Tăng trưởng tín dụng vẫn có khả năng đạt
mục tiêu
Số liệu từ NHNN cho biết: Đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so
với cuối năm 2013, trong đó có sự đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ
cao (tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng VND tăng 2,17%). Mặc dù tăng
thấp nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp
trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình
trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý
dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh. Ước đến
cuối tháng 6/2014, tín dụng xuất khẩu tăng 10%, công nghiệp hỗ trợ tăng 5,8%,
doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 13%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2% so
với cuối năm 2013. Đến cuối tháng 5/2014 tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước
tăng khoảng 2,56% so với cuối năm 2013.
Theo nhận định của người đứng đầu ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn
Văn Bình thì: Tăng trưởng tín dụng ngân hàng tính đến ngày 30/6 khá thấp so với
mục tiêu 12-14% của năm 2014. Tuy nhiên, điều này cũng không quá lo ngại vì số
liệu thống kê nhiều năm cho thấy tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam thường tăng
gấp đôi trong những tháng cuối năm và năm 2014, kịch bản tăng trưởng tín dụng
cũng không nằm ngoài quy luật này. “Trong nhiều năm, những tháng cuối năm thường
tăng gấp đôi so với những tháng đầu năm, giả sử như năm nay, chúng ta cho rằng
kịch bản đó sẽ được lặp lại thì với 6 tháng đầu năm tăng hơn 3% thì 6 tháng cuối
năm sẽ ở mức 7%. Do đó, mức tăng trưởng tín dụng vẫn có khả năng đạt mục tiêu
trên 10%".
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi mà thị trường đang đón nhận nhiều yếu tố
tích cực và nếu các cơ quan chức năng nắm chắc được các yếu tố này thì bên cạnh
mục tiêu số lượng thì mục tiêu chất lượng tín dụng sẽ được đảm bảo. Nhiều chuyên
gia kinh tế cho rằng khả năng hệ thống ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng tín
dụng kỳ vọng 12-14% hoàn toàn khả thi trên một số điểm: Nhìn vào Báo cáo phần
tăng trưởng tín dụng khu vực DN nhỏ và vừa mới chỉ tăng 2%
trong quý 1,2 vậy thì 2 quý còn lại biên độ tăng trưởng tín dụng khu vực
này hoàn toàn chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, tỷ trọng dư nợ tín
dụng của 5 NHTM NN chiếm khoảng 55% trong tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong
thời gian vừa rồi các NHTM chủ yếu tập trung cho các giải pháp mang tính chất ổn
định và như vậy nó là cơ hội để 2 quý còn lại tiếp tục tăng trưởng tín dụng cao
hơn…
Cũng có chung nhận định khá lạc quan về mức tăng trưởng tín dụng, Giám
đốc WB Việt Nam Victoria Kwakwa cũng cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam
nhìn chung đi đúng hướng. Theo bà, NHNN đã thể hiện cố gắng kích cầu qua các
biện pháp như nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay đối với một số
ngành ưu tiên... nhằm tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn. Thanh khoản hiện nay
không còn là vấn đề như hai năm trước. Rõ ràng chính sách tiền tệ đã có hiệu quả
trong xử lý các điểm nghẽn tồn tại trong hệ thống.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, việc điều hành chính sách tín
dụng của NHNN đã được thực hiện linh hoạt. NHNN đã chấp thuận cho một số tổ chức
tín dụng tăng trưởng vượt so với thông báo của NHNN, thực hiện cho vay bằng
ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ phù hợp
với cơ cấu nguồn vốn và khả năng quản trị rủi ro. Cơ cấu tín dụng cũng tiếp tục
chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ
trương của Chính phủ, các chương trình, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực,
ngành kinh tế tiếp tục được thực hiện.
Năm 2014, các ngân hàng cũng tích cực tham gia mua trái phiếu Chính phủ
phục vụ cho đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng tổng cầu
tăng trưởng kinh tế đất nước. NHNN
đã và đang tích cực triển khai các chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp ở
nhiều địa phương và bước đầu đạt được kết quả tốt, trong đó điển hình TP.HCM.
Duy trì ổn định thị
trường, tích cực xử lý nợ xấu
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết với việc điều hành và thực thi
chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ngành Ngân hàng đã góp phần quan trọng
vào việc ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng vững chắc. Trong đó, lạm phát tiếp tục
được kiểm soát ở mức thấp, đưa CPI từ mức 18% của năm 2011 xuống 6,8% vào năm
năm 2012, 6% vào năm 2013 và CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,38% mở ra khả năng
đạt được chỉ tiêu kiểm soát CPI năm 2014 ở mức khoảng 5%. Tăng trưởng kinh tế ở
mức hợp lý, năm sau đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm trước. Đặc biệt, chính
sách tiền tệ đã có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác,
nhất là chính sách tài khóa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng tính ổn
định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thực tế với tình hình thanh khoản dồi dào, các tổ chức tín dụng cũng chủ
động hạ mức lãi suất huy động, cân đối nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn ngày càng
được cải thiện hơn, huy động vốn của các NHTM tiếp tục tăng trưởng, đường cong
lãi suất đã được thiết lập lại, thanh khoản của hệ thống NHTM tiếp tục được cải
thiện; tỷ giá ngoại tệ ổn định; tái cơ cấu hệ thống NHTM và xử lý nợ xấu đã có
những chuyển biến tích cực…
Về thị trường ngoại hối, NHNN đã dẫn dắt được thị trường, chủ động trong
điều chỉnh tỷ giá (không bị động như trước) góp phần giúp thị trường ổn định.
NHNN đã mua được thêm ngoại tệ, tăng
đáng kể mức dự trữ ngoại hối đã ở mức trên 35 tỷ USD.
Thị trường vàng cũng hoàn toàn ổn định và vận hành đúng hướng. 6 tháng
qua, NHNN gần như không phải can thiệp vào thị trường vàng, ngay cả khi diễn ra
các sự việc phức tạp tại Biển Đông.
Về xử lý nợ xấu, Thống đốc khẳng định: Công ty Quản lý tài sản của các tổ
chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được trên dưới 50 nghìn tỷ đồng nợ xấu, dự
kiến trong năm nay sẽ mua từ 75-100 nghìn tỷ đồng nợ xấu. “Chưa lúc nào, tính tự
giác trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng tốt như hiện tại. Việc
mua nợ xấu là quan trọng, nhưng việc xử lý, cơ cấu các khoản nợ xấu đã mua đóng
vai trò đặc biệt hệ trọng. VAMC đang tiến hành thực hiện các biện pháp tái cơ
cấu nợ xấu, hoàn thiện khung pháp lý về việc xử lý nợ xấu đã mua về, để xử lý nợ
xấu tốt hơn”, Thống đốc cho biết.
Trước một số ý kiến băn khoăn về việc chững lại của TCC ngân hàng, Thống
đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Đây là giai đoạn ngành Ngân hàng đang củng cố
các đề án dự kiến triển khai mạnh mẽ hơn vào những tháng cuối năm. Thống đốc
cũng cho biết, đến nay đã có nghị quyết của Chính phủ về việc các DNNN khi thoái
vốn khỏi tổ chức tín dụng, toàn bộ phần thoái vốn sẽ do NHNN trực tiếp mua lại
và tham gia quản lý để góp phần lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng.
Mai
Chi