NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
BÀN VỀ PHƯƠNG PHÁP GHI CHÉP VÀ HƯỚNG DẪN TÀI LIỆU LÀM VIỆC CỦA KIỂM TOÁN VIÊN
Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề có liên quan đến mục đích, nội dung, yêu cầu và phương pháp ghi chép, hướng dẫn tài liệu làm việc của KTV trong quá trình kiểm toán

TS. Lê Quang Bính

            Những ghi chép của kiểm toán viên (KTV) trong hoạt động kiểm toán luôn được xem là cơ sở, là phần công việc đầu tiên của quá trình kiểm toán và có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả và ngăn ngừa rủi ro kiểm toán. Chính vì điều đó mà vấn đề làm sáng tỏ tính khoa học, tính hợp lý về nội dung và phương pháp ghi chép tài liệu làm việc của kiểm toán viên để đi đến chuẩn hoá vấn đề này trong tác nghiệp của KTV là hết sức cần thiết.

             Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề có liên quan đến mục đích, nội dung, yêu cầu và phương pháp ghi chép, hướng dẫn tài liệu làm việc của KTV trong quá trình kiểm toán .

            Nếu xét ở giác độ chung thì việc ghi chép của KTV bao gồm toàn bộ những tác nghiệp của KTV có liên quan đến Hồ sơ kiểm toán gồm: Xây dựng các kế hoạch, chương trình kiểm toán; ghi chép thu thập bằng chứng kiểm toán, ghi nhật ký kiểm toán, tổng hợp số liệu để lập biên bản xác nhận, biên bản kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán vv.. Nếu xét ở giác độ cụ thể, ghi chép của KTV được hiểu là những tác nghiệp trực tiếp của KTV trong quá trình thực hiện kiểm toán như ghi nhật ký kiểm toán, ghi chép thu thập bằng chứng kiểm toán, tổng hợp số liệu để lập biên bản xác nhận số liệu về tình hình kiểm toán của KTV.

            Trong những năm qua, đặc biệt là sau khi có Quyết định 02/2007/QĐ-KTNN ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Tổng KTNN về Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán thì toàn bộ công việc ghi chép của Đoàn, tổ kiểm toán và ghi chép của KTV từng bước đi vào nề nếp và chuẩn hoá. Tuy nhiên vấn đề ghi chép của KTV ở phần ghi nhật ký, thu thập bằng chứng, tổng hợp số liệu hiện nay còn nhiều điểm chưa được xác lập rõ về mặt khoa học và chưa được tổng hợp đầy đủ về mặt thực tiễn, dẫn đến biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của KTV chưa đủ đảm bảo để làm cơ sở tốt nhất cho tổ kiểm toán lập biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của tổ kiểm toán, lập biên bản kiểm toán của tổ và lập báo cáo kiểm toán của Đoàn.

            Theo qui định Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán ban hành theo quyết định số 02/2007/QĐ-KTNN ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Tổng KTNN thì phần ghi chép của KTV mới được hướng dẫn và qui định ở 02 mẫu biểu: Mẫu số 02/HSKT-KTNN nhật ký làm việc của KTV; Mẫu số 03/HSKT-KTNN biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của KTV. Ngoài ra mẫu số 01/HSKT-KTNN kế hoạch kiểm toán chi tiết có thể được hiểu là kế hoạch kiểm toán chi tiết cho tổ kiểm toán và cũng có thể được vận dụng để lập kế hoạch kiểm toán chi tiết cho từng kiểm toán viên khi kiểm toán các phần hành cụ thể như kiểm toán doanh thu, kiểm toán vốn bằng tiền vv..

            Với 3 mẫu biểu qui định ghi chép của KTV trong Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán hướng dẫn trên, quá trình ghi chép và thực hiện của KTV được thực hiện theo trình tự sau:

            - Dựa vào thực tế của đơn vị được kiểm toán đối với phần việc mà KTV được tổ trưởng phân công, dựa vào kế hoạch kiểm toán của Đoàn đã được phê duyệt và kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ (nếu có) KTV lập kế hoạch chi tiết cho phần việc được giao của mình (hiện nay trong hướng dẫn chưa ghi rõ công việc này) Nội dung kế hoạch chi tiết này bao gồm nội dung các công việc kiểm toán, thời gian thực hiện, các vấn đề trọng yếu, khoản mục hoặc phần việc kiểm toán được giao (thông thường theo khoản mục của báo cáo tài chính hoặc báo cáo quyết toán)

            - Đối với nhật ký làm việc của KTV mẫu số 02/HSKT-KTNN yêu cầu ghi chép của KTV đối với nhật ký làm việc gồm: ghi chép công việc đã thực hiện kiểm toán trong các thời gian cụ thể (hàng ngày) và các bằng chứng thu thập có liên quan đến số liệu kiểm toán, nhận xét đánh giá, kiến nghị của KTV trong phần nghiệp vụ kiểm toán được giao cũng sẽ được phản ánh trong nhật ký kiểm toán, ngoài ra tất cả những phát hiện sai phạm hoặc các nghi ngờ có gian lận, các lưu ý về kết quả kiểm toán cũng được phản ánh vào trong nhật ký kiểm toán.

            - Bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của KTV, mẫu số 03/HSKT-KTNN là bản tổng hợp số liệu kiểm toán về phần việc mà KTV đã thực hiện, gồm số liệu của đơn vị được kiểm toán, số liệu của KTV, chênh lệch, lý do chênh lệch và quan điểm xử lý số liệu và kiến nghị của KTV về các nghiệp vụ nêu trên . Ngoài ra trong mẫu này KTV có thể có các thuyết minh làm sáng tỏ thêm kết quả kiểm toán, quan điểm của mình về xử lý kết quả kiểm toán. Biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán có xác nhận từ phía đơn vị.

            Từ các biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của các KTV, tổ trưởng tổ kiểm toán sẽ tổng hợp thành Biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của các tổ kiểm toán có xác nhận từ phía đơn vị được kiểm toán. Kết hợp biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán đối với các kết quả kiểm toán khác để tổng hợp lập dự thảo biên bản kiểm toán. Sau khi có sự thống nhất giữa các thành viên trong tổ Biên bản kiểm toán (được gọi là báo cáo kiểm toán của tổ kiểm toán) sẽ thông qua Đoàn kiểm toán. Biên bản kiểm toán các tổ kiểm toán là cơ sở để lập báo cáo kiểm toán.

            Theo chúng tôi 03 mẫu biểu qui định và hướng dẫn ghi chép của KTV theo quyết định số 02/2007/QĐ-KTNN ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Tổng KTNN nói trên, trong quá trình tác nghiệp kiểm toán được xem là một bước tiến khá lớn trong quá trình chuẩn hoá tác nghiệp của KTV - KTNN, tuy nhiên còn có một số hạn chế như sau:

- Thứ nhất các qui định về mẫu biểu ghi chép đối với KTV chưa đầy đủ và chưa được cụ thể đối với tác nghiệp các phần hành cụ thể của KTV. Dựa vào các biểu mẫu này, KTV mới chỉ có những biểu mẫu chung nhất trong việc kiểm toán ở tất cả các công việc kiểm toán được phân công. Khi kiểm toán các phần nghiệp vụ của từng khoản mục theo báo cáo tài chính hoặc báo cáo quyết toán sẽ làm cho KTV lúng túng tác nghiệp hoặc không xác định được các mục tiêu kiểm toán củ thể. Bên cạnh đó việc kiểm tra, giám sát công việc kiểm toán của KTV của Tổ, Đoàn, phòng tổng hợp của kiểm toán chuyên nghành hoặc KTNN khu vực, các cơ quan tham mưu như Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ & KSCLKT, Vụ Pháp Chế… sẽ rất khó khăn. Dẫn đến việc kiểm soát, đánh giá chất lượng kiểm toán đối với KTV không đủ cơ  sở. Với qui định và hướng dẫn như trên, sẽ dẫn đến KTV dễ làm việc qua loa, thậm chí bỏ qua các yêu cầu tác nghiệp kiểm toán trong qui trình, chuẩn mực kiểm toán. Điều này gây rủi ro cho việc lập biên bản của tổ kiểm toán, báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán và rủi ro cho hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung. Thực tế cho thấy phần lớn kết quả ở biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán khi kiểm tra, truy xét đến bằng chứng kiểm toán thì không có hoặc không đầy đủ bằng chứng phù hợp.

- Thứ hai, Nhận ký làm việc của KTV và biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của KTV được xây dựng  chung cho tất cả các phần hành kiểm toán khác nhau như kiểm toán doanh thu, kiểm toán vốn bằng tiền, kiểm toán quyết toán mua sắm thiết bị vv…dẫn đến nó không có tác dụng “cầm tay chỉ việc” đối với KTV, làm cho KTV khi tác nghiệp các phần hành cụ thể không biết cách thức tiến hành như thế nào? cái gì thực hiện trước, cái gì thực hiện sau. Về nguyên tắc thì KTV khi thực hiện kiểm toán phải tuân theo chuẩn mực, qui trình kiểm toán, chính vì vậy cần có hướng dẫn cụ thể để KTV có được các bước công việc và nội dung công việc thực hiện nhằm bảo đảm sự  tuân thủ chuẩn mực và qui trình kiểm toán.

Để giúp cho quá trình tác nghiệp kiểm toán của KTV  và việc ghi chép, thu thập bằng chứng của KTV chúng tôi xin kiến nghị: KTNN nghiên cứu bổ sung thêm một số mẫu biểu và hướng dẫn về ghi chép của KTV như sau:

- Cần ban hành các mẫu biểu về thủ tục chương trình kiểm toán cụ thể đối với từng phần hành tác nghiệp kiểm toán (theo khoản mục báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán được kiểm toán. Các mẫu biểu về chương trình kiểm toán này tốt nhất là tương thích với các khoản mục trên báo cáo tài chính hoặc báo cáo quyết toán được kiểm toán. Khi tổng hợp các phần tác nghiệp kiểm toán của kiểm toán viên nào thì tương ứng với số khoản mục của các chương trình thủ tục kiểm toán mà KTV đó thực hiện. Kết quả kiểm toán phản ảnh tại các chương trình kiểm toán của các khoản mục mà KTV đó thực hiện để lập biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán giữa KTV đó với đơn vị được kiểm toán. Các mẫu biểu về chương trình kiểm toán đối với từng khoản mục sẽ là cơ sở để KTV thực hiện các công việc kiểm toán, đồng thời là cơ sở để kiểm tra, giám sát đối với KTV trong quá trình kiểm toán và xác định trách nhiệm củ thể của KTV đối với két quả kiểm toán. Các mẫu biểu về chương trình kiểm toán đối với các khoản mục báo cáo tài chính hoặc báo cáo quyết toán sẽ được KTV tổng hợp trên cơ sở nhật kí và các bằng chứng thu thập của KTV. Chính vì vậy  mẫu biểu về chương trình kiểm toán cần được thiết kế các cột đánh dấu trang nhật kí; những vấn đề đã xác minh rõ, những vấn đề chưa được làm rõ hoặc chưa có cơ sở khẳng định; ngày tháng, người hoặc tổ chức liên quan đến bằng chứng kiểm toán. Mẫu biễu về chương trình kiểm toán nên bao gồm các nội dung sau:

Chương trình kiểm toán – Khoản mục


1.  TÀI LIỆU YÊU CẦU KHÁCH HÀNG CHUẨN BỊ

  ……………………….

   ………………………
2. CÁC THỦ TỤC KIỂM TOÁN
     1.1. XEM XÉT QUÁ TRÌNH LẬP KẾ HOẠCH
     1.2.
LẬP BIỂU TỔNG HỢP
     1.3. CÁC CHÍNH SÁCH KẾ TOÁN

     1.4.
KIỂM TRA HỆ THỐNG KIỂM SOÁT
     1.5. KIỂM TRA CHI TIẾT
Ki
ểm tra các tài khoản chi tiết theo các nội dung sau:
           - Kiểm tra số dư đầu kì
           - Kiểm tra số phát sinh tăng
           - Kiểm tra số phát sinh giảm


 3.  XEM XÉT KỸ LƯỠNG VÀ SOÁT XÉT LẠI KẾT QUẢ KIỂM TOÁN


 4. TRÌNH BÀY VÀ CÔNG BỐ


 5. CÁC THỦ TỤC KIỂM TRA BỔ SUNG


 6. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

6.1   Kết luận về mục tiêu kiểm toán
Dựa trên các công việc đã thực hiện, các bằng chứng kiểm toán thu thập được và các điều chỉnh đề nghị đã được đơn vị đồng ý,
   -  Được trình bày trung thực và hợp lý       
 
   -   Không được trình bày trung thực và hợp lý       
 
   - 
Các lý do khoản mục không được trình bày trung thực và hợp lý

6.2. Kiến nghị
 
6.3 Các vấn đề cần tiếp tục theo dõi trong những đợt kiểm toán sau

Người thực hiện:
Ngày hoàn thành:

(Chúng tôi có mẫu chương trình kiểm toán vốn bằng tiền đính kèm ở phần phụ lục)

-  Đối với  nhật ký kiểm toán, KTV cần nêu các công việc đã thực hiện trong chương trình kiểm toán, làm rõ các quá trình điều tra, thu thập bằng chứng, đánh giá bằng chứng của mình. Đồng thời các vấn đề mà KTV phát hiện ghi trong nhật ký phải kèm theo các bằng chứng chứng minh. Nhật kí của KTV được xem là giấy tờ làm việc chủ yếu của KTV, phải được đánh số trang , được kiểm tra tính liên tục của các trang nhật kí và quá trình làm việc của KTV. Nhật kí làm việc của KTV phải phản ảnh rõ những tác nghiệp KTV đã thực hiện, chưa thực hiện hoặc không thể thực hiện và nêu các lí do củ thể. Nhật kí làm việc của KTV là cơ sở quan trọng nhất để ghi vào mẫu biểu về chương trình kiểm toán các khoản mục.

- Đối với biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của KTV nên sửa đổi về cả nội dung và hình thức . Số liệu của mẫu biểu này được tổng hợp từ các mẫu biểu về chương trình kiểm toán các khoản mục do KTV thực hiện theo kế hoạch kiểm toán chi tiết được giao. Kết quả tổng hợp chủ yếu phản ánh số liệu của đơn vị, số liệu của KTV không thống nhất và ý kiến điều chỉnh, kiển nghị xử lý của KTV . Trường hợp một KTV nào đó chỉ được giao kiểm toán một khoản mục nhất định trên báo cáo tài chính hoặc báo cáo quyết toán thì không nhất thiết lập bảng xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán giữa KTV với đơn vị được kiểm toán mà lấy mẫu biểu về chương trình kiểm toán của khoản mục đó làm cơ sở để tổng hợp bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của tổ kiểm toán và lập biên bản kiểm toán của tổ kiểm toán.

Hiện nay hoạt động kiểm toán của KTNN và kiểm toán viên nhà nước đã từng bước đi vào nề nếp với tính chuyên nghiệp hoá ngày càng cao. Các hồ sơ biểu mẫu kiểm toán do Tổng KTNN ban hành đang có tác dụng rất lớn trong quá trình tác nghiệp của KTV, giúp cho KTV khi thực hiện kiểm toán có được sự định hướng, hướng dẫn một cách củ thể. Tuy nhiên việc hoàn thiện theo hướng đề xuất các tài liệu ghi chép của KTV là hết sức cần thiết để cue thể hoá các công việc kiểm toán của KTV và tăng tính chuyên nghiệp của KTV trong hoạt động của KTNN.

Để làm rõ đề xuất về nội dung mẫu biểu về chương trình kiểm toán, chúng tôi gửi đến bạn đọc một mẫu biểu về chương trình kiểm toán khoản mục tiền và tài sản tương đương tiền, trên Bảng cân đối kế toán các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

 

PHỤ LỤC

CHƯƠNG TRÌNH  KIỂM TOÁN

TIỀN VÀ CÁC KHOẢN TÀI SẢN TƯƠNG ĐƯƠNG TIỀN

I. TÀI LIỆU YÊU CẦU ĐƠN VỊ CHUẨN BỊ

·         Sổ cái và các sổ kế toán chi tiết.

·         Sổ quỹ tiền mặt.

·         Biên bản kiểm kê quỹ tiền mặt.

·         Bản đối chiếu số dư các tài khoản ngân hàng.

·         Xác nhận của ngân hàng, kho bạc

 

II. CÁC THỦ TỤC KIỂM TOÁN

1.      Kiểm toán tổng quát

  -  Xem xét và lập Biểu tổng hợp về tiền và các khoản tương đương tiền.

  -  Đối chiếu số dư đầu năm trên  Biểu tổng hợp, Bảng cân đối số phát sinh, sổ cái, sổ chi tiết với số dư cuối năm trước hoặc hồ sơ kiểm toán năm trước (nếu có).

   -  Đối chiếu số liệu cuối năm/kỳ trên Biểu tổng hợp với sổ cái, sổ chi tiết.

2.      Kiểm tra  tính nhất quán các chính sách kế toán

   Xem xét xem chính sánh kế toán áp dụng cho tiền và các khoản tương đương tiền có phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán qui định không.

3. Kiểm tra  hệ thống kiểm soát nội bộ 

Kiểm tra các hoạt động kiểm soát chủ yếu và các kết luận về việc thiết lập và hoạt động hữu hiệu của hệ thống trong kỳ. Xác định các cơ sở dẫn liệu có ảnh hưởng quan trọng được đảm bảo bởi việc kiểm tra hệ thống .

4.      Kiểm tra chi tiết

4.1 Kiểm toán tiền gửi ngân hàng hoặc kho bạc ( gọi chung là tiền gửi ngân hàng)

               a) Bảng đối chiếu số dư ngân hàng

  - Kiểm tra số dư của các tài khoản ngân hàng trong Bảng đối chiếu số dư tiền gửi ngân hàng với:  Sổ chi tiết tiền gửi ngân hàng;  Sổ cái;  Bảng kê của ngân hàng;  Xác nhận của ngân hàng.

  - Kiểm tra các khoản chênh lệch giữa sổ chi tiết tiền gửi ngân hàng và Bảng đối chiếu số dư tiền gửi ngân hàng.

  -  Điều tra các khoản mục bất thường:

         + Tiền gửi ngân hàng chưa được ghi nhận tại ngân hàng sau ngày kết thúc năm tài chính/kỳ kế toán.

         +  Các khoản mục bất thường hoặc các khoản chuyển khoản gần ngày kết thúc năm tài chính/kỳ kế toán mà có ảnh hưởng trọng yếu đến số dư tiền gửi ngân hàng.

  - Xem xét sự cần thiết có của điều chỉnh bổ sung cho:   Séc không được thực hiện đúng kỳ hạn sau ngày kết thúc năm tài chính/kỳ kế toán;  Séc chưa thanh toán lâu ngày.

             b) Các cá nhân được ủy nhiệm và các qui định riêng

    -  Thu thập bản sao của sự ủy nhiệm, chữ ký phê duyệt và xem xét hoạt động của sự ủy nhiệm

    -  Soát xét hoạt động của các tiện ích đặc biệt.

    - Xác định xem có tài khoản tiền gửi ngân hàng nào được dùng để đảm bảo trên phương diện là tài sản của đơn vị hay không. 

     -  Xem xét xem có bất kỳ khoản thấu chi nào được quyền được cấn trừ vào tài khoản có số dư nợ không.

      -  Xem xét các biên bản hay các chứng từ khác để tìm bằng chứng liên quan đến các hạn chế về khả năng sử dụng số dư tiền gửi ngân hàng (Bao gồm các tài khoản ngoại tệ và các số dư giữ tại nước ngoài).

c)      Xác nhận của ngân hàng

    -  Cập nhật các thông tin cơ bản bao gồm sự ủy nhiệm mới hoặc sự thay đổi trong ủy nhiệm, tài khoản ngân hàng và chữ ký.

    - Thu thập chấp thuận của đơn vị để được tiếp cận với các ngân hàng (nếu chưa có).

    - Gửi các thư xác nhận theo mẫu chuẩn cho tất cả các ngân hàng mà đơn vị có tài khoản giao dịch trong năm/kỳ.

    -  Đảm bảo các ngân hàng đều đã nhận được thư xác nhận và các câu hỏi đã được trả lời đầy đủ.

    -  Thảo luận ngay với ngân hàng  các khoản không đúng, chưa đầy đủ hay đòi hỏi có thêm các giải thích (Ngân hàng phải thực hiện giải thích bằng văn bản).

    -  Giải quyết các thông tin bất thường nhận được trong thư trả lời (ví dụ như số dư không được biết đến trước đây hay các khoản nợ tiềm tàng).

d)     Tài khoản ngoại tệ

    -  Xác định tỉ giá chuyển đổi đã được sử dụng đúng

    -  Kiểm tra để đảm bảo các số dư có gốc ngoại tệ cuối năm/kỳ đã được đánh giá theo tỉ giá chuyển đổi phù hợp.

    -  Xem xét xem có bất kỳ hạn chế nào trong việc sử dụng tài khoản không.

e)      Thu tiền

    -  Chọn mẫu việc thu tiền được ghi nhận và kiểm tra sự phù hợp của các bút toán  với: Sổ quỹ, Các chứng từ chứng minh, Doanh thu/sổ cái.

   -  Lấy danh sách toàn bộ các séc nhận được nhưng chưa được gửi cho ngân hàng và xác nhận:

f)       Các khoản trả tiền

     -  Chọn mẫu các nghiệp vụ được ghi nhận trong trong sổ chi tiết tiền gửi ngân hàng và kiểm tra sự phù hợp với: Tài khoản mua hàng/sổ cái; Hóa đơn/báo cáo của nhà cung cấp hay các chứng từ khác.

    -  Kiểm tra tính liên tục về số thứ tự của séc và hỏi các số thứ tự bị mất.

    -  Yêu cầu xem xét việc thanh toán séc đúng hạn của ngân hàng: Để xác định rằng người trả và số tiền phù hợp với chi tiết ghi nhận trong ghi nhận kế toán; Xác nhận rằng nó đã được ký bởi người có thẩm quyền; Xác định ngày thực hiện thanh toán tại ngân hàng; Xác định các khoản bất thường như sự sửa đổi hay chứng thực phía sau của séc, hay là séc được trả bằng tiền hay cho người cầm tờ séc.

   h)  Các khoản chuyển khoản  : Xem xét các khoản chuyển khoản tại hoặc xung quanh ngày kết thúc năm tài chính/kỳ kế toán với tài khoản ngân hàng của các đơn vị trong tập đoàn, tiền mặt hay các ghi nhận khác để đảm bảo hai bên ghi nhận cùng niên độ.

  4.2. Kiểm tra tiền mặt

     - Thu thập các biên bản kiểm kê của thủ quỹ.

     -  Kiểm tra số dư tồn quỹ của các tháng với hạn mức cho phép tồn quỹ.

     - Thực hiện các thủ tục kiểm kê (nên thực hiện kiểm kê tiền vào buổi sáng sau khi sổ quỹ đã được đối chiếu). Việc kiểm quỹ phải được thực hiện đồng thời tại các  địa điểm và không báo trước, trong sự hiện diện của thủ quỹ, ghi chép lại các biện pháp bảo đảm cho tài sản như khóa két; Yêu cầu thủ quỹ ký xác nhận ; Liệt kê toàn bộ tiền giấy, tiền xu vv..

     -  Liệt kê toàn bộ các chứng từ chi chưa ghi nhận dưới các tiêu đề phù hợp, kiểm tra chúng thực sự liên quan đến: Ngày hiện hành của chứng từ.; đã chấp thuận bởi các cấp có thẩm quyền; cho các chi phí hợp lý; đã được đóng dấu “đã trả”.

     -  Yêu cầu thủ quỹ ghi nhận các chứng từ chi chưa ghi nhận

     -  Liệt kê toàn bộ các khoản tạm ứng và kiểm tra chúng thực sự liên quan đến: Ngày hiện hành của chứng từ; Có các cấp có thẩm quyền duyệt; Đã được ký bởi người nhận.

     -  Kiểm tra tất cả các khoản tạm ứng bằng việc yêu cầu  người tạm ứng xác nhận và gửi trực tiếp cho kiểm toán viên.

     -  Kiểm tra một vài nghiệp vụ sau cùng trong sổ quỹ tiền mặt và đảm bảo rằng chúng đã được ghi chép đầy đủ và phù hợp.

  4.3  Ki ểm tra tiền đang chuyển

     -  Thu thập bảng kê số dư tiền đang chuyển tại ngày kết thúc năm tài chính/kỳ kế toán.

    -  Kiểm tra giấy báo có của ngân hàng sau ngày kết thúc năm tài chính/kỳ kế toán để xác định số dư cuối năm/kỳ là đúng.

  4.4. Các tài sản tương đương tiền

 Kết hợp với Kiểm toán viên thực hiện kiểm tra chỉ tiêu “Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn” để xem xét tính hợp lý của các tài sản tương đương tiền trình bày trong phần này.

 

5.      Soát xét, đối chiếu các kết quả kiểm tra chi tiết

-  Đọc lướt qua sổ quỹ tiền mặt, sổ chi tiết tiền gửi ngân hàng để phát hiện các nghiệp vụ lớn/bất thường và kiểm tra với chứng từ gốc

 -  Xem xét kỹ lưỡng các thư xác nhận ngân hàng, sổ quỹ tiền mặt, biên bản họp hay các bảng kê của ngân hàng để xác định các tài khoản đã được mở nhưng chưa được đơn vị chưa công bố.

     -  Xem xét xem việc trình bày và công bố tiền và các khoản tương đương tiền trên Báo cáo tài chính có phù hợp với Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng ở trên không.

6.      Các thủ tục kiểm tra bổ sung nếu cần

 

    III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 

   1. Kết luận

   -  Số liệu tiền và tài sản tương đương tiền trên báo cáo tài chính được trình bày trung thực và hợp lý    

 - Số liệu tiền và tài sản tương đương tiền trên báo cáo tài chính không được trình bày trung thực và hợp lý        

 2. Kiến nghị

                                                                      

3. Các vấn đề cần tiếp tục theo dõi trong những đợt kiểm toán sau

 

Người thực hiện:

 

Ngày hoàn thành:

 

         (Thủ tục kiểm toán này có sự tham khảo tư liệu hướng dẫn kiểm toán quốc tế)
TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)