KINH TẾ TÀI CHÍNH
NHÂN TỐ MỚI TRÊN THỊ TRƯỜNG XĂNG DẦU
(khoahockiemtoan.vn) - Tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật Bản sẽ là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên trên bản đồ phân phối xăng dầu Việt Nam. Cuộc đua của đối thủ ngoại này được dự báo sẽ gặp nhiều trở ngại đáng kể trong việc phát triển mạng lưới hoạt động bất chấp các lợi thế về nguồn vốn và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này.

Đến lúc phải mở cửa thị trường

Idemitsu Kosan cho biết họ và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó liên doanh này được phép phân phối xăng dầu. Hiện tại, Idemitsu không chỉ là một trong 3 công ty lọc dầu lớn nhất nước Nhật, mà còn đang là một trong những nhà bán lẻ xăng dầu hàng đầu. Tại Nhật, có khoảng 3.700 trạm xăng mang thương hiệu Idemitsu, và số người dùng thẻ tín dụng Idemitsu là khoảng 3,23 triệu người.

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Công thương khẳng định việc một số doanh nghiệp nước ngoài sẽ được tham gia phân phối xăng dầu tại Việt Nam khi tham gia đầu tư vào nhà máy lọc dầu tại Việt Nam. Đây là một phần nội dung trong cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư khi tham gia thực hiện dự ánlọc dầu tại Việt Nam.

Bên cạnh liên doanh Idemitsu Kosan và KPI, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký văn bản ghi nhớ việc hợp tác chiến lược với Tập đoàn JX Nippon Oil and Energy (Nhật Bản). JX Nippon Oil and Energy dự kiến sẽ cùng Petrolimex liên doanh để triển khai dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong và được phép phân phối tại thị trường Việt Nam các sản phẩm xăng dầu từ nhà máy lọc hóa dầu này. Đây là các cam kết riêng lẻ của Chính phủ, còn theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa thị trường bán lẻ xăng dầu kể từ năm 2018-2019.

Không ngạc nhiên về thông tin này, TS.Vũ Đình Ánh cho biết, từ nhiều năm trước, công ty Idemitsu Kosan đã có các đoàn làm việc đến Việt Nam và tìm hiểu kỹ lưỡng về mạng lưới phân phối tại Việt Nam. Họ đã hỏi ông Ánh cặn kẽ về cơ chế vận hành của thị trường, cách điều tiết và quản lý của cơ quan nhà nước. Theo ông Ánh, dù muốn hay không, theo các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại đã ký kết, thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam sẽ phải mở cửa. Khi đó DN nước ngoài sẽ xuất hiện nhiều hơn, bằng cách đầu tư trực tiếp hoặc mua lại hệ thống cửa hàng xăng dầu sẵn có của DN trong nước.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có cả an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Vì vậy việc chấp nhận cạnh tranh ở mức khốc liệt nhất cũng là điều tất yếu. Bản thân các DN nước ngoài khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực này cũng bắt buộc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như DN trong nước hiện nay. “Hội nhập là xu thế để phát triển, nếu chúng ta không đi vào quỹ đạo này thì sẽ chết. Điều quan trọng nhất là tìm giải pháp vượt qua những thách thức để tận dụng cơ hội chứ không phải luôn luôn run sợ khi mở cửa thị trường”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

Xu hướng mở cửa thị trường xăng dầu cũng đã và đang diễn ra ở các nước. Tại Đông Nam Á, Indonesia từ lâu đã cho phép các hãng năng lượng nước ngoài kinh doanh xăng. Myanmar cũng khá cởi mở khi cho phép các công ty quốc tế lập liên doanh mở các trạm xăng trong giai đoạn 2015 - 2016. Tại Campuchia, thị trường xăng dầu hoàn toàn mở theo cơ chế tự do với sự tham gia của các thương hiệu ngoại; hay tại Lào cũng có mặt các DN của Thái Lan và Petrolimex của VN tham gia hoạt động...

Không dễ dàng với người chơi mới

Việc tham gia của doanh nghiệp ngoại chắc chắn sẽ là nhân tố quan trọng làm thay đổi cơ cấu thị trường. Song, kỳ vọng doanh nghiệp ngoại có thể phá vỡ vị thế của các doanh nghiệp lớn trên thị trường là điều khó có thể thành hiện thực trong tương lai gần.

Nhìn nhận tích cực về động thái của các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường xăng dầu Việt Nam, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, cạnh tranh sẽ thúc đẩy thị trường về mọi mặt từ giá cả đến chất lượng hàng hóa và chất lượng dịch vụ cung ứng hàng hóa. Theo đó, khi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam chắc chắn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh năng lực chiếm lĩnh thị phần. Qua đó, vị trí thống lĩnh của những doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hiện nay sẽ giảm xuống, từ đó tạo ra sự chia sẻ thị trường công bằng hơn, cạnh tranh tốt hơn. Nhờ đó, cơ chế cạnh tranh trên thị trường xăng dầu mới vận hành được. Nếu không thúc đẩy cạnh tranh thì dù có thành lập thêm xăng dầu đầu mối như con số 23 hiện nay vẫn không cải thiện được cục diện cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, để thị trường vận hành tốt hơn vẫn cần có sự quản lý hợp lý. Trước hết, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh bằng giá, điều này được quy định tại Nghị định 83 nhưng vẫn cần sửa đổi để đạt hiệu quả quản lý tốt hơn. Mặt khác, cần tạo cơ chế, điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp được hết mình cạnh tranh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này rất có lợi cho người tiêu dùng trong nước và cả thị trường nói chung. Theo ông Long, hiện nay thị trường cạnh tranh chưa cạnh tranh thực sự do 3 “ông lớn” đang chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh trên thị trường. Điều này dẫn đến nhiều điểm thiếu minh bạch và tính cạnh tranh kém gây bất lợi cho người tiêu dùng. Do đó, theo ông Long, khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia sẽ cải thiện đáng kể tình trạng này, nhờ đó, sức ép về việc giảm giá các mặt hàng xăng dầu sẽ tốt hơn, chất lượng hàng hóa và chất lượng dịch vụ cung ứng cũng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông Long đề xuất cần có các biện pháp kiểm soát bằng các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo việc cung ứng xăng dầu đảm bảo chất lượng, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.

Từ phía doanh nghiệp, quyết định gia nhập một thị trường mới thường được đưa ra sau khi đã thực hiện các khảo sát và đánh giá chi tiết về cơ cấu thị trường. Thị trường xăng dầu Việt Nam đang có sự phân bố không đồng đều giữa 23 doanh nghiệp đầu mối, trong đó, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm tới 48% thị phần, hai ông lớn khác là Saigon Petro và PVOil có tổng thị phần ở mức hơn 20%. Ba doanh nghiệp này đang nắm vị thế thống lĩnh thị trường với sức ảnh hưởng đáng kể từ mạng lưới phân phối và nguồn lực kinh doanh của họ. Các con số thị phần này cho thấy một người chơi mới trên thị trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn để chiếm lĩnh từng mẩu bánh nhỏ trên thị trường.

Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp ngoại nào được cấp phép địa điểm phân phối xăng dầu nào. Mặt khác, để được phép thiết lập hệ thống phân phối, các DN này phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu như kho bãi, số lượng đại lý và các điều kiện khác.

Dưới góc độ một người tham gia thị trường xăng dầu nhiều năm, ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Xăng dầu tự lực 1 cho rằng, trước mắt, các doanh nghiệp nước ngoài không dễ dàng phát triển tại thị trường Việt Nam. Ưu điểm lớn nhất của họ là nguồn vốn từ nước ngoài với lãi suất rất thấp ở mức 0% thậm chí lãi suất âm và tỷ giá giữa đồng tiền của họ so với đồng USD là hợp lý cho hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu của họ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thể có kinh nghiệm lâu năm hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, trở ngại lớn nhất của họ là việc xây dựng mạng lưới phân phối tại Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước đã chiếm lĩnh những cửa hàng ở các vị trí đắc địa từ thành phố đến các vùng nông thôn. Theo ông Tiu, các doanh nghiệp nước ngoài có thể mua lại các một số cửa hàng bán lẻ sẵn có nhưng giá mua sẽ rất cao. Để mua được một số lượng lớn các cửa hàng đủ nhiều để thực hiện phân phối xăng dầu, các doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ phải chi dùng một số vốn khổng lồ trong khi lợi nhuận biên không đủ lớn sẽ là bài toán khó cho các doanh nghiệp này.

Ý kiến một số chuyên gia

TS.Vũ Đình Ánh:

Trước mắt, có thể các doanh nghiệp phân phối xăng dầu Nhật Bản hướng tói các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam để cung ứng các măt hàng xăng dầu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp này. Tôi nghĩ, đây mới là mục đích của họ, chứ phân khúc thị trường người tiêu dùng lẻ với đòi hỏi về việc mở rộng mạng lưới trong điều kiện khó khăn về phạm vi mở mạng lưới như hiện nay thì họ chưa nhắm đến.

TS.Ngô Trí Long:

Nghị định 83 chưa đề cập đến việc thương nhân đầu mối nước ngoài nhưng cũng không phân biệt thương nhân nước ngoài hay thương nhân trong nước, do đó, cần đảm bảo việc kinh doanh của các thành phần doanh nghiệp được công bằng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Mở cửa thị trường xăng dầu cho DN nước ngoài tham gia sẽ tốt hơn vì thị trường Việt Nam mang nặng màu sắc độc quyền hoặc độc quyền nhóm đã quá lâu. Nhà nước cũng can thiệp nhiều vào thị trường xăng dầu trong nước nhưng không hiệu quả, nên thị trường này cần thiết phải có cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Xăng dầu tự lực 1

Việc tham gia của các doanh nghiệp ngoại đương nhiên có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu trong nước nhưng tôi nghĩ sẽ không tác động nhiều trong ngắn hạn. Ở khâu bán lẻ, họ khó cạnh tranh để chiếm được các địa điểm kinh doanh tốt. Ở khâu bán buôn, việc phân phối cho các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp sẽ không được nhiều. Bởi vì, nếu đối tượng họ hướng tới là các doanh nghiệp Nhật Bản, thì số lượng tiêu thụ của họ không được nhiều do các doanh nghiệp này chủ yếu dùng điện năng hơn là dùng diesel trong quá trình sản xuất do đặc thù máy móc và chi phí điện năng rẻ hơn chi phí cho dầu diesel. Còn để tiếp cận các đơn vị sản xuất trực tiếp khác, họ phải chào bán với giá rẻ hơn trong khi các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam đã có những mối quan hệ kinh doanh lâu năm và quen thuộc với cách làm việc linh hoạt tại thị trường của mình hơn các đối thủ ngoại. Dù vậy, thị trường sẽ có thay đổi khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cuộc chơi.

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)