SỰ KIỆN
QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC (SỬA ĐỔI)
(khoahockiemtoan.vn) - Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi): 87,85% tổng số đại biểu tán thành.
Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)

Sáng 24/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thông qua Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi).

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày trước Quốc hội Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Theo đó, ngày 26/5/2015, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi). Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội  tán thành với Báo cáo của UBTVQH giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, đồng thời cũng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật.

 Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi).

Cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 7 – Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, với 87,45% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; Điều 12 - Tổng Kiểm toán Nhà nước, với 85,83% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; Điều 34 - Thời hạn kiểm toán, với 86,23% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Các đại biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Theo đó, đã có 438 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, chiếm tỷ lệ 88,66 % tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội tán thành là 434, bằng 87,85%  tổng số đại biểu Quốc hội và bằng 99,08% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt.

 Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) được thông qua  nhằm cụ thể hóa các quy định về Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp 2013. Luật gồm 9 chương, 73 điều, quy định những vấn đề cơ bản liên quan đến hoạt động Kiểm toán nhà nước: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm toán nhà nước; Kiểm toán viên Nhà nước và cộng tác viên kiểm toán; Hoạt động Kiểm toán nhà nước; Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán; Đảm bảo hoạt động của Kiểm toán nhà nước; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động Kiểm toán nhà nước; Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

 Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016./.

         Theo website Kiểm toán Nhà nước
TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)