
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo báo cáo
chưa đầy đủ của các Bộ, ngành và địa phương, tổng nhu cầu huy động và sử dụng
vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2020 lên tới khoảng 39,5 tỷ USD. Trong
đó, nhu cầu vốn cho các dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông vận
tải, phát triển đô thị, nông nghiệp và phát triển nông thôn, môi trường, giáo
dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ.
Căn cứ vào
tiến độ thực hiện các chương trình và dự án đã ký kết, tổng nguồn vốn ODA và
vốn vay ưu đãi dự kiến giải ngân thời kỳ 2016 -2020 đạt khoảng 25-30 tỷ USD,
bình quân năm đạt 5 - 6 tỷ USD, tăng 14% so với thời kỳ 2011 - 2015 và chiếm
khoảng 55% - 66% vốn đầu tư phát triển huy động từ bên ngoài.
Bên cạnh đó,
thống kê cho thấy, tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa giải ngân của các
chương trình, dự án đã ký kết chuyển tiếp từ thời kỳ 2011 - 2015 sang thời kỳ
2016 - 2020 còn khá lớn, khoảng gần 22 tỷ USD. Do vậy, một trong những nhiệm vụ
trọng tâm trong thời kỳ 2016 - 2020 là phải tập trung cao độ để hoàn thành các
chương trình, dự án này theo đúng tiến độ và thời hạn cam kết, đưa các công
trình vào khai thác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng nguồn
vốn ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến giải ngân thời kỳ 2016 -2020 đạt khoảng 25-30
tỷ USD, bình quân năm đạt 5 - 6 tỷ USD, tăng 14% so với thời kỳ 2011 - 2015.
Hiện nay, do
Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình,
chính sách viện trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
đối với Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi mạnh mẽ, chuyển đổi
căn bản từ quan hệ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác. Do đó, việc quản
lý, sử dụng hiệu quả vốn ODA là rất cần thiết. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị
định quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài
trợ nước ngoài thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ
theo hướng chặt chẽ.
Theo đó,
Nghị định quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục
tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực
hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đầu tư công. Còn thẩm quyền
quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu
đãi thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật Đầu tư công.
Theo Nghị
định mới, các lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Hỗ trợ
thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Hỗ trợ nghiên
cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản
lý nhà nước; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và phát
triển công nghệ; Hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng
trưởng xanh; Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án
theo hình thức đối tác công tư (PPP); Lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của
Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng
Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với: i) Các chương trình, dự án sử
dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; ii) Chương trình, dự án, phi dự án sử dụng
vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau: Chương trình, dự án
đầu tư nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án, phi dự án kèm theo khung chính
sách; chương trình, dự án, phi dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn
giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương
trình, dự án vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; dự án hỗ trợ kỹ thuật có quy mô vốn
tài trợ tương đương từ 2 triệu đô la Mỹ trở lên; viện trợ mua sắm các loại hàng
hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam
vào chương trình, dự án khu vực; iii) Hỗ trợ ngân sách. Trong khi đó, đối với
các chương trình, dự án, phi dự án không thuộc quy định trên thì người đứng đầu
cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư.
Nghị định
mới quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục đề xuất và lựa chọn Đề xuất chương
trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Theo đó, chương trình, dự án được
đề xuất sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải đảm bảo tiêu chí: phù hợp với
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư
công trung hạn và hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chính sách,
định hướng ưu tiên cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững; bảo đảm
tính bền vững về kinh tế; phù hợp với khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi,
vốn đối ứng; phù hợp với khả năng trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền
địa phương (đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi);
không trùng lặp với chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc
đã có quyết định đầu tư.
Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan lựa chọn
Đề xuất chương trình, dự án phù hợp theo tiêu chí trên, trình Thủ tướng Chính
phủ xem xét, quyết định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho cơ
quan chủ quản quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề xuất chương trình, dự án
được cho phép triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất
chủ trương đầu tư. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục
quyết định chủ trương đầu tư và thẩm định, quyết định đầu tư các chương trình,
dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi...
Trước đó,
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử
dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ
2016 - 2020”. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA và vốn vay
ưu đãi trên cơ sở phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý và
tính chủ động của các ngành, các cấp; bảo đảm sự phối hợp quản lý, kiểm tra và
giám sát chặt chẽ của các cơ quan liên quan.
Việc thu
hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi phải được xem xét, cân
đối và lựa chọn trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển, phải bám sát
các mục tiêu của chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn
2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế
hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016 - 2020,
đảm bảo các chỉ số nợ công, nợ chính phủ và mức bội chi ngân sách nhà nước
trong giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, khuyến khích sự phân công lao động và bổ
trợ giữa các nhà tài trợ trong việc cung cấp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi
trong khuổn khổ các chương trình hợp tác phát triển chung, đồng tài trợ theo
ngành, lĩnh vực và địa bàn lãnh thổ.
Thủ tướng
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng
vốn ODA và vốn vay ưu đãi, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và
theo đúng quy định của pháp luật; chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành
vi tiêu cực.
Theo Taichinh.vn