TIN TỨC
NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP BỘ “ĐÁNH GIÁ RỦI RO VÀ XÁC ĐỊNH TRỌNG YẾU TRONG KIỂM TOÁN CÁC ĐƠN VỊ DỰ TOÁN THUỘC NGÂN SÁCH BỘ, NGÀNH”

Chiều 16/12, tại trụ sở KTNN  số 116, Nguyễn Chánh, Hà Nội,  Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Xây dựng Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các đơn vị dự toán thuộc ngân sách bộ, ngành”.  Đề tài do TS. Nguyễn Văn Giáp và ThS. Nguyễn Danh Bình làm đồng Chủ nhiệm. GS,TS. Đoàn Xuân Tiên làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

 

Đại diện Ban đề tài báo cáo kết qua nghiên cứu trước Hội đồng

 

Đề tài được kết cấu thành 2 chương: Chương 1: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các đơn vị dự toán thuộc ngân sách bộ, ngành”. Chương 2: “Xây dựng và vận dụng Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các đơn vị dự toán thuộc ngân sách bộ, ngành”.

 

Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, KTNN đã xây dựng Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu theo từng lĩnh vực kiểm toán, trong đó có kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành. Nhìn chung, Hướng dẫn này đã được vận dụng đầy đủ trong các bước của quy trình kiểm toán, các hướng dẫn kiểm toán thuộc các lĩnh vực và hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán.

 

Tuy nhiên, đối với KTNN, việc tiếp cận đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu còn rất mới mẻ cả về nhận thức và thực tiễn áp dụng, đòi hỏi kiểm toán viên (KTV) phải có xét đoán chuyên môn và nhiều kinh nghiệm trong kiểm toán. Trong khi đó, hầu hết các KTV đang quen với phương pháp truyền thống nên sẽ có tâm lý ngại thay đổi, ngại tiếp cận với phương pháp làm mới.

 

Vấn đề trọng yếu, rủi ro trong các cuộc kiểm toán còn ít được lưu tâm, việc xác định phương pháp kiểm toán chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dẫn đến hoạt động kiểm toán còn tiềm ẩn rủi ro cao.

 

Bên cạnh đó, Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành ban hành kèm theo Quyết định số 05/2019/QĐ-KTNN (Quyết định 05) vẫn chưa chi tiết, cụ thể, dẫn đến việc áp dụng còn gặp nhiều khó khăn.

 

Từ thực tế nêu trên, việc nghiên cứu Đề tài khoa học “Xây dựng Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các đơn vị dự toán thuộc ngân sách bộ, ngành” nhằm đánh giá thực trạng của KTNN trong việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu khi kiểm toán các đơn vị dự toán thuộc ngân sách bộ, ngành, qua đó đề xuất định hướng và giải pháp để vận dụng hiệu quả Hướng dẫn của KTNN phù hợp với thực tiễn kiểm toán.

 

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã đóng một số ý kiến vào nội dung đề nâng cao chất lượng đề tài như: Phần nội dung thực tiễn cần cô đọng lại các nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu của đề tài; xem xét bổ sung thêm các ví dụ để hướng dẫn vận dụng đối với từng loại hình, đặc thù theo từng nhóm đơn vị dự toán sử dụng ngân sách; đánh giá thực trạng kiểm toán của KTNN kể từ khi thực hiện Quyết định 05;  xác định rõ các hạn chế và nguyên nhân liên quan đến việc áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán đơn vị sử dụng ngân sách thuộc ngân sách bộ, ngành thời gian vừa qua...

 

GS.TS. Đoàn Xuân Tiên phát biểu kết luận buổi nghiệm thu

 

Kêt luận buổi nghiệm thu, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên đề nghị Ban Chủ nhiệm tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề tài. Trong đó, cần làm rõ mục tiêu nghiên cứu, sản phẩm đầu ra; bổ sung thêm nhiều ví dụ cụ thể trong quá trình thực hiện kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu theo Quyết định 05; rà soát lại một số nội dung đảm bảo tính chính xác, phù hợp với các văn bản quy định hiện hành...

 

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu  thông qua và xếp loại Xuất sắc.

Khoa Lâm

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)