hợp tác của Việt nam với nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật .

     Do tầm quan trọng và mức độ phức tạp của việc quản lý và sử dụng đất đai nên tính từ năm 1987 đến nay Việt Nam đã có 07 lần chỉnh sửa luật vào các năm, như :

     - Luật đất đai nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1993 thay thế cho luật đất đai năm 1987 .

    - Luật sửa đổi bổ sung Luật đất đai nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1998

    -  Luật sửa đổi bổ sung luật đất đai nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2001.

   -  Luật đất đai nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam năm 2003

   -  Luật sửa đổi bổ sung luật đất đai nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2008

   -  Luật sửa đổi bổ sung luật đất đai nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2009

   -  Luật sửa đổi bổ sung luật đất đai nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2010

     Qua đó có thể thấy rằng Luật đất đai là một trong những đạo luật lớn và quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự Việt nam, sau một thời gian áp dụng mặc dù đã đựơc chỉnh sửa nhiều lần, song đến nay vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không hiệu quả, gây tranh cãi,  khiếu kiện kéo dài , làm mất ổn định xã hội .

        Để luật đất đai thực sự là nền tảng pháp lý vững trắc và ổn định, làm căn cứ cho việc triển khai, quản lý và đảm bảo tính công bằng, tránh các tiêu cực xẩy ra liên quan đến đất đai, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành luật đất đai năm 2003 và những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/ TW, Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo luật đất đai sửa đổi để tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và đặc biệt là ý kiến đóng góp của các nhà làm luật. Dự thảo luật đất đai sửa đổi những điểm mới cần bổ sung và chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

    Với góc độ là một người dân đã được trang bị kiến thức về pháp luật, tác giả xin đóng góp một số điểm sau đây :

  Tại chương I : Những quy định chung

      Việc sửa đổi nội dung giải thích một số từ ngữ chuyên môn; bổ sung trường hợp người sử dụng đất là tổ chức kinh tế liên doanh; bổ sung quy định về người chịu trách nhiệm trước nhà nước đối với việc sử dụng đất, với đất được giao để quản lý.

    Theo tác giả việc sửa đổi bổ sung như vậy là hoàn toàn hợp lý, giúp cho người dân hiểu được nội dung cơ bản của luật đất đai, từ đó giúp họ có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật, đồng thời nêu cao được vai trò, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất. Cũng trong chương này luật bổ sung nội dung về phân loại đất; căn cứ xác định loại đất làm cơ sở cho việc bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, tính thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai; bổ sung quy định về những hành vi bị nghiêm cấm. Những bổ sung này là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay, nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc cấp đất và quản lý đất đai. Tuy nhiên để đảm bảo những nội dung đổi mới của luật  được thực hiện một cách nghiêm túc cần phải có chế tài đi kèm, đồng thời phải được thực hiện và quản lý chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn có liên quan, có như vậy mới tạo ra được sự đồng tình và ủng hộ của người dân trong xã hội .

    Tại chương II : Quyền của nhà nước và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối

   với đất đai 

     Đây là chương hoàn toàn mới so với luật đất đai năm 2003. Chương này quy định rõ Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, như quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; quy định giá đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Đồng thời quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đất đai, như: Trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai; cơ quan quản lý đất đai và tổ chức dịch vụ công về đất đai; công chức địa chính xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số; trách nhiệm của nhà nước trong việc cung cấp thông tin về đất đai.

       Những quy định này xuất phát từ cơ sở: Đất đai là tài sản quốc gia,  là tài nguyên không tái tạo. Vì vậy, đất đai phải được quản lý chặt chẽ và thống nhất để tránh các hiện tượng lợi dụng chức quyền, địa vị chính trị dẫn đến tham nhũng, gây nên các bất hòa, khiếu kiện kéo dài, làm bất ổn định chính trị, gây thiệt hại cho nhà nước. Theo tác giả những điểm đổi mới ở chương II là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo niềm tin cho người dân, giúp họ có ý thức trong việc bảo vệ, quản lý và sử dụng đất đai được giao một cách hiệu quả nhất .

    Tại chương III : Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai

        Trong chương này điểm mới được bổ sung đó là: Quy định về các hoạt động, nội dung và tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; thực hiện kiểm kê đất đai theo chuyên đề nhằm phục vụ cho các yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và phát triển kinh tế - xã hội .

      Việc bổ sung thêm các điểm mới nêu trên là hoàn toàn phù hợp, nhằm cụ thể hóa và chi tiết hơn về địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai, giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai chặt chễ và minh bạch. Tuy nhiên,  trong luật chưa quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung đổi mới. Vì vậy khi tổ chức thực hiện sẽ khó phân định trách nhiệm cho các bộ phận có liên quan.

   Tại chương IV: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất   

       Trong chương này, điểm mới được bổ sung đó là quy định về hệ thống quy hoạch , kế hoạch sử dụng đất; quy định kỳ quy hoạch sử dụng đất; căn cứ, nội dung lập quy hoạch; quy định trách nhiệm nội dung thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về tổ chức hoạt động tư vấn quy hoạch sử dụng đất; quy định trách nhiệm của Thủ tướng chính phủ trong việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất .  

    Việc bổ sung quy định về hệ thống quy hoạch như trên theo tác giả là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, một số từ ngữ trình bầy trong luật ở chương này chưa thật đầy đủ và chính xác, như căn cứ, nội dung lập quy hoạch; quy định trách nhiệm nội dung lập quy hoạch nên thay bằng từ: Căn cứ, nội dung, phương pháp lập quy hoạch; quy định trách nhiệm, nội dung cần thẩm định trong quy hoạch mới đầy đủ và chính xác. Mặt khác việc lồng ghép quy hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế - xã hội vào quy hoạch sử dụng đất quốc gia hoặc lồng ghép quy hoạch sử dụng đất cấp xã vào với cấp huyện. Việc lồng ghép này theo tác giả là không hợp lý vì kỳ quy hoạch của mỗi cấp là không giống nhau, dẫn đến nội dung trong quy hoạch của từng cấp cũng sẽ khác nhau.

   Tại chương V : Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất       

        Điểm mới của chương này đó là: Quy định việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải có đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ; thu hẹp đối tượng được giao đất có thu tiền hoặc không thu tiền sử dụng đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức nhà nước cho thuê đất .

     Việc bổ sung những điểm mới trong chương này là hoàn toàn hợp lý, nhằm giảm thiểu các tiêu cực trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

    Tại chương VI : Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

     Đây là chương được bổ sung khá nhiều điểm mới so với luật đất đai năm 2003, những điểm mới đó là :

    Mục 1 : Thu hồi đất . Trong mục này điểm mới được bổ sung trong dự thảo luật , như :  

       - Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất và căn cứ thu hồi đất .

       - Quy định cụ thể việc xử lý đối với trường hợp đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng theo thời gian quy định .

       -  Quy định nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt; tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư để tạo quỹ đất sạch, sau đó nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng,  an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng ...

      -  Bổ sung quy định về trường hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thỏa thuận với người có đất bị thu hồi về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

      -  Đổi mới quy định về quản lý quỹ đất đã thu hồi theo hướng giao trách nhiệm này cho tổ chức phát triển quỹ đất .

      -  Sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất theo hướng Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp Tỉnh quyết định thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình , cá nhân đang sử dụng.

     -  Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất theo 02 hình thức. Một là: Thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; Hai là: thu hồi để giao đất , cho thuê đất theo hình thức chỉ định chủ đầu tư .

     -  Bổ sung quy định cưỡng chế quyết định về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát đo đạc, kiểm kê và quyết định thu hồi đất; quy định thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất theo hướng Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất là người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế .

     Trong mục này luật bổ sung quá nhiều các quy định, gây phức tạp trong tổ chức thực hiện. Theo tác giả chỉ cần phân chia thành 02 nhóm: Nhóm thứ nhất là quy định các trường hợp nhà nước phải thu hồi đất, căn cứ, trình tự, thủ tục thu hồi đất để giao đất hoặc cho thuê đất; Nhóm hai là Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan quản lý quỹ đất; còn nhóm quy định việc bồi thường theo từng loại đất, từng vị trí đất cho từng đối tượng bị thu hồi đất nên chuyển xuống mục 2 để tránh trùng lắp.     

 Mục2 : Bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

  Trong mục này điểm mới được bổ sung thêm , như :

      -  Tách riêng nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất thành một

        điều riêng .

      -  Bổ sung thêm trường hợp sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất

      -  Quy định cụ thể về bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại .

      -  Quy định việc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đối với từng loại đất, từng đối tượng cụ thể, chi phí đầu tư vào đất còn lại

     -  Bổ sung quy định về nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất .

     -  Sửa đổi và bổ sung quy định về bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở .

    Bổ sung quy định về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án đặc biệt.

       Trong mục này theo tác giả cần nhóm thành 02 nhóm ( bao gồm cả các quy định việc bồi thường theo từng loại đất, từng vị trí đất từ mục 1 chuyển xuống ): Nhóm 1 là nguyên tắc bồi thường và hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; Nhóm 2 là quy định việc bồi thường cho người bị thu hồi đất theo từng loại đất, từng vị trí đất với từng đối tượng cụ thể theo mức giá quy định của nhà nước, nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân được bồi thường.

Mục 3 : Bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh khi nhà nước

          thu hồi đất

   Đây là mục mới hoàn toàn so với luật đất đai năm 2003, mục này bao gồm các nội dung sau :

    -  Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản và về sản xuất kinh doanh khi nhà nước thu hồi đất .

    -  Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi nhà nước thu hồi đất ; bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi, chi phí di chuyển khi nhà nước thu hồi đất .

   -  Bồi thường thiệt hại do bị hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất .

   -  Những trường hợp nhà nước thu hồi đất không được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất .

     Trong mục này luật tách riêng phần bồi thường thiệt hại về tài sản trên đất, bồi thường thiệt hại do bị hạn chế khả năng sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất theo tác giả có 02 cách giải quyết. Cách 1 là gộp vào với mục 2 chỉ thêm nội dung; cách 2 có thể để thành mục riêng như hiện tại .

      Trên đây là một số góp ý của tác giả về dự thảo luật đất đai sửa đổi. Do bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quá dài, tác giả sẽ có ý kiến vào phần 2 của luật ( từ chương 7 đến chương 14 ) vào bài viết của kỳ sau.

Tài liệu tham khảo : Luật đất đai năm 2003; Luật Đất đai sửa đổi các năm, 2008, 2009, 2010, luật dự thảo đất đai sửa đổi năm 2012 .       

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)