Qua 25 năm hình thành và phát triển,
lĩnh vực kiểm toán độc lập Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế và uy tín
trong nền kinh tế thị trường, được doanh nghiệp và xã hội thừa nhận; góp phần
lành mạnh hóa môi trường đầu tư và nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, bên
cạnh những thành quả đạt được, hoạt động kiểm toán độc lập cũng tồn tại nhiều hạn
chế, bất cập. Để chỉ ra những tồn tại, hạn chế này cũng như tìm ra hướng khắc
phục nhằm nâng cao chất lượng của kiểm toán độc lập và tăng cường mối quan hệ với
Kiểm toán nhà nước (KTNN), Hội thảo “Phát triển kiểm toán độc lập ở Việt Nam và
xác lập mối quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập” được tổ chức
với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài ngành KTNN, các giảng viên,
các nhà nghiên cứu đến từ các trường Đại học, Học viện liên quan đến lĩnh vực kế
toán kiểm toán.
Tại
buổi Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng phát triển của
kiểm toán độc lập, đặt trong mối tương quan với KTNN. PGS.TS Nguyễn Đình Hựu,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh Hà Nội đã chỉ rõ vai trò
của kiểm toán độc lập (KTĐL) trong quá trình công khai hóa và tăng cường trách
nhiệm giải trình đối với các thông tin kinh tế, tài chính trong điều kiện thị
trường. Theo đó, KTĐL có cơ may và trách nhiệm minh định hóa các thông tin tài
chính, những thông tin về dòng tiền, về sự hình thành và dịch chuyển các lợi
ích, những thông tin nhạy cảm và quan trọng nhất của kinh tế thị trường. Do vậy,
KTĐL đã can dự vào việc tạo ra những kết luận, đánh giá có giá trị thẩm định,
xác nhận, kết luận để các thông tin đó được công bố, được sử dụng cho các quyết
định quản trị của chủ thể quản lý…
Tương
tự, PGS.TS Phan Duy Minh, phó giám đốc Trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm
toán, KTNN cũng đã nhận định về vai trò không thể chối cãi của KTĐL đối với nền
kinh tế thị trường ở Việt Nam. Cạnh tranh được xem là động lực chủ yếu nhất để
các tổ chức kinh tế phát triern và đảm bảo tính hiệu quả của xã hội. Để tồn tại
trong cạnh tranh, xu hướng chung của các đơn vị, tổ chức kinh tế là công khai
không trung thực báo cáo tài chính và các thông tin khác; điều này dẫn đến rủi
ro lớn cho các tổ chức. Chính nhu cầu hạn chế rủi ro kinh doanh, nhu cầu về cạnh
tranh công bằng và nhu cầu về tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực
trong nền kinh tế thị trường đã tạo tiền đề cho dịch vụ kiểm toán độc lập ra đời
và phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Tại đây, PGS.TS Phan
Duy Minh cũng nhấn mạnh cần phải có cơ quan kiểm soát chất lượng hoạt động của
các công ty kiểm toán độc lập để đảm bảo chất lượng của các xác nhận của các
công ty KTĐL là khách quan, trung thực và đảm bảo chất lượng.
Để
cho hoạt động KTĐL đi vào khuôn khổ, đáp ứng nhu cầu xã hội, trước hết cần tạo
được hành lang pháp lý cho các công ty này hoạt động. Theo Thạc sỹ Lại Phương
Thảo, Học viện Nông nghiệp thì môi trường pháp lý cần được hoàn thiện với việc
ban hành các văn bản hướng dẫn vận dụng cụ thể các chuẩn mực nhằm điều chỉnh
các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán, năng lực kiểm toán viên; quy định
về mức phí kiểm toán; nội dung kiểm toán; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của
công ty kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán và các bên có liên quan.
Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phải cân nhắc một số vấn đề liên quan
đến loại hình doanh nghiệp kiểm toán; rà soát các báo cáo có ý kiến ngoại trừ
và các vấn đề nhấn mạnh trong các báo cáo kiểm toán để tổng hợp và phân tích
nguyên nhân của các ý kiến ngoại trừ và vấn đề nhấn mạnh; về khung giá phí kiểm
toán cũng như kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Trước
những rủi ro mà các công ty KTĐL có thể gặp phải, đặc biệt là các công ty vừa
và nhỏ, TS Bùi Thị Minh Hải, Bộ môn Kiểm toán, Đại học Kinh tế quốc dân cũng đã
nhìn nhận một cách toàn diện và đa chiều. Trước hết, đó là các rủi ro liên quan
đến: chấp nhận khách hàng mà không thực sự phù hợp chuyên môn, chấp nhận cuộc
kiểm toán chi phí thấp hay thời gian ngắn… dẫn đến chất lượng không đảm bảo, rủi
ro về kết luận không phù hợp hay rủi ro thỏa hiệp với khách hàng; các rủi ro
liên quan đến chảy máu chất xám; rủi ro về chất lượng kiểm toán và đạo đức kiểm
toán viên hay sự gia tăng về rủi ro tiềm tàng đặc biệt là gian lận chuyển giá
trong các giao dịch nội bộ. Để hạn chế và khắc phục những rủi ro này, các công
ty KTĐL cần nâng cao năng lực chuyên môn kiểm toán, trình độ ngoại ngữ và duy
trì đạo đức nghề nghiệp; thận trọng trong chấp nhận khách hàng; rà soát, chấn
chỉnh các thiếu sót, yếu kém trong quy trình kiểm toán; tham gia và các mạng lưới
kiểm toán, là thành viên các hãng kiểm toán quốc tế; mua bảo hiểm trách nhiệm
nghề nghiệp; đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ; sáp nhập các công ty có
quy mô vừa và nhỏ; kết nối với KTNN nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm
toán…
Từ
các vấn đề đặt ra, PGS.TS Đặng văn Thanh, Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Việt
Nam chỉ ra mối quan hệ giữa KTNN với KTĐL được thể hiện qua 4 điểm cơ bản: Thứ
nhất, cả ba loại hình kiểm toán đều phải tuân thủ quy trình kiểm toán và áp dụng
các phương pháp riêng có của kiểm toán; Thứ hai, đối tượng chính của kiểm toán
là gian lận và soi sót. Việc trao đổi và sử dụng những kinh nghiệm, những tổng
hợp về gian lận và sai sót do KTĐL đúc rút sẽ rất có ích cho KTNN; Thứ ba, kiểm
toán nội bộ với chức năng giúp chủ sở hữu và nhà quản lý kiểm tra, đánh giá và
xác nhận độ tin cậy của các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, tính tuân thủ,
tính kinh tế và tính hiệu quả của hoạt động nên kết quả của kiểm toán nội bộ của
đơn vị nên là tài liệu, là căn cứ quan trọng để KTVNN, KTV độc lập định hướng
và chọn lựa phương thức cách làm khi kiểm toán; Thứ tư, do đối tượng của KTNN rất
rộng nên KTNN rất cần và nên sử dụng kiểm toán độc lập để kiểm tra, đánh giá và
có ý kiến về thực trạng tài chính cũng như thông tin tài chính của các doanh
nghiệp có vốn và tài sản nhà nước.
Nhằm
tạo được sự thống nhất giữa các phân hệ kiểm toán, theo PGS.TS Chúc Anh Tú, Học
viện Tài chính, chúng ta cần quy định chức danh nghề nghiệp đồng nhất hơn giữa
các thông tư và so với quốc tế, với các nội dung học cần có sự giao thoa, đảm bảo
các môn học căn bản và bổ sung môn học chuyên ngành phù hợp.
Một yếu
tố quan trọng của kiểm toán chính là kiểm soát chất lượng kiểm toán. Theo
PGS.TS Đinh Trọng Hanh, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực 10 thì cần hình thành tổ
chức KSCLKT chuyên trách, độc lập, trực thuộc người đứng đầu tổ chức quản lý kiểm
toán, có sự phân cấp kiểm soát đúng đắn, phân định rõ phạm vi, quyền và trách
nhiệm giữa KSCLKT của chủ thể quản lý kiểm toán với KSNB của tổ chức thực hiện
kiểm toán, loại trừ cấp quản lý trung gian trong hoạt động kiểm toán. Thứ hai,
cần đa dạng hóa hình thức tổ chức KSCLKT, tổ chức hệ thống thông tin kiểm toán
hiện đại, chuyên nghiệp hóa hoạt động KSCLKT với việc xây dựng hệ thống chuẩn mực
và tiêu chí KSCLKT, phát triển năng lực nghề nghiệp của các kiểm soát viên
KSCLKT.
Xây dựng
được một nền KTĐL chất lượng, gắn bó chặt chẽ và phối hợp hiệu quả với KTNN
chính là tiền đề để tạo nên một nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.
Diệu Thúy