TƯ VẤN NGHỀ NGHIỆP
TÌNH CẢM SÂU NẶNG CỦA BÁC HỒ VỚI THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ
(khoahockiemtoan.vn) - Truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những nguồn gốc hình thành tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, tình cảm, tư tưởng của Người đối với thương binh, liệt sĩ (TB - LS) nói riêng. Và trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân, là tấm gương sáng của tư tưởng nhân văn đó.
Tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Tư tưởng nhân văn


Đặc trưng nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh với TB - LS là chủ nghĩa nhân văn. Đó là sự đồng cảm với những người thân trong gia đình có con em đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc.

http://tintucimg.vnanet.vn/2012/07/25/18/56/T2-Bac-ho-voi-thuong-benh-binh.jpg

Bác Hồ với trại điều dưỡng thương binh nặng. Ảnh tư liệu TTXVN


Người từng khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí TB - LS, những người đã hy sinh tính mệnh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.


Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng tháng 1/1947, khi được tin con trai ông hy sinh, Bác đã viết những dòng thật xúc động: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.


Không phải sự mất mát nào cũng làm chúng ta kính trọng, học tập, ngoại trừ hy sinh cho đất nước, sự hy sinh làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai mãi mãi tồn tại và phát triển. Đó là “những cái chết làm nên sự sống và trở thành bất tử”. Tình cảm thân thiết, nghĩa đồng chí được cô đọng, được thể hiện sâu sắc trong “Bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1/8/1951: “Tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi đấu tranh ở nước nhà, hơn 25 năm, đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ, như tay với chân... Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi!”.


Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến khi đi xa, dù bận nhiều công việc, hầu như năm nào Người cũng gửi thư, tặng quà hoặc tới thăm thương binh và gia đình liệt sĩ. Lúc nào và bao giờ cũng vậy, tình cảm bao dung, che chở của Người không chỉ thể hiện bằng những lời kêu gọi mộc mạc, chân thành, giản dị, xúc động lòng người mà còn thể hiện bằng những hành động cụ thể hằng ngày đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Bác trích một phần lương của mình, cùng các món quà của đồng bào kính tặng Người, để tặng cho các đồng chí thương binh.


Thương binh phấn đấu thành công dân kiểu mẫu


Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, ngày 16/2/1947, Bác đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Năm 1947, Người đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày “Thương binh toàn quốc”, là dịp để đồng bào “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”. Sau này, ngày này đã đổi thành “Ngày thương binh liệt sĩ” và được tổ chức trang trọng hàng năm trên cả nước.


Với quan điểm khoa học và đầy tinh thần lạc quan “tàn nhưng không phế”, Bác khuyên anh em thương binh: “Khi đã khôi phục sức khỏe phải hăng hái tham gia công tác sản xuất để trở nên người công dân kiểu mẫu”. Bác chúc các gia đình liệt sĩ trở thành những “gia đình cách mạng gương mẫu”. Bác nêu gương, biểu dương, khuyến khích, tặng huy hiệu của Người cho những thương binh khắc phục đau yếu, thương tật "tàn nhưng không phế" có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và động viên anh, chị em thương binh tuy đã suy giảm sức khỏe mà vẫn cố gắng học tập, làm việc, cống hiến cho xã hội. Người còn căn dặn thương, bệnh binh phải khiêm nhường, biết ơn sự săn sóc của đồng bào, không được ra vẻ công thần, cần cố gắng tự lực, cánh sinh…


Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ không chỉ là sự tiếc thương, ngậm ngùi, đau xót và tự hào, mà còn gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người đã hy sinh, những người cống hiến một phần cơ thể của mình cho đất nước. Người đã làm cho sự hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sĩ càng thêm cao đẹp hơn bằng cách gắn sự tổn thất lớn lao ấy vào ý thức của những người còn sống về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với những người đã khuất cũng như những người đã để lại một phần xương máu ở chiến trường. Bác đã làm cho những điều vinh quang càng vinh quang, đáng tự hào hơn, trách nhiệm của những người còn sống đối với gia đình liệt sĩ và các thương binh càng cao hơn.


Hoàn thiện chính sách, quan tâm tới người có công


Cảm động biết bao, trước khi "từ biệt thế giới này", tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thêm mấy điểm vào Bản Di chúc lịch sử. Trong mấy điểm ấy, Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình... Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương... cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương... phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

http://tintucimg.vnanet.vn/2012/07/25/18/57/ANH-10.jpg

Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, Hội LHTN thành phố Hà Nội – Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội – Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã tổ chức Chương trình “Giọt hồng tri ân” thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Tại đây, các tình nguyện viên đến hiến máu đã xếp hình giọt máu hồng kỉ lục với 4.000 người (ảnh). Đây là một hoạt động thiết thực thể hiện truyền thống đền ơn, đáp nghĩa các thương, bệnh binh, những người có công với cách mạng.                            

Duy Tường


Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với truyền thống và đạo lý của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đền ơn đáp nghĩa ngày nay đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp… tích cực, chủ động tham gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống người có công.


Cùng nhau ôn lại tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các thương, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ cũng là một cách thiết thực để chúng ta thắp nén tâm nhang trước anh linh các liệt sĩ, đồng thời góp phần làm cho tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỏa sáng trong thực tiễn.

Tiến Duẩn - Phương Thảo 

                                                                                 Theo Baotintuc.vn

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)