DIỄN ĐÀN KINH TẾ
VIỆT NAM SAU 3 NĂM GIA NHẬP WTO: VẬN HỘI VÀ THÁCH THỨC
Năm 2010, Việt Nam đã tròn 3 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, đánh giá lại quá trình 3 năm Việt Nam gia nhập WTO rất khó, vì trong thời gian này khủng hoảng kinh tế thế giới đã bóp méo nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam; tuy nhiên vẫn cần phải đánh giá lại để định hướng chiến lược, dự báo phát triển cho các năm tiếp theo.
Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO: Vận hội và thách thức

* Thưa ông! Có thể nói là sau 3 năm ra nhập WTO chúng ta thu được rất nhiều thành tựu có tác động lan tỏa tới nền kinh tế. Những đánh giá, nhận xét của ông về hiệu ứng của WTO đối với sự phát triển của nền kinh tế nước ta?

- Việc chúng ta tham gia WTO chỉ là một trong những biện pháp để phát triển kinh tế, chứ nó không thể thay thế hết tất cả các biện pháp khác. Do đó việc chúng ta nhìn lại mấy năm vừa qua và bóc tách ra cái gì là do tác động của việc ra nhập tổ chức WTO, cái gì là do những nhân tố khác là rất khó. Điểm khó nữa là chúng ta đã gặp điều không may. Tức là gia nhập tổ chức WTO vào lúc tình hình kinh tế thế giới bị đảo lộn, trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ nặng nề, suy thoái kinh tế rất nghiêm trọng. Do đó để đánh giá một cách chuẩn xác, cái gì là nhờ gia nhập tổ chức WTO, cái gì là không quả là không đơn giản. Nhưng cũng có thể nhìn thấy tình hình đất nước chúng ta sau khi Việt Nam ra nhập tổ chức WTO, coi như là từ đầu năm 2007 đi thì nó cũng có những biểu hiện tích cực. Biểu hiện thứ nhất là xuất khẩu của chúng ta tiếp tục tăng và với tốc độ trên 20%/năm, với thị trường ngày càng được mở rộng. Thứ 2 cũng có thể cảm nhận một cách đặc biệt rõ nét tức là đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam bùng nổ vào năm 2007 và nhất là năm 2008 với tốc độ chúng tôi cũng không ngờ tới. Điều đó đã nói nên sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam càng mạnh hơn nữa sau khi Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới. Đấy là 2 thành tựu mà chúng ta có thể ghi nhận được. Từ đó, dòng tiền ngoại hối đổ vào Việt Nam: kể cả qua đầu tư, rồi là xuất khẩu, rồi là kiều hối, lao động tất cả những điều đó làm cho dự trữ ngoại tệ của chúng ta tăng lên đáng kể. Cái thứ 3 tôi cho rằng nó vô hình thôi nhưng mà lại cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa rất là lớn: Tức là các doanh nghiệp của chúng ta đã bước đầu đã học được cách hội nhập với thế giới và cũng đã phát huy được tác dụng của mình, đồng thời cũng ứng phó được với những tác động không thuận của nền kinh tế thế giới. Tất nhiên còn nhiều vấn đề, nhưng mà ra trận lần đầu như thế được thì rất đáng ghi nhận. Cái thứ 4 đó là hệ thống pháp lý của chúng ta, khung khổ pháp lý của chúng ta, cơ chế chính sách của ta về lĩnh vực kinh tế được cải thiện lên rất nhiều so với trước khi chúng ta gia nhập tổ chức WTO. Trong quá trình ra nhập tổ chức này, chúng ta cũng đã phải đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hệ thống pháp lý của chúng ta rồi. Thế thì chính điều đó đã cởi trói cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nó làm cho cơ chế kinh tế của chúng ta thông thoáng, minh bạch hơn rất nhiều. Đấy cũng là một kết quả mà chúng ta tuy không cân đong, đếm được nhưng lại rất quan trọng. Kết quả thứ 5 nữa là, với việc gia nhập tổ chức WTO thì vị thế quốc tế của chúng ta tăng hơn hẳn. Cũng cùng với lúc đó thì chúng ta được bầu vào ủy viên không thường trực hội đồng bảo an liên hợp quốc hai năm liền, rồi Việt Nam được tín nhiệm là nước Chủ tịch của Asean, rồi chúng ta đại diện cho Asean dự diễn đàn rất lớn là G20… Những điều đó chúng ta không thể tưởng tượng được nếu mà chúng ta không hội nhập với thế giới. Có thể kể ra rất nhiều rất nhiều sự kiện nói nên vị thế quốc tế của Việt Nam. Nhìn một cách tổng quát thì có thể ghi nhận việc chúng ta gia nhập tổ chức WTO là một trong những biện pháp để phát triển kinh tế, một trong những biện pháp để hội nhập với thế giới và nó mang ý nghĩa quan trọng và có những tác dụng rất là cụ thể. Thế nhưng chỉ nói một chiều những thuận lợi đó thôi thì chưa đủ. Vẫn còn có những khó khăn và nhiều thách thức.

                * Trước khi chúng ta ra nhập WTO thì chúng ta đều biết rằng là khi vào tổ chức này sẽ phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức. Hiện nay, theo ông đánh giá: sau 3 năm như vậy thì những thách thức mà chúng ta gặp phải mà chúng ta chưa vượt qua được là như thế nào?

- Phải nói thách thức mà chúng ta đang gặp phải không chỉ phát sinh ở việc chúng ta gia nhập WTO mà nó nằm trong nội tại nền kinh tế. Những thách thức đó càng bộc lộ rõ nét hơn khi chúng ta hội nhập với thế giới, khi chúng ta gia nhập WTO. Tôi nói ví dụ như là vấn đề kết cấu hạ tầng của chúng ta rất là yếu kém. Chúng ta biết rất rõ và cũng có rất nhiều cố gắng nhưng tìm được lời giải thích đáng. Khi bùng nổ quan hệ xuất nhập khẩu, bùng nổ quan hệ đầu tư thì cái yếu kém đó bộc lộ càng rõ. Hay là việc chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng mà mọi người rất là lo lắng, bức xúc là thiếu điện. Điều này có liên quan gì đến WTO đâu, thế nhưng, rõ ràng nó bộc lộ sự yếu kém của nền kinh tế chúng ta chưa sẵn sàng ứng phó với sự triển mạnh mẽ như vậy. Hoặc là vấn đề nhập siêu, năm vừa qua nhập siêu của chúng ta rất là lớn, do chúng ta cũng đẩy mạnh xuất khẩu nhưng cơ hội phát triển xuất khẩu, phát triển kinh tế tăng lên thì nhập siêu cũng tăng. Tức là cái “bệnh cũ” của nền kinh tế nó bộc lộ ra một cách rất là rõ ràng. Cái thứ 2 nữa khả năng cạnh tranh của Việt Nam càng bộc lộ  sự yếu kém. Tất cả những cái tôi kể trên cũng là những cái yếu kém của khả năng cạnh tranh thế nhưng, ý tôi muốn nói ở đây là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thì chúng ta cũng trụ vững được, cũng vẫn là phát triển, không đến lỗi là thua trên sân nhà như nhiều người nói. Nhưng rõ ràng là chúng ta có thể lợi dụng được nhiều cơ hội hơn nếu chúng ta có khả năng cạnh tranh mạnh. Tức là về năng lực nắm bắt tình hình, dự báo tình hình, rồi tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu… Thì tất cả những điều đó nếu chúng ta làm tốt hơn thì chắc chắn là cơ hội sẽ tốt hơn rất nhiều.

                * Có thể nói động lực cho nước ta phát triển trong những năm qua đó là xuất khẩu. Nhìn nhận lại những năm ra nhập WTO thì xuất khẩu của chúng ta rất thuận lợi, mặc dù năm 2009, xuất khẩu có bị giảm đi do khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng so với nhiều quốc gia khác thì mức xuất khẩu của chúng ta rất cao. Tuy nhiên, có thể nói là cơ cấu ngành hàng của chúng ta còn hạn chế và trong những năm tới nếu chúng ta không có những thay đổi về chiến lược xuất khẩu thì khó có thể nâng thêm được nữa tỷ trọng xuất khẩu lên. Vậy thì ông đánh giá như nào về vấn đề này và cách thức chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận với chiến lược xuất khẩu, lấy xuất khẩu làm động lực phát triển sẽ phải như thế nào?

- Sự yếu kém trong xuất khẩu của chúng ta đã tồn tại từ lâu rồi và nó bộc lộ ra rõ hơn nữa trong những năm chúng ta hội nhập với kinh tế thế giới nhưng nếu chỉ bó hẹp trong xuất khẩu thì chưa đủ vì điều này liên quan đến toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, mô hình phát triển của chúng ta. Ở đây có mấy khía cạnh về mô hình là vấn đề rất lớn và bây giờ người ta cũng nói rất nhiều về việc tái cấu trúc, chính là ý nói tái cấu trúc mô hình phát triển. Thế thì ở đây những gì yếu kém liên quan đến xuất khẩu thì một là chúng ta phát triển theo chiều rộng rất là nhiều, tập trung rất nhiều đầu tư, rất là nhiều vốn, nhiều nhân công vào sự phát triển. Vốn chúng ta đã huy động đến 42% GDP là mức cao nhất. Hiện nay trên thế giới, có lẽ không thể huy động cao hơn được. Thế nhưng hiệu quả đem lại thì không nhiều. Vốn đầu tư bây giờ thành cái mốt thời thượng, người ta hay nói đến ICOR thì tất nhiên ICOR của chúng ta kém thì cũng có nhiều nhân tố chứ không thể đổ hết cho nền kinh tế không hiệu quả. Cái thứ hai nữa là cơ cấu kinh tế. Trong từng lĩnh vực, ví dụ như trong công nghiệp: công nghiệp chế biến chế tạo lại chiếm tỉ trọng rất ít, công nghiệp khai thác chiếm tỉ trọng rất là cao. Hay là kể cả trong nông nghiệp, chủ yếu đều là nguyên liệu thô. Vậy thì cái đó nó dội vào yếu tố xuất khẩu thôi. Đấy là điều do bản thân cơ cấu kinh tế chưa hiện đại, chưa phù hợp. Cái đầu là mô hình phát triển quá nặng về chiều rộng. Cái thứ hai là cơ cấu chưa phù hợp. Cái thứ ba là mối quan hệ giữa phân bổ thị trường trong nước và ngoài nước thế nào cho hợp lý. Chúng ta hướng mạnh đến xuất khẩu là đúng rồi, vì thu nhập của dân ta còn hạn chế, thế nhưng tỷ lệ đó là bao nhiêu là phù hợp thì cũng là một câu chuyện dài. Chúng ta càng xuất thì lại càng phải nhập nhiều. Như hàng dệt may, bông, rồi vải cũng chẳng có thậm chí cái cúc cũng không có, chỉ cũng không có, chỉ có một ít lao động thôi thì làm sao mà có giá trị gia tăng cao được. Thành thử ra, cơ cấu về phân bổ thị trường cũng là câu chuyện. Thế rồi cơ cấu giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hiện nay doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển rất cao. Doanh nghiệp của nhà nước thì lớn, chiếm những lĩnh vực rất quan trọng nhưng sự đóng góp của mỗi lĩnh vực đó nó như thế nào để cơ cấu kinh tế có lợi hơn… Tất cả đây không phải là câu chuyện cơ cấu xuất nhập khẩu, mà nó là toàn bộ cơ cấu của nền kinh tế. Nếu không có điều chỉnh lại, không có tái cấu trúc lại thì chúng ta sẽ “tắc tịt”, tốc độ có thể vẫn tăng lên nhưng hiệu quả đem lại không tăng hoặc thậm chí thụt đi. Đấy là câu chuyện lớn mà tôi nghĩ là sắp tới chúng ta đang hướng tới Đại hội XI của Đảng, chắc chắn đây là đề tài sống còn vì chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa từ nước thu nhập thấp sang thu nhập trung bình nên chúng ta không chuyển đổi được mô hình phát triển mà vẫn như cũ thì chúng ta tiếng là có thể “nhúc nhích” lên một ít đô la trên đầu người thế nhưng mà hiệu quả mang lại vẫn là thấp.

                * Một thành tựu lớn nữa mà chúng ta nhìn thấy ở đây là việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Rõ ràng trong những năm gia nhập WTO thì vốn thu hút của chúng ta rất nhiều, rất nhiều các dự án lớn được chúng ta cấp phép. Nhưng mà ở đây có câu hỏi đặt ra là tính hiệu quả của những dự án mà chúng ta cấp phép. Bởi vì có nhiều chuyên gia cho rằng nhiều dự án về đất đai là chính và nó không mang lại sự lan tỏa trong nền kinh tế về những công nghệ cao hay là những chất xám khoa học kĩ thuật, những dự án về khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vậy thì ý kiến của ông về vấn đề này là như nào?

- Trước tiên tôi phải nói là chúng ta khẳng định việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà chúng ta gọi tắt là FDI có hiệu quả. Vì nếu nhìn lại sự phát triển kinh tế của chúng ta trong những năm đổi mới từ năm 86 đến nay. Không có cái này thì chắc là chúng ta không có những thành tựu như bây giờ. Tính đến ngày hôm nay thì FDI cũng đóng góp hơn 30% công nghiệp của chúng ta, về thu ngân sách cũng chiếm tỉ trọng trên dưới 10%, đóng góp cho GDP cũng 15-17%, đóng góp cho xuất khẩu hơn 50%... Nếu không có cái này thì có những con số đó không? Chắc chắn là không có. Chúng ta trước hết phải ghi nhận đây là nguồn lực chúng ta không thể bỏ qua, không thể bỏ phí. Vấn đề là chúng ta sử dụng nguồn lực đó như nào thôi. Cũng không thể trách ai được trong những năm tháng ban đầu, kinh nghiệm không có, thế hệ chúng tôi là thế hệ được tiếp cận đổi mới ngay từ đầu. Có biết gì đâu, tôi cũng làm kinh tế đối ngoại ở Bộ Ngoại giao rồi sau làm Bộ trưởng Bộ Thương mại rồi làm ở Chính phủ nhưng mà hiểu biết về thế giới, hiểu biết về cơ chế trên thế giới này: tài chính, tiền tệ, đầu tư…, thấy nó vô cùng phức tạp, mình thì đang thiếu thốn đủ mọi bề. Mình mở ra được như thế thôi cũng hài lòng nhưng mà có biết bao nhiêu điều sau này mới tỉnh ngộ ra. Thế nên là không nên đòi hỏi một sớm, một chiều mọi thứ sẽ ổn thỏa được. Thế nhưng, bây giờ đã đến giai đoạn phát triển mới rồi và mình đã có kinh nghiệm phát triển hơn 20 năm rồi thì đã đến lúc phải chỉnh sửa lại ở cái cơ cấu. Tôi hoàn toàn đồng ý, vấn đề là cơ cấu đầu tư và cơ cấu ấy cho công nghệ chế tạo, chế biến và đã thỏa đáng chưa hay là phần khai thác còn nhiều. Ví dụ như trong lĩnh vực bất động sản, đó cũng là một hình thức kinh doanh. Đừng có thành kiến gì với nó cả. Các nước và ta cũng vậy. Kinh doanh bất động sản là một lĩnh vực bình thường. Vấn đề là cơ chế ở ta như thế nào đó để việc kinh doanh bất động sản đó có lợi cho đất nước ta. Hỗ trợ các doanh nghiệp của ta và chúng ta vẫn tuân thủ các điều luật quốc tế, đấy là vấn đề cần thiết. Và rất đúng khi chúng ta nói việc đầu tư thời gian qua đã đem lại công nghệ cao chưa, thì còn là hạn chế, chủ yếu mới là gia công, rất nhiều doanh nghiệp của ta chủ yếu la gia công: đóng giầy, chế biến, lắp ráp… Chứ còn việc chế tạo thực, kể cả công nghiệp phụ trợ cũng rất là ít. Thế thì ở giai đoạn mới này chúng ta muốn thành nước công nghiệp, muốn thành nước hiện đại thì rõ ràng là phải chỉnh sửa cơ cấu này đi bằng những cơ chế chính sách chứ không phải bằng mệnh lệnh được. Những cơ chế chính sách về thuế, về lãi suất, rồi tất cả những vấn đề kinh tế đó để lái cơ cấu đầu tư của nước ngoài đúng hướng là hỗ trợ công nghiệp chế tạo, chế biến, rồi mang lại công nghệ cao cho đất nước, mang lại giá trị gia tăng cao. Tôi muốn lại nhắc lại rằng, chúng ta phải bằng các biện pháp kinh tế chứ không phải bằng các giải pháp hành chính.

                * Khi mở cửa có một tác động mà nhiều quốc gia đang gặp phải đó là chênh lệch giàu nghèo giữa các tần lớp trong xã hội. Đối với nước ta ông có lo ngại về điều này hay không?

- Lo ngại quá đi chứ. Nếu mà để cho phân hóa giàu nghèo mạnh quá thì sẽ gây ra bất ổn xã hội. Nếu thả lỏng và mặc kệ sự phân hóa đó thì xã hội sẽ bất ổn. Vấn đề là phải tìm ra điểm cân bằng giữa phát triển và công băng. Nghệ thuật của lãnh đạo là tìm được điểm cân bằng ấy.

*Vâng xin cám ơn ông!

Đức Vân

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)