GIỚI THIỆU CHÍNH SÁCH MỚI
NHÀ NƯỚC CẦN ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP BẰNG HÀNH ĐỘNG
(khoahockiemtoan.vn) - Để thúc đẩy tăng trưởng thì phải kích thích được nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nền kinh tế và toàn xã hội. Đó là bài toán tổng thể, trong đó chính sách tiền tệ có vai trò đặc biệt quan trọng. TS. Trần Du Lịch, UV Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này.

* Những dấu hiệu phục hồi kinh tế của nước ta thì ngày càng rõ nét hơn đặc biệt từ đầu năm 2014 cho đến nay. Tuy nhiên có một thực tế là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Trong bối cảnh như vậy thì việc tháo gỡ các nút thắt về chính sách tín dụng theo ông có những tác động như thế nào tới sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế?

            - Tôi đã có nhiều lần phát biểu kể cả trên diễn đàn Quốc hội, có thể nói rằng kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu phục hồi là từ Quí II/2013. Và tất cả những nỗ lực của Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, các biện pháp đồng bộ vừa tháo gỡ thị trường, vừa xử lý về mặt chính sách thì năm 2013 kinh tế bắt đầu đi vào phục hồi. Với tất những nỗ lực đó (nếu không xảy ra sự kiện biển Đông) thì kinh tế Việt Nam đến hết 2014 là thoát qua được giai đoạn trì trệ, để chúng ta có được giai đoạn phát triển tốt hơn từ 2015. Có thể nói rằng, những khó khăn đặt ra từ khi chúng ta thực hiện chính sách là tập trung kiềm chế lạm phát, giảm tổng cầu, ổn định vĩ mô đặc biệt chống lạm phát, nhất là từ khi triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tất cả tác dụng phụ của các chính sách gọi là tập trung kiềm chế lạm phát làm cho tổng cầu giảm mạnh. Qua thực tiễn TP. HCM trước khi tôi ra Hà Nội họp Kỳ hợp thứ 7, Quốc hội khóa XIII thì khoảng hơn 30% doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt có lãi đóng thuế. Nói chung, với nhóm này thì chính sách như hiện nay là tốt. Họ sẽ tự phục hồi, họ chỉ trông chờ vào việc làm sao giảm được tốt hơn lãi suất vay trung, dài hạn để họ tái cấu trúc, tập trung làm ăn và đầu tư mới. Họ chỉ trông chờ chính sách tiền tệ như vậy thôi.

            Còn với nhóm thứ 2, chiếm khoảng 70% còn lại, thì việc hơn phân nửa số này, tôi nghĩ rằng số đó trong 2, 3 năm rồi, họ “chòi đạp” để tồn tại, bằng mọi cách, vướng đủ thứ tài chính thị trường. Vậy bằng biện pháp nào để tập trung chính sách để nhóm này không chết nữa mà nó vươn lên.

            Ví dụ, TP. HCM đã chủ động cùng với NHNN thực hiện chương trình kết nối doanh nghiệp. Nhà nước, hiệp hội, ngân hàng, ngồi tính từng doanh nghiệp, khó khăn nhưng làm sao chúng ta không bị cứng nhắc về những kỷ luật tín dụng. Tôi ủng hộ NHNN, NHTM ở chỗ tăng tín dụng cho vay nhưng không làm tăng nợ xấu đó là một tôn chỉ. Nếu chúng ta suốt ruột làm tăng nợ xấu thì năm tới ta quay lại công việc cũ là không được. Hiện nay vấn đề lãi suất tôi cho rằng kéo giảm được là tốt rồi. Nếu tính trên lạm phát kỳ vọng, thì lãi suất hiện nay là tương đối tốt, nhưng vấn đề là doanh nghiệp làm sao hấp thụ được. Như vậy ở đây là vấn đề thị trường, chứ không chỉ riêng vấn đề ngân hàng tín dụng nữa. Vì vậy tôi ủng hộ các chính sách của Chính phủ, tất cả chính sách tổng hợp lại và tín dụng là một cửa, một phương thức, chứ còn bài toán tín dụng không giải quyết hoàn toàn được cái vấn đề của doanh nghiệp hiện nay. Đó là bối cảnh chung, nhưng tôi tin rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu nỗ lực tập trung như vậy, kể cả vấn đề sự kiện biển Đông, trong năm 2014 kinh tế sẽ đi vào quỹ đạo phục hồi và chúng ta tin như vậy và có niềm tin như vậy DN mới phục hồi được.

            * Cách đây không lâu mặt bằng lãi suất khá là cao so với hiện nay. Nhưng thời gian đó tăng trưởng tín dụng rất nóng. Còn bây giờ thì ngược lại lãi suất khi hạ xuống rồi thì vốn rất là khó để có thể cho vay được. Vốn dư thừa mà cho vay thì không dễ và cứ áp dụng các điều kiện cho vay với Doanh nghiệp thì có lẽ việc giải ngân các gói tín dụng còn khó hơn nữa. Vậy thì theo ông chúng ta phải tháo gỡ bài toán này bằng những phương cách nào?

            - Trước hết tôi nói lại một chút, có thời kỳ lãi suất 19, 20% nóng lên thì đấy là một giai đoạn mà nó góp phần làm tăng nợ xấu, nhiều tiêu cực. Có nhiều Doanh nghiệp thời điểm đó, tôi gọi là vay tiền như kiểu giải khát bằng thuốc độc. Chúng ta nhớ rằng là vậy, thời điểm đó nhất là thời kinh doanh bất động sản, thanh khoản, có nhiều người vay đến mức độ cứ nghĩ rằng dù sao có đắt, có cao nhưng vẫn còn hơn đi vay chợ đen. Điều đó để lại hệ quả ghê gớm. Quan điểm của tôi là làm gì thì làm, nhưng chúng ta phải không hạ chuẩn, không hạ chuẩn không có nghĩa là cứ máy móc. Tôi xin lỗi là NHTM nhiều lúc cũng máy móc khi anh xem dự án, một dự án có chút phiêu lưu nào đó, có thể, nó không an toàn lắm cho NHTM, nhưng nếu anh tích cực, anh giám sát dòng tiền cho vay, anh tư vấn thì người ta cũng có thể phát triển được để trả nợ trong tương lại. Còn giờ, khi nhìn vào dự án, anh thấy rủi ro, thấy không an tâm là thôi từ chối. Chính vì vậy, giải pháp kết nối doanh nghiệp theo mô hình như TP. HCM đang triển khai là để làm như vậy. Đi tìm trong những cái không tốt để lựa ra những cái tốt để chúng ta làm. Nhưng mà nhớ rằng, kinh tế nó có tác động lan tỏa, có khi một nhóm này được thì lan tỏa đến nhóm khác, tức là ông này chi tiêu, thì ông kia thành thu nhập, và nó đi vòng trở lại. Chúng ta chưa đánh giá cái lan tỏa, thành ra tôi mới đề xuất giải pháp mà tôi tạm tổng kết việc NHNN đang làm với TP. HCM gọi là “đánh du kích”.

            Vì nguyên tắc lý thuyết gọi là NHNN quản trị thì không có NHNN nào trên thế giới mà đi ngồi với từng doanh nghiệp để cho vay. Nhưng đối với nước ta, NHNN phải đi ngồi với từng doanh nghiệp,  chúng ta đi tìm trong một số doanh nghiệp khó khăn như vậy, có rủi ro như vậy, nhưng phân tích kỹ, nếu hỗ trợ họ thì họ có thể bơm được tiền. Nền kinh tế của chúng ta hiện nay. Tại sao chúng ta không hấp thụ vốn được? Bây giờ 1/3 số doanh nghiệp mà tốt rồi, hấp thụ tốt nhưng họ nhìn thị trường, tổng cầu như vậy thì họ không tăng đầu tư và không vay. NHTM năn nỉ, họ không vay, săn đón cỡ nào họ cũng không vay.

            Bây giờ vấn đề chính sách làm sao chúng ta tạo niềm tin lớn, vấn đề thể chế, cải cách để tạo niệm tin để 30% số này tăng việc đầu tư, không lo lắng gì cả, thì đầu tiên đây là “khách hàng sộp” cho NHTM. Ông có được “khách hàng sộp”  rồi, thì phần còn lại ông lo cho nhóm còn lại, nhóm đang khó khăn, tháo gỡ du kích. Tôi đã từng nói, hiện nay nền kinh tế chúng ta như một cơ thể hấp thụ thứ ăn rất kém, nếu anh dồn dập cho ăn cao lương mỹ vị coi chừng nó bội thực. Cái hấp thụ kém ở đây không chỉ là doanh nghiệp đâu. Toàn bộ vốn đầu tư XDCB của Nhà nước hiện nay giải ngân cũng chậm, đầy nhiêu khê và chúng ta nhớ rằng cuối năm 2013, trong lúc doanh nghiệp khó khăn trong hấp thụ vốn, chúng ta muốn qua kênh đầu tư công. Quốc hội quyết định tăng bội chi, tăng đầu tư, để giải ngân sớm, tạo sự lan tỏa kích cầu trên thị trường. Nhưng tôi nói thật, tới nay vẫn giải ngân chậm, vẫn có những tác động chưa được như mong muốn. 

            * Tìm cơ chế thúc đẩy nhanh hơn nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng tới các doanh nghiệp, tới người dân là nội dung được nhiều doanh nghiệp cũng như dư luận XH quan tâm, và đặc biệt tại kỳ họp thứ 7 vừa diễn ra, Quốc hội cũng dành thời gian để thảo luận về vấn đề này. Quốc hội nói nhiều khoản tín dụng 10 ngàn tỷ đồng. Ngoài việc cho ngư dân vay với ưu đãi thấp và điều kiện vay ưu đãi, xem xét chính sách đóng tàu vỏ thép cho ngư dân thuê dài hạn. Quan điểm của ông với tư cách là đại biểu Quốc hội về việc đưa ra gói chính sách tín dụng với ngư dân nói riêng và các dư án kinh tế biển trong bối cảnh hiện nay?

            - Chính sách cho ngư dân đóng tàu, nhất là đánh bắt xa bờ tôi cho rằng là đề xuất không phải vì riêng chuyện hiện nay xảy ra sự kiện biển Đông.  Đầu tiên tôi hoàn nghênh biện pháp kịp thời của Chính phủ, NHNN về gói 10 ngàn tỷ. Đây là việc kịp thời vì theo chúng tôi biết và qua khảo sát đa số ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ loại 150, 200, 300 sức ngựa, thì việc tiếp cận tín dụng rất ít bởi vì lâu nay NHTM yêu cầu phải thế chấp tài sản. Cũng có một lý do khác là cách đây 20 năm, chúng ta đã áp dụng một chương trình tín dụng cho đánh bắt xa bờ và không thành công. Rồi đụng đâu là cũng sợ cả. Thành ra, trong thời gian vừa qua nhiều ngư dân phải bán tài sản, phải thế chấp, đóng tầu và có rủi ro. Thì bây giờ gói này là cần thiết. Tuy nhiên tôi đề nghị còn mấy việc nữa phải làm bài bản hơn.

            Thứ nhất, hiện nay chúng ta khai thác đánh bắt xa bờ thì vấn đề những con tầu quá nhỏ, chúng ta cứ nhìn ra biển Đông, giữa tàu Trung Quốc và tàu của Việt Nam có sự chênh lệch. Và với công nghệ kỹ thuật, nhất là tàu gỗ hiện nay mà đánh bắt cá nhất là cá ngừ đại dương thì không thể đảm bảo chất lượng để xuất khẩu được. Chúng ta cần những con tàu gì, con tàu sức ngựa lớn, 500-600 sức ngựa, làm cấp đông, mua từ những nhà tàu nhỏ đánh cá, đánh bắt và cấp đông ngay trên biển, chứ không phải là ông đem vô trong bờ. Việc này phải khuyến khích, có chính sách để người ta đóng những con tàu như vậy. Một tàu lớn như vậy nó có thể phụ trách cả một nhóm tàu nhỏ. Đó là cái thứ  nhất.

            Cái thứ hai. Tôi đề nghị Chính phủ làm được tốt rồi, bây giờ xây dựng một định chế luôn. Tôi gọi là quỹ đầu tư hay là một công ty, một tổ chức chuyên môn đóng và cho thuê mua hoặc trả góp cho ngư dân các loại tầu để người dân mua bảo hiểm luôn. Như vậy là an tâm rằng tôi thuê mua và tôi tin rằng với ngư dân của mình nếu có định chế thuê mua thì 5 năm, 7 năm họ có thể mua con tầu bằng cách họ góp lại.

            * Về tổng thể trong tình hình hiện nay thì theo ông làm thế nào có thể tháo gỡ và khơi thông được những vưỡng mắc trong việc thực thi chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói riêng cũng như là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung?

            - Thật sự thì tất cả cái gì cần tháo gỡ thì Nghị quyết 01 của Chính phủ đề ra từ đầu năm cũng đã đề cập hết tất cả. Tuy nhiên, trong đó cũng có cái vướng vì do bản chất của vấn đề. Tôi nói ví dụ, như vấn đề nghẽn của tín dụng do nền kinh tế hấp thụ không được. Cái đó chúng ta không gỡ bằng hành chính được mà chúng ta phải có những biện pháp cụ thể. Còn có những cái gỡ hành chính, tôi ví dụ như tháo khoán ĐTC, giải ngân, những quy trình thủ tục, ta phải gỡ bằng hành chính. Và bây giờ, ví dụ như các doanh nghiệp, tôi nói có một số địa phương nếu doanh nghiêp chỉ cần ngân hàng cho vay để đầu tư dự án, thì địa phương họ nói rằng doanh nghiệp chỉ cần bỏ tiền, còn mọi thủ tục chúng tôi làm cho các anh hết. Việc này đã được triển khai trên thực tế. Tôi cũng đã đưa một doanh nghiệp và có ngân hàng cho vay đi theo và địa phương đã làm như vậy. Có nghĩa là gì trong điều kiện hiện nay, tôi tin một điều rằng, từ ngân hàng cho tới cơ quan Nhà nước, chúng ta phải nói với doanh nghiệp rằng Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn, bằng hành động chứ không phải bằng lời nói và ở TP. HCM đang làm điều đó bằng hành động. Tôi nghĩ đó là cái chúng ta cần đồng hành cùng họ.

Mai Chi (ghi)

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)