Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hoàn thiện thể chế và xây dựng bộ máy
Quy định về định giá chuyển giao được đề cập lần đầu tiên tại Thông
tư số 74 TC/TCT ngày 20/10/1997 của Bộ Tài chính, với 3 phương pháp định giá
chuyển giao giữa các công ty liên kết. Tiếp đó, Thông tư số 89/1999/TT-BTC ban
hành ngày 16/7/1999 và Thông tư số 13/2001/TT-BTC ngày 08/03/2001 của Bộ Tài
chính đã sửa đổi, bổ sung các nội dung của Thông tư số 74 TC/TCT. Ở giai đoạn
đầu thiết lập thể chế, nhìn chung các quy định về định giá chuyển giao chỉ ở
mức độ sơ sài, thiếu hướng dẫn chi tiết, chưa sát với thực tế. Do vậy, mặc dù
Thông tư số 89/1999/TT-BTC và Thông tư số 13/2001/TT-BTC được ban hành từ khá
lâu nhưng trên thực tế lại chưa được triển khai áp dụng.
Đến giai đoạn 2005-2011, trên cơ sở phân tích những hạn chế của các
văn bản hiện hành và tham khảo kinh nghiệm các nước, ngày 19/12/2005 Bộ Tài
chính đã ban hành Thông tư số 117/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định
giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết với
nội dung khá phù hợp với hướng dẫn của OECD. Tuy nhiên, dù thông tư này đã đưa
ra các hướng dẫn khá chi tiết về phạm vi áp dụng, nguyên tắc giá thị trường,
định nghĩa về giao dịch liên kết, các bên liên kết và 5 phương pháp xác định
giá chuyển giao… nhưng do phạm vi điều chỉnh hẹp, lại chưa quy định rõ cơ sở sự
“nghi ngờ” của cơ quan thuế về tính trung thực trong kê khai các giao dịch của
đối tượng nộp thuế, nên hiệu quả áp dụng còn hạn chế.
Nhằm sửa đổi một số điểm quan trọng về kỹ thuật nghiệp vụ theo hướng
chặt chẽ hơn, ngày 22/4/2010 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 66/2010/TT-BTC
quy định việc xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết, thay thế Thông
tư 117/2005/TT-BTC. Về cơ bản Thông tư số 66/2010/TT-BTC vẫn bao gồm phần lớn
nội dung đã được đề cập đến trong Thông tư 117/2005/TT-BTC và giữ nguyên toàn
bộ 24 ví dụ minh họa cho nội dung các phương pháp. Bên cạnh một số điểm được
sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, những quy định trong quy
trình thanh, kiểm tra thuế đã được thay đổi cơ bản, thể hiện sự quyết tâm của
cơ quan quản lý thuế đến vấn đề định giá chuyển giao của các công ty đa quốc
gia hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Tiếp tục ý chí thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác chống
chuyển giá, trên cơ sở dự thảo do Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xây dựng, ngày
20/11/2012 Quốc hội đã thông qua Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Trong đó tại Điều 1,
Khoản 6 và Khoản 7 quy định rõ: “Cơ quan thuế áp dụng cơ chế thoả thuận trước
về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) với người nộp thuế, với cơ quan
thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế
hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập…”. Trên cơ sở quy
định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, ngày
20/12/2013 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 201/2013/TT-BTC hướng dẫn việc
áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản
lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5/2/2014. Đây là bước tiến lớn trong việc hoàn
thiện khung pháp lý, tạo nền tảng thuận lợi để cơ quan thuế Việt Nam có thể đấu
tranh chống chuyển giá đối với các DN, đặc biệt là DN FDI.
Cùng với nỗ lực trong việc thiết lập thể chế, công tác xây dựng
nguồn nhân lực và bộ máy quản lý giá chuyển giao cũng đã có những bước tiến
đáng kể. Theo đó, sau 3 năm thực hiện thí điểm mô hình Tổ quản lý thuế đối với
hoạt động chuyển giá thuộc Tổng cục Thuế và Tổ quản lý thuế đối với hoạt động
chuyển giá theo chuyên đề ở 5 cục thuế địa phương có nhiều DN FDI, ngày
28/10/2015 Tổng cục Thuế đã thành lập hệ thống Phòng Thanh tra giá chuyển
nhượng tại Tổng cục Thuế và 4 cục thuế có nhiều rủi ro về thuế liên quan đến
chuyển giá là: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Lực lượng chuyên trách tại
cơ quan thuế trung ương đến địa phương được kỳ vọng sẽ tạo nên bước chuyển biến
mới trong công tác quản lý giá chuyển nhượng, nhằm ngăn chặn có hiệu quả các
hành vi gian lận thuế qua chuyển giá.
Kết quả bước đầu của công tác quản lý chống chuyển giá
Trên cơ sở hệ thống thể chế và bộ máy quản lý ngày càng hoàn thiện,
cơ quan thuế có điều kiện để nâng cao hiệu quả quản lý chống chuyển giá. Đặc biệt
trong 5 năm gần đây, triển khai chương trình thanh tra toàn diện đối với những
DN FDI có dấu hiệu rủi ro về chuyển giá, ngành thuế đã xử lý truy thu về cho
NSNN hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể trong năm 2011, toàn ngành thuế đã rà soát quản
lý được 3.144 DN phải kê khai thông tin giao dịch liên kết, trong đó 2.023 DN
đã thực hiện kê khai, chiếm khoảng 64%. Cũng trong năm này, cơ quan thuế các
cấp đã tổ chức thanh tra tại 921 DN kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá, qua
đó đã điều chỉnh giảm lỗ 6.617 tỷ đồng; truy thu và phạt 1.669 tỷ đồng, góp
phần đưa kết quả thu thuế từ DN FDI năm 2011 tăng khoảng 11,3% so với năm 2010.
Sang năm 2012, đặt trọng tâm vào việc thanh tra đối với các DN có
dấu hiệu chuyển giá như lỗ liên tục và lỗ lớn, thậm chí kê khai lỗ vượt vốn chủ
sở hữu nhưng vẫn đầu tư mở rộng, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra đối với
2.161 DN để xác định lại doanh số, từ đó có cơ sở xử lý truy thu, phạt, truy hoàn gần 747 tỷ đồng; giảm lỗ 4.776 tỷ đồng,
giảm khấu trừ 144 tỷ đồng.
Tiếp tục hướng đi này, trong năm 2013, cơ quan thuế đã thanh tra,
kiểm tra đối với 2.110 DN, qua đó đã xử lý truy thu, phạt, truy hoàn 988 tỷ
đồng; giảm lỗ 4.192 tỷ đồng; giảm khấu trừ 137 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm,
Tổng cục Thuế đã thành lập 3 đoàn trực tiếp thanh tra tại 3 DN FDI thuộc tỉnh
Bình Dương và Đồng Nai, đồng thời hỗ trợ 17 cục thuế địa phương thanh tra 44 DN
FDI, kết quả là đã điều chỉnh giảm số lỗ phát sinh theo kê khai của DN trong
giai đoạn thanh tra 476 tỷ đồng; truy thu thuế TNDN là 187 tỷ đồng; phạt vi
phạm hành chính là 12 tỷ đồng.
Năm 2014, với việc tiến hành thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá
tại 2.866 DN khai báo kinh doanh thua lỗ, DN nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá và
DN có hoạt động giao dịch liên kết, tăng 36,7% so với năm 2013, cơ quan thuế đã
xử lý giảm lỗ hơn 5.830 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.701 tỷ đồng,
tăng tương ứng 39% và 72% so với năm 2013. Trong đó, riêng việc thanh tra, kiểm
tra đối với 30 DN FDI lớn có giao dịch liên kết, cơ quan thuế đã giảm lỗ trên
5.000 tỷ đồng, sau khi miễn giảm thuế do ưu đãi đầu tư, đã truy thu thuế TNDN
và xử phạt vi phạm trên 1.500 tỷ đồng.
Gần đây nhất - năm 2015, cơ quan thuế các cấp đã thanh tra, kiểm tra
2.500 DN có dấu hiệu chuyển giá, qua đó đã giảm lỗ trên 6.500 tỷ đồng, truy
thu, truy hoàn và phạt trên 600 tỷ đồng cho NSNN.
Mặc dù đã ghi nhận những thành công bước đầu, nhưng không phủ nhận
công tác quản lý chống chuyển giá ở Việt Nam vẫn đang tồn tại một số hạn chế,
bất cập. Lớn nhất là cơ sở pháp lý cho công tác chống chuyển giá của Việt Nam
chưa cao, do chưa có luật chống chuyển giá riêng nên các qui định pháp lý liên
quan đến kiểm soát định giá chuyển giao còn chưa mang tính hệ thống, làm hạn
chế khả năng chống chuyển giá của cơ quan thuế. Tiếp đó, mức độ xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực thuế đối với các trường hợp chuyển giá còn khá nhẹ,
lại quy định chung với các hành vi vi phạm khác về thuế nên chưa đủ sức răn đe
đối với đối tượng có hành vi chuyển giá. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về trình độ
cán bộ, kỹ thuật thanh tra chuyên đề, quy định ràng buộc về thời hạn thanh tra…
cũng khiến chất lượng công tác chống chuyển giá chưa cao.
Nhằm khắc phục những khuyết thiếu này, hiện nay Tổng cục Thuế đã và
đang hợp tác với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU), OECD, Ngân hàng
Thế giới (WB) để thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ
công chức làm nhiệm vụ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; đồng thời
khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận của các DN độc
lập theo từng ngành nghề có rủi ro cao về chuyển giá, làm cơ sở chung cho việc
sử dụng và phân tích rủi ro phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động
định giá chuyển nhượng.
Theo tapchithue.com.vn