KINH TẾ TÀI CHÍNH
NỢ XẤU, SỞ HỮU CHÉO VẪN LÀ THÁCH THỨC
(khoahockiemtoan.vn) -  Dù đã có nhiều kết quả tích cực trong tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, nhưng đây vẫn là những thách thức lớn cần giải quyết trong nhiệm kỳ mới của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Nợ xấu, sở hữu chéo vẫn là thách thức

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việc xây dựng thị trường mua bán nợ là vấn đề cấp thiết để có thể xử lý rốt ráo nợ xấu trong thời gian tới.

Kế thừa nhiều thành công bước đầu trong tái cơ cấu

Nhìn lại thời gian vừa qua, các chuyên gia đánh giá Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều thành công đáng kể, đặc biệt là những dấu ấn trong chính sách với thị trường vàng, USD, ổn định tỷ giá, lạm phát. Bên cạnh đó, theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, NNHN đã phần nào thành công trong việc tái cơ cấu ngân hàng, giảm từ trên 40 xuống còn trên 30 ngân hàng, là đầu mối chỉ đạo một số ngân hàng sáp nhập, mua 3 ngân hàng 0 đồng, tạo sự ổn định hơn trong hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn đọng, thách thức khiến hệ thống ngân hàng chưa được xem là ổn định và lành mạnh dù đã trải qua tái cơ cấu. Một ví dụ tiêu biểu là sở hữu chéo vẫn còn tồn tại, cho dù đã được đề cập từ nhiều năm nay với nhiều biện pháp xử lý. “Sở hữu chéo dù giảm bớt nhưng vẫn chưa được loại bỏ, tình trạng lợi dụng sở hữu chéo vẫn có khả năng xảy ra. Chẳng hạn, trong 3 ngân hàng yếu kém mà NHNN mua với giá 0 đồng, có những thiệt hại, sai phạm xuất phát từ quyền lực của cổ đông lớn quá lớn, không được kiểm soát. Bên cạnh đó, tư duy của những người làm ngân hàng xem ngân hàng là công cụ tài chính của riêng họ vẫn chưa được cải thiện”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Một vấn đề lớn khác của hệ thống là nợ xấu đến giờ vẫn chưa được giải quyết. Dù nợ xấu đã giảm dưới 3% nhưng là do phần lớn số nợ được chuyển sang VAMC và công ty mới giải quyết được khoảng hơn 10% trong tổng số nợ xấu đã mua là khoảng 250.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của ông Nguyễn Trí Hiếu, tất cả những thành công mà nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đạt được nhiệm kỳ vừa qua là những thuận lợi cho tân Thống đốc Lê Minh Hưng và những thuận lợi này cần được củng cố. Ngược lại, những hạn chế còn chưa được khắc phục trong nhiệm kỳ tới chắc chắn là thử thách đáng kể với người lãnh đạo mới của NHNN.

Chưa có thị trường mua bán nợ, nợ xấu khó giải quyết

Một trong các thử thách được chuyên gia nhấn mạnh là tiến trình tái cơ cấu của ngành Ngân hàng cần phải được tiếp tục mạnh mẽ hơn. Trong nhiệm kỳ trước, Thống đốc NHNN đã nhiều lần nhắc đến việc có thể cho ngân hàng phá sản nhưng điều này chưa được thực hiện mà chỉ dừng lại ở mức mua ngân hàng 0 đồng. Với tân Thống đốc, “có lẽ phải đặt ra vấn đề này cụ thể hơn”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận. Theo đó, cần có lộ trình để cho phép phá sản ngân hàng. Thực tế, với các ngân hàng yếu kém như ngân hàng mua 0 đồng, hiện nay NHNN là cơ quan bảo hộ. Vậy thay vì NHNN bảo lãnh cho các ngân hàng này thì có thể chia nhỏ phần nghĩa vụ của các ngân hàng này ra cho một số ngân hàng thương mại lớn khác, NHNN vẫn tiếp tục bảo lãnh số nợ này ở các ngân hàng thương mại lớn đó, và cho phá sản ngân hàng 0 đồng kia.

Về nợ xấu, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất VAMC cần cải tổ mạnh mẽ, tăng vốn điều lệ. “Với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, số tài sản phải giải quyết là 250.000 tỷ đồng, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của VAMC chỉ đạt 100/1, quá thấp so với một công ty tài chính”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận xét. Đồng thời, để có thể xử lý nợ xấu, VAMC phải cùng với NHNN xây dựng ra “chợ” mua bán nợ xấu. Trong đó, tất cả những nợ xấu đó được đưa lên một cách công khai, để thu hút người mua bán, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, đây không hẳn là việc riêng VAMC hay NHNN có thể làm được. Cần có hệ thống pháp luật gỡ rối cho việc thanh lý tài sản đảm bảo, khi đó nợ xấu sẽ được xử lý nhanh hơn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ. Để chợ mua bán nợ “tấp nập”, cũng cần thu hút thêm sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh những thách thức về tái cơ cấu, nợ xấu, vấn đề thanh tra ngân hàng cũng phải được đặt ra. Trong thời gian qua, đã có hiện tượng một số thanh tra ngân hàng không làm tròn nhiệm vụ, phải chịu xử lý. “Vấn đề thanh tra ngân hàng là vô cùng quan trọng, hệ thống ngân hàng có sạch hay không là do khả năng phát hiện của đội ngũ thanh tra, giám sát. Vì vậy, phải chú trọng tăng cường năng lực, nhân sự, đầu tư công nghệ cho đội ngũ thanh tra”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề nghị.

“Pháp luật phải thay đổi để phù hợp thông lệ quốc tế thì mới giải quyết được vấn đề buôn bán nợ, mà buôn bán nợ liên quan đến thanh lý tài sản đảm bảo. Hiện tại, thanh lý tài sản đảm bảo ở Việt Nam rất rắc rối, khó khăn”.Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)