TIN TỨC
TỌA ĐÀM ĐỀ TÀI CẤP BỘ: XÂY DỰNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ KHI TIẾN HÀNH KIỂM TOÁN ĐẦU TƯ CÔNG TẠI VIỆT NAM

(khoahockiemtoan.vn) - Ngày 24/11/2017, Tại Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã tổ chức tọa đàm đề tài cấp Bộ: “Tổ chức kiểm toán đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước không chi  phối ” do PGS, TS. Nguyễn Đình Hòa và Ths. Phan Văn Thường làm đồng chủ nhiệm. Tới dự tại buổi Tọa đàm có các khách mời là các nhà khoa học trong ngành có chuyên môn sâu về lĩnh vực đầu tư công và các thành viên của Ban đề tài.

Sau khi PGS, TS. Nguyễn Đình Hòa trình bày vắn tắt nội dung đang triển khai nghiên cứu của đề tài: một số vấn đề lý luận cơ bản về đầu tư công, Luật Đầu tư công năm 2014, căn cứ xác định, yêu cầu và nguồn tiêu chí đánh giá tính kinh tế, tính  hiệu lực và tính hiệu quả. Các thành viên tham dự tọa đàm đã sổi nổi trao đổi và thảo luận về từng nội dung liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài cụ thể như sau:

 
 

Cần phân biệt rõ “đầu tư công” với “đầu tư tư”, đầu tư công là đầu tư phục vụ mục đích công. Đầu tư phần vốn nhà nước để thực hiện chương trình, dự án. Cần đánh giá một số chương trình, dự án cụ thể để đưa ra được tiêu chí. Đồng thời, cần trình bày các kiến thức nền tảng: tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả. Theo quan điểm của PGS, TS. Đinh Trọng Hanh: tính kinh tế tức là so sánh nguồn lực đầu vào thực tế và nguồn lực đầu vào dự kiến với điều kiện hoàn thành đủ, đúng số lượng chất lượng. Tính hiệu quả là so sánh đầu vào và đầu ra đế đánh giá hiệu quả của việc đầu tư. Tính hiệu lực là mục tiêu đạt được của tổng thể dự án.

 

Cần có cách tiếp cận xác đáng, đánh giá tác động thực của dự án đầu tư công đến GDP. Đồng thời cần xác định các thông tin cơ sở, độ tin cậy của thông tin, sự tuân thủ pháp luật. Trong đó, lưu ý cách tiếp cận không chỉ từ các dự án đầu tư công mà cần lấy thông tin tổng hợp từ các dự án thông thường, từ đó mới so sánh, tính toán dự án đầu tư công có tính hiệu quả, tính hiệu lực và tính kinh tế đạt được như thế nào. PGS, TS. Đinh Trọng Hanh nhấn mạnh với mỗi dự án đầu tư công vào lĩnh vực cụ thể sẽ có tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả khác nhau. Việc phân tích đầu tư công cần đứng trên 2 giác độ: Thứ nhất, việc sử dụng các chỉ số trung gian để tính toán từ đó đưa ra cơ sở phân tích đánh giá đầu tư công – đây là cách tiếp cận của các Bộ ngành khác. Thứ hai, dựa trên các chỉ số đánh giá đầu tư công cần so sánh với kết luận của KTNN.

 

 Việc xác định tiêu chí đánh giá 3Es, cần phải chia theo lĩnh vực cụ thể từ đó mới đưa ra mô hình vận dụng cho các cuộc kiểm toán cụ thể. Đối tượng nghiên cứu phải là tổng hợp các dự án đầu tư công từ nhiều lĩnh vực và các dự án được chọn để phân tích phải là các dự án đã hoàn thành. Phạm vi nghiên cứu trong thời gian thông thường là 3 năm. Từ đó xác định nội dung và xây dựng được tiêu chí kiểm toán. Tiêu chí đánh giá tính kinh tế cần phân định rõ ràng chi phí đầu vào gồm: chi phí trực tiếp, chi phí cơ hội mà cụ thể là chi phí tài nguyên và chi phí xã hội – các chi phí này đều tính toán được. Tính hiệu quả liên quan đến nguồn tài nguyên rồi tính đến hiệu quả xã hội. Đề tài không thể đưa ra bộ tiêu chí chung mà phải hướng đến các tiêu chí theo lĩnh vực.

 

 

Ngược lại, theo TS. Lê Đình Thăng, đề tài cần xác định rõ đối tượng kiểm toán đầu tư công là gì từ đó mới xây dựng tiêu chí. Theo Ông, đầu tư công có 2 cách tiếp cận: cách tiếp cận tổng thể và cách tiếp cận cụ thể. Cách tiếp cận tổng thế dưới giác độ là tiếp cận toàn bộ vốn đầu tư công của Nhà nước. Tiếp cận tổng thể (giả định là nguồn vốn đầu tư công từ NSNN, vay trái phiếu chính phủ và vay khác) các dự án được kiểm toán. Do đó, kiểm toán đầu tư công là kiểm toán nguồn vốn tức là kiểm toán tài chính chứ không phải là kiểm toán tuân thủ. Cần tiếp cận cụ thể 1 số công trình dự án đầu tư công trong lĩnh vực: giao thông, điện lực, thủy lợi. Trong 1 năm nhà nước đầu tư bao nhiêu tiền, vào lĩnh vực nào, công trình nào, thời hạn thực hiện bao lâu, tổng mức đầu tư bao nhiêu, kinh phí phân bổ theo năm và số kinh phí đã thực hiện (các công trình đầu tư công từ cấp huyện trở lên)…Đó chính là các căn cứ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và dựa vào kết quả kiểm toán để KTNN đánh giá.

 

Đồng thời, không có sự phân định rõ ràng 3 tiêu chí kiểm toán tính kinh tế, tính hiệu lực và tính hiệu quả mà chỉ đánh giá chung về dự án đó.

 

Về mặt số liệu nghiên cứu, đề tài không thể lấy từ Tổng cục Thống kê mà phải từ nguồn số liệu của Kiểm toán nhà nước mà cụ thể là thu thập từ các báo cáo kiểm toán…

 

Thay mặt Ban đề tài, PGS, TS. Nguyễn Đình Hòa cảm ơn các ý kiến đóng góp hữu ích và quý giá của các thành viên tham gia ý kiến. Ban đề tài sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến này để làm căn cứ nghiên cứu đề tài. Có thể nói đây là một đề tài khó đối với quy mô một đề tài cấp Bộ. Tuy nhiên, Ban đề tài sẽ nghiên cứu kỹ và tiếp thu các ý kiến này để có được sản phẩm nghiên cứu chất lượng nhất./. 

 

TN

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)