
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về cải thiện môi trường
kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ này đang tập trung tổ
chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ
điện tử.
Hiện nay, các đơn vị chức năng đang triển khai phối
hợp để thí điểm kết nối thông tin với cơ quan tài nguyên môi trường; tăng cường
trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế, hải quan để truy cập dữ liệu nhằm tăng
cường kiểm soát hoàn thuế, tiến tới thực hiện hoàn thuế điện tử; xây dựng cơ sở
dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan...
Trong tháng 10, Bộ Tài chính đã tổ chức họp bàn với
các ngân hàng thương mại trọng điểm sơ kết triển khai nộp thuế điện tử và bàn
về các giải pháp đẩy mạnh triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, đến ngày 26/10, 98% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế đã thực
hiện khai thuế qua mạng internet và 90,05% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện
tử (kết nối liên thông với các ngân hàng thương mại).
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ủy ban Trung
ương MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Doanh
nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam tổ chức các đoàn công tác,
giám sát kết quả cải cách thủ tục hành chính tại một số địa phương như TPHCM,
Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang.
Triển khai quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Bảo
hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính đã dự thảo và đang lấy ý kiến các bộ, ngành
liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc triển khai thí
điểm kết hợp thu thuế với một số khoản thu bảo hiểm xã hội bắt buộc của doanh
nghiệp.
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã đề nghị các
bộ, ngành rà soát và bước đầu thực hiện đơn giản hóa một số hồ sơ khai điện tử
trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; đánh giá kết quả triển khai giai đoạn 1
dự án VNACCS/VCIS; xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro của Hệ thống VNACCS/VCIS để
phục vụ kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu...
Tuy nhiên, theo phản hồi của một số doanh nghiệp, hệ
thống VNACCS/VCIS vẫn còn những vấn đề phải khắc phục. Cụ thể, có doanh nghiệp
nhập khẩu có nhiều dòng hàng nhưng hệ thống thông quan điện tử lại chỉ giới hạn
50 dòng hàng, bất cập cho doanh nghiệp khai báo. Ngoài ra, phần mềm còn có lỗi
nên có doanh nghiệp nộp thuế rồi mà hệ thống hải quan điện tử vẫn thông báo nợ
thuế. Điều này khiến doanh nghiệp bị treo thuế trên hệ thống, không thể chuyển
tờ khai ân hạn thuế được và phải mất cả ngày sau đó để xử lý.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, công tác cải
cách thủ tục hành chính thuế, hải quan sẽ tiếp tục được triển khai tích cực với
trọng tâm là lĩnh vực thuế điện tử, nâng cao hiệu quả hệ thống hải quan điện
tử, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.
Trong đó, đẩy mạnh việc triển khai nộp thuế điện tử,
phấn đấu tiến tới đạt 90% về cả 3 chỉ tiêu (số doanh nghiệp; số chứng từ nộp
thuế; số tiền thuế thu được).
Bộ Tài chính cho biết, tháng tới sẽ trình dự thảo
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Ngoài ra, Bộ này đang triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án hiện đại hoá thủ
tục đối với cá nhân như khai, nộp thuế điện tử đối với lệ phí trước bạ khi đăng
ký ô tô, xe máy; nộp thuế điện tử các khoản thu từ bất động sản (thuế thu nhập
cá nhân, lệ phí trước bạ...); ủy nhiệm cho tổ chức kinh tế thu thuế đối với cá
nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; hoá đơn điện tử; kết nối thông
tin giữa cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên môi trường.
Theo chinhphu.vn