LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
KẾ TOÁN TRÁCH NHIỆM VÀ THỰC TIỄN VẬN DỤNG VÀO VIỆT NAM
(khoahockiemtoan.vn) -  Kế toán trách nhiệm được coi là một trong những công cụ tài chính hữu ích cho việc kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh của các nhà quản trị trong doanh nghiệp. Việc chú ý thực hiện nội dung kế toán trách nhiệm, sẽ giúp doanh nghiệp phát huy tối đa nguồn lực hiện có và phát triển một cách bền vững.
Kế toán trách nhiệm và thực tiễn vận dụng vào Việt Nam

Kế toán trách nhiệm được coi là một trong những công cụ tài chính hữu ích cho việc kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh.

Kế toán trách nhiệm được xem như là hệ thống thu thập, xử lý và truyền đạt các thông tin tài chính và phi tài chính có thể kiểm soát theo phạm vi trách nhiệm của từng nhà quản trị nhằm đạt được mục tiêu chung của tổ chức; Kế toán trách nhiệm là một trong những nội dung cơ bản trong kế toán quản trị tại doanh nghiệp (DN) và là một trong những công cụ quản lý kinh tế tài chính có vai trò quan trọng trong điều hành, kiểm soát cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Bản chất của kế toán trách nhiệm là mỗi bộ phận được phân cấp quản lý trong bộ máy quản lý có quyền kiểm soát, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về những nghiệp vụ riêng biệt thuộc phạm vi phân cấp quản lý của mình. Kế toán trách nhiệm chỉ được thực hiện ở DN có cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý được phân quyền một cách rõ ràng. Tùy thuộc vào đặc điểm cơ cấu tổ chức, mức độ phân cấp quản lý và mục tiêu của nhà quản trị DN mà chia ra thành các trung tâm trách nhiệm tương ứng. Mỗi trung tâm trách nhiệm trong một tổ chức có toàn quyền kiểm soát các hoạt động của trung tâm mình như quản lý về chi phí, doanh thu và các khoản đầu tư. Các trung tâm trách nhiệm tạo ra mối liên hoàn trong hệ thống quản lý.

Thông thường có 4 trung tâm trách nhiệm, bao gồm: Trung tâm chi phí, trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhuận, trung tâm đầu tư. Các trung tâm trách nhiệm được hình thành trên đặc điểm cơ cấu bộ máy quản lý và mục tiêu của nhà quản trị. Trong thực tế, việc lựa chọn trung tâm thích hợp cho một bộ phận trong tổ chức không phải là điều dễ dàng. Cơ sở để xác định một bộ phận trong một tổ chức là trung tâm gì đều phải căn cứ trên cơ sở nguồn lực, trách nhiệm, quyền hạn mà nhà quản lý đó được giao. Do vậy, việc phân biệt rõ ràng các trung tâm trách nhiệm trong một đơn vị chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào quan điểm nhà quản trị cấp cao nhất.

- Trung tâm chi phí: Đây là trung tâm có trách nhiệm về chi phí đầu vào của DN. Mục tiêu của trung tâm trách nhiệm chi phí chính là tối thiểu hóa chi phí. Đầu vào của trung tâm là các chỉ tiêu phản ánh các yếu tố sản xuất như nguyên vật liệu, tiền công, tình hình sử dụng máy móc thiết bị… và có thể được đo đạc bằng nhiều cách khác nhau. Để xác định đầu ra của trung tâm chi phí sẽ dựa vào các chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh nhưng số lượng, chất lượng sản phẩm, các chỉ tiêu chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm…

- Trung tâm doanh thu: Trung tâm này thường phát sinh ở các bộ phận tạo ra doanh thu cho DN như: Các cửa hàng, siêu thị, phòng kinh doanh…. Trên thực tế, một trung tâm thuần túy về doanh thu rất ít tồn tại. Thông thường, các cấp quản lý thường vẫn phải làm kế hoạch và kiểm soát một số chi phí thực tế phát sinh trong trung tâm doanh thu.

- Trung tâm lợi nhuận: Là một trung tâm trách nhiệm mà trong đó người quản lý của trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm cả về chi phí và doanh thu cũng như chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào chính là lợi nhuận. Thông thường, trung tâm trách nhiệm thường gắn với bậc quản lý cấp trung gian, tuy nhiên nhà quản trị trung tâm này có thể quyết định toàn bộ các vấn đề từ chiến lược hoạt động đến thực hành tác nghiệp của DN. Mục tiêu phải thực hiện của trung tâm này là tối đa hóa lợi nhuận. Do đó, trung tâm lợi nhuận không chỉ có trách nhiệm ở doanh thu mà còn có cả trách nhiệm về chi phí.

- Trung tâm đầu tư: Là trung tâm mà ở đó nhà quản lý chịu trách nhiệm cả về doanh thu, chi phí và xác định vốn hoạt động cũng như các quyết định đầu tư vốn. Trung tâm đầu tư thường đại diện cho mức độ quản lý cấp cao nhất. Nhà quản trị của trung tâm đầu tư có trách nhiệm trong việc lập kế hoạch, tổ chức và kiểm soát mọi hoạt động sản xuất kinh doanh kể cả việc đầu tư trong DN.

Vận dụng kế toán trách nhiệm ở Việt Nam

Kế toán trách nhiệm ngày càng thể hiện vai trò và vị trí quan trọng trong hoạt động quản lý kinh tế tại các DN ở các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với những nước có nền kinh tế phát triển. Tại Việt Nam, việc vận dụng các nội dung của kế toán quản trị nói chung và kế toán trách nhiệm nói riêng còn là một vấn đề rất mới mẻ và chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của các DN.

Vì vậy, việc nghiên cứu và tổ chức kế toán trách nhiệm là một yêu cầu cấp thiết đối với các DN hiện nay. Thông qua kế toán trách nhiệm, nhà quản trị DN có thể đánh giá chất lượng về kết quả của hoạt động của những bộ phận của đơn vị. Từ đây, sẽ đo lường được kết quả hoạt động của nhà quản lý bộ phận cũng như thúc đẩy các nhà quản lý bộ phận điều hành bộ phận của mình theo phương thức thích hợp theo mục tiêu cơ bản của tổ chức đã đề ra. Việc phân chia một đơn vị thành các trung tâm trách nhiệm phải căn cứ vào đặc điểm của DN đó như thế nào?. Nhằm làm rõ thêm vấn đề này, bài viết đã tiến hành khảo sát cơ cấu tổ chức của Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Hải Phòng.

Sơ đồ bộ cơ cấu bộ máy quản lý tại Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Hải Phòng cho thấy, Công ty đã có một hệ thống phân, chia phân nhiệm rõ ràng, không chồng chéo, tạo điều kiện cần thiết để xây dựng được hệ thống các trung tâm trách nhiệm. Trên cơ sở trên, bài viết đề xuất mô hình kế toán trách nhiệm theo các trung tâm trách nhiệm áp dụng cho Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Hải Phòng như sau:

- Các trung tâm chi phí: Các phòng ban bao gồm phòng tổng hợp, phòng kỹ thuật KCS, phòng tài chính kế toán, phân xưởng bia số 1, 2, đội kho, chịu trách nhiệm về chi phí quản lý phát sinh tại bộ phận.

- Trung tâm doanh thu: Đưa ra các chính sách bán hàng tạo ra doanh thu cho đơn vị. Ngoài việc quản lý về chính sách bán hàng, doanh thu thì trung tâm cũng quản lý một phần chi phí của phòng.

- Trung tâm lợi nhuận: Là trung tâm mà nhà quản trị chịu trách nhiệm về cả doanh thu và chi phí. Theo mô hình này, trung tâm lợi nhuận được xác định ở cấp công ty. Giám đốc Công ty là người chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị về lợi nhuận tạo ra của Công ty; đồng thời, có thể phê duyệt các khoản chi phí liên quan đến lợi nhuận tạo ra.

- Trung tâm đầu tư: Là trung tâm mà nhà quản trị không chỉ chịu trách nhiệm về doanh thu, chi phí mà còn quyết định về mức vốn đầu tư. Do đó, trung tâm đầu tư được xác định là hội đồng quản trị công ty, trong đó chủ tịch hội đồng quản trị là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Mỗi trung tâm sẽ chịu trách nhiệm khác nhau theo đúng trách nhiệm được giao. Việc phân chia thành các trung tâm như trên, sẽ giúp nhà quản trị có thể dễ dàng đưa ra phương pháp và cách thức hoạt động của trung tâm; các nhà quản trị cấp cao cũng có thể đánh giá và kiểm soát, tìm ra những tồn tại để khắc phục và phát huy những ưu điểm của từng trung tâm. Từ đó, có thể quy trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng từng bộ phận. Điều này sẽ thúc đẩy tất cả các bộ phận sẽ thực hiện đúng những yêu cầu được giao.

Tóm lại, hệ thống kế toán trách nhiệm được thiết lập nhằm đưa ra các công cụ, chỉ tiêu đánh giá và hướng các nhà quản lý ở bộ phận đến thực hiện các mục tiêu chung của tổ chức. Các DN nếu có sự phân cấp rõ ràng và biết cách vận dụng kế toán trách nhiệm vào quá trình thực tế chắc chắn sẽ giúp cho DN đó kiểm soát, quản lý các bộ phận một cách hiệu quả. Việc quy trách nhiệm cho từng đối tượng, từng bộ phận cụ thể sẽ giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng bộ phận, từng nhà quản trị của các trung tâm trách nhiệm, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN một cách bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. PGS., TS. Nguyễn Quang Ngọc (2010) “ Kế toán quản trị DN” – NXB Đại học Kinh tế quốc dân;

2. Thái Anh Tuấn (2014) “Vận dụng kế toán trách nhiệm trong trường đại học” - Tạp chí Tài chính 4/2014.

Theo Taichinh.vn

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)