DIỄN ĐÀN ĐỐI NGOẠI
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH ĐINH TIẾN DŨNG: CẦN THẮT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG NGÂN SÁCH
(khoahockiemtoan.vn) - Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách nhà nước sau nửa năm vẫn chưa đạt được 50% dự toán do giảm thu đáng kể từ dầu thô và thu xuất nhập khẩu. Chi ngân sách 6 tháng cũng chỉ ở mức trên 44% dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng là 85,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: CẦN THẮT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG NGÂN SÁCH
 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách là đòi hỏi cực kỳ cấp thiết trong thời điểm hiện nay, nhất là trong bối cảnh bội chi cao, nợ công đang sát trần Quốc hội cho phép là 65% GDP.

 

Thưa Bộ trưởng, nhiều khoản thu ngân sách 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về khả năng hoàn thành dự toán thu cả năm nay?

 

6 tháng đầu năm nay, giá dầu giảm cùng tác động của việc thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do đã tác động đến thu ngân sách. Tuy nhiên, ngành tài chính sẽ hoàn thành dự toán thu năm nay. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngành tài chính đã họp với 13 địa phương có điều tiết thu về Trung ương và cùng chỉ ra "từng món, từng miếng" có thể triển khai thu. Bộ Tài chính đã giao chỉ tiêu tăng thu thêm với riêng 13 địa phương này với tổng số tiền là hơn 58.000 tỷ đồng (không kể tiền sử dụng đất). Tổng thu ngân sách năm nay sẽ vượt dự toán như năm ngoái.

 

Để hoàn thành dự toán thu ngân sách cả năm, một trong những nhiệm vụ của ngành tài chính là thu hồi nợ thuế. Thưa Bộ trưởng, công tác này đã được thực hiện như thế nào trong 6 tháng vừa qua và những tháng còn lại của năm nay?

 

Việc thu hồi nợ thuế là mục tiêu được ngành Tài chính đặt ra ngay từ đầu năm. Qua sơ kết 6 tháng đầu năm, chúng tôi đánh giá đã đi được một bước khá tốt. Trong đó, chúng tôi đã thanh tra trên 80 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, qua đó xử lý tăng thu cho ngân sách nhà nước, xử lý giảm lỗ của doanh nghiệp và truy hoàn cho ngân sách trên 1.500 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Tài chính đã triển khai 11 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý về tài chính hơn 1.800 tỷ đồng.

 

Cơ quan thuế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, qua đó tăng thu cho ngân sách nhà nước trên 5.000 tỷ đồng; đã thu hồi trên 20.000 tỷ đồng nợ đọng thuế năm 2015 chuyển qua.

 

Trong những tháng còn lại, bên cạnh tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đề ra, ngành Tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tăng cường thu hút dầu tư, nâng cao năng lực sản xuất.

 

Cơ quan thuế, hải quan phải nắm chắc đối tượng nộp thuế, thu đúng, thủ đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; Tiếp tục chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại, xử lý thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng.

 

Thưa Bộ trưởng, những vừa năm qua, thu ngân sách luôn luôn đạt ở mức cao song chi ngân sách cũng rất lớn nên bội chi ngân sách vẫn ở mức cao. Bộ Tài chính đã và đang thực hiện những biện pháp gì để giảm bội chi ngân sách, thưa Bộ trưởng?

 

Trong những năm qua thu ngân sách luôn đạt và vượt dự toán Quốc hội giao cho. Trước yêu cầu đòi hỏi phát triển đất nước thì yêu cầu chi rất lớn, nhất là chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng chương trình nông thôn mới, khắc phục hậu quả thiên tai,…

 

Nhu cầu chi quá lớn so với khả năng thu của ngân sách nhà nước. Vì vậy, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách là đòi hỏi cực kỳ cấp thiết trong thời điểm hiện nay, nhất là trong bối cảnh bội chi cao, nợ công đang sát trần Quốc hội cho phép là 65% GDP.

 

Thắt chặt kỷ cương ở đây có hai vế, gồm thu ngân sách và chi ngân sách. Đối với thu ngân sách, chúng ta phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý thu, chống thất thu, chống nợ đọng và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.

 

Đồng thời, chúng ta phải kiên quyết và điều hành chi ngân sách theo dự toán Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp thông qua. Tuyệt đối không chi ngoài dự toán, trừ những trường hợp phát sinh, cấp bách, mà cần phải chi đảm bảo đời sống của nhân dân.

 

Theo tôi, chi phải chặt chẽ theo dự toán, không chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán. Tất cả khoản chi theo tinh thần Hiến pháp thì phải được dự toán. Đồng thời phải cắt giảm những khoản chi không cần thiết; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khoản chi ngân sách. Đặc biệt trong chi thường xuyên, hội nghị, hội thảo, đi thăm quan nước ngoài, quản lý và sử dụng tài sản công,… Nói chung quy là, quản lý chi tiêu phải theo dự toán, đồng thời không ban hành các chính sách khi không chuẩn bị được nguồn ngân sách.

 

Đây là những yêu cầu cấp thiết, và các giải pháp rất cụ thể, đòi hỏi sự vào cuộc, sự kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân các cấp. Gắn với đó, chúng ta phải công bằng, công khai các khoản chi ngân sách nhà nước. Đây vừa là giải pháp trước mắt, cũng là căn cơ lâu dài để đảm bảo chi ngân sách thực sự hiệu quả.

 
Theo Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán số tháng 7.2016

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)