Mục đích của Hội thảo nhằm phân tích, trao đổi quan điểm và làm rõ
vai trò, vị trí của KTNN đối với quá trình quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước
trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động kiểm toán, để từ đó đề xuất các giải
pháp tăng cường công tác KTNN nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân
sách nhà nước.
Sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc, trách nhiệm với
tinh thần xây dựng và khoa học, Hội thảo đã rút ra được một số kết luận sau:
1. Thực trạng quản lý, sử dụng ngân sách
nhà nước thời gian qua
Trong
những năm qua, việc quản lý, điều hành NSNN theo các quy định của Luật NSNN và
các văn bản hướng dẫn dưới Luật đã tạo được sự chuyển biến quan trọng, ngày
càng chủ động, hiệu quả hơn; việc kiểm soát, thanh tra, kiểm toán được chú trọng
đã từng bước nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong quản lý NSNN; Sử dụng
kinh phí NSNN đã đi vào nề nếp hơn, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước...phục
vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội,
giữ vững an ninh quốc phòng. Tuy nhiên thực tiễn điều hành quản lý, sử dụng
NSNN trong thời gian vừa qua còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Một
là,
quá trình đổi mới phân cấp quản lý tài chính - ngân sách chưa đáp ứng được yêu
cầu thực tiễn, còn nhiều hạn chế, bất hợp lý. Thẩm quyền quyết định ngân sách
còn có sự chồng chéo, chưa phân định một cách rõ ràng, chưa đảm bảo sự quản lý
một cách thống nhất, còn có tình trạng phân tán, bao biện;
Hai
là,
vấn đề bội chi ngân sách ngày càng tăng trong những năm gần đây. Trong đó
nguyên nhân chính là do vốn vay chưa hợp lý, phân bổ vốn vay còn dàn trải, tập
trung vào việc tăng quy mô, chưa quan tâm nhiều đến vấn đề hiệu quả; Kỷ luật
ngân sách chưa nghiêm, công khai minh bạch chưa bảo đảm, chưa có kế hoạch trung
và dài hạn;
Ba
là,
thực trạng công tác kiểm toán NSNN của Kiểm toán nhà nước còn hạn chế về quy
mô, phạm vi, chất lượng, hiệu lực kiểm toán. Thực trạng kiểm toán hiệu quả sử dụng
ngân sách cho thấy hiện nay về cơ bản chúng ta chỉ tiếp cận ngân sách qua kiểm
toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, trong đó còn nặng về phát hiện sai sót.
Kiểm toán hoạt động chưa chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động của KTNN, chưa đi
sâu vào kiểm toán mục tiêu đánh giá tính hiệu quả của chi tiêu ngân sách, chưa
đi sâu vào kiểm toán dự toán, phân bổ nguồn lực ngân sách do năng lực đội ngũ
kiểm toán viên còn hạn chế cũng như những rào cản, sự hạn chế về phạm vi của
các quy định pháp lý trong kiểm toán ngân sách.
2. Giải pháp
nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN qua hoạt động kiểm toán của KTNN
Một
là,
Cần đổi mới phương pháp kiểm toán. Hoàn thiện, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn kiểm
toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động (kiểm toán hiệu quả
chi tiêu ngân sách), đồng thời tích cực chuyển dần trọng tâm sang kiểm toán hoạt
động, kiểm toán chuyên đề đối với việc quản lý, sử dụng NSNN, đặc biệt là các vấn
đề được dư luận xã hội quan tâm;
Hai
là,
cần giảm đầu mối kiểm toán, tập trung kiểm toán đầu mối ngân sách lớn và đẩy mạnh
công tác kiểm toán tổng hợp, nâng cao chất lượng kiểm tra, phân tích, đánh giá
dự toán NSNN giúp Quốc hội có nguồn thông tin tin cậy, độc lập, khách quan để
quyết định dự toán NSNN, phân bổ NSTW, quyết định đầu tư dự án, công trình quan
trọng quốc gia, từng bước tư vấn cho Hội đồng nhân dân quyết định ngân sách địa
phương…;
Ba
là,
cần có giải pháp tổ chức kiểm toán một cách phù hợp nhất để bao quát phạm vi kiểm
toán ngân sách, trong đó có vấn đề về tổ chức kiểm toán đồng bộ, phối hợp giữa
kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ;
Bốn
là,
cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của KTNN trong nâng cao trách nhiệm giải
trình của Chính phủ trong lĩnh vực ngân sách nhà nước nói riêng và tài chính
công nói chung để đảm bảo việc công khai minh bạch. Bên cạnh đó, trong quá
trình kiểm toán đòi hỏi phải xem xét đến yếu tố lịch sử (đánh giá, nhận xét,
báo cáo kiểm toán phát hành phù hợp hoàn cảnh theo đúng chuẩn mực kiểm toán);
Năm
là,
xác lập vai trò KTNN đối với công tác quản lý nợ công cũng như sửa đổi, bổ sung
công tác kiểm toán quản lý nợ công của KTNN trong luật quản lý nợ công;
Sáu
là,
để tổ chức kiểm toán việc quản lý sử dụng NSNN đạt chất lượng và hiệu quả, KTNN
cần chú trọng trong việc đào tạo, phát triển đội ngũ kiểm toán viên có đạo đức
nghề nghiệp, kiến thức và kỹ năng, sử dụng các phương tiện kỹ thuật, công nghệ
thông tin thuần thục;
Bảy là, nghiên cứu,
tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm các nước tiên tiến về phương thức quản lý ngân
sách, quản lý chi ngân sách theo kết quả đầu ra và quản lý chi ngân sách theo
phương pháp lập kế hoạch chi tiêu trung hạn cũng như việc xác định mục tiêu, nội
dung, phương pháp, quy trình kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng
NSNN.