NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
TRÁNH NÔN NÓNG TRONG VIỆC ĐẠT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG CAO
(khoahockiemtoan.vn) - “Các chính sách kinh tế cần hướng tới duy trì mục tiêu ổn định vĩ mô, đặc biệt cần tránh tâm lý nôn nóng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới,” TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến nghị
Tránh nôn nóng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn để tái cơ cấu kinh tế thực sự

Tại tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I.2016 do VEPR tổ chức chiều 12.4, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 tối đa đạt khoảng 6,5%, tốc độ này sẽ khả quan hơn trong năm 2017. Tình hình kinh tế quý 1.2016 không thực sự thuận lợi với sự suy giảm tăng trưởng của khu vực công nghiệp quý 1 chỉ tăng 6,72%, mức thấp nhất trong nhiều quý trở lại đây.

“Nếu chúng ta tiến hành tái cơ cấu kinh tế thật sự, thì phải hy sinh tăng trưởng. Đây là sự hi sinh tăng trưởng lành mạnh. Hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng cao trong dài hạn,” ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Ông Trương Đình Tuyển cũng chỉ ra mâu thuẫn, trong khi các báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh đến các giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho kinh doanh, đầu tư thì khảo sát về chỉ sốPCI năm 2015do VCCI công bố cho thấy, số lượng các doanh nghiệp phải bỏ tiền bôi trơn các khoản chi không chính thức lại gia tăng. Từ đó, ông Tuyển cho rằng, Chính phủ mới hiện còn dư địa để làm và phải tập trung làm quyết liệt là cải cách môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Nhận định Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh hưởng do xu hướng suy thoái chung của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực,tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, điều kiện cho tăng trưởng kinh tế về cơ bản vẫn là tích cực trong năm 2016 nếu những cơ hội từ tự do hóa thương mại được tận dụng và cải cách hành chính tiếp tục được thúc đẩy. Ông Nguyễn Đức Thành khuyến nghị “các chính sách kinh tế hướng tới duy trì mục tiêu ổn định vĩ mô, đặc biệt cần tránh tâm lý nôn nóng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới.”

Thúc đẩy sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ,cùng với các giải pháp cắt giảm chi ngân sách ngắn hạn quyết liệt, Chính phủ cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ. Bởi năm nay chúng ta phải dành khoảng ¼ ngân sách để trả nợ, trong khi không có dấu hiệu cho thấy nguồn thu ngân sách sẽ được cải thiện trong năm 2016.

Trong khi đó, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, những dấu hiệu tăng lãi suất huy động trong thời gian qua cho thấy, việc giữ ổn định lãi suất cho vay là cực kỳ khó. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu mới chỉ dừng ở công đoạn gom lại, tới đây, nếu việc xử lý nợ xấu một cách thật sự cũng sẽ tạo áp lực tăng lãi suất cho vay. Khi lãi suất tăng sẽ tác động vào tỷ giá, đồng thời ảnh hưởng đến lạm phát. Chưa kể, tỷ giá còn ảnh hưởng bởi thị trường tài chính quốc tế, vốn đang chứa đựng nhiều bất ổn.

Mặt khác, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh nhận định, xu hướng tăng lạm phát trong năm 2016 chủ yếu là do vấn đề tiền tệ. Trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, khi chúng ta huy động vốn quốc tế gặp khó, có thể sẽ quay lại vay vốn trong nước, từ đó gây sức ép lên lãi suất và động đến chỉ số lạm phát.

Trước xu thế tăng lạm phát trong quý 1, ông Nguyễn Đức Thành dự báo lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, đặc biệt trong nửa sau của năm 2016 khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, giá hàng hóa thế giới phục hồi và tác động của hạn hán lên giá lương thực đạt đỉnh điểm trước khi vụ lúa hè-thu được thu hoạch vào khoảng tháng 8. Ông Thành khuyến nghị các cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro bùng phát lạm phát để kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp.

Ông Trương Đình Tuyển lưu ý, xu hướng lạm phát tăng là không quá đáng ngại. Trong nền kinh tế, tốc độ tăng lạm phát thấp hơn tăng trưởng nền kinh tế là thành công. Điều quan trọng, theo ông Tuyển, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước.

Có chính sách thích hợp để lưu chuyển dòng USD tích trữ trong nền kinh tế

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1.2016 của VEPR, số liệu thống kê đến quý 3.2015 cho thấy, cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ trong tháng 8. Cán cân tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt6,6 tỷ USD trong quý 3.2015, chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều. Nguyên nhân do một nhân tố mới xuất hiện là “dòng vốn đầu tư khác” mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD.

Theo giải thuyết của các chuyên gia VEPR, diễn biến bất thường này, một phần, có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng. Lý do là thời gian qua, lãi suất huy động và cho vay USD vốn ở mức thấp, cộng với kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên sau sự kiện Trung Quốc phá giá, khiến thị trường không tìm được mức lãi suất cho vay ngoại tệ cân bằng. Hệ quả là ngân hàng thương mại không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ nên gửi tiền không kỳ hạn/kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu nhất.

Nếu giải thuyết trên là đúng, dòng tiền gửi ở nước ngoài có thể tiếp tục gia tăng trong các giai đoạn sau do chính sách hạ lãi suất huy động USD về 0%/năm và hạn chế đối tượng vay vốn ngoại tệ. Việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn, do đó phần lớn các khoản tiền gửi ngoại tệ sẽ ở dưới dạng không kỳ hạn. Các ngân hàng thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ và cung ứng các khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp và do đó tiếp tục lựa chọn giải pháp gửi tiền ở nước ngoài.

Khẳng định chống đô la hóa là một chủ trương đúng của NHNN, tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, các giải pháp đồng bộ tạo niềm tin vào tiền đồng cần được triển khai. Chỉ khi đó, nền kinh tế mới sử dụng được nguồn vốn ngoại tệ khối lượng lớn đang gửi ở nước ngoài. Do đó, song song với chiến lược chống đô la hóa, cần phải có chính sách thích hợp để lưu chuyển dòng USD tích trữ trong nền kinh tế, thông qua một thị trường mua-bán ngoại tệ hữu hiệu, quy mô lớn.

Việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm, không đi liền với việc thiết lập thị trường mua bán USD hiệu quả, đang dẫn tới nguy cơ mất cân đối trên thị trường ngoại tệ. Cụ thể, một khối lượng lớn tài sản ngoại tệ của dân cư được gửi ra nước ngoài với mức lãi suất thấp, trong khi một số tổ chức tín dụng trong nước phải huy động vốn từ nước ngoài với lãi suất cao.

Theo daibieunhandan.vn

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)